Thứ ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024
20:36 (GMT +7)
KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 – 21/6/2020)

Chung sức nâng cao chất lượng Văn nghệ Thái Nguyên

Đôi lời bộc bạch

Tôi nhận trách nhiệm làm Tổng Biên tập từ ngày 1/4/2020, nghĩa là mới chỉ được hơn 2 tháng. Môi trường mới, công việc mới, đương nhiên là bỡ ngỡ và cũng không ít khó khăn. Tôi nhớ như in câu nói của Chủ tịch Hội Nguyễn Thúy Quỳnh cách đây khoảng 1 năm (khi đó là Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên) lúc gặp gỡ, đặt vấn đề tôi chuyển về làm Tổng Biên tập: Văn nghệ Thái Nguyên rất “kén” người, nhưng em tin anh sẽ làm được!

 

 

Thực ra, tôi mới có kinh nghiệm làm báo trong hơn 6 năm làm Trưởng Đài TT-TH Sông Công, nghĩa là “còn non lắm”! Nhưng đổi lại, gần 14 năm công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cho tôi nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trong đó có công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Phong cách làm việc tâm huyết, tỷ mỉ của tôi cũng phù hợp với công việc làm báo. Trước đây, có đôi lúc còn bị phê bình là “quá cầu toàn”, nhưng thực ra, đó là cá tính. Tôi tâm niệm “Được mắt ta, ra mắt người”, ít nhất phải mình thấy đạt đã, thì xã hội mới có thể chấp nhận.

Những ưu điểm mà tôi tự nhận thấy trên đây, xin gom gộp, dành hết cho Văn nghệ Thái Nguyên, tờ báo tôi luôn có thiện cảm suốt gần 20 năm qua!

Sẽ “neo đậu” vào cộng tác viên!

Báo Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) hiện không có biên chế phóng viên, đây là điểm không giống với những tờ báo khác trong “làng báo”. Trong khi đó, chất lượng bài vở đăng trên VNTN đang tiếp tục đòi hỏi phải giữ vững và nâng cao hơn nữa, chứ không thể “giảm tiêu chuẩn”, vì tờ báo đã gây dựng được uy tín, có vị thế trong làng báo chí văn nghệ của cả nước. Như vậy, rõ ràng là VNTN phải “bám chặt” vào cộng tác viên, nhất là những người đã có “thâm niên” cộng tác với báo, những cộng tác viên viết chuyên sâu ở các lĩnh vực, thuộc các vùng, miền trong nước và cộng tác viên ở nước ngoài.

Việc giữ liên lạc, mối quan hệ và đề xuất nội dung đặt bài được Tòa soạn đặt ra thường xuyên với đội ngũ biên tập viên, với yêu cầu phải xây dựng được kế hoạch hằng tháng, tránh bị động cho cả hai phía. Quá trình biên tập tiếp tục có sự liên hệ, trao đổi để nâng cao chất lượng bài vở, tránh sơ xuất, nhất là những vấn đề về chính trị, vấn đề bản quyền… Thực tế, gần đây đã có bài “lên khung”, sau đó biên tập viên đề nghị cắt bớt phần nội dung không trọng tâm, nhưng tác giả không đồng ý, do vậy phải bỏ lại.

Đội ngũ lãnh đạo (đồng chí Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập và Thư ký Tòa soạn) thường xuyên duy trì mối liên hệ với các cộng tác viên, nhất là những “Cây đại thụ” về thơ, văn, lý luận phê bình… mang tầm quốc gia. Khi tác phẩm của những tác giả này hiện diện trên mặt báo VNTN, chẳng những thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của đông đảo độc giả, mà còn giúp các hội viên và tác giả trong tỉnh có dịp học hỏi, nâng cao trình độ, khả năng sáng tác của mình. Đó cũng là động lực để tác giả trẻ, những cây bút mới và cả những hội viên, cộng tác viên trong tỉnh đang còn “đuối tầm” phải phấn đấu, cố gắng nâng mình lên.

Nói như vậy, không có nghĩa là VNTN đặt ra tiêu chuẩn quá cao để rồi “loại” cộng tác viên trong tỉnh ra khỏi “sân chơi”. Nhiều tên tuổi của Thái Nguyên vẫn xuất hiện đều đặn trên Báo: Hồ Thủy Giang, Nguyễn Đức Hạnh, Phan Thái, Vũ Kim Khoa, Gia Bảy, Minh Hằng, Nguyễn Minh Trọng, Trần Thị Nhung, Phạm Văn Vũ, Trần Cầu, Phan Thức,… và cả hội viên của các Hội VHNT địa phương, như Trần Quang Tiến, Trần Giáp, Phạm Khắc Mã, Bách Hợp Hoa, Dương Công Sự… Quan điểm của Tòa soạn là: luôn ưu tiên tác giả trong tỉnh, tác giả là hội viên nếu tác phẩm đạt chất lượng. Việc đánh giá chất lượng cũng đòi hỏi biên tập viên phải công tâm, không vì “cái tên” mà làm ảnh hưởng đến việc đánh giá nội dung của tác phẩm. Hiện tại, Tòa soạn đang khuyến khích các tác giả mới, tác giả trẻ, thậm chí sinh viên mới ra trường tham gia cộng tác với Báo và trên cơ sở kết quả cộng tác đó để tuyển chọn, bổ sung nhân lực cho cơ quan Thường trực Hội và Tòa soạn.

Nhìn về tương lai

Hiện nay, Tòa soạn VNTN đang tiến hành soạn thảo 2 đề án trình Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Một là, Đề án chuyển đổi từ Báo VNTN thành Tạp chí VNTN; hai là, Đề án thiết lập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử. Việc phát triển từ Báo và trang web của Báo để trở thành Tạp chí VNTN điện tử là một bước tiến mới nhằm theo kịp báo chí thời đại công nghệ 4.0. Ở môi trường mạng, sẽ có cơ hội quảng bá thông tin, tác phẩm văn học nghệ thuật hơn rất nhiều so với loại hình ấn phẩm in truyền thống. Không những số lượng tác phẩm được giới thiệu có thể tăng lên (không lo “chật” đất), thậm chí có thể mở chuyên mục giới thiệu tác phẩm đã đoạt giải, tác phẩm được nhiều người yêu thích (tác giả tự nguyện tham gia với mục đích quảng bá tác phẩm, không đặt vấn đề nhuận bút). Bên cạnh đó, khai thác các tác phẩm ca nhạc, video, phóng sự ảnh… vốn là thế mạnh của môi trường số; khai thác việc kết nối (link) với các báo, tạp chí khác để cùng nhau chia sẻ, giới thiệu tác phẩm đến đông đảo công chúng... Thực tế, ngày nay các báo in đều phải tận dụng lợi thế của môi trường mạng để quảng bá cho tờ báo của mình. Tuy nhiên, để được cấp phép thành lập tạp chí điện tử đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe, có những nội dung dường như vượt quá chuyên môn của Tòa soạn, nên cần sự trợ giúp thêm từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Đối với tạp chí in, việc chuyển đổi là bắt buộc theo Quy hoạch báo chí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặc dù cho đến nay, chưa có quy định rõ ràng về loại hình tạp chí và phân biệt sự khác nhau giữa báo và tạp chí, nhưng tựu trung lại, theo cách hiểu thông dụng nhất hiện nay: Tạp chí đi sâu vào các nội dung về nghiên cứu, lý luận, nghiệp vụ thuộc phạm vi, chức năng hoạt động chuyên ngành. Nghĩa là, với Tạp chí VNTN thì đó là những thông tin, bài viết về lý luận, phê bình; các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhưng, ở một khía cạnh khác, các thông tin, bài viết trên đều là sự phản ánh cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề mà văn nghệ sĩ, độc giả quan tâm, dưới “lăng kính” văn học nghệ thuật, với hình thức thể hiện vô cùng phong phú (truyện, bút ký, phóng sự, tản văn, thơ, hội họa, nhiếp ảnh…). Do vậy, về cơ bản, những nội dung này đang hiện hữu trên các trang báo Văn nghệ Thái Nguyên. Bởi thế, sự thay đổi có thể nói là không lớn.

Dẫu cho có sự chuyển đổi hình thức thể hiện từ báo in sang tạp chí, song khi trở thành tạp chí, về cơ bản các nội dung hiện nay vẫn được duy trì, phát triển. Đây cũng là thách thức, là cơ hội để Tòa soạn, các cộng tác viên, các tác giả có tác phẩm gửi đăng nâng cao hơn về chất lượng; rõ ràng, chuẩn xác hơn về thể loại. Tạp chí VNTN vẫn chọn con đường phát triển là hướng đến độc giả, giữ vững uy tín với bạn đọc gần xa, đồng thời nâng cao hơn về chất lượng, nhất là với các bài viết chuyên ngành và các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, song một trong những giải pháp để Tòa soạn nâng cao chất lượng ấn phẩm, đó là sự thay đổi ở từng phóng viên, cộng tác viên, biên tập viên. Theo tôi, cần thực hiện tốt 3 chữ “Tâm”: Quyết tâm, Thực tâm và Tận tâm. “Quyết tâm” là yếu tố tư tưởng, tinh thần. “Thực tâm” là phương châm hành động. “Tận tâm” là cấp độ của hành động. Nó mang tính tự giác và ở cấp độ cao nhất.

Nguyễn Du đã từng nói: “Ðã mang lấy Nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần đất xa/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Hy vọng, với sự chung sức, đồng lòng của Tòa soạn, của đông đảo cộng tác viên và sự ủng hộ của bạn đọc gần xa, Văn nghệ Thái Nguyên sẽ vững vàng bước tiếp khi được chuyển thành Tạp chí.

 

Nhà báo TRẦN VĂN THÉP, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy