Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
01:15 (GMT +7)

Chú khỏe, anh… không mừng

VNTN - Từ ngày chia tay sau lễ tốt nghiệp cấp 3, hôm nay tôi mới gặp lại Vinh. Dù không gặp mặt nhưng tôi vẫn biết thông tin về bạn. Cuộc sống của nó rất khó khăn: Chồng yếu, con cái không nhanh nhẹn bằng người. Thừa hưởng mấy sào ruộng của bố mẹ để lại, bạn tôi cày cuốc chăm chỉ, cũng chỉ đủ ngày hai bữa cơm no, chứ nhà cửa vẫn còn tạm bợ lắm. Nghe tôi hỏi thăm chuyện kinh tế gia đình, chuyện chồng con… bạn tươi mặt kể: “Nhà tớ có dự án chạy qua, được đền bù gần một tỉ đồng, tớ đang định làm lại cái nhà”. “Vậy à, cậu định làm nhà thế nào, còn mấy đứa con, có định cho chúng nó không?”. “Có chứ, chia bôi mỗi đứa một tí, còn có 500 triệu thôi, làm cái nhà nho nhỏ tầm 300, còn thì gửi tiết kiệm dưỡng già”. “Cũng phải, già rồi ốm đau chả biết đâu mà lường, mới lại cậu cũng chăm sóc cho bản thân nữa, chứ nhìn cậu xơ xác lắm”. Nghe tôi nói thế, mắt bỗng đỏ hoe, nó nghẹn ngào: “Được mấy đồng đền bù tớ lại mất khối họ hàng cậu ạ”. Thấy tôi ngạc nhiên, nó kể: “Quanh nhà tớ toàn anh em chú bác cả. Ngày trước, mọi người qua lại vui vẻ lắm, có nắm rau nắm quả cũng mang cho, họ thương nhà tớ nghèo mà. Khi biết tớ được đền bù tiền tỉ, nhiều người đến hỏi vay. Tớ thực tình kể rằng đã chia cho các con, số còn lại đưa vào ngân hàng, rút dần ra mua vật liệu xây nhà và dành cho tuổi già… nên không còn để cho vay. Thế là mọi người xì xào bàn tán, nói gia đình tớ không biết điều, keo kiệt. Rồi từ đấy, có giỗ chạp, xây mộ… là mọi người bắt nhà tớ góp nhiều hơn vì “nó thiếu gì tiền”. Ngay sáng nay tớ mặc bộ quần áo mới đi họp lớp, ra cổng gặp bà cô họ, cô ấy bóng gió: Gớm nhỉ, có tiền trông xinh hẳn… Nghĩ chán lắm cậu ạ”. Từ chuyện của bạn tôi bỗng nhớ câu chuyện xảy ra chưa lâu với cô bạn đồng nghiệp của tôi. Mẹ cô đau yếu quá nên đành bán ngôi nhà to đang ở, tìm ra chỗ hẹp hơn, dành số tiền dôi ra để chữa bệnh. Nghe thông tin, một số người họ hàng nhiều năm không thăm hỏi tự nhiên kéo đến, điềm nhiên ăn ở hàng tuần, dứt khoát không chịu về nếu không cho tiền, dù cô giải thích “đứt lưỡi” rằng việc bán nhà là phương án cực chẳng đã, số tiền dôi ra chưa chắc đủ chữa bệnh cho mẹ cô đến khi bà qua đời. Cuối cùng cô đành đưa cho họ mỗi người một ít, gọi là “chút quà cho các cháu”, mọi người mới chịu ra về. Tỏ ra cao thượng, giúp đỡ, thương cảm với người nghèo khổ, kém cỏi hơn; nhưng lập tức ganh ghét, lợi dụng người (cho là) giàu có, may mắn hơn, là nét tâm lý có ở không ít người hiện nay. Mới đây thôi, bạn tôi xây được ngôi nhà mới. So với những nhà xung quanh thì nhà của bạn khá nổi bật. Nhưng từ khi cửa cao nhà rộng thì rất ít người trong xóm đến nhà bạn tôi chơi. Bạn kể: Trước đây, cứ mỗi dịp có giải bóng đá là đàn ông quanh ngõ kéo đến nhà tớ xem bóng đá suốt đêm luôn. Tớ nấu cho các lão nồi cháo hoặc chuẩn bị mì tôm, trứng gà, họ xì xụp ăn với nhau, vui lắm. Giờ có nhà to, ti vi màn hình phẳng, lại chả có ai đến. Lạ thế chứ. Những chuyện kỳ quặc này mới nghe tưởng bịa mà có thật. Từ đó tôi hiểu vì sao nhiều người trúng xổ số giải thưởng lớn phải đeo mặt nạ và giấu danh tính khi nhận thưởng. Bởi, sau “quả lộc” đó sẽ có rất nhiều “quả hạn” đến với họ. Thậm chí có người phải bán xới đi nơi khác để tránh phiền hà và nguy hiểm. Trở lại chuyện của Vinh, bạn tôi ngậm ngùi: Đành chấp nhận sự ghẻ lạnh của họ hàng thôi chứ không biết giải quyết thế nào. Hy vọng thời gian trôi đi, mọi người nguôi ngoai và hiểu ra dần dần. Nhưng không biết thời gian buồn bã này sẽ kéo dài đến bao giờ??? Nhìn bạn già nua, gầy ốm, tôi bỗng giận những ai đó là họ hàng mà không hề cảm thông cho hoàn cảnh của Vinh. Các cụ có câu: “Chú khỏe anh mừng”, vậy nhưng trên thực tế lại có nhiều người không hề “mừng” khi thấy người khác sung sướng, hạnh phúc hơn mình.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 2 tuần trước

Không ai bị bỏ lại phía sau

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

“Nơi ấm” cho con

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Một cuộc tư vấn

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Khổ vì… đa tình

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Câu chuyện ngày cuối năm

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Đời mình, mình sống

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước