Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
19:33 (GMT +7)

Chống giặc COVID-19: Cần lắm trách nhiệm của mỗi người

VNTN - Trong cuộc họp báo ngày 11-3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh COVID-19 là “đại dịch”. Điều này đủ để cho thấy mức độ nguy hiểm và phức tạp của dịch bệnh với tất cả các nước trên thế giới.

Tính đến ngày 13-3, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 121 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 130 nghìn ca nhiễm, gần 5 nghìn ca tử vong. Đối với Việt Nam, tổng số ca nhiễm là 47 người, trong đó, 16 người đã bình phục. Đối với Thái Nguyên, đến nay, tuy chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với loại vi rút này, nhưng nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn, khi mà ca nhiễm số 17 là người Hà Nội và đã lây lan cho một số người và những người này, trong quá trình khi chưa phát hiện mắc COVID-19 đã tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với khá nhiều người, trong đó có người dân Thái Nguyên. Mặc dù những người tiếp xúc sau đó đã được tiến hành cách ly, theo dõi nhưng không ai dám chắc, tất cả đều đã được kiểm soát vì có thể có những người vô tình tiếp xúc với người nhiễm mà không biết.

 

Cơ quan chức năng T.X Phổ Yên kiểm tra công tác lưu trú người nước ngoài tại khách sạn Cozin, phường Đồng Tiến.

Trong khi diễn biến phức tạp về dịch bệnh đã đủ khiến cho cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, thì đâu đó vẫn còn không ít người lại lợi dụng điều này để trục lợi cho bản thân. Nhiều nhận định vô căn cứ được đăng tải trên mạng xã hội khiến người dân thêm hoang mang, lo lắng, như khả năng về việc thiếu hàng hóa phục vụ người dân. Chẳng thế mà ngay từ sáng 7-3, rất đông người đã đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn để mua đồ khô tích trữ, khiến một số sản phẩm mì tôm, mì gạo rơi vào tình trạng khan hiếm cục bộ, gây thêm tâm lý lo lắng, hoang mang cho người dân. Và lợi dụng điều này, nhiều người đã nâng giá bán. Rất may, tình trạng này cũng nhanh chóng được ổn định, khi các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đều lên tiếng khẳng định sẽ không có chuyện thiếu hàng hóa ở một nước xuất khẩu nông nghiệp như Việt Nam. Đó là lần thứ 2 kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện có việc đổ xô đi mua hàng hóa.

Ngay trong ngày 12-3, chúng tôi không khó để tìm thấy những trang thông tin cá nhân đưa thông tin sai lệch về dịch COVID-19. Đơn cử như tài khoản có tên Van Chung, được cho là ở huyện Phú Bình đưa “Corona19 đã có mặt tại tân hoa ko biết là làng hân hay ngò hay chịu sở hay vực giảng”; hay tài khoản Coong Ky thì viết: “Covid19 về gần nhà rôi ae cẩn thận nha”… Đã có nhiều lượt thích, bình luận và chia sẻ. Khi trao đổi về những thông tin này với một đồng chí lãnh đạo ngành chức năng, chúng tôi nhận được phản hồi: Sẽ xử lý triệt để tất cả các chủ tài khoản này. Và qua thực tế, cũng đã có rất nhiều tài khoản facebook, zalo bị xử phạt với mức trên 10 triệu đồng/cá nhân, vậy nhưng, dường như mức xử này đối với nhiều người vẫn còn là quá ít, chưa đủ sức răn đe!?

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đúng là các thông tin giả đã và đang để lại nhiều hậu quả thật cho xã hội, nhưng nếu bản thân mỗi người dùng, nếu thực sự tỉnh táo thì cũng không dễ, thậm chí là không thể trở thành nạn nhân của những đối tượng tạm gọi là “lừa đảo” này. Bà Nguyễn Thị Tâm, tổ 11, phường Hương Sơn chia sẻ: Ban đầu, tôi rất hay đọc thông tin về dịch bệnh do các bạn tôi chia sẻ. Nhiều thông tin khiến tôi vô cùng hoang mang. Có thông tin đã khiến tôi cấp tốc đi mua 50kg gạo về tích trữ. Sau đó, khi xem thời sự trên Đài Truyền hình Việt Nam, tôi mới biết, đó đều là những thông tin giả mạo. Vì thế, đến giờ, tôi chỉ tin những thông tin được đăng tải từ các báo, đài chính thống.

Ở một góc độ khác, ông Lê Trọng Bình, người dân thị trấn Hương Sơn (Phú Bình)cho rằng: Chính sự thiếu hiểu biết và ích kỷ, hẹp hòi của nhiều người đã dẫn đến việc kỳ thị đối với những người không may mắc COVID-19. Vì vậy, ngoài nỗi lo mắc bệnh thì nhiều người còn lo lắng về sự kỳ thị của xã hội đối với mình và gia đình mình. Có những trường hợp mặc dù có biểu hiện của việc nhiễm COVID-19 nhưng không đủ can đảm để đi kiểm tra sớm và vì thế, khi chưa xác định rõ bản thân có mắc hay không thì họ vẫn đi đến chỗ đông người bình thường. Điều này tiềm ẩn khả năng lây lan rất lớn.

Vì thế, mỗi người dân hơn bất cứ lúc nào, cần thực hiện tốt theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng, nhất là việc khai báo y tế bắt buộc cũng như khai báo y tế toàn dân để sớm có biện pháp cách ly hoặc can thiệp phù hợp, giúp việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trở nên thuận lợi, dễ dàng.

Được biết, ngay sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và Bộ Y tế, ngày 9-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành công văn về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 trong tình hình mới và UBND tỉnh cũng đã triệu tập nhiều cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để chỉ đạo công tác phòng, chống loại dịch bệnh này. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục thực hiện vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng thêm tại 68 điểm tập trung đông người với diện tích phun thuốc đạt 238.480m2. Tính đến 11/3/2020, đã phun tiêu độc, khử trùng tại 2.739 điểm tập trung đông người với diện tích phun thuốc đạt 10.067.446m2. Cùng với đó, công tác quản lý, theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp đến từ hoặc đi qua các quốc gia, vùng có dịch; các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 cũng đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện đúng quy định.

Để vượt qua được đại dịch này, hơn lúc nào hết, rất cần ý thức, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng cùng chung tay phòng, chống dịch.

HOÀI VY

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy