Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
07:25 (GMT +7)

Chuẩn bị “khai sinh” ba đặc khu, đại biểu Quốc hội vẫn không ngừng lo lắng

VNTN - Thời hạn sử dụng đất 99 năm sẽ tạo cho những tổ chức, cá nhân nước ngoài các quyền pháp lý độc lập mang tính sở hữu về đất đai và lãnh thổ hơn là tạo mặt bằng để đầu tư và kinh doanh đơn thuần...


Đó là một trong những lo lắng lớn nhất được đại biểu Quốc hội phân tích, mổ xẻ khi thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trong phiên toàn thể giữa tuần qua tại nghị trường.

Đây là dự án luật được nhấn đi nhấn lại là rất đặc biệt, nhằm chuẩn bị "khai sinh" ba đặc khu đầu tiên tại Việt Nam. Nếu được đa số đại biểu Quốc hội nhấn nút tán thành thì luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tiên của năm sau, mùng 1 tháng 1 năm 2019. Nghĩa là chỉ có khoảng nửa năm nữa, các đặc khu sẽ chính thức ra đời.

Đại biểu Quốc hội của ba tỉnh được chọn để xây dựng đặc khu đều được đăng đàn tại phiên thảo luận, dù thời gian không đủ cho toàn bộ số người đăng ký phát biểu.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, bà Đỗ Thị Lan cho biết, trong 6 năm vừa qua thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quảng Ninh cũng đã thực hiện rất nhiều các giải pháp để khi Quốc hội quyết định ban hành luật cũng như có nghị quyết về thành lập đặc khu, sẽ có thể triển khai để thực hiện được ngay. Cho đến nay, Quảng Ninh đã đầu tư 150km đường cao tốc kết nối thuận lợi giữa Hạ Long với Vân Đồn, cũng như là với Hải Phòng, Hà Nội để rút ngắn thời gian, khoảng cách về giao thông, xây dựng cầu Bạch Đằng, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và tiếp tục chuẩn bị cho khởi công đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng số vốn đầu tư các dự án hạ tầng trên địa bàn lên tới gần 100.000 tỷ. Tỉnh này cũng đã chuẩn bị các nội dung liên quan để cho phương án tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu cũng như thực hiện các giải pháp để xây dựng hoàn thành quy hoạch đặc khu để khi có luật là có thể triển khai thực hiện được ngay.

Liên quan tới đặc khu Bắc Vân Phong, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) thông tin, cho tới giờ này thì Khánh Hòa cùng với các bộ, ngành Trung ương đã chuẩn bị đầy đủ tất cả các nội dung liên quan, đang chờ Quốc hội thông qua luật để triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) - nơi được chọn lập đặc khu Phú Quốc thêm một lần kiên trì đề nghị bổ sung dịch vụ tài chính -ngân hàng vào ngành nghề ưu tiên cho nơi này. Đồng thời, chỉnh sửa quy định để người đứng đầu các đặc khu thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu ba nơi dự kiến lập đặc khu đều mong chờ luật được thông qua ngay kỳ họp này, các đại biểu tỉnh, thành khác cũng đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, nhưng lo ngại vẫn còn không ít.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) thì cho dù đã có chủ trương thành lập các đặc khu thì trách nhiệm của Quốc hội vẫn phải là thiết kế luật và các nghị quyết về ba đặc khu đảm bảo chủ trương đó được thực hiện thắng lợi cao nhất, vì lợi ích tối ưu của đất nước và nhân dân.

Bởi, "qua thực tiễn nhiều nước khác và của chính nước ta, nhiều dự án có chủ trương đúng nhưng lại thất bại gây nhiều tổn thất, thậm chí thảm họa do khâu tổ chức, thực hiện. Khi kiểm điểm hay xét xử trước tòa những người phụ trách thường nêu lý do quá nôn nóng hay chạy theo thành tích", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Lo lắng của vị đại biểu Tp.HCM được đặt ra trong bối cảnh Việt Nam dành ra nhiều ki lô mét vuông đất liền và hàng chục ngàn ki lô mét vuông vùng biển với những tài nguyên thiên nhiên thuộc loại giàu đẹp nhất của Việt Nam và thế giới để mời gọi đầu tư. Tại những khu vực này nhà nước đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng, theo số liệu từ các đề án thì sẽ còn phải đầu tư tiếp hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó sự đóng góp không nhỏ của ngân sách nhà nước. Chẳng những thế, sự ưu đãi hào phóng về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về các sắc thuế như đề xuất của các bộ ngành và địa phương cũng chính là những khoản đầu tư tài chính cực lớn từ ngân sách. Rồi sự di dời hay ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn dân ở ba khu vực trên đều phục vụ cho các nhà đầu tư của ba đặc khu này.

Cử tri chờ đợi các đại biểu Quốc hội phân tích và trả lời chính xác câu hỏi: Chúng ta hy sinh với những ưu đãi để được những lợi ích gì, bao nhiêu, và cho ai? Ngoài bài toán kinh tế, chúng ta sẽ được và mất những gì về văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng?, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Đề cập vấn đề từng gây nhiều tranh luận về thời hạn sử dụng đất (theo dự thảo mới nhất thì trường hợp đặc biệt được đến 99 năm) đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) kiên trì đề nghị cần cân nhắc thêm và cần làm rõ thế nào là trường hợp đặc biệt.

"Vì theo thông lệ chung của thế giới 99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người, có hàm ý pháp lý là sự tô nhượng hay trao quyền sở hữu đối với lãnh thổ. Trong điều kiện các quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở rộng theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thực chất điều này sẽ tạo cho họ các quyền pháp lý độc lập mang tính sở hữu về đất đai và lãnh thổ hơn là tạo mặt bằng để đầu tư và kinh doanh đơn thuần", đại biểu Hà lập luận.

Lo ngại của vị đại biểu Lào Cai còn ở chỗ, để huy động vốn đầu tư thì các nhà đầu tư sẽ sử dụng chính các quyền sử dụng đất được cấp miễn phí nhưng có giá trị thương quyền lớn để thế chấp vay vốn, khi đó từ góc độ tài chính một dự án đầu tư công nghiệp có thể bị sự hấp dẫn của các yếu tố kinh doanh bất động sản chi phối, làm cho biến dạng với mục tiêu cam kết ban đầu.

Nhấn mạnh là hoàn toàn tán đồng với phân tích của đại biểu Lê Thu Hà, "ông nghị" Dương Trung Quốc cho rằng cần hết sức thận trọng. Vì, "Chúng ta là những người đương đại, liệu có thể đại diện cho thế hệ 100 năm nữa không".

Đại biểu Dương Trung Quốc "Chúng ta là những người đương đại, liệu có thể đại diện cho thế hệ 100 năm nữa không".

Ngoài những nội dung trên, băn khoăn của các vị đại diện cho dân còn ở chỗ mô hình chính quyền đặc khu tưởng là đột phá như đề xuất ban đầu, sau nhiều lần bàn thảo lại quay về mô hình truyền thống. Rồi quy hoạch, các chính sách ưu đãi hay ngành nghề kinh doanh có điều kiện... đều cần phải bàn thêm nữa.

Có rất nhiều nội dung cần phải giải trình, tiếp thu để hoàn thiện dự án luật, nhưng Quốc hội, dường như đã sẵn sàng bấm nút quyết định sự ra đời ba đặc khu đầu tiên của Việt Nam.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy