Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
09:40 (GMT +7)

Cho con một vé đi tuổi thơ

VNTN - Nếu trước kia, chuyện được nghỉ hè 3 tháng chẳng có gì là lạ, thì suốt cả tuần qua lại trở nên đặc biệt lạ khi thông tin Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng gửi tờ trình đề nghị lên Thành ủy Đà Nẵng, năm học 2016 - 2017 học sinh sẽ nhập học vào ngày 1/9 được lan truyền trên nhiều tờ báo mạng. Người người bày tỏ sự tán thành, họ hi vọng việc làm này của Sở GD - ĐT Đà Nẵng sẽ khơi lại cảm xúc thật về ngày khai trường mà đã rất nhiều năm qua học sinh không được hưởng như nó vốn có.

Ký ức “nghỉ hè 3 tháng” nhân dịp này được các bậc cha mẹ thế hệ 7X, 8X hồi tưởng với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Người ta nhắc nhiều đến bài thơ “Nghỉ hè” của Xuân Tâm như một minh chứng chưa mờ phai: “Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”. Kỳ nghỉ hè từng chứa đựng sự nôn nao khó tả, kéo dài từ những ngày tháng 6 đến hết tháng 8, sang đầu tháng 9 là chuẩn bị sách vở, quần áo mới háo hức chờ ngày tựu trường. Suốt 3 tháng ấy “bút nghiên” xếp lại sau lưng, trẻ em được vui đùa thỏa thích, nào tắm sông, câu cá, bắt chim, bắn bi, đá dế, bắn ná, tìm rau quả rừng… Không chủ quan khi nói rằng, những trải nghiệm trực quan sinh động, hòa mình vào nhịp sống thường ngày đã giúp trẻ hun đúc tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên, chân thành nhất.

Nhiều người bày tỏ sự vui mừng xen lẫn nỗi chờ mong, liệu rằng 90 ngày hè trong trẻo ấy có cơ hội trở lại? Con trẻ có thể hồn nhiên sống đúng nghĩa với tuổi thơ của chúng?

Nhiều năm nay, chúng ta chẳng còn xa lạ gì với việc chưa đến hè nhưng cha mẹ đã chạy đôn chạy đáo lo chương trình học hè cho con. Nào là học thêm nâng cao các môn văn hóa; tham gia các lớp học kỹ năng mềm, lớp năng khiếu nhảy múa, nhạc họa… Báo chí đã từng vào cuộc gay gắt, phản ánh nhiều bất cập về chương trình học quá tải ngay từ cấp tiểu học. Để theo kịp giáo trình cải cách, trẻ em mới 4 - 5 tuổi đã được cha mẹ cho đi học chữ, học phép tính. Phép so sánh về chiếc cặp sách gần bằng cân nặng của những cô, cậu bé 6 tuổi; đôi mắt trong veo và những cặp kính cận dày cộp… khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tuy vậy, họ không thể không bắt con cái học ngày học đêm và nói “không” với ngày nghỉ…, sợ “buông lỏng” là con sẽ “tụt hậu” ngay. Không có những khám phá, trải nghiệm với thực tiễn, học sinh giờ bị “nhồi nhét” chẳng khác nào “gà công nghiệp”. Đến nỗi việc chúng không biết đến bếp củi, không biết con trâu hình thù ra sao, cây chuối có cành…, lâu dần đã chẳng khiến người ta ngạc nhiên hay “sửng sốt” nữa.

Nhắc chuyện nghỉ hè xưa, nói chuyện nghỉ hè nay, có lẽ không thể làm phép so sánh được, bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng. Xã hội vận động phát triển không ngừng, việc lĩnh hội được nhiều kiến thức chính là cách chúng ta tạo ra cơ hội hội nhập và phát triển với thế giới. Tuy nhiên, thời gian nghỉ hè bị “đánh cắp” quá nhiều, thậm chí có em chỉ được bố mẹ cho nghỉ 2 tuần thì quả là… quá căng thẳng. Liệu rằng, khi không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí, thì tư duy sáng tạo của các em có thực sự chủ động và độc đáo?

Phải nói rằng, việc làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng là đáng khen. Đề xuất để học sinh có thể nghỉ hè trọn 3 tháng được Sở này đưa ra sau khi đã theo dõi tình hình thành phố trong nhiều năm liền, như bão lũ, rét đậm, rét hại không ảnh hưởng nhiều đến việc học của học sinh. Không chỉ thế, Sở cũng đã lập kế hoạch khoa học để học sinh thành phố lẫn các vùng phụ cận thực sự được tạo điều kiện có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa như: mở cửa các thư viện và trung tâm văn hóa thiếu nhi, nhà thể thao đa năng để các em được vui chơi thỏa thích; sẽ phối hợp mở các Câu lạc bộ dạy kỹ năng bóng đá, mỹ thuật, âm nhạc, aerobic, phát động phong trào dạy bơi lội...

Có lẽ sự cởi mở của chúng ta trong giáo dục là điều vô cùng quan thiết. Và bắt đầu là từ kỳ nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng, cho con trẻ tấm vé đi tuổi thơ của chúng, tại sao không?

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy