Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
16:27 (GMT +7)

Chung chiêng hẻm cụt

Truyện ngắn. Văn Thành Lê

VNTN - Hẻm cụt. Sâu hun hút. Có nhõn căn nhà mẹ chủ và ba phòng trọ cho thuê. Lại một chiều. Nghĩa là chỉ đủ rộng cho một xe máy hoặc xe đạp đi. Không thể tránh nhau chứ đừng nói vượt mặt nhau trong hẻm. Trừ khi là đi bộ.

Nhìn từ ngoài đường lớn vào, hoặc từ trên cao xuống, cảm giác hai ngôi nhà lớn mặt tiền, là công ty lẫn lộn hộ gia đình, kéo dài song song ra sau, như muốn ăn tươi nuốt sống con hẻm. Nhưng nuốt không trôi, phải nhè ra, là mẩu thịt thừa nở hậu đủ cho căn nhà và ba phòng trọ.

Riêng bảng đánh số ở đầu hẻm chẳng thua nơi nào. Bảng nền xanh chữ trắng. Có logo thành phố ở trên. Thô và rối. Chắc mấy bác lớn lúc duyệt logo chỉ nhìn vào phong bì đi phía cửa sau chứ không nghe lời phán của mấy vị có chuyên môn. Nhưng quên chuyện ấy đi. Quan trọng là trên bảng có dòng chữ Hẻm 69. Số quá đẹp. Xoay 180 độ vẫn thế. Xoay 90 lại càng đẹp. Úp ngửa nghiêng ngả kiểu gì cũng dính với nhau như đôi sam. Dễ gợi cho đám trẻ ranh tò mò chuyện người lớn nhiều liên tưởng phấn khích.

Ngày tôi tới ở trọ trong hẻm, khuân đồ vào phòng, ngồi chưa ráo mồ hôi thì hàng xóm qua, chắc nhìn thấy máy ảnh tôi để trên bàn, nói:

“Chú mày là dân chụp ảnh à? Vậy nghệ sĩ cả. Phải có những thằng như bọn mình hẻm này mới thành hẻm văn hóa được”.

Hỏi chuyện, té ra lão là tay thổi kèn trong đội nhạc hiếu phục vụ các đám tang. Lão trú ngụ ở hẻm đã được nửa năm. Vì được vợ phóng thích. Can tội ở đám tang, khi vợ lão đang dàn dụa nước mắt khóc trong vai người khóc thuê thì lão chu mỏ phồng má thổi kèn lại đong đưa mắt với góa phụ.

“Nghệ sĩ phải tự do mới sáng tạo được”.

Lão vớt vát thế.

May là lão còn có khoản trợ cấp thương binh 2/4 hằng tháng để lo tiền phòng trọ và duy trì năng lượng tối thiểu qua ngày mà... sáng tạo. Chứ không biết lấy nguồn nào tái tạo năng lượng, khi đấy sáng chưa tạo tối đã tịch thì nguy.

 **

Ba phòng trọ. Ngoài phòng lão thổi kèn và phòng tôi, còn lại là phòng của đôi bạn trẻ làm nghề hát dạo bán kẹo buổi tối ở các quán nhậu. Lão thổi kèn gọi là anh em nghệ sĩ đường phố. Có thật anh em không? Tôi không chắc. Trông hai người như từ hai nguồn gene khác nhau. Chẳng dây mơ rễ má gì. Hai kiểu hình lệch tông nhau một trời một vực.

Kinh nghiệm ở phòng trọ của tôi, nội ô đã trải ngoại ô đã từng, là không nên tò mò để ý quá sâu phía sau cánh cửa phòng của người khác. Loe ngoe chẳng được gì. Có khi rước họa. Nhưng dẫu rước họa tôi vẫn gọi hai người hát dạo là cặp đôi chứ không phải anh em như lí lịch tự khai của cu em với lão thổi kèn.

Nhờ cặp đôi cu em hát dạo mà hẻm sinh động hẳn lên, chẳng thua gì mấy siêu thị điện máy, trung tâm điện lạnh, cửa hàng điện thoại, lẫn shop thời trang mặt tiền ngoài phố. Ấy là khoản âm thanh. Buổi tối cả hai đi làm không nói. Chứ sáng ra, cỡ chín mười giờ cục cựa dậy, việc đầu tiên của cu em là rửa tai bằng âm nhạc trước khi đánh răng. Bolero lâm li bi đát mùi mẫn lẫn nhạc trẻ remix xập xình lạo xạo nghe mà lục phủ ngũ tạng như muốn tập thể dục theo.

Lão thổi kèn có vẻ tự hào, bảo:

“Hẻm mình đủ món, cả nhạc dân tộc truyền thống hàng nghìn năm vật lộn đến nhạc tân thời hội nhập đổi mới”.

Lấy hơi xong, lão tiếp:

“Thêm chú mày biết lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nữa. Hẻm mình vô địch!”.

 **

Mẹ chủ sống một mình, trong căn nhà sát phòng lão thổi kèn. Sáng sáng chiều chiều phụ trách quán bún thịt nướng đầu hẻm. Trước khi ra hẻm đã kịp hun khói cả ba phòng bằng màn nướng thịt.

Trước, khu này là bãi rác ngoại ô. Cả nhà mẹ chủ lê la khắp nơi tung hoành, chán thì về dựng lều đóng cọc định cư ở đây. Ở lâu thành nhà. Bãi rác được chính quyền hốt đi, đẩy ra xa hơn. Thành phố mở rộng. Lấn dần. Nhà cửa lấn át. Bê tông lấn át. ép trước ép sau. Nhà mẹ còn mẩu đất vụn đủ làm nhà và ba phòng trọ. Vợ chồng mẹ không gan cóc tía có khi bị nuốt chửng luôn rồi.

Đang yên đang lành, 5 năm trước chồng mẹ theo gái đi mất tăm mất dạng. Thằng con trai theo đám bạn chích choác sốc thuốc quá cảnh sang thế giới người hiền bên kia. Chẳng biết có thành người hiền được không? Hay lại làm loạn cả bên đấy. Nhà mẹ âm u. Toàn âm nên u u. May thay đứa con gái còn kiếm được mảnh chồng ở cách hẻm không xa.

Lão thổi kèn kể. Vach vách y như người trong nhà mẹ, như ma xó.

“Bố thích mẹ à?”. Tôi hỏi lão.

Lão cười hinh hích. Miệng chu ra như đang thổi kèn.

“Thích thì nhích”. Tôi thúc.

“Thiếu món ấy đếch sáng tạo được. Chú mày thấy tao kết luận đúng không?”.

“Đúng quá” - Cu em đường phố đế theo - “Giải phóng năng lượng mới thăng hoa được. Hát cũng thế. Bận nào kiêng khem là giọng như dế liền”.

**

Thực ra tôi chẳng phải nghệ sĩ nhiếp ảnh, như lời lão thổi kèn phong. Tôi chỉ là thằng viết báo dạo. Đụng đâu viết đấy. Không phải ai được ấp trong lò báo chí ra cũng thành nhà báo quyền lực thứ tư. Tài cán chừng mực. Nỗ lực vừa phải. Tôi chỉ dừng ở mức kiếm đủ miếng nhét miệng và trả tiền phòng trọ kiểu dè xẻn. Đôi khi có tí hơi men sừng sừng lên cũng tưởng mình sinh nhầm thời, tự cảm thán nếu ở thời cụ Trương Vĩnh Ký chắc giờ đã được giáo trình lịch sử báo chí nước nhà điểm tên. Khốn khổ thân trai!

Được cái, thời nay có cái hay của thời nay. Giờ báo lá cải mọc sum sê. Giấy lẫn mạng. Báo giấy bấy đủ đường. Báo mạng văng mạng đủ kiểu. Tin ảnh gì cũng lên tất. Chỉ cần giật gân. Mỗi tội nhuận bút thấp. Chẳng sao. Có còn hơn không. Có còn hơn không. Ông Nguyễn Tất Nhiên đã nói trúng phóc như vậy từ lâu rồi.

Cái máy ảnh cùi bắp của tôi là kết quả ki cóp từng đồng nhuận bút từ hồi sinh viên. Trước khi vào tay tôi, không rõ “cô ả” đã qua tay bao nhiêu người? Tôi không bận tâm. Cũ người mới ta. Máy chỉ là một phần. Ăn nhau ở não bộ. Đâu phải ai giơ máy lên đều thành nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Thời giờ người đeo máy trước ngực đông như cào cào châu chấu trên ruộng lúa nếp. Toàn hàng khủng. Nghe giá là muốn sún đái. Phần đa chỉ biết giương máy rồi bấm. Chính xác là bắn. Tách. Tách. Tách. Bắn liên thanh. Lấy cả tảng cả đống. Không cần hiểu sáng tối với nhá nhem, đường nét bố cục với điểm nhấn đặc tả. Không cần biết góc nhìn với độ tương thích, ý tưởng với thông điệp... Muốn lung linh huyền ảo hơn đã có cậu Thomas Knoll với phần mềm xử lý ảnh photoshop thần thánh.

Đám đông mới lớn thấy ảnh rực rỡ là bu vào. Toàn các em xinh long lanh lóng lánh. Đong đưa hô hố khen. Đảo điên háo hức hẹn. Thế là thành mẫu. Thế là tha hồ thả ga ngắm gái xinh nõn nường. Thế là đụng tay đụng chân chấn chỉnh tư thế. Thế này thế nọ. Hết em này đến em khác. Em là hiện thân của cái đẹp, của nghệ thuật. Chúng ta tôn vinh cái đẹp, tôn vinh nghệ thuật. Mệt bở hơi tai chứ đùa à. Rồi anh lựa thế đè cái đẹp đè nghệ thuật ra mà khám phá, mà tìm hiểu cho cặn kẽ thấu đáo, khiến cái đẹp nảy mầm và nghệ thuật sinh chồi non lộc biếc.

Là nói về sự đông đảo phấn khích của đám chân yếu tay mềm và khả năng chớp thời cơ của các tay máy. Chứ tôi chẳng may mắn có được diễm phúc ấy. Lo miếng ăn đã bạc mặt. Hơi đâu đánh đu theo các em vắt mũi chưa sạch mà số đo ba vòng đã vào thế vượt ngưỡng ấy.

**

Tưởng chọc chơi. Hóa ra lão thổi kèn hào hứng với mẹ chủ thật. Nhìn cung cách sáng bún thịt nướng chiều thịt nướng bún trưa lôi kèn chĩa sang phía nhà mẹ chủ tò te tí te là hiểu. Trần đời, từ lúc cha mẹ cho tôi một hình hài, tôi chưa may mắn được chứng kiến, cũng chưa gặp sách vở nào bày kỹ năng tán gái bằng chiêu dùng kèn đám ma. Nghe ai oán não nề sướt mướt hơn cả mùa Ngưu Lang - Chức Nữ cặp kè đánh quả.

Kể ra, nội chuyện lão dám thích mẹ chủ đã là quả cảm và liều lĩnh. Trông lão như dải khoai lang héo. Như mới bước thẳng một bước từ mùa hè đói năm Ất Dậu 1945 về hẻm này. Như chính chiếc kèn gầy heo hắt giắt cạp quần bao năm của lão. Mẹ chủ ngược lại, trông phốp pháp màu mỡ như cây xúc xích Đức. Khúc nào khúc nấy, nần nẫn. Nhiều lần lão đưa bún nhầm lên mũi chỉ vì cây xúc xích ấy.

“Bố! Bảo trọng với sợi bún. Tính nhắm mồi bằng mẹ à mà mắt lồi ra như cú vọ thế”.

Tôi đi ngang, tiện thể thọc gậy bánh xe.

Lão nhìn tôi, nháy mắt, ánh mắt long lanh như của con đực vào mùa đạp mái. Nhưng mẹ chủ thì không. Giọng mẹ có quãng rộng, the thé, kiểu vắng hơi chồng đã lâu nên cứ loãng lếch, cộng với lẫn lộn l và n, lại nhịu từ nồn.

“Ranh con nồn. Náo nồn. Đi nhanh cho bà bán nồn. Sáng ra đã ám nồn”.

“Dạ. Chào bố mẹ con đi. Mẹ bán nồn hay bán bún? Phải chính xác rõ ràng. Bố con nhầm còn được chứ khách nhầm thì chết…”.

“Cha bố nồn. Biến!”.

Tôi co cẳng chạy. Vừa chạy vừa nhảy lên tránh nửa viên gạch chỉ mẹ chủ tặng theo. Hút chết. Quen rồi. Như phản xạ có điều kiện. Lão biết tôi chỉ như chất xúc tác cho hai người. Chả vậy mà lão tiễn tôi bằng nụ cười răng xỉn, tít mắt, ra chiều vừa ý lắm.

**

Bữa ấy trời mưa. Mưa từ chiều vắt ngang sang tối. Cặp đôi cu em đường phố nghỉ chạy show. Lão lụp xụp áo mưa đi từ ngoài hẻm vào, tay phải giơ cao đùm ni - lông tay trái giơ vỏ chai cocacola 1,5 lít, miệng hô vang khẩu hiệu, như lãnh tụ:

“Mưa quá! Nghệ sĩ toàn hẻm liên hiệp lại!”.

Lột áo mưa, rũ rũ quăng đại vào góc, lão xộc thẳng vào phòng tôi. Đùm ni lông là lòng lợn. Chai cocacola đựng rượu. Tôi đưa cho lão đĩa và chén, nói:

“Bố bày giúp con. Con chạy ra chỗ mẹ xem còn gì ủng hộ luôn. Mưa thế này chắc chưa hết”.

Tôi khuân được vài miếng thịt nướng với rau sống và bún vào, cu em đường phố vừa kịp qua. “Em” của nó đang đắp mặt nạ trùng tu mặt tiền phụng sự cái đẹp nên chi viện cho âm nhạc chứ không sang. Trời mưa nghe Bolero thì thẩm thấu còn say hơn rượu.

Rượu vào lời ra.

Cu em hát dạo nói, làm nghệ thuật không thể lừa dối và không bao giờ sống bằng lòng thương hại của người khác. Nhiều đứa hát dạo nhưng đóng giả mù với khuyết tật để bán hàng. Nó không. Nhất định không làm trò ấy. Con em nó phải đẹp phải rực rỡ phải sống động phải bốc lửa để bán kẹo. Chẳng tội vạ gì diễn trò. Nó không biết cách “đẹp” của con em cũng là một kiểu trò!

Lão kể lão nghệ sĩ từ trong máu. Thời bộ đội lão là linh hồn tinh thần của đơn vị. Mỗi lần nghỉ giữa đường hành quân hay sau mỗi trận đánh, kể cả trong trạm xá quân y, lão đều là trung tâm.

“Chính ủy cũng xê ra. Xê ra nhé”. Lão nhấn mạnh.

“Chỉ cần tao độc tấu hài thì cả đám cười ngặt nghẽo, mệt mỏi tiêu tan, tinh thần lên cao chót vót”.

“Đàn ca sáo nhị tao thạo cả cây. Hiện đại như ác - coóc - đê -  ông tao dập đến nơi đến chốn. Đáng lẽ tao vào đoàn văn công tổng cục rồi, bét cũng phải văn công quân khu. Nhưng lúc ấy nhớ hậu phương quá. Tao về. Sợ chim cuồng lại tha hóa biến chất. Thời ấy để chim tha hóa thì không có đất nào chứa”.

Lão kể. Chiếm hết diễn đàn. Mặt rất phởn. Như hào quang đang tỏa ra, đặc quánh lại.

“Thế mà hậu phương dám cho bố ra riêng à?”. Tôi tiếp lửa.

“Nghệ sĩ dễ yếu lòng. Dễ xúc động. Có vậy mới thăng hoa. Mà đàn bà thì ghen. Chẳng sao. Cô đơn mới sáng tạo được.”

“Thế bố lăm le mẹ chủ làm gì?”. Cu em hát dạo hỏi.

“Thằng này yếu. Phải học hỏi nhiều nữa mới thành người được, mới phụng sự cái đẹp được. Cô đơn chứ không cô độc. Nhé!”.

Cứ thế. Lão, cu em hát dạo và tôi, kẻ tung người hứng. Cơn mưa trôi đi tuồn tuột. Đoạn, lão lôi kèn và cu em hát dạo lôi guitar ra, song tấu. Thề, chưa bao giờ tôi được nghe màn song tấu đặc biệt đến thế. Đụng vào nhạc, tôi thành người thừa,

...bèn vác máy ảnh ra nháy, một già một trẻ, một kèn đám ma một guitar hát dạo.

 **

Trưa trật. Con gái mẹ chủ lê xác về. Mặt hằm hằm nặng trịch. Rồi ở lại hẳn trong nhà. Không về nữa.

Lão cập nhật tin với tôi.

“Nó vừa bụp chát với chồng. Bắt quả tang chồng với bồ trai dưới gái trên, nhảy vào tưởng nắm thế thượng phong, ai ngờ lại bị cả hai ghen ngược, phải đi chấn thương chỉnh hình.”

“Con tưởng trai trên gái dưới?”

“Trai dưới gái trên. Mà ai trên ai dưới chẳng được. Giờ đàn bà toàn kéo nhau đi làm lãnh đạo đấy.”

Con gái mẹ chủ căm thù đàn ông cả thế giới này, không ngoại trừ lão. Thấy lão lấm lét lăm le mẹ, nó hằm hằm, nhiều hôm bóng gió.

“Cẩn thận. Không bà thiến. Láo nháo cho đi cả củ”. Nó vừa nói vừa vung dao xuống miếng thịt, pha thịt để nướng.

“Lũ đàn ông chỉ để nướng. Nướng hết. Không đáng bằng miếng thịt tăng trọng”.

Lão nghe. Giật mình thon thót.

Giật mình. Nhưng một liều ba bảy cũng liều.

Tối ấy trăng sáng vằng vặc. Lão thập thò lên xuống thang, dán mắt vào miếng cửa chớp trên cao của nhà tắm chĩa sang khu 3 phòng trọ. Bỗng nghe tiếng “Á” của lão. Tiếp nữa là “á. Nồn nồn. Bớ người ta. Nồn. Bắt lấy. Nồn”. Giọng mẹ chủ the thé mà vang thấu con hẻm. Lão luống cuống rớt thang cái bịch.

Tôi đang thử máy ảnh với mấy mẹo chụp ban đêm mới học lỏm trên mạng, loáng thấy con gái mẹ ra, người căm thù đàn ông ấy, đang cầm dao chặt thịt. “Bỏ mẹ, mình đứng đây có khi dính dao không chừng”. Con nhỏ chẳng bao giờ hỏi trước hỏi sau. Cầm dao là nó vung. Giết nhầm còn hơn bỏ sót. Tôi hô chạy thôi. Ra hẻm không kịp. Chỉ còn nước như ông lão ở Thạch Hào được Đỗ Phủ mách nước cho vượt tường trốn. Phía bên kia tường rào là gì tôi không biết. Chỉ biết không có con nhỏ với lưỡi dao sắc lẻm. Tôi bật một cú như mèo. Cheo leo trên bờ rào. Lão bật nhưng không tới điểm bám, dội ngược lại.

“Chờ tao. Kéo tao với. Anh em nghệ sĩ liên hiệp lại.”

Lúc ấy, cu em hát dạo chưa đi làm, bộ loa đang phát oang oang lời ca: “Anh xin đưa em về, về quê hương yêu dấu, anh xin đưa em về, về quê hương tuyệt trần, đèn trăng treo tuốt trên cao, ánh sao chiếu muôn ngọn nến, lập lòe đôm đốm hoa đăng rước dâu em đi vào làng.” Cũng trăng cũng sao nhưng tôi phải rước lão qua tường rào.

**

Tấm ảnh tôi chụp màn song tấu của lão và cu em hát dạo, chó ngáp phải ruồi sao đó, ẵm ngay giải nhất cuộc thi ảnh dành cho các tay máy trẻ. Tại buổi trao giải, thánh nhân đãi kẻ khù khờ, tôi gặp được lời mời về một tờ báo làm việc. Chấm dứt quãng thời gian chạy lung tung vắt mũi bỏ miệng với báo dạo.

Khi tôi rục rịch dọn đồ để chuyển phòng tiện cho đi lại với cơ quan làm việc, thì tay đàn ông cao to râu ria phong phú vào hẻm, bước rất dứt khoát, đĩnh đạc. Đang tự hỏi không biết là ai, vào đây có việc gì, thì con gái mẹ chủ bước ra, tay lăm lăm dao lọc thịt như sinh ra để giành cho nó, rất hợp.

“Còn dám dẫn xác đến đây à? Thích kiểu gì?”.

Con gái mẹ chủ nói rồi dứ dứ dao lên. Mẹ chủ lạch bạch chạy theo sau:

“Ôi trời nồn. Bình tĩnh nồn. Làng lước nồn cứu con tôi”.

Cả xóm trọ, bốn người ngơ ngác nhìn ra, chưa kịp nghĩ phải làm sao thì, tên râu xồm quỳ ngay xuống trước mặt mẹ con mẹ chủ, nước mắt chảy. Trông điệu bộ tương phản với ngoại hình đến buồn cười.

Được lúc, lão qua phòng tôi, rỉ vào tai:

“Xuôi rồi. Con bé theo chồng về nhà rồi. Mai tao chuyển hẳn lên nhà trên với mẹ mày”.

“Ơ! Bố cán đích rồi à? Du kích hồi nào không báo cáo gì cả. Có vẻ như xấu dây mà tốt củ nhỉ?”.

“Chuyện! Bố mày đã ra tay thì cơm phải thành cháo con ạ”.

“Mừng cho bố. Nhưng bố nhớ thành cháo rồi, ăn cháo xong thì rửa bát chứ đừng đá bát đấy”.

“A! Thằng láo. Mày không bỏ được tật thọc gậy bánh xe à?”.

Tôi nhanh chân kịp nhảy ra ngoài, lên nhà trên nói chuyện trả phòng với mẹ chủ.

Tối ấy mọi người tụ tập ở phòng tôi, làm lễ đưa hơi cay qua miệng tiễn tôi rời hẻm. Cuộc này có cả mẹ chủ. Vui hơn hội. Cu em hát dạo nói, sắp tới sẽ làm chuyến xuyên Việt. Ở thành phố này nhẵn mặt quá rồi. Với lại, tranh thủ đi, đi đến đâu hát đến đấy, cho biết với người ta, ở một chỗ tù chân hại cẳng lắm. Lão vỗ đùi đánh bốp, nói phải lắm, tuổi trẻ phải thế, nghệ sĩ phải thế, người ta gọi đấy là du ca.

Sau cùng là màn song tấu kèn đám ma của lão và guitar của cu em hát dạo. Hay lạ lùng. Tiết mục độc nhất vô nhị.

Đêm chung chiêng. Hẻm 69. Ngày mai tôi sẽ rời đi sớm. Nhưng con hẻm đã kịp thành một phần ký ức của tôi.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước