Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
10:16 (GMT +7)

“Chúng ta đã xem chuyển đổi số như một cơ hội để làm mới mình”

LTS: Đi qua mỗi chặng đường, chúng ta thường có thói quen nhìn lại và phân tích, để tạo một tâm thế tốt hơn cho những bước tiếp theo. Năm 2022 vừa qua, có rất nhiều khó khăn cho hoạt động trên các lĩnh vực và văn học nghệ thuật cũng không nằm ngoài điều đó. Cuộc trò chuyện sau đây giữa phóng viên Văn nghệ Thái Nguyên với nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, là những điểm nhìn thấu đáo về một hành trình đầy quyết tâm và nỗ lực của những người làm công tác văn học nghệ thuật. Xin mời quý bạn đọc cùng theo dõi.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên

Thưa nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh! Năm 2022 đã qua, với cương vị là người đứng đầu lĩnh vực văn học nghệ thuật của tỉnh, điều làm bà hài lòng nhất là gì?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Có lẽ chưa khi nào công tác Hội và hoạt động văn học nghệ thuật lại đứng trước những thách thức lớn từ đời sống xã hội, lại đòi hỏi sự sáng tạo để tồn tại và vượt lên như thời gian qua. 

Nhìn lại những gì đã làm trong năm 2022, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà tất cả hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thái Nguyên đều có quyền hài lòng vì chúng ta đã không thụ động chờ dịch bệnh đi qua; đã thực sự thay đổi tư duy và cách làm cũ trong hoạt động hội, đã tiếp cận tri thức mới, nhất là tư duy chuyển đổi số để chủ động thích nghi với hoàn cảnh mới.

Năm 2022 của chúng ta bắt đầu bằng Cuộc thi thơ online “Sống và Hy vọng” có ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống thi ca nước nhà, cùng với một Đêm thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên online để lại những ấn tượng rất tốt đẹp đối với công chúng. Kết thúc bằng chương trình nghệ thuật Hoa Núi, vừa công diễn vừa ghi hình, phát sóng, đem đến những sản phẩm hay, giàu giá trị của các thế hệ nghệ sĩ Thái Nguyên cống hiến cho nhân dân Thái Nguyên và cả nước.

Giữa hai sự kiện đặc biệt này là rất nhiều sự kiện, hoạt động văn học nghệ thuật khác được Hội tổ chức thành công nhờ ứng dụng chuyển đổi số. Đó là Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 27, năm 2022, ghi dấu ấn mạnh mẽ với cộng đồng mỹ thuật khu vực và công chúng tỉnh nhà bằng cả 2 hình thức triển lãm là trực quan và online 3D. Là Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi, là lớp tập huấn “Kỹ năng viết phóng sự - Bút ký”,... thu hút số người tham gia lớn hơn những năm trước.

Đặc biệt là những nỗ lực to lớn của tập thể Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Với mong muốn đưa văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, những loại hình báo chí điện tử như: Emagazine, Audio,Video được đầu tư sản xuất và quảng bá đã xuất hiện ngày càng nhiều, có những tác phẩm thu hút số lượng người quan tâm rất lớn. Nhưng rất ít người biết rằng Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã gần như “tay không bắt giặc” khi thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất báo chí hiện đại. Không thiết bị thu phát, không phòng bá âm, không đủ nhân lực cho một Tòa soạn điện tử chuyên biệt. Vậy mà bằng sự tìm tòi, chia sẻ và đồng hành vượt khó, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí đã cống hiến cho công chúng những những sản phẩm đa phương tiện đặc sắc.

Múa "Gọi hoa" do sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật "Hoa Núi" năm 2022. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn

Vâng, chuyển đổi số, đó là một câu chuyện đang được quan tâm và nhắc đến rất nhiều với những tín hiệu vui. Và Hội VHNT Thái Nguyên cũng đã nhiều lần được nhắc đến trên các diễn đàn của các cơ quan báo chí lớn như VOV, Truyền hình Nhân dân, v.v.. Nhà thơ có thể chia sẻ, động lực nào để Hội ta có thể làm được những việc mà giới sáng tác thường không mấy quan tâm?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Khi nhận ra rằng chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền từ trung ương đến địa phương mà còn là cuộc cách mạng của toàn dân trong đó có văn nghệ sĩ, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã xác định phải coi việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một nhiệm vụ, một nghĩa vụ của mình. Văn nghệ sĩ Thái Nguyên không thể đứng ngoài cuộc khi cộng đồng đang tiến mạnh mẽ về cái đích xã hội số. Lãnh đạo Hội cùng đội ngũ cộng sự của mình đã từng bước xây dựng chủ trương đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn học nghệ thuật trên cơ sở từng bước gắn với công cuộc chuyển đổi số.

Điều quan trọng nhất là chúng ta đã xem chuyển đổi số như một cơ hội để làm mới mình, để phát triển, chứ không phải là một thách thức không thể vượt qua.

Và khi xác định hướng đi như vậy, bà có chút ngại ngần nào không, bởi Hội vốn mỏng về đội ngũ và thiếu thốn về thiết bị?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Chúng ta đều thấy rõ rằng, công cuộc chuyển đổi số nói riêng, đổi mới hoạt động văn học nghệ thuật và công tác Hội nói chung từ những bước đầu tiên đã đặt ra những điều kiện mang tính thách thức to lớn. Đó là: tài chính, cơ chế và con người. Một nguồn tài chính cần thiết để mua sắm trang thiết bị và chi trả nhân công, một cơ chế phù hợp để vận hành, và quan trọng nhất là nguồn nhân lực, bao gồm nhân lực chuyên nghiệp và nhân lực lãnh đạo điều hành. Cả ba điều kiện trên đều là những thách thức lớn đối với hệ thống các Hội VHNT, trong đó có chúng ta.

Mặc dù vậy, như các cụ nói, “cái khó ló cái khôn”. Trong hoàn cảnh khó khăn của mình, chúng ta đã lựa chọn cách đầu tư trọng điểm, ưu tiên những phần việc phù hợp, thực hiện từng bước. Ban đầu là tự đào tạo đội ngũ của mình để chuyển đổi nhận thức, tiếp đó mời giảng viên, chuyên gia về huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ. Thiếu con người, thiếu thiết bị thì mời các cá nhân và các tổ chức chuyên nghiệp hơn mình hợp tác để học hỏi kinh nghiệm, đặt hàng sản phẩm... Ở các chi hội cũng có sự chuyển đổi tích cực. Nhiều người tự mày mò học hỏi rồi truyền đạt lại cho những người khác cách thức sử dụng công nghệ để sáng tạo và quảng bá tác phẩm, sử dụng các ứng dụng hội họp...

Quan trọng nhất là chúng ta, từ Ban Chấp hành, các chi hội, hội thành viên, đến cán bộ nhân viên cơ quan thường trực đã đồng tâm, đồng lòng trên hành trình đổi mới phương thức hoạt động của Hội gắn với chuyển đổi số. Một hành trình chưa phải là dài, nhưng những kết quả bước đầu như những mùa trái ngọt của sự đồng lòng ấy đã truyền cảm hứng rất lớn cho nhiều người và cá nhân tôi. Tôi thực sự cảm động khi nghĩ về những cán bộ, nhân viên, hội viên không quản vất vả ngày đêm để đảm nhiệm công việc được giao, nhất là khi chúng ta tổ chức các sự kiện VHNT lớn, tương tác với một lượng công chúng rất lớn mà không để xảy ra sơ suất đáng kể nào. Ban Chấp hành Hội cảm ơn các anh các chị nhiều lắm!

Một tiết mục nghệ thuật trong buổi Tổng kết và công bố kết quả Cuộc thi thơ "Sống và Hy vọng" năm 2022. Ảnh: Thanh Lên

Vậy là, sự đồng lòng chính là chiếc chìa khoá vạn năng để mở mọi cánh cửa. Qua những chia sẻ của bà, có thể nhận thấy sự hài lòng về những cộng sự rất nhiệt huyết và tận tuỵ đó. Xin chúc mừng Hội mình đã có được sự hậu thuẫn thật đáng mừng như vậy! Nhưng cũng xin hỏi, bên cạnh những thuận lợi chắc hẳn vẫn có những thách thức chứ, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Vâng, những gì đã làm được mới chỉ là bước đầu. Quá trình đổi mới đòi hỏi sự kiên trì, năng lực sáng tạo cùng với khả năng tận dụng những thuận lợi và tháo gỡ các khó khăn. Trong hoàn cảnh hiện tại, mặc dù luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ban, sở ngành hữu quan, nhưng việc tự thân tháo gỡ những khó khăn về con người, tài chính và cơ chế, với chúng ta là điều bất khả thi. Bởi vì, về mặt nhân lực, các Hội VHNT dù được Nhà nước giao nhiệm vụ nhưng biên chế rất ít và thiếu cơ chế cho phép huy động nguồn nhân lực bên ngoài, dẫn đến thiếu nhân lực nghiêm trọng, nhất là nhân lực có trình độ công nghệ thông tin và hiểu biết VHNT. Về mặt tài chính, khả năng tự chủ hạn chế khiến các Hội khó có thể huy động được nguồn tài chính từ xã hội, cộng đồng.

Tập thể lãnh đạo Hội đã có phương án gì cho những thách thức đó, thưa bà?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Cho dù còn nhiều thách thức như vậy, nhưng Hội VHNT Thái Nguyên chúng ta vẫn phải xác định: Tiếp tục xem ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số như một nhiệm vụ, một nghĩa vụ của cơ quan đại diện cho toàn thể văn nghệ sĩ Thái Nguyên. Từ đó, thường trực Hội là trung tâm chỉ đạo, kết nối các hội, chi hội thành viên trong những chương trình, hoạt động, việc làm cụ thể, để tạo sự kết nối - lưu giữ - chia sẻ thông tin, tài nguyên, giá trị sáng tạo của văn nghệ sĩ trong một môi trường mới bên cạnh môi trường truyền thống. Tùy theo tình hình thực tiễn của Hội mình mà lựa chọn cách đầu tư ưu tiên phù hợp, thực hiện từng bước các hình thức sáng tạo, phổ biến và lưu trữ tác phẩm VHNT trên các nền tảng số. Đẩy mạnh hoạt động của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử, làm cho Văn nghệ Thái Nguyên thực sự là một phương tiện hữu hiệu để giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật cùng các giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương Thái Nguyên đến với các cộng đồng hoạt động văn học nghệ thuật và công chúng trong nước, một bộ phận người Việt ở nước ngoài.

 Chúng tôi cũng hết sức mong muốn các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương… chia sẻ với đời sống VHNT tỉnh nói chung, Hội VHNT tỉnh nói riêng bằng chủ trương, chính sách và những hành động thiết thực cụ thể; dành sự quan tâm thỏa đáng cho việc xây dựng và phát triển nền VHNT tỉnh bằng chủ trương, cơ chế chính sách tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động VHNT trên cơ sở từng bước gắn với công cuộc chuyển đổi số.

Vậy, nhìn vào đội ngũ cộng sự và lực lượng văn nghệ sĩ, nhìn vào những thành quả của năm 2022 và những năm trước đây, Chủ tịch có nhận định gì cho tương lai?

Tôi vừa nói nhiều về chuyển đổi số trong hoạt động của Hội chúng ta. Nhưng phải nói với nhau thế này cho rõ: Dù xã hội số phát triển đến thế nào thì con người vẫn luôn là nhân tố quyết định. Chuyển đổi số chỉ tạo ra cơ hội để cho văn nghệ sĩ tiếp cận đời sống số, sáng tạo và quảng bá tác phẩm một cách thuận lợi và bình đẳng nhất, chứ không thay thế được sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Những giá trị văn học nghệ thuật nhân văn nhất, hữu ích nhất vẫn phải do văn nghệ sĩ sáng tạo ra, và cống hiến cho nhân dân mình. Và tổ chức Hội vẫn phải do hội viên xây dựng mà thành.

Vì thế, tôi luôn có cảm xúc hào hứng và ấm áp khi nghĩ về đội ngũ cộng sự và lực lượng văn nghệ sĩ của Hội. Sao lại không hào hứng khi nghĩ về lớp hội viên sáng lập Hội đến nay vẫn nguyên vẹn tấm lòng trong sáng chân thành, về các lớp hội viên kế tiếp sung sức và miệt mài sáng tạo, về lớp hội viên trẻ đã lựa chọn gắn bó với Hội bằng niềm tin yêu và trân trọng.

Sao lại không ấm áp khi nghĩ về một cơ quan thường trực chỉ có hơn chục người, từ đầu năm đến cuối năm ngập trong công việc Hội và Tạp chí, hầu như không ai nghỉ phép, lại không được hưởng tiền làm thêm giờ vì nguồn cấp từ ngân sách tính trên đầu người không đủ chi..., nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao ở mức tốt nhất.

Sao lại không hào hứng và ấm áp khi nghĩ về các anh chị lãnh đạo Chi hội và Hội thành viên, các Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ “ăn cơm nhà, làm việc Hội”, đến Hội thân tình và trách nhiệm như về nhà, luôn đồng tâm hiệp lực với Thường trực Hội để có những quyết định đúng đắn, sáng tạo, đem lại sự phát triển đáng tự hào trong thời gian qua.

Có một đội ngũ như vậy, tôi tin Hội của chúng ta sẽ vững vàng đi về phía trước, sẽ có những cống hiến mới cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, góp cùng cả nước những việc làm sáng tạo trong hoạt động Hội.

Vâng! Chặng đường phía trước vẫn nhiều gập ghềnh, nhưng với những người có thiên hướng sáng tạo và yêu thích cái đẹp thì chắc những trở ngại đó sẽ không nao núng được họ. Tôi tin là thế. Rất cảm ơn cuộc trò chuyện đầy thú vị nhân dịp đầu Xuân Quý Mão này. Xin chúc nhà thơ dồi dào sức khoẻ để tiếp tục chèo lái con thuyền văn nghệ, chở những tinh tuý của tâm hồn trên dòng sông sáng tạo, góp phần làm cho đời sống tinh thần của nhân dân Thái Nguyên ngày một sung túc thêm. Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ!

Huệ Minh (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy