Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:51 (GMT +7)

Chỗ đứng của tranh, tượng khỏa thân

VNTN - Nghệ thuật khỏa thân phổ biến trong mỹ thuật tạo hình và nhiếp ảnh; tranh/tượng khỏa thân có nhiều phong cách biểu hiện, nhưng từ trước đến nay vẫn được xem là đề tài nhạy cảm.


Với nhiều nền văn hóa cổ đại, khỏa thân không chỉ là một việc hết sức bình thường mà còn là một yếu tố không thể thiếu trong một số nghi lễ, tập tục gắn liền với các quan niệm tín ngưỡng. Từ đời sống văn hóa, hình tượng khỏa thân đã đi vào những tác phẩm nghệ thuật từ thuở sơ khai của nhân loại như một sự khắc họa rất tự nhiên. Những bức tượng khỏa thân còn sót lại từ thời Babylon và Ai Cập cổ đại có thể coi là hình mẫu đầu tiên cho nghệ thuật khỏa thân trong nghệ thuật cổ đại phương Tây. Hình tượng khỏa thân cũng có trong nghệ thuật truyền thống của một số quốc gia nằm ngoài châu Âu, thường gắn liền với tín ngưỡng văn hóa phồn thực. Tiêu biểu là Ấn Độ - với những bức tượng và phù điêu khỏa thân trong các điện thờ đạo Hồi đặc trưng cho tín ngưỡng tôn thờ tình dục như một nghi lễ tôn giáo; bên cạnh đó là Nhật Bản - với các bãi tắm công cộng cho cả hai giới được tái hiện trong những tranh khắc gỗ Nhật Bản. Tuy vậy, có lẽ chỉ khi xuất hiện các nghệ nhân điêu khắc Hy Lạp cổ đại thì nghệ thuật khỏa thân mới thực sự được hình thành như một hình thái độc lập.

Khỏa thân trong đời sống nghệ thuật

Theo Kenneth Clark, nhà sử học nghệ thuật của Anh - tác giả của cuốn sách “The Nude: A Study in Ideal Form” (Nude: Một nghiên cứu trong mẫu lý tưởng), thì The naked - trần truồng/lõa lồ là cơ thể bị tước bỏ quần áo, mang hàm ý trong đó là nỗi hổ thẹn, sự yếu đuối, mất tự do với cơ thể của mình. Nhưng ngược lại, The nude - khỏa thân được ngầm hiểu là ngôn từ có văn hóa và thẩm mỹ, không hề mang một chút ám chỉ khó chịu nào. Ấn tượng hiện lên trong tâm trí không phải là hình ảnh một cơ thể co ro và không có khả năng tự vệ, thay vào đó là sự khơi gợi về một cơ thể cân đối, giàu sức sống và đặc biệt là được phơi bày với tràn đầy sự tự tin - một cơ thể được tái tạo dưới lăng kính nghệ thuật. Cuối cùng Kenneth Clark đã chỉ ra yếu tố then chốt làm nên giá trị nghệ thuật đích thực của các tác phẩm với đối tượng khỏa thân: “…Dù là phô diễn một cách tượng trưng, được tỷ lệ hóa, hay phơi bày chân thật, trần trụi, dù là tôn vinh vẻ đẹp hoàn mỹ, lý tưởng, sức sống trong sáng hay là vẻ đẹp trần tục hay khơi gợi những cảm xúc bản năng, nghệ thuật nude cuối cùng vẫn phải là sự tôn trọng con người, tôn trọng sự nhào nặn của tạo hóa…”.

Tác phẩm “Thần Vệ Nữ đang ngủ”, Giorgione,1510.

Nhân vật lõa thể không chỉ xuất hiện trong tranh/tượng, mà còn xuất hiện trong các thể loại nghệ thuật khác. Ví như trang trí cho các công trình kiến trúc, phần lớn đã sử dụng các tác phẩm điêu khắc hay hội họa nhằm đem lại cả màu sắc tượng trưng, ẩn dụ lẫn sắc màu tôn giáo. Chúng ta biết đến đền Banteay Srei thuộc quần thể Angkor Thom, là điểm đến lịch sử nổi tiếng và cũng là công trình cổ kính bậc nhất của Campuchia. Đó là những tuyệt tác về nghệ thuật điêu khắc trên đá ong và sa thạch đỏ. Các bức phù điêu, tượng người hoa văn tinh tế và khéo léo được sắp đặt ở dọc nối từ ngoài vào trung tâm ngôi đền khiến du khách ấn tượng.

Quá trình phát triển của nhân loại, vẻ đẹp chân - thiện - mỹ đã được đề cao, rõ nét nhất là trong nghệ thuật. Thông thường mọi người rất dễ dàng "chấp nhận" những tác phẩm khỏa thân đã trở thành kinh điển như Thần vệ nữ thành Milo (Alexandros of Antioch - thời Hy Lạp cổ đại), David (Michelangelo - thời Phục hưng - Italia), Nụ hôn (Auguste Rodin - Pháp, thế kỷ XIX) v.v... Ở những tác phẩm này, tính chắt lọc và sự hài hòa về hình thể đã làm thăng hoa cảm xúc, trở thành hiện thân của vẻ đẹp hoàn hảo.

Với Thần vệ nữ thành Milo, đã có tài liệu nói rằng sau khi bức tượng được tìm thấy đã bị mất hai tay, nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc đã tìm cách khôi phục dáng bộ nguyên thủy của nó. Nhưng khi thêm cánh tay vào thì bức tượng lại mất đi vẻ tự nhiên, do vậy họ đành để như ngày nay. Còn bức tượng khỏa thân David của Michelangelo thì lại khác, mặc dù được coi là hoàn hảo nhất trong mọi thời đại nhưng vẫn gặp phải khá nhiều “thị phi”. Mọi tranh cãi ấy đều liên quan đến chi tiết “của quý” trên bức tượng. Năm 1857, khi Nữ hoàng Anh Victoria nhìn thấy bản sao của tượng David đặt ở Bảo tàng Victoria and Albert (London), bức tượng cao tới 6 mét, các chi tiết nhạy cảm lồ lộ trước bàn dân thiên hạ. Nữ hoàng đã “sốc” và không thể chấp nhận hình ảnh đó. Bà nhanh chóng ban lệnh phải dùng một chiếc lá sung để che phần nhạy cảm của “chàng David” lại. Kể từ đó, cứ mỗi khi có người của hoàng gia đến Bảo tàng, thì “chàng David” lại phải đeo lá sung cho đến khi các nhân vật cao quý đi về.

Bức tranh tường Ngày phán xét cuối cùng của Michelangelo tại nhà nguyện Sistina ở thành Vatican, đã gây chấn động đến nhiều người bởi hàng trăm nhân vật trong tranh đều khỏa thân. Đến lúc này, Giáo hội lần giở lại Kinh thánh với mong muốn tìm kiếm được giải pháp và nhận ra rằng từ thời hồng hoang, hai vị tổ tiên Adam và Eva đã dùng những chiếc lá để che đậy các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể sau khi hiểu được thế nào là trần truồng. Năm 1563, Giáo hội đưa ra sắc lệnh, các tác phẩm nghệ thuật không nên chứa đựng “vẻ đẹp kích thích sự ham muốn”. Vậy là các thành viên trong Giáo hội lại bận bịu vẽ thêm quần áo cho các nhân vật trong “Ngày phán xét cuối cùng”. Đây là bức tranh tường cuối cùng mà Michelangelo vẽ, sau này ông chỉ tập trung vào điêu khắc.

Khó khăn khẳng định giá trị

Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam có không ít tranh/tượng khỏa thân, nhưng bấy lâu nay không dễ tổ chức triển lãm độc lập, mà thường “được cài” một tỷ lệ rất nhỏ vào các cuộc triển lãm mỹ thuật chung. Đề tài khỏa thân ở Việt Nam vẫn bị cho là nhạy cảm với người xem. Còn với các nhà quản lý không phải lúc nào/ở đâu cũng chấp thuận triển lãm tranh/tượng khỏa thân.

Tác phẩm David của Michelangelo

Các bức tượng 12 con giáp của Trần Minh Tuấn sáng tác cách đây hằng chục năm, bốn năm trở lại đây được gom lại trưng bày cạnh nhau trong khu du lịch quốc tế Hòn Dáu (Hòn Dấu - Đồ Sơn, TP Hải Phòng), bấy lâu không ai có ý kiến gì. Nhưng đến nay, khi một vài người đưa chúng lên mạng xã hội thì lập tức được dư luận quan tâm bàn tán, điều đó chứng tỏ công chúng đã quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Trước sự “lên án” gay gắt của cộng đồng xã hội về tính “tục” của bộ tượng, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, không có đủ căn cứ để phân định giới tính giống như tác giả của 12 bức tượng con giáp đã áp dụng để tạo ra chúng. "Không có sử sách nào dám khẳng định con giáp nào là đực, con giáp nào là cái. 4000 năm trước, Ai Cập đã có tượng hình người đầu chim, nhưng bức tượng này xuất phát từ ý tưởng của truyền thuyết Ai Cập. Còn loạt tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu không có sự liên quan nào với sự tích hay truyền thuyết ở Việt Nam... Tượng nude cũng không phải đến lần này mới xuất hiện. Ở Đà Nẵng có tượng mẹ Âu Cơ, Đại Lải (Vĩnh Phúc) hay Bảo tàng dân tộc học (Hà Nội) cũng có tượng nude, thậm chí mô tả các hình hài của bộ phận sinh dục nam, nữ. Tuy nhiên, những bức tượng đó đều không có cảm giác gợi dục bởi tính thẩm mỹ cao, đi liền với những ý tưởng mỹ thuật mang phong cách độc đáo".

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã chỉ ra cả quá trình phát triển từ cổ đại tới ngày nay, hình ảnh cặp nam nữ làm tình trên nắp thạp Đào Thịnh cách đây hơn hai ngàn năm. Nhiều dân tộc thiểu số ở miền Trung cũng có tác phẩm điêu khắc khỏa thân. Khỏa thân cũng là nguồn cảm hứng cho mỹ thuật Việt từ thời Lý Trần tới cuối thế kỷ 19. Mảng chạm khắc đôi nam nữ làm tình vẫn lưu lại tại đình Phụ Lão, Bắc Giang có từ thế kỷ 16. Hình ảnh khỏa thân xuất hiện trong nhiều mảng trang trí ở nơi công cộng như đình làng, chứng tỏ sự cởi mở với đề tài khỏa thân trong mỹ thuật truyền thống.

Tại triển lãm khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ XIV (năm 2009, Phú Thọ) bức tranh sơn dầu Dậy thì (150x200 cm) của nữ họa sỹ trẻ Hà Quỳnh Nga (Phú Thọ) vẽ một cô gái khỏa thân đứng ngoài đường đã gây ra nhiều tranh cãi. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ không muốn treo, vì lý do thuần phong mỹ tục, cho dù rất nhiều họa sĩ trong hội đồng nghệ thuật cho rằng không có vấn đề gì. Cuối cùng người ta cũng đã treo nó vào góc khuất cầu thang. Từ trước đến nay, đó là trường hợp thứ ba. Lần thứ nhất là bức tranh Ngã ba sông của một họa sĩ Hải Phòng, vẽ hơi giống bộ phận kín; lần thứ 2 là một bức tranh vẽ người quét rác của một họa sỹ Hải Dương, có phần hơi bệ rạc. Tuy nhiên, trong hơn hai vạn tác phẩm qua 14 năm triển lãm, đến nay chỉ có ba trường hợp tỉnh đề nghị không treo, Hội Mỹ thuật Việt Nam nhất trí vì chủ yếu do chất lượng nghề không thật cao.

Dường như ở Việt Nam, tranh/tượng khỏa thân luôn chịu cái nhìn định kiến bởi nó nằm ở giữa tục và thanh. Nhiều bức tranh/tượng khỏa thân mạo danh nghệ thuật chỉ có “dục” mà không có đẹp, và không ít người đã lợi dụng đề tài này để lừa bịp công chúng và các nhà quản lý, đề cao cá nhân - đánh bóng tên tuổi. Nói về năng lực sáng tạo chủ đề khỏa thân, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng “…họa sĩ phải có năng lực biến nhục cảm thành mỹ cảm. Nếu không cảm thấy nhục cảm, ngồi trong xưởng vẽ trước một cô người mẫu mà không có rung động, tốt nhất đừng bao giờ vẽ tranh khỏa thân. Nghệ sĩ phải có một phông văn hóa đủ vững, hiểu biết về đề tài để biến nhục cảm thành mỹ cảm. Xem tranh phải thấy đẹp, thấy rung động trong tâm hồn. Cái dục ở trong đề tài thì nó nên ở trong tranh vọng ra người xem chứ không phải trong đầu người xem”.

Giá trị nghệ thuật đích thực của tranh/tượng khỏa thân thực không dễ gì hiểu ngay nếu không được đào tạo bài bản. Vẽ tranh và làm tượng có rất nhiều thứ hạng khác nhau. Và không phải hết thảy “tác phẩm” tạo hình cứ cởi bỏ y phục là thành nghệ thuật khỏa thân. Một phần bởi nền văn hóa người Á Đông khác phương Tây khá nhiều. Với số lượng tranh/tượng khỏa thân được triển lãm khiêm tốn như hiện nay thì ít người biết đến cũng là lẽ đương nhiên. Mặt khác, việc truyền thông về tranh/tượng khỏa thân chưa thực sự có góc nhìn cởi mở, người Việt phần đông chưa hiểu đầy đủ bản chất tranh/tượng khỏa thân, vẫn nhìn chúng như một vấn đề dung tục. Điều đáng lưu tâm nữa là các tác phẩm tranh/tượng khỏa thân Việt Nam thực sự chưa nhiều tác phẩm đẹp. Phần lớn các nghệ sĩ tạo hình ít người có điều kiện làm phòng sáng tác riêng, có người mẫu riêng; đa số vẫn sáng tác khỏa thân theo trí nhớ, theo tưởng tượng là chính. Cũng có trường hợp tác phẩm hoàn thành rồi mà không được phép triển lãm, nhiều lúc chính tác giả cũng chưa đủ bản lĩnh để bênh vực cho tác phẩm của mình, cho dù đó là tác phẩm nghệ thuật đích thực…

Một vấn đề nổi cộm được đặt ra, rằng chúng ta cần tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận các tác phẩm tranh/tượng khỏa thân như thế nào? Đây hẳn là một vấn đề nan giải, liên quan đến công tác truyền thông, liên quan đến cả một nền giáo dục - đào tạo, đặc biệt là định hướng nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam đã bày tỏ quan điểm: “Chúng ta đã lầm lẫn mấy chục năm là dạy kỹ năng cho trẻ em chứ không phải là trang bị một mỹ cảm tốt. Con mắt biết nhìn cái đẹp là phải giáo dục ngay lúc đầu đời để chuẩn bị một lực lượng công chúng tốt cho nghệ thuật, điều này chúng ta chưa làm được. Tiếp theo là việc của các cơ quan quản lý nhà nước, cần sớm có một quy định chung để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ”.

Hiện nay, mặc dù chương trình giáo dục nghệ thuật đã có trong nhà trường phổ thông (năm 2000), đã đưa một số hình ảnh nghệ thuật khỏa thân vào chương trình (Mỹ thuật lớp 7), song vẫn còn gượng gạo, số bài học còn quá khiêm tốn. Hạn chế đó có lẽ là do quan niệm, có thể là do thể chế văn hóa chưa phù hợp với giai đoạn hiện nay chăng? Chỗ đứng của nghệ thuật tranh, tượng khỏa thân vẫn là một dấu hỏi lớn!

Gia Khánh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy