Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:38 (GMT +7)

Chủ động ứng phó với “giặc” COVID-19

VNTN - Hơn 11 giờ trưa, vừa kết thúc cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho chúng tôi biết: “Thời điểm này, việc người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống dịch là quan trọng hơn cả. Tất cả những người về từ Đà Nẵng tính từ 1/7 trở lại đây đều phải khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Y tế và với chính quyền địa phương và các cơ sở y tế nơi mình sinh sống để được hướng dẫn, làm xét nghiệm. Tùy từng trường hợp sẽ phải cách ly tại các cơ sở y tế hoặc được hướng dẫn để cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong vòng 14 ngày, những trường hợp này nên hạn chế đi ra ngoài, để nếu không may mắc bệnh sẽ giảm thiểu được việc lây lan ra cộng đồng”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19, tổ chức vào 2/8 vừa qua

Ngoài việc tuyên truyền để những người thuộc đối tượng trên tự giác khai báo y tế, cơ quan chuyên môn còn tiến hành rà soát để bảo đảm nắm được danh sách của tất cả những người này. Theo thông tin tại cuộc họp bàn về công tác phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh tổ chức vào ngày 6/8, từ ngày 1/7 đến thời điểm báo cáo, số người từ Đà Nẵng và vùng có dịch trở về hoặc đến Thái Nguyên là 6.172 người, trong đó đi về từ ngày 15/7 đến nay có 3.768 người, đã được hướng dẫn cách ly và theo dõi sức khỏe phù hợp theo quy định. Đến nay, tổng số người đã được lấy mẫu xét nghiệm là 3.473 người, trong đó 3.399 người đã cho kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Về số người cách ly tại các sơ sở y tế hiện có 24 người, đã tiến hành xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính; 2.416 người trong diện cách ly tại nhà sức khỏe ổn định. Công việc này vẫn đang được tiếp tục thực hiện những ngày sau đó để đảm bảo các trường hợp có nguy cơ đều được lấy mẫu xét nghiệm và kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, với những trường hợp tuy không đi về từ vùng dịch nhưng có các biểu hiện của hội chứng suy hô hấp như ho, sốt hay biểu hiện cúm đều được lấy mẫu làm xét nghiệm để mở rộng diện kiểm soát, phấn đấu không bỏ lọt trường hợp nghi ngờ.

Cũng theo khẳng định của ngành Y tế, nguồn nhân lực cũng như các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch trên địa bàn cho đến thời điểm hiện nay vẫn được đảm bảo. Các nguy cơ lây nhiễm chéo khi có ca bệnh xuất hiện tại các cơ sở y tế được cơ bản loại trừ khi mà việc phân luồng bệnh nhân đến khám và điều trị cũng như các trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế được đảm bảo. Đối với phương án nguồn nhân lực phục vụ cho công tác chống dịch từ tuyến xã đến tuyến tỉnh đã được xây dựng từ giai đoạn khi dịch lần đầu xuất hiện. Lực lượng này đang sẵn sàng ứng trực và tiếp tục được tập huấn để nâng cao hơn kỹ năng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Không chỉ vậy, các phòng khám, cơ sở dịch vụ y tế, cơ sở tiêm chủng tư nhân cũng đã được tỉnh yêu cầu tăng cường sàng lọc người có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt, bố trí khám ở khu vực riêng và có sổ theo dõi thông tin như họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh để theo dõi, quản lý. Cùng với đó, Thái Nguyên cũng đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược phẩm tăng cường tuyên truyền để người dân không tự ý mua thuốc dự trữ, tự điều trị tại nhà. Khi tư vấn bán thuốc cho người có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt, các cơ sở kinh doanh dược phẩm phải lưu lại thông tin cá nhân và số điện thoại của người bệnh; khuyến cáo người dân cài đặt các ứng dụng khai báo y tế… Ngoài ra, tỉnh cũng đã thông tin đến các cơ sở bán lẻ thuốc, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn số điện thoại đường dây nóng, hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin từ các cơ sở này.

Hiện, ngành đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện tốt việc phân luồng, đảm bảo các phương tiện, trang thiết bị trong công tác dịch bệnh để đảm bảo không bị lây nhiễm chéo khi không may có ca bệnh xuất hiện trong các cơ sở y tế; rà soát, khởi động lại toàn bộ các kế hoạch đã được xây dựng từ trước làm sao phù hợp với tình hình hiện nay, đáp ứng được các cấp độ dịch theo kế hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, ngành Y tế phối hợp với các ngành như Công an, Ngoại vụ và chính quyền các địa phương làm tốt công tác rà soát để kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố nguy cơ, nhất là những đối tượng nhập cảnh trái phép vào tỉnh để có biện pháp xử lý nhanh nhất.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không khí làm việc tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên những ngày này vô cùng khẩn trương. Ngay từ khi ca bệnh 416 xuất hiện trong cộng đồng, Bệnh viện đã kích hoạt lại hệ thống phòng chống dịch COVID-19. Nhận định, dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại khu vực Thái Nguyên, ngay lập tức, Ban Giám đốc, Ban Phòng chống dịch của Bệnh viện đã họp để khẩn trương đưa ra các kế hoạch theo tinh thần chỉ đạo từ cấp trên và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở thời điểm hiện tại. Giống như nhiều cơ sở y tế khác, việc bố trí lực lượng làm nhiệm vụ đo thân nhiệt và phân luồng bệnh nhân, người nhà, những người ra vào viện từ cổng được thực hiện gần như ngay lập tức. Tất cả bệnh nhân đến viện có triệu chứng ho, sốt được hướng dẫn lên khám ở cổng số 3, trên đường Hoàng Văn Thụ (gần Khoa Bệnh nhiệt đới). Tại đây, Bệnh viện bố trí vị trí xếp hàng, ngồi chờ khám đảm bảo khoảng cách an toàn với các chỉ dẫn cụ thể. Tất cả cán bộ, nhân viên từ bác sĩ, y tá, điều dưỡng đến những người lao động thực hiện công việc khác tại khu vực khám bệnh đều được trang bị bảo hộ. Trong trường hợp có bệnh nhân COVID-19 tới khám tại đây cũng sẽ đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm cho cán bộ y tế và lây nhiễm giữa các bệnh nhân. Bệnh nhân khi vào khám đều phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi tiếp xúc với người khác hoặc bất kỳ vật dụng gì trong bệnh viện. Còn lại cổng số 1, số 2 (trên đường Lương Ngọc Quyến) dành cho bệnh nhân khác, người nhà, cán bộ công nhân viên, những người liên hệ công tác đi vào. Tại đây, các cán bộ y tế cũng thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra thân nhiệt và nhắc nhở đeo khẩu trang cũng như sát khuẩn tay trước khi vào bệnh viện.

Cũng nhờ việc phân luồng này sẽ đảm bảo được việc tách những người có nguy cơ cao ra khỏi đối tượng ra vào bệnh viện nói chung. Đảm bảo nguy cơ không lây cho những người khác cùng khám bệnh ở nơi đây.

Trong Bệnh viện, tất cả các Khoa đều trở lại tình trạng khẩn cấp mà trước đó đã từng áp dụng. Tất cả các cán bộ, ý bác sĩ, nhân viên đều phải đeo khẩu trang. Những bệnh nhân nào có biểu hiện ho, sốt sẽ được tách riêng để khám kỹ lưỡng đồng thời tìm hiểu lịch sử bệnh tật đầy đủ để xác định có hay không yếu tố dịch tễ để phân loại, nếu có nguy cơ sẽ được làm xét nghiệm.

Là một trong ba đơn vị có đủ khả năng làm xét nghiệm sàng lọc virut SARS-CoV-2 tại Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử của Bệnh viện, trong đợt dịch đầu tiên đã làm xét nghiệm trên 3.000 mẫu và phát hiện 1 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 (tháng 3/2020). Mẫu dương tính này đã được gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm định và cho kết quả hoàn toàn trùng khớp. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Tại Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử, chúng tôi có 1 kíp cán bộ được đào tạo và hệ thống máy móc đảm bảo cho kết quả xét nghiệm chính xác cao. Hàng ngày tại Khoa vẫn tiếp nhận các các mẫu xét nghiệm được gửi tới từ các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, kể từ khi đợt dịch bệnh thứ 2 quay trở lại, ngay lập tức công suất của Khoa được tăng lên cao. Khoa đã bố trí phân chia nhân lực làm 3 ca liên tục để kịp thời đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, đồng thời chi viện cho các tỉnh bạn khi có nhu cầu gửi mẫu về.

Chị Nguyễn Phương Thảo (phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên) có chồng làm tại đây cho biết: “Ba, bốn ngày chồng em mới tranh thủ về nhà một lát rồi lại đi ngay. Anh ấy bảo, nhiều mẫu xét nghiệm lắm, nên cả khoa đều phải cố làm nhanh nhất, chính xác nhất để sớm có kết quả. Không quản thời gian, có khi chỉ tranh thủ ngủ vài tiếng, mệt nhưng không ai nản, bởi mọi người đều thấy rõ trách nhiệm của mình ở đó. Em cũng chỉ biết chăm sóc con cái thật chu đáo để anh ấy yên tâm làm việc”.

Rất may là tính đến thời điểm này (6/8), chưa có ca nào dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Riêng hôm chúng tôi có mặt tại đây (31/7), Khoa đã tiếp nhận và thực hiện xét nghiệm trên 1.000 mẫu máu. Trong đó nhiều mẫu được gửi về từ Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn.

Cùng với sự khẩn trương, nỗ lực và quyết tâm của ngành Y tế nói riêng, toàn tỉnh nói chung thì hầu hết bản thân mỗi người dân Thái Nguyên cũng đang nêu cao tinh thần tự giác và tin tưởng vào các biện pháp phòng dịch của cơ quan chức năng. Em Trần Thị Phương Lý, tổ 8, phường Tân Long, T.P Thái Nguyên mặc dù cùng một số bạn đi du lịch Đà Nẵng từ 2 -5/7. Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ ngày em và các bạn trở về, bản thân sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, không khó thở, tự đo thân nhiệt luôn ở mức khoảng 36,60C song gia đình vẫn đưa em đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đăng ký khám và sàng lọc phân luồng. Lý chia sẻ: Em đã khai báo đầy đủ với tổ dân phố và hạn chế không đi ra ngoài khi không có việc những em vẫn muốn đi khám sàng lọc để loại trừ nguy cơ mắc bệnh cho bản thân và cũng là để phòng tránh cho những người thân xung quanh mình.

 

Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn mẫu xét nghiệm từ các địa phương trong tỉnh và nhiều tỉnh lân cận.

Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là việc đảm bảo an toàn cho các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Về vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Cùng với việc chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức thi tại 31 điểm thi, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cũng đã xây dựng các phương án, tình huống dự phòng. Trong đó, tổ chức dự phòng điểm thi riêng phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, An ninh (Đại học Thái Nguyên). Bên cạnh đó, mỗi điểm thi dự phòng thêm 2 phòng thi và trang bị đủ phương tiện, dụng cụ bảo hộ cho thí sinh và cán bộ phục vụ thi theo phương án, ngành GD&ĐT đã tăng cường thêm 400 giáo viên bậc THCS phục vụ kỳ thi, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế cập nhật về diễn biến dịch bệnh tại tỉnh và sàng lọc thường xuyên đội ngũ giáo viên, nhân viên có trong danh sách dự kiến tham gia kỳ thi; nắm bắt diễn biến sức khỏe, mức độ tiếp xúc của thí sinh, người thân với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (nếu có). Các huyện, thành phố, thị xã cũng đã xây dựng phương án hỗ trợ kỳ thi gắn với phòng chống dịch dựa trên nguyên tắc sẵn sàng và tại chỗ.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” ngay sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 2/8 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh phải đẩy cao tinh thần chống dịch, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa triển khai tốt nhiệm vụ chuyên môn, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tổ chức tốt đại hội Đảng cấp huyện. Đồng chí yêu cầu các đơn vị không tổ chức các chuyến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm… ở các tỉnh bạn; trong các cuộc họp yêu cầu đại biểu đeo khẩu trang; cán bộ, công nhân viên chức người lao động phải tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19…

Dịch COVID-19 vẫn đang hàng ngày đe dọa chúng ta, song với tinh thần chủ động, cảnh giác, nỗ lực của các cấp các ngành, cùng ý thức tự giác phòng dịch của mỗi người dân Thái Nguyên, chúng ta có thể hy vọng sẽ kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa những tổn thất do chúng gây ra.

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước