Thứ sáu, ngày 03 tháng 01 năm 2025
17:11 (GMT +7)

Chủ nghĩa Lập thể - Ý niệm cũ, tiếp cận mới

Chủ nghĩa Lập thể vốn là một trường phái mỹ thuật thuần túy, tuy rất quen thuộc với thế giới, nhưng vẫn là một chân trời mới với các nghệ sĩ nước ta. Thậm chí, nhiều họa sĩ, trường phái này còn là một ý niệm nghệ thuật mà họ đang cố gắng tiếp cận và phát triển nhiều hơn trong tương lai. Hiểu được xu thế đó, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom Hà Nội đã đem đến cho không chỉ giới họa sĩ, mà những người yêu nghệ thuật Thủ đô hơn 130 tác phẩm kinh điển thuộc trường phái Lập thể của của 6 nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới dưới dạng phiên bản số, từ đó đưa một làn gió mới của nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Phối cảnh các danh họa được giới thiệu tại triển lãm
Phối cảnh các danh họa được giới thiệu tại triển lãm

Bứt phá khỏi các khuôn khổ

Chủ nghĩa Lập thể (Cubism) được khởi sinh từ bộ óc sáng tạo của Pablo Picasso (người Tây Ban Nha, 1881-1973) và Georges Braque (người Pháp, 1882-1963). Bất chấp cho sự chạy đua theo Chủ nghĩa hiện thực thời bấy giờ, chủ yếu chỉ phục vụ tranh chân dung và phong cảnh cho tầng lớp quý tộc, thủ lĩnh của phái Lập thể - Pablo Picasso luôn muốn phá vỡ các quy tắc về hội họa đã có từ lâu đời để tiến gần hơn với nghệ thuật hàn lâm. Ông đã tạo ra khái niệm mỹ thuật mới nhằm phục vụ cái tôi muốn tìm kiếm một phương pháp thể hiện thế giới tự nhiên với hình thức mới mẻ, giúp người họa sĩ phản ánh những điều vượt lên trên vẻ ngoài thông thường của vật chất.

Bức “ Những cô nàng ở Avignon” của danh họa Pablo Picasso
Bức “ Những cô nàng ở Avignon” của danh họa Pablo Picasso

Được thể hiện dựa trên các vật thể theo hướng đập vỡ ra rồi sắp xếp lại, sau đó chắt lọc thành các mảnh hình học và khối trôi dạt trên bề nổi như tính chất phù điêu, trường phái Lập thể là một trong những phong trào hội họa mang tính cách mạng của lịch sử nghệ thuật lớn nhất thế kỷ 20. Cùng sự phát triển của Chủ nghĩa Lập thể, những vật thể có thể nhận biết được ban đầu hòa tan vào một chiếc kính vạn hoa bao gồm những mặt phẳng chồng chéo và những tông màu đơn sắc, tiêu biểu là những tác phẩm bí ẩn của Picasso và Braque trong giai đoạn Chủ nghĩa Lập thể Phân tích (1910 - 1912).

Bức “Chiến tranh” của danh họa Pablo Picasso
Bức “Chiến tranh” của danh họa Pablo Picasso

Có lẽ trong kiến thức phổ biến nhất về Chủ nghĩa Lập thể ở nước ta, hầu hết mọi người đều biết đến những kiệt tác như “Les Demoiselles d’Avignon” (1907) hoặc “Guernica” (1937) của Pablo Picasso, thế nhưng bên cạnh những tác phẩm lừng lẫy này, vẫn còn rất nhiều những bức tranh khác đã đắm mình trong dòng chảy nghệ thuật của thế kỷ. Theo đó, triển lãm “Tái Hình Lập Ảnh” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đã mang đến 130 đứa con tinh thần tiên phong của sáu nghệ sĩ nổi tiếng theo trường phái Lập thể: Pablo Picasso, George Braque, Jean Metzinger, Fernand Leger, Marie Laurencin và Marcel Duchamp.

Tại triển lãm, các tác phẩm sẽ được hiển thị luân phiên và tự động thông qua các phương tiện trình chiếu đa dạng với độ phân giải cao và kích thước khác nhau. Trong không gian được thiết kế tối giản với mọi nguồn sáng được tiết chế để chỉ tập trung vào tác phẩm, lôi cuốn người xem vào một vũ trụ hội họa đầy phong phú và kinh ngạc giữa những đối thoại của đường nét, hình khối, màu sắc. Đơn cử bức “Những cô gái mại dâm ở Avignon” của Pablo Picasso là những xúc cảm sợ hãi, lo lắng trước những người phụ nữ. Với sự bứt phá, mạnh bạo trong diễn tả của ngôn ngữ lập thể cùng với việc sử dụng gam màu lạnh... đã phần nào nói lên cảm xúc của ông trước những người phụ nữ nói chung.

Bức “The painter’s window”, 1925 - “Khung cửa của người nghệ sĩ” của danh họa  Juan Gris
Bức “The painter’s window”, 1925 - “Khung cửa của người nghệ sĩ” của danh họa  Juan Gris

Làn gió mới cho mỹ thuật Việt Nam

Tuy xuất hiện lần đầu vào thế kỷ 20, nhưng ở nước ta, hầu như không có quá nhiều họa sĩ theo đuổi trường phái lập thể. Lý giải về vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, do đặc thù nước ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong quá khứ, nên hầu hết những làn sóng nghệ thuật thuần túy không được phổ biến rộng rãi trong đời sống văn hóa, nghệ thuật. Bởi hầu hết các họa sĩ nước ta đều sáng tác trong tâm thế phục vụ kháng chiến, cứu quốc. Do đó, tác phẩm của họ ra đời trong thời chiến đều mang xu hướng cổ động phong trào, khơi dậy lòng yêu nước, yêu tự do và khát vọng về tự lực, tự cường của dân tộc. Vì vậy, những bức tranh tiếp sức mạnh, khiến con người ta muốn vùng lên, sát cánh cùng nhau chống giặc. Và để nhân dân hiểu được thì tranh của họa sĩ nước ta thời ấy đều phải dễ xem, dễ hiểu.

Bức “Man with a guitar”  1911 - “ Người đàn ông với cây đàn”. Tranh của danh họa Georges Braque
Bức “Man with a guitar”  1911 - “ Người đàn ông với cây đàn”. Tranh của danh họa Georges Braque

Rõ ràng, thị hiếu của họa sĩ thể hiện rõ sự khác biệt trong nghệ thuật khi được đặt trong các nền văn minh và hoàn cảnh cụ thể. Để biểu thị cho sự uất hận của mình đối với chiến tranh, Pablo Picasso đã cho ra đời kiệt tác “Guernica”. Ở bức tranh, người xem thấy toát lên sự kinh hoàng của chiến tranh. Qua các mảng sáng chói chồng chéo, phân chia tàn bạo bằng những nét cắt nổi bật trên nền tối sẫm cùng những hình ảnh đáng sợ và dị quái như cái đầu bò, hình người vặn xéo nát vụn, chân tay giày xéo lẫn nhau đầy gân guốc. Trong khi đó ở nước ta, suốt thời chiến người họa sĩ chỉ phục vụ đất nước và nhân dân bằng tranh tả thực và cổ động, gần như nghệ thuật thuần túy nói chung và trường phái lập thể nói riêng không có cơ hội phát triển.

Với sự phát triển vượt bậc của cái tôi cá nhân trong phong cách sáng tác của các họa sĩ nước ta hiện nay, nghệ thuật thuần túy dần phổ biến hơn. Họa sĩ Thanh Phương, người đã dành nhiều năm nghiên cứu các loại hình nghệ thuật đương đại cho biết, triển lãm kỹ thuật số dành một phần trang trọng giới thiệu Chủ nghĩa Lập thể là biểu hiện của ngọn lửa phát triển cho chính loại hình nghệ thuật này: “Ngày trước, ở nước ta trưng bày nhiều nhất vẫn là tranh tả thực, người vẽ ra những bức tranh ấy phần nhiều là để kinh doanh. Tuy vậy, để ý những năm gần đây, tại các buổi triển lãm tranh tốt nghiệp ở các trường đại học, tôi thấy ngày càng nhiều những tác phẩm mang cái tôi sáng tác cao, và đương nhiên trong đó đã có sự xuất hiện của dòng tranh lập thể. Họ chọn lập thể là vì nó đáp ứng được nhu cầu sáng tác của bản thân, vẽ được cái mình muốn, cảm xúc mình cần lúc này, có thể họ không cần bán, họ mang về trưng bày riêng, nhưng họ cảm thấy đấy là bản thân mình, đó là tiền đề tốt cho nghệ thuật thuần túy phát triển”.

Trên thế giới, ngày nay tranh lập thể chủ yếu được dùng để trang trí cho những công trình kiến trúc hiện đại và là xu hướng không bao giờ lỗi thời trong tương lai. Nhưng để dòng tranh này có một chỗ đứng rõ ràng hơn trong nghệ thuật nước ta, đặc biệt tại tỉnh Thái Nguyên, cần phải có sự trưởng thành của một thế hệ họa sĩ dám bứt phá - nhất là các họa sĩ trẻ năng động, cùng tư duy hiện đại, dám đi ngược lại với chủ nghĩa hiện thực như cái cách trường phái này đã bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 20.

Với sự nhạy cảm ngày càng lớn trong tư duy xem tranh của những người yêu nghệ thuật nước ta, trường phái lập thể nói riêng và mỹ thuật thuần túy nói chung hứa hẹn là xu thế của tương lai, đưa người dân đến gần hơn với nghệ thuật hàn lâm thuần túy.

Hà Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy