Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:25 (GMT +7)

Chùm truyện ngắn của nhà văn Hồ Thủy Giang

Anh hùng đáy giếng

Một hôm Ếch bảo Nhái Bén: - Này chú Nhái Bén, cớ sao ta trông to lớn, nhẵn nhụi, cuộc sống lại vẫy vùng nơi đồng ruộng, ao sâu mà loài người lại không coi ta bằng thằng Cóc xù xì, suốt ngày chui gầm giường nhỉ?

Nhái Bén gầy gò, nhỏ thó nhưng nổi tiếng tinh ranh. Nghe đại ca Ếch than phiền, nó liền nói lấy lòng:

- Thưa, có ai dám coi đại ca không bằng thằng Cóc đâu ạ.

- Thì đấy, con người gọi thằng Cóc là “cậu ông giời”, còn ta thì họ coi là “ếch ngồi đáy giếng”.

Nhái Bén gật gù:

- Đại ca nói cũng có lí. Như vậy quả là bất công. Đại ca để em vào xóm Người một phen hỏi cho ra nhẽ.

Nhái Bén đi ít ngày rồi trở về, hí hửng nói với Ếch:

- Thưa đại ca, chuyện là thế này. Chẳng qua cứ mỗi khi trời sắp mưa, thằng Cóc mắc chứng đau xương nghiến răng kèn kẹt. Con người nhân chuyện ấy bèn tưởng tượng ra một câu chuyện rồi gán cho thằng Cóc là “cậu ông giời”. Chuyện chỉ có thế chứ họ chẳng tôn sùng gì thằng Cóc đâu ạ.

Ếch thích chí:

- Thật thế sao? Vậy mà tao cứ tưởng… Hóa ra họ khen đểu. Con người quả là ghê gớm.

- Vâng! Rất ghê gớm. Chuyến đi vừa rồi em mới phát hiện ra loài người có một sức mạnh rất khủng. Đó là sự tưởng tượng.

Ếch trợn tròn mắt:

- Tưởng tượng? Nó là cái quái gì vậy? Ta chưa nghe thấy thứ đó bao giờ. Nhưng mà thôi, con người không coi ta kém thằng Cóc là ta mãn nguyện rồi.

Nhìn vẻ dương dương tự đắc của Ếch, Nhái Bén đế thêm:

- Thưa đại ca, từ xưa đại ca và em nghe câu “ếch ngồi đáy giếng” là mới nghe một nửa. Hôm vào xóm Người, em được nghe đầy đủ câu nói ấy là “ếch ngồi đáy giếng coi giời bằng vung”. Như vậy, rõ ràng họ muốn tôn đại ca thành một anh hùng rồi còn gì. Dám coi giời bằng vung có phải chuyện thường đâu.

Ếch nghe Nhái Bén nói chẳng hiểu mô tê gì nhưng trong lòng cảm thấy rất sung sướng.

- Hay lắm! Nhưng ta cần làm gì để có thể coi giời chỉ bằng cái vung thôi nhỉ?

Nhái Bén vặn vẹo thân hình xanh lè, giọng uốn éo:

- Dễ ợt! Dễ ợt! Con người nói “ếch ngồi đáy giếng coi giời bằng vung” có nghĩa là đại ca phải xuống ngồi ở đáy giếng thì mới trở thành anh hùng được.

- Đúng vậy! Chú quá thông minh. Ta đi thôi.

Thế là Ếch và Nhái Bén cùng bồm bộp nhảy ra cái giếng đầu làng. Phóc! Ếch vội vã lao xuống đáy giếng trong một niềm đam mê và hi vọng.

Sau một hồi ngó nghiêng, Ếch tìm được một cái hốc nhỏ, chui vào. Nó ngồi chồm hỗm ngước nhìn lên và thích thú reo:

- Ha ha! Đúng rồi! Giời chỉ bằng cái vung thôi. Ta đã nhìn thấy giời chỉ bằng cái vung rồi. Ha… ha… Ta là một anh hùng!

Nhái Bén từ một cành cây cao ghé mắt nhìn xuống, cười toe toét:

- Chà chà! Sự tưởng tượng của đại ca Ếch cũng chẳng kém con người là mấy.

Nghĩ bằng bụng và thở bằng lưỡi

Một buổi trưa khi đã kiếm ăn no kễnh bụng, bọn chim ăn hại tụ tập trên một cây gạo ở đầu làng kháo chuyện ầm ĩ. Quạ khoang liến thoắng:

- Quái lạ! Quái lạ! Hôm nào tao cũng thấy bọn học sinh trong xóm đeo ba lô qua đây. Không biết chúng học để làm gì mà không chịu bỏ một buổi nào? Theo tao thì học không có ích gì hết. Như chúng ta đây, cứ ăn no lại bay nhảy thỏa thích có hơn không.

Vẹt hưởng ứng lời Quạ:

- Bác Quạ nói chí lí, chí lí! Học có ích gì đâu. Tớ chả cần học buổi nào nhưng ai nói gì tớ cũng bắt chước được hết. Vậy mà bọn học trò ấy cứ phải học đi học lại mãi mới thuộc bài. À, nghe đâu chúng lại còn phải suy nghĩ ghê lắm.

Cắt Vằn, một loại chim nổi tiếng hôi hám từ nãy đến giờ vẫn đứng cù rù ở hốc cây, thấy vậy, liền lên tiếng:

- Ồ! Ồ! Cậu Vẹt, cậu nói cái gì mà nghe khó hiểu thế? Suy nghĩ à? Suy nghĩ là cái quái gì thế? Có ăn được không? Mà chúng suy nghĩ bằng cái gì nhỉ?

Vẹt tỏ vẻ ta đây hiểu biết:

- Thằng Cắt Vằn đến là ngu. Suy nghĩ bằng bụng chứ bằng cái gì nữa. Bọn mày chưa nghe loài người thường nói: “Nghĩ bụng thế này, nghĩ bụng thế kia” à?

Lũ chim, đứa nào cũng sợ bị Vẹt chê là ngu nên tranh nhau kêu toáng lên:

- Anh Vẹt nói đúng. Anh Vẹt nói đúng. Nghĩ bằng bụng chứ bằng cái gì nữa. Có thế mà không hiểu hả cậu Cắt Vằn?

Bói cá vốn là loài chim phớt đời, chỉ chuyên rình mò thấy mồi là chảo chớp. Nó không cần biết con người nghĩ bằng gì nhưng cái nghề ngụp lặn thường làm nó sặc nước, khó thở, nên từ ngọn cây cũng chõ mỏ xuống hỏi bằng một giọng khò khè:

- Thế còn thở. Thở bằng cái gì hả chúng mày?

Sáo đen vội vàng thé thé tranh khôn:

- Thở bằng lưỡi chứ bằng cái gì. Chúng mày không thấy khi thở, lưỡi chúng ta luôn động đậy à?

Lũ chim tán thành ngay lời Sáo nói. Thật mỉa mai thay, tất cả bọn chúng đều không biết là mình có mũi. Vì mũi của chúng chỉ là hai cái lỗ toen hoẻn nằm sát mắt nên khó thấy.

Từ đó, cứ vào mỗi buổi trưa, khi đã ăn no kễnh bụng, lũ chim “không thèm học” ấy lại tụ tập trò chuyện huyên thuyên. Và bao giờ sau những cuộc tán dóc, chúng cũng cố đứng cho ra vẻ ngay ngắn, theo sự cầm càng của thằng Vẹt, đồng thanh đọc đi đọc lại cái “phát minh” mà chúng cho là vô cùng vĩ đại:

- Nghĩ bằng bụng và thở bằng lưỡi! Nghĩ bằng bụng và thở bằng lưỡi!

Đứa nào cũng cố gào to nhất để tỏ ra mình tài giỏi nhất.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy