Chủ tịch Hồ Chí Minh – hành trình viết Tuyên ngôn Độc lập
Năm 2021, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn. Cuốn sách cung cấp cho người đọc hành trình viết Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ý tưởng khởi thảo tại căn cứ địa Tân Trào đến khi hoàn thiện tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội).
Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945, được sự đồng ý của Nhà báo Kiều Mai Sơn, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên giới thiệu đến bạn đọc trích đoạn một phần nội dung hành trình này.
Văn bản Tuyên ngôn Độc lập được đăng trên báo chí 9/1945
Từ nội thành, ông Võ Nguyên Giáp cùng ông Trần Đăng Ninh đi lên làng Gạ gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhìn thấy các ông, Cụ Hồ Chí Minh tươi cười, nói:
- Trông các chú bữa nay ra dáng người tỉnh thành rồi.
Ông Võ Nguyên Giáp cùng ông Trần Đăng Ninh báo cáo Cụ Hồ về tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh. Trong hồi kí, ông Võ Nguyên Giáp kể lại sự kiện này:
“Bác ngồi lặng nghe, vẻ mặt điềm đạm. Tính Bác như vậy, khi vui khi buồn đều vẫn bình thản. Chúng tôi nói với Bác ý Thường vụ muốn tổ chức sớm lễ ra mắt của Chính phủ. Theo quyết định của Hội nghị toàn quốc họp tại Tân Trào, Ủy ban Dân tộc Giải phóng do Bác làm Chủ tịch sẽ trở thành Chính phủ lâm thời…”
Với một vẻ vui vui, Bác nói như hỏi lại chúng tôi:
- Mình làm Chủ tịch à?(1)
Tiếp đó, trong cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã trao đổi về việc mở rộng Chính phủ, công bố danh sách Chính phủ.
“Thường vụ đã quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền Độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ cộng hòa. Ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ, phải chuẩn bị cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: thảo bản Tuyên ngôn Độc lập”.(2)
Tổng Bí thư Trường Chinh nhớ lại: “Theo sự phân công của Ban Thường vụ, Bác dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu lịch sử.
***
Tháng Tám 1945, ngay sau khi Việt Minh giành được chính quyền ở Hà Nội, ông Nguyễn Lương Bằng đã đến đặt vấn đề với ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ:
- Gia đình anh chị là nơi đảm bảo an toàn nhất, là chỗ dựa mọi mặt của đoàn thể. Xin cho chúng tôi được dời cơ quan thượng cấp về đây.
Là một gia đình tư sản có tiếng, giàu có bậc nhất Hà Nội hồi ấy với câu ví von “nhất Trịnh Văn Bô, nhì Đỗ Đình Thiện”, ông bà Bô rất có cảm tình với cách mạng và đã tích cực giúp đỡ các cán bộ của Đảng trong những ngày ta chưa lấy được chính quyền. Ông bà đã mau chóng đồng ý. Sau đó, ông Vũ Đình Huỳnh, với tư cách là thư kí riêng đã đón Ông Cụ về ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội). Gia đình họ Trịnh có nhiều nhà ở Hà Nội nhưng vì sao đoàn thể cách mạng lúc đó lại chọn nhà 48 phố Hàng Ngang? Ông Huỳnh cho biết lí do chọn ngôi nhà này:
“Tôi chọn ngôi nhà 48 Hàng Ngang vì lòng tin ở anh chị Bô. Không có ai có ý kiến gì về sự lựa chọn này, nó cũng là lẽ đương nhiên, bởi ngôi nhà của anh chị Bô trong những ngày đó đã tự nhiên biến thành nơi các cán bộ đầu não của cách mạng lui tới họp hành và ăn uống, nghỉ ngơi, coi đó là đại bản doanh đầu tiên của cách mạng cũng không phải là nói quá”.(3)
Nhà số 48 Hàng Ngang là một ngôi nhà bề thế trên phố buôn bán sầm uất, kẻ ra người vào tấp nập, khó phân biệt được người lạ hay khách quen. Từ hai tầng theo lối cổ, ngôi nhà đã được gia chủ sửa sang thành nhà bốn tầng, có cửa sau thông ra phố Hàng Cân (số nhà 35), có thể dễ dàng dời khỏi nhà nếu có điều gì bất trắc. Tầng dưới cùng là hiệu buôn vải và tơ lụa mang tên Phúc Lợi (là tên của cụ Trịnh Phúc Lợi, thân sinh ông Trịnh Văn Bô). Tầng hai và tầng ba có nhiều phòng. Riêng phòng khách của ngôi nhà rộng trên bốn chục mét vuông. Giữa phòng kê bộ bàn ghế tiếp khách. Tại đây Hồ Chủ tịch đã tiếp đại biểu các tầng lớp nhân dân trong nước, Việt kiều và cả khách nước ngoài.
Bên trong ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội).
***
Địa điểm dự thảo Tuyên ngôn Độc lập chính là tại gác hai nhà số 48 Hàng Ngang lịch sử ấy. Trong kí ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đó là “căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội.” Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Ông Cụ có cặp mắt sáng, mang trên mình chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, ngồi trên chiếc ghế bành phủ vải trắng, hay hút thuốc lá.
Những người giúp việc trong gia đình không biết Ông Cụ ngồi cặm cụi làm gì. Song mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì thì lần nào cụ cũng quay lại mỉm cười, nói không có gì cần phải giúp đỡ. Đoạn Ông Cụ chuyện trò với họ đôi câu. Họ đi rồi, bên chiếc bàn tròn Ông Cụ lại say sưa làm việc, khi thì viết tay, lúc lại đánh máy.
“Bác thường trao đổi ý kiến với chúng tôi, đọc cho chúng tôi nghe, yêu cầu chúng tôi bổ sung hoặc sửa chữa... Những ý kiến chúng tôi đóng góp được Bác chấp nhận. Cách làm việc của Bác là một bài học lớn chúng tôi không bao giờ quên”.(4)
“Một buổi sáng, Bác và anh Nhân(5) gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người”.(6)
…Hai mươi sáu năm trước, vào tháng 6 năm 1919, nghe tin các đoàn đại biểu mười mấy nước Đồng Minh chiến thắng họp ở Versailles cách thủ đô Paris 14 ki lô mét, Nguyễn Tất Thành bàn với nhà yêu nước Phan Chu Trinh và luật sư, tiến sĩ Phan Văn Trường viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa và gửi Hội nghị Versailles.
***
Ngày 31 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập và cho mời các Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời tới Bắc Bộ phủ để thông qua nội dung Tuyên ngôn.
Ông Vũ Đình Hòe chia sẻ về cuộc họp thông qua nội dung Tuyên ngôn Độc lập sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo:
Các vị Bộ trưởng, đa số từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô được mời đến Bắc Bộ phủ họp, người thì khoác bộ áo Âu phục thùng thình người lại mặc trang phục mới được đồng bào "ủng hộ”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đào Trọng Kim, dân “phố hàng” Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh và Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà từ Hải Phòng lên. Trẻ nhất trong Chính phủ là Bộ trưởng Cù Huy Cận, chàng kĩ sư Canh nông mới 26 tuổi nhưng đã nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, tác giả tập Lửa thiêng. Người cao niên nhất là cụ Nguyễn Văn Tố, 56 tuổi, vẫn cái khăn xếp và áo the dài cổ kính. Riêng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đang ở Sài Gòn chưa ra kịp. Sau đó, Chính phủ bổ nhiệm bác sĩ Hoàng Tích Trí làm Thứ trưởng, thay mặt Bộ trưởng dự họp Chính phủ và giải quyết các công việc của Bộ Y tế.
Các vị Bộ trưởng an tọa xung quanh chiếc bàn dài gỗ mun, trải tấm dạ xanh. Chiếc đồng hồ của Bắc Bộ phủ gõ tám tiếng trịnh trọng vừa dứt thì cánh cửa phòng hé mở. Ông Hoàng Minh Giám - Đổng lí Văn phòng Bộ Nội vụ khẽ nói:
- Cụ Hồ Chí Minh.
Dứt lời, ông đứng lên rồi rời nhanh chỗ ngồi bước tới phía cánh cửa vừa hé mở. Cửa phòng mở rộng hẳn, các vị Bộ trưởng trông thấy một ông già thon nhỏ, quần áo ka ki màu vàng nhạt, cổ áo cài khuy, chân bọc trong đôi giầy vải đen, êm. Mặt gầy, trán cao, râu đen, dài, thưa, điểm vài sợi bạc, đôi mắt long lanh sáng. Đó là cụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời.
Còn Bộ trưởng Vũ Đình Hòe khi ấy nghĩ thầm:
- Nguyễn Ái Quốc đấy!
Vừa chiều hôm qua thôi, khi bước lên cầu thang phía sau Bắc Bộ phủ, ông Hòe thấy thoáng lưng một ông cụ già, bận áo chàm màu dưa, đi theo mấy anh bảo vệ dẫn cụ tới cuối hành lang. Ông Vũ Đình Hòe còn trông rõ ràng ông cụ ngoái đầu lại, thì thầm câu gì đó, rồi anh bảo vệ đẩy nhẹ cụ vào buồng. Khi trở lui, gặp nhau, người bảo vệ rỉ tai Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục:
- Ông Ké Cao Bằng.
Ông Hòe yên chí ông cụ đó là một người bạn thân của cụ Hồ Chí Minh, biết tin Cụ về Thủ đô thì vội tới thăm. Tới lúc này, sau giây phút ngạc nhiên, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe nhớ ngay cái ngày lên chiến khu, ông đã mong ước được gặp Nguyễn Ái Quốc. Nhưng hôm đó cụ Nguyễn Ái Quốc còn mệt. Ông Tống (bí danh của ông Phạm Văn Đồng hồi ở chiến khu Tân Trào) nói với ông Vũ Đình Hòe như vậy.
Cụ Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội cũng gặp cảnh tương tự. Hôm trước vào Bắc Bộ phủ, cụ Tố nhìn thấy ở phòng khách một cụ già, mặc chiếc quần “soóc" nhuộm nâu, đội cái mũ bọc vải vàng đã móp, đứng chống cây gậy, tươi cười gật đầu chào mình. Sau cụ Tố mới biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giờ đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bước tới. Các vị Bộ trưởng đứng bật cả dậy, kính cẩn chào. Hồ Chủ tịch mời tất cả các vị Bộ trưởng ngồi xuống và khai mạc luôn:
- Chào các Ngài Bộ trưởng. Chúc sức khỏe. Tôi xin lỗi, vào hơi chậm... Ta bắt đầu làm việc nhỉ? Thời gian gấp rút, tôi đề nghị đầu tháng 9, Chính phủ ta ra mắt quốc dân, và đọc Tuyên ngôn Độc lập. Tôi đã chuẩn bị. Xin đưa bản thảo để các vị xét duyệt. Đề nghị duyệt kĩ. Vì ta sẽ đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước Đồng Minh nghe.
Chủ tịch Chính phủ nói xong, một cán bộ văn phòng chuyển các bản đánh máy ra, đặt từng bản trước mặt từng vị Bộ trưởng. Từng thành viên Chính phủ chăm chú đọc từng câu, từng chữ, rồi suy nghĩ... Bộ trưởng Vũ Đình Hòe hồi tưởng:
“Ai cũng thấy hay quá, sáng sủa, chắc nịch, đơn giản mà hùng hồn, đanh thép, nên chỉ thêm bớt vài ý nhỏ, sửa mấy chữ lặt vặt; sau đó mọi người kí vào bản của mình, theo yêu cầu của Chủ tịch”.(7).
--------------
Chú thích:
(1) Võ Nguyên Giáp (hồi kí): Những năm tháng không thể nào quên.
(2) Võ Nguyên Giáp (hồi kí): Những năm tháng không thể nào quên.
(3) Vũ Đình Huỳnh (hồi kí): Tháng Tám cờ bay.
(4) Trường Chinh: Hồi tưởng (Tuyển tập, Nxb Văn học)
(5) Tức đồng chí Trường Chinh.
(6) Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên.
(7) Vũ Đình Hòe: Hồi kí, Nhà xuất bản Hội Nhà văn – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2004.
Kiều Mai Sơn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...