Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
11:36 (GMT +7)

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Cường: Trăn trở tự tâm, vì trách nhiệm với cái đẹp

VNTN - Yêu và say nghề như “kẻ mộng du”, lúc nào gặp cũng thấy ông chăm chỉ, bộn bề giữa căn phòng ngồn ngộn bản vẽ, mô hình những công trình, những đô thị. Tôi ngưỡng mộ và quý trọng kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường không chỉ ở tài năng, mà còn ở sự khiêm nhường giản dị, ở một lẽ sống giản đơn nơi ông: cho đi là hạnh phúc!


Tôi nhớ những lần gặp gỡ trong lúc ông bận bịu, nhưng bận bịu một cách nhẹ nhàng, đầy say mê. Điều ấy khiến tôi nghĩ, Nguyễn Văn Cường không chỉ là một “nhà thơ” của bê tông gạch đá, ông còn là người “giữ lửa” nghề rất tài tình…

KTS. Nguyễn Văn Cường: Tôi là người luôn “sống và yêu” theo quan niệm đơn giản “Hạnh phúc đi suốt hành trình cuộc sống của mỗi con người”. Làm nghề kiến trúc nhưng ngày bé khái niệm kiến trúc trong tôi rất mơ hồ, chỉ biết rằng nó gần với vẽ, mà tôi lại rất thích vẽ từ thuở ấu thơ. Sống ở làng quê, ngồi trên lưng trâu tôi vẽ những thứ thân thuộc gần gũi quanh mình. Sau này thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc, được học hành bài bản, rồi bước ra đời sống đi làm, tôi hiểu kiến trúc sư là người kiến tạo ra giai điệu, vần thơ của đường phố, đô thị, thổi hồn vào sắt thép bê tông. Tôi say và yêu nghề nhiều khi như kẻ mộng du, cứ một mình với những bản vẽ, đồ án… Chẳng tài tình gì trong chuyện giữ lửa nghề như bạn nói đâu, mà đơn giản có cái sự bận bịu nhẹ nhàng, đầy say mê ấy là bởi tôi luôn nuôi sự đam mê kiến trúc có trong con người của mình. Làm kiến trúc là nghề có thể để lại nhiều sản phẩm phục vụ cuộc đời, và ở môi trường ấy tôi luôn được thể hiện mình, cống hiến những kiến thức, những trải nghiệm mình có, đóng góp được cho cộng đồng, cho xã hội.

Tôi thì luôn nghĩ thế này, người biết “giữ lửa” là người giàu ý tưởng. Ông đã làm nghề và sống sung túc nhờ nghề, là mẫu hình gia đình nghệ sĩ tài năng, ổn định…, tôi rất muốn nghe ông chia sẻ về cách mà ông kết hợp làm nghệ thuật và kinh tế?

KTS. Nguyễn Văn Cường: Bạn nói đúng, về việc tôi đã làm nghề và sống tốt nhờ nghề. Kiến trúc sư trước hết phải là nhà khoa học, là người sáng tạo, nên phải có trách nhiệm với sự phát triển kinh tế xã hội. Tôi là người góp tay xây dựng nhiều mô hình sản xuất, góp phần để lao động nghệ thuật thành hàng hóa phục vụ con người, phục vụ cuộc sống, tạo ra thu nhập cho mình. Khi có ý tưởng sáng tạo mà nghĩ đến hiệu quả của nó với xã hội, cộng đồng, trong đó có hiệu quả kinh tế, thì tự khắc hai thứ đó sẽ có những tác động tích cực với nhau.

Kể một ví dụ nhỏ thế này để minh chứng, năm 2014, một nhà tài trợ Nhật Bản dự kiến xây dựng một trường mầm non ở xóm Xuất Tác (Phương Giao, Võ Nhai), ban đầu họ thuê kiến trúc sư ở Hà Nội thiết kế nhưng không đạt tiêu chí. Tình cờ thế nào họ tìm đến tôi, cũng chỉ làm việc qua email, tôi vẽ và gửi cho họ. Bản vẽ của tôi được chấp thuận vì được đánh giá đồ án có tính thẩm mĩ cao, sau đó họ còn tin tưởng giao luôn phần xây dựng cho tôi thực hiện. Công trình đã hoàn thành, bàn giao năm 2015, được đánh giá tốt, người Nhật sang rất hài lòng và họ hứa hẹn sẽ tiếp tục đầu tư tiếp những công trình tương tự. Thiết nghĩ rằng khi nghệ thuật mình làm tốt, thì nó mở ra cơ hội làm kinh tế, chỉ vậy thôi.

 

Không chỉ làm công việc chuyên môn, hiện nay ông còn là giám đốc Công ty Tư vấn kiến trúc, quản lý và tạo việc làm cho nhiều người. Để tạo được môi trường lý tưởng và thu hút, ông đã, đang làm những gì?

 

KTS. Nguyễn Văn Cường: Muốn quản lý doanh nghiệp phải đánh giá bức tranh môi trường doanh nghiệp mình, xem đã và đang làm được những gì; phải xem xã hội cần gì chứ không chỉ bán thứ mình có. Công ty Tư vấn kiến trúc chính thức hoạt động từ tháng 6/1999, với mục đích tạo quỹ hoạt động cho Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên. Hiện nay công ty có hơn 60 người, trong đó riêng đội ngũ chuyên kiến trúc trên 10 người, làm các loại dịch vụ về tư vấn xây dựng như: khảo sát xây dựng, lập quy hoạch, thiết kế công trình…. Đây cũng là môi trường để các Kiến trúc sư được sáng tác, được tăng thu nhập bằng con đường làm nghề.

Để làm tốt vai trò người quản lý, chèo lái “con thuyền”, tôi quan tâm 3 yếu tố là: con người, công nghệ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong đó “chiến thuật con người” là mối quan tâm hàng đầu, luôn được đánh giá, đào tạo thường xuyên để bắt kịp nhịp sống hiện đại. Việc thu hút nhân lực mới cũng rất quan trọng, giúp lựa chọn người có thực tài. Tạo sức hút về thu nhập là một yếu tố nhưng đồng thời cũng phải giúp họ khai thác công nghệ bằng cách đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất. Về yếu tố dân chủ tại đơn vị, mọi thứ về hoạt động của đơn vị được đưa ra bàn thảo, tạo sự đồng thuận đưa ra quy chế để cùng thực hiện.

Được cộng đồng công nhận, người trong nghề nhắc đến ông với sự mến trọng ở cả hai phương diện chuyên môn lẫn quản lý. Còn ông, ông nghĩ về những điều mình hài lòng, chưa hài lòng với bản thân như thế nào?

 

KTS. Nguyễn Văn Cường: Có nghĩ và phải nghĩ chứ, bởi điều đó giúp tôi hoàn thiện mình hơn. Hài lòng là được sống và làm nghề mình thích, phát huy sở thích và niềm say mê; những đóng góp cho nghề cũng đã được nghề bù đắp, trả công bằng những đồ án, những công trình và cho cả thu nhập; nhiều dự án của tôi thực hiện đã trở thành hiện thực phục vụ cuộc sống như: Trung tâm thời trang TNG, không gian trường THPT Lương Ngọc Quyến, Đại học Thái Nguyên, công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp…

Thành thật mà nói những thành quả có được ấy tôi không đồng nghĩa nó với việc có thể thỏa mãn với bản thân. Nếu hỏi tôi đã có tác phẩm ưng ý thực sự chưa thì quả thật là chưa có, nói đúng hơn là chưa có những tác phẩm nào đến “độ”. Làm nghề và làm quản lý, tôi cũng có những nguyên tắc riêng cho mình và cho cán bộ, nhân viên: không tự kiêu, tự mãn, tự ti mà chỉ có tự mình. Bao giờ mình sợ mình mới là sợ. Có lẽ tôi là người không thích bằng lòng với chính mình, nên mới không chịu hài lòng chăng?

Từ những điều vừa chia sẻ, tôi hiểu rằng ông là người kỹ tính, nghiêm khắc với bản thân, hơn nữa là sự khiêm tốn nghề nghiệp. Tuy vậy, tôi vẫn tin ông đã có những tác phẩm tâm đắc?

KTS. Nguyễn Văn Cường: Tham gia nhiều trong lĩnh vực thiết kế, quy hoạch, từ nhà ở gia đình, nhà cao tầng, công trình thương mại, trường học, bệnh viện cho đến thiết kế hạ tầng, công viên, tượng đài, đền thờ…, tôi làm cả nội thất, quan tâm đến cả phong thủy trong xây dựng, nhiều đồ án đã đi vào cuộc sống và có sự lan tỏa. Các đồ án đều phảng phất phong cách của riêng mình, truyền tải thông điệp về xu hướng kiến trúc, về ngôn ngữ hiện đại trong sáng tác kiến trúc. Những công trình tâm đắc thì dĩ nhiên là có, có thể ví dụ ngôi nhà “đưa đồi về phố” - ngôn ngữ đơn giản, giải quyết về khí hậu tốt, không gian sinh động, công năng thích hợp, tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra còn có một số đồ án quy hoạch, những đồ án quy hoạch tôi tham gia thực hiện đều có một ý tưởng rõ ràng.

Với tôi, kiến trúc sư là người sáng tạo ra môi trường sống thứ hai cho con người. Tiêu chí làm kiến trúc của tôi là tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, công năng thích dụng, vật liệu phù hợp, kết cấu bền vững. Tôi biết sức mình cũng có hạn, chỉ mong sao mình làm ra cái gì đó mà mai sau con cháu không phải sửa nhiều là vui rồi.

 

Những bài tham luận trong các hội thảo về kiến trúc, nhiều bài báo tâm huyết ông viết đã phần nào bộc lộ mối trăn trở đối với kiến trúc Thái Nguyên; để rồi bản thân luôn nỗ lực với nhiều công trình, đồ án quy hoạch kiến trúc nâng tầm vóc đô thị. Tất cả những điều ấy, Nguyễn Văn Cường làm vì lẽ gì? 

KTS. Nguyễn Văn Cường: Nói về trăn trở thì rộng lắm, tôi có 3 mối trăn trở lớn thường trực. Một là về quy hoạch kiến trúc, Thái Nguyên hiện nay chưa phải là nơi có quy hoạch tốt, chưa có công trình thực sự mang tính biểu tượng. Thứ nữa là làm sao để phát huy hết nội lực, sức mạnh của đội ngũ kiến trúc sư Thái Nguyên. Bởi thực chất là họ có năng lực, nhưng làm thế nào để làm ra tác phẩm tốt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Cuối cùng là việc phải làm như thế nào để Thái Nguyên chúng ta tạo ra “bản sắc kiến trúc” của riêng mình trong sự hòa nhập phát triển.

Là người có chuyên môn nên tôi có thể nhìn thấy rõ những vấn đề, những tồn tại về kiến trúc Thái Nguyên. Thấy lo lắng và sốt ruột. Lo vì nhiều khi cái mình tư duy mình thấy tốt nhưng hiện thực không phải thế. Những mối trăn trở là tự tâm mình, vì trách nhiệm của mình với cái đẹp, mong muốn được đóng góp tài năng, trí lực của mình xây dựng cái đẹp. Có người nói lo việc thiên hạ mệt đầu, nhưng tâm can mình nó thế rồi, luôn tin ở lẽ sống “có tâm là có tất cả”.

Tôi ngưỡng mộ tinh thần “lo việc thiên hạ” ấy của ông, tin tưởng là bằng cách nào đó mọi thứ sẽ đi theo trật tự của nó. Tôi thấy ông trẻ trung trong tư duy và cả hành động, ông thuộc tuyp làm được và cũng chơi được?  

KTS. Nguyễn Văn Cường: Quả thật nhiều khi tôi cảm thấy mình như vẫn chưa tốt nghiệp. Tôi học liên tục, ngày nào cũng phải học trau dồi kiến thức chuyên môn, cách sống…. Coi trọng hiệu quả công việc, nhiều khi tôi cũng khó tính vì áp lực khách quan. Điều hành một công ty không phải chuyện dễ, nhất là chuyện tạo thu nhập ổn định cho cơ quan, đảm bảo mức sống để người lao động gắn bó với nghề. Tôi nghĩ chuyện làm và chơi là đương nhiên, song hành tạo động lực phát triển. Giàu nghèo là do góc nhìn, chuyện chơi tôi quan niệm cũng khác. Theo văn hóa phương Đông, gia đình là tế bào xã hội, làm gì thì làm cũng hướng tâm đến nó trước, gia đình ổn định thì mới làm tốt được nhiều thứ khác bên ngoài. Chính thế nên tôi đã đưa cả gia đình vào cuộc chơi, tạo được sự đồng cảm, đồng thuận. Quan điểm của tôi là “chơi những gì chúng ta cùng chơi” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ những cuộc tham quan, du lịch nhờ nguồn lợi tức, hay như chuyện sinh hoạt văn hóa văn nghệ… cho đến cuộc chơi nghề nghiệp. Nghề kiến trúc dùng đúng lúc đúng chỗ thì cũng là cuộc chơi hay. Chơi là mình vì mọi người, đồng hành vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình.

Nhìn vào những việc ông đã làm và những thứ ông đang có - là hình ảnh của một tấm gương sáng để đội ngũ Kiến trúc sư trẻ Thái Nguyên soi mình, thắp lửa say mê và sáng tạo…

KTS. Nguyễn Văn Cường: Theo tôi làm nghề kiến trúc sư có hai tầng bậc: thích và yêu nghề. Ai đó khi bước vào môi trường kiến trúc thì đều có “thích”, nhưng xét kỹ ra, yêu và đi cùng với nó lâu dài thì lại không có nhiều. Tôi luôn nói với các bạn làm kiến trúc trẻ, rằng phải yêu nghề như người nghiện thì mới bù đắp được những thứ mình khiếm khuyết. Kiến trúc sư trẻ hiện nay họ có nhiều lợi thế về cả công nghệ và đời sống, nhưng yếu điểm là họ chưa sợ họ, chưa hướng được mình đến trách nhiệm với cái đẹp, với cộng đồng. Kỳ vọng và mong muốn họ làm được điều này, tôi nghĩ phải truyền tải điều đó một cách liên tục, trực tiếp; thêm nữa là hoạt động Hội cũng rất quan trọng, phải có biện pháp đầu tư tạo môi trường để thúc đẩy tư duy, năng lực của người trẻ giúp họ làm nghề… Tôi tin đội ngũ trẻ hiện nay sẽ ngày càng đi xa hơn, sự sáng tạo của họ sẽ có nhiều đột phá…, và nhiều điều họ làm được nhưng lớp già chúng tôi chưa làm được.

Vâng, xin cảm ơn kiến trúc sư đã dành thời gian trò chuyện cùng VNTN. Kính chúc ông luôn mạnh khỏe để giữ lửa say mê, sáng tạo!

 - Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường sinh năm 1959, quê Văn Giang, Hưng Yên. Hiện sống tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên.

- Ủy viên BCH Hội KTS Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên.

- Chủ tịch Hội KTS Tỉnh Thái Nguyên; Giám đốc Công ty Tư vấn kiến trúc.

- Giải thưởng: Giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2008; giải thưởng 5 năm VHNT tỉnh (2007 - 2011). Giải thưởng VHNT các năm 1996; 2005-2015

- Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên năm 2008.

- Bằng Vì sự nghiệp kiến trúc (Hội KTS Việt Nam); Kỷ niệm chương (ngành xây dựng Việt Nam; Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam); nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội VHNT tỉnh…

 

Lê Đình (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy