Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
00:28 (GMT +7)

Chuẩn bị cho một Hành trình mới

VNTN - Cuối tháng này, vào ngày 29/12/2020, sau khi phát hành số báo 52 (1046) - số báo cuối cùng - Báo Văn nghệ Thái Nguyên sẽ chia tay bạn đọc với tư cách là một tờ báo để chuyển sang loại hình tạp chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Tòa soạn đã làm gì và sẽ làm thế nào cho Hành trình mới là đôi điều tôi xin chia sẻ trong bài viết này.

Chuẩn bị đón “bước nhảy”

Gần 30 năm tồn tại, phát triển (từ số báo đầu tiên phát hành vào tháng 6/1991), cho đến ngày chấm dứt hoạt động, Báo Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) đã cho ra mắt độc giả 1.046 số báo.

Nhìn lại quãng đường đã qua, xin không liệt kê ra đây những thăng trầm hay sự nỗ lực cố gắng gây dựng, tạo “thương hiệu” tờ báo của đội ngũ cán bộ, nhân viên Tòa soạn, mà tôi chỉ xin phác họa đôi nét về những việc mà Báo đã làm được, định vị được “chỗ đứng” trong làng báo chí văn nghệ cả nước, nhất là sự quan tâm, yêu mến của độc giả.

Tổng Biên tập Báo VNTN phát biểu tại Hội nghị Cộng tác viên ngày 24/11/2020
Tổng Biên tập Báo VNTN phát biểu tại Hội nghị Cộng tác viên ngày 24/11/2020

Tuy không chiếm nhiều dung lượng, nhưng các bài viết mang tính thông tấn, báo chí luôn hiện diện trên từng số báo. Đây là điểm khác biệt cơ bản với một tạp chí chuyên ngành, và Báo VNTN đã làm tốt điều đó. Hướng tới nhu cầu hưởng thụ tinh thần của Nhân dân, tờ VNTN không chỉ truyền tải các giá trị văn hóa, văn nghệ thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, mà rộng hơn, đã trực diện đi vào cuộc sống với những bài viết, ký sự, phóng sự đậm chất báo chí. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương và cả nước; bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo… đã được chú trọng tuyên truyền và luôn “ẵm” giải trong các cuộc thi báo chí của tỉnh, của trung ương.

Còn đối với mảng văn học nghệ thuật, VNTN đã có một sức vươn rõ rệt. Báo đã đăng tải một số lượng lớn các sáng tác văn học nghệ thuật, là kết quả sáng tạo của các văn nghệ sĩ Thái Nguyên và cả nước. Các trang chuyên ngành như sáng tác văn học, nghiên cứu - trao đổi, văn học nước ngoài, nghệ thuật… luôn nhận được sự cộng tác tích cực của các thế hệ hội viên, cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật - PGS,TS Cao Thị Hồng, nguyên Phó Trưởng khoa Báo chí, Truyền thông và Văn học, Đại học Khoa học (ĐHTN): Đến nay, Văn nghệ Thái Nguyên là một trong số ít (có thể nói là rất ít) những tờ văn nghệ địa phương có chất lượng cao, thu hút sự quan tâm của độc giả, nhất là đối với các nhà nghiên cứu VHNT và giới văn nghệ sĩ trong cả nước. Chỉ nhìn vào những “tên tuổi lớn” trong và ngoài nước thường xuyên gửi bài đăng trên báo này cũng thấy rõ sức mạnh của “cục nam châm” văn đàn ấy.

Thật lòng mà nói, từ biệt một tờ báo đã có uy tín, đang có chất lượng tốt như vậy, đối với cán bộ, nhân viên Tòa soạn, những người đã dày công chăm chút “đứa con tinh thần” của mình, không thể nói là không bùi ngùi, tiếc nuối.

Chuyển sang Tạp chí không hẳn là làm cho VNTN yếu đi, mà ngược lại, rất có thể đó là một hướng đi hay, thậm chí còn mang đến một vận hội mới để VNTN tiến xa hơn nữa. Vấn đề là ở chất lượng của ấn phẩm. Theo PGS,TS Hà Huy Phượng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đây là tạp chí chuyên biệt, có chức năng thông tin chỉ dẫn - giải trí về lĩnh vực VHNT (tin tức, phản ánh hoạt động VHNT, giới thiệu tác giả, tác phẩm VHNT, cung cấp tri thức, lý luận phê bình VHNT, giải trí, thư giãn…), vì vậy phải làm cho VNTN trở thành một “đặc sản” dành cho giới văn nghệ sĩ và những người yêu VHNT trong và ngoài tỉnh đọc.

Để đón vận hội ấy, Hội VHNT đã giao cho Tòa soạn Báo xây dựng đề án sao cho vừa khoa học, nghiêm túc, vừa phù hợp thực tiễn của địa phương và phát huy tối đa những gì mà Báo VNTN đã đạt được. Đề án được xây dựng trên tinh thần tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi đã xây dựng từ năm 2019; tiếp thu có chọn lọc các kế hoạch, đề án thành lập Báo VNTN, Trang Thông tin điện tử của Báo trước đây; tham khảo các đề án thành lập, chuyển đổi… của các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh; tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu trong hội thảo, hội nghị do Hội tổ chức. Đặc biệt, Tòa soạn đã đề xuất và được Hội chấp thuận cho xây dựng, trình xin cấp phép cùng lúc 2 đề án: Chuyển đổi Báo VNTN thành Tạp chí VNTN và Thiết lập Tạp chí VNTN điện tử. Việc thiết lập tạp chí điện tử là đón trước xu thế của cách mạng 4.0, mở ra một hướng tiếp cận mới, tận dụng được môi trường hoạt động “không giới hạn” trên không gian internet, với một lượng đông đảo độc giả thuộc thế hệ mới, yêu công nghệ và cả những người chỉ có thói quen “lướt web”, “xem mạng” ở thời đại “Số”... Dù công việc không hề đơn giản, nhất là các quy định về thể thức, nội dung, đặc biệt là những vấn đề chuyên sâu về Luật Báo chí, thuật ngữ chuyên ngành báo chí, xuất bản, công nghệ thông tin, cách diễn đạt các vấn đề về chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật sao cho gãy gọn, không “chệch” ra ngoài quy định của luật pháp… tất cả cứ như một ma trận, song với sự cố gắng và sự giúp sức của nhiều người, 2 đề án nói trên đã được gửi đi đúng hạn, đảm bảo chất lượng.

30 ngày đếm ngược

Công tác chuẩn bị của VNTN đã hoàn tất, chỉ còn đợi “giờ G” để đón một “bước nhảy” mới, vững vàng tiến vào “làng” tạp chí VHNT cả nước!

Kể từ ngày phát hành số báo này (01/12/2020), còn lại đúng 1 tháng hoạt động của Báo. Để chuẩn bị cho tâm thế “làm” tạp chí, Tòa soạn đã có nhiều lần họp bàn, vừa để giúp cho cán bộ, nhân viên thông suốt về tư tưởng, đổi mới về tư duy, vừa từng bước định hình rõ về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí VNTN cũng như nhiệm vụ cụ thể của mỗi người.

Nội dung Tạp chí in không có sự thay đổi quá nhiều về các chuyên mục, nhưng một số chuyên mục mới hứa hẹn sẽ đem lại sự hấp dẫn đối với độc giả. Về hình thức thể hiện, với quy cách mới chắc chắn việc trình bày sẽ thoáng hơn, cỡ chữ lớn hơn, dễ đọc hơn, sử dụng nhiều ảnh, nhiều minh họa… hy vọng sẽ làm hài lòng độc giả mến mộ VNTN.

Song song với đó là việc vận hành và phát huy tác dụng của Tạp chí VNTN điện tử. Để thực hiện ứng dụng hiệu quả các kỹ năng làm Tạp chí điện tử đang là thách thức lớn đối với Tòa soạn VNTN, nhất là trong điều kiện không có biên chế phóng viên. Tòa soạn đã nhiều lần cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn kỹ năng làm báo điện tử nhằm sẵn sàng cho việc vận hành Tạp chí VNTN điện tử. Ngay sau khi chuyển đổi xong báo in sang Tạp chí in, việc thiết kế, vận hành, quản lý Tạp chí VNTN điện tử sẽ được Tòa soạn từng bước thực hiện.

Theo ý kiến kết luận của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh tại Hội nghị Cộng tác viên ngày 24/11 vừa qua, Hành trình mới đã mở ra, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Độc giả và các cộng tác viên cùng đồng hành với Tòa soạn thì nhất định chúng ta sẽ đi đến thành công. Cho dù là báo hay tạp chí, thì VNTN vẫn phải lan truyền cho được tinh thần “Nhân văn, Trí tuệ và Phát triển”. Hành trình mới của VNTN cũng là hành trình mới của nhân loại (cách mạng công nghiệp 4.0; trạng thái bình thường mới sau COVID…), của đất nước trong một thập kỷ (2021 - 2030) và của địa phương (bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX).

Vận hội đang hứa hẹn, song khó khăn, thách thức cũng đang chờ sẵn. Dù thế, chiếc “đồng hồ đếm ngược” đã bắt đầu khởi động! Với tâm thế sẵn sàng, chủ động, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử sẽ ra mắt độc giả đúng hẹn; hy vọng sẽ hay và hấp dẫn bạn đọc ngay từ khi kích hoạt (tạp chí điện tử) và từ số đầu tiên (tạp chí in).

Nhà báo Trần Văn Thép, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy