Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:00 (GMT +7)

Chiến hào màu lửa thép

KỶ NIỆM 40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17/2/1979 - 17/2/2019)

Mờ sáng ngày 17/2/1979, các loại đạn pháo hạng nặng của quân Trung Quốc xâm lược đồng loạt xé toang màn đêm tàn phá dữ dội toàn tuyến biên giới phía Bắc. Pháo chưa dứt hẳn, xe tăng và bộ binh của chúng đã tràn sang xâm lược nước ta. Cùng với quân và dân cả nước, những người thợ gang thép đã bước vào cuộc chiến với ý chí kiên cường, lòng quả cảm và khát khao cháy bỏng về Độc lập - Tự do, thể hiện tình yêu quê hương đất nước nước bằng trái tim và cả máu của mình.

Theo bước chân cán bộ chiến sỹ gang thép năm xưa, chúng tôi không khỏi xúc động, tự hào khi nghe những hồi ức của những nhân chứng may mắn còn sống trở về từ cuộc chiến tàn khốc.

Ông Đào Sơn, nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn tự vệ Gang thép, năm nay 90 tuổi, hiện sinh sống tại phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên. Nhớ lại kỷ niệm một thời hào hùng, gương mặt ông ánh lên nét trẻ trung: “Đội ngũ cán bộ công nhân gang thép được rèn luyện, thử thách qua cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, rất nhiều người là bộ đội chuyển ngành, đã tham gia chiến đấu trên các chiến trường, họ hiểu rõ giá trị xương máu của Tự do - Độc lập. Nhiệt huyết, tinh thần yêu nước và bản lĩnh ý chí của những người thợ đã làm nên sức mạnh của cả đội ngũ. Khi Tổ quốc cần, không chỉ họ mà bất cứ ai cũng xác định được trách nhiệm của mình. Tôi là giảng viên xạ kích pháo mặt đất Trường Sĩ quan pháo binh, chuyển ngành về xây dựng khu gang thép từ năm 1960. Được Quân khu quyết định giao làm Tham mưu trưởng Sư đoàn, tôi đã cùng Ban Chỉ huy tổ chức các đơn vị tự vệ với nhiều phương án phòng thủ, tác chiến và sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ…”.

Thời kỳ ấy, vết thương chiến tranh trên khu gang thép chưa lành bởi hậu quả của các cuộc ném bom hủy diệt của máy bay Mỹ. Từ giữa năm 1978, mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc diễn biến phức tạp. Ngày 2/6/1978, các chuyên gia nước ngoài đồng loạt rút về nước, nguồn viện trợ bị cắt, việc hoàn chỉnh toàn bộ dây chuyền sản xuất gang thép theo thiết kế bị đình trệ. Dã tâm xâm lược nước ta của bọn bành trướng Trung Quốc nóng lên từng ngày.

Theo quyết định của Quân khu I, công ty đã lựa chọn 247 chiến sỹ tự vệ ưu tú thành lập Tiểu đoàn 15 Gang thép và tổ chức lễ ra mắt ngày 27/8/1978 tại sân bóng Hội trường 62. Tên gọi đơn vị như vậy bởi trong kháng chiến chống Mỹ, công ty có hai tiểu đoàn là tiểu đoàn 6 và tiểu đoàn 9 Gang thép chiến đấu tại chiến trường miền Nam, cộng hai số tiểu đoàn lại thành 15. Năm 1978 cũng tròn 15 năm mẻ gang đầu tiên của Tổ quốc ra lò (1963 - 1978) nên tiểu đoàn mang tên đầy ý nghĩa đó.

Tình hình biên giới phía Bắc ngày càng căng thẳng. Khẩu hiệu hành động “Cả công ty là một pháo đài, mỗi đơn vị là một chốt thép, mỗi gia đình là một điểm tựa, mỗi công nhân cán bộ là một chiến sĩ kiên cường. Tất cả sẵn sàng đánh trả kẻ thù xâm lược” được quán triệt tới công nhân viên chức. Chỉ hơn một tháng, hàng nghìn thanh niên công nhân đã ghi tên tình nguyện nhập ngũ, nhiều đồng chí đã dùng máu của mình viết đơn gửi Đảng ủy, Tổng Giám đốc xin được lên biên giới tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Hầu hết cán bộ công nhân là bộ đội chống Mỹ chuyển ngành đều tình nguyện trở lại quân đội.

Theo yêu cầu chuẩn bị chiến đấu, công ty điều động một bộ phận lực lượng cán bộ công nhân và phương tiện vận chuyển phục vụ công tác xây dựng các tuyến phòng thủ biên giới.

Ngày 28/11/1978, tại Quảng trường Gang thép (nay là khu vực Tượng đài công nhân), lễ ra mắt Sư đoàn tự vệ Gang thép được tổ chức trọng thể bằng cuộc diễu binh diễu hành biểu dương lực lượng. Lời tuyên thệ “Khi Tổ quốc cần, công nhân Gang thép sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” vang lên giữa biển người hừng hực khí thế. Trước đó, 100% các đơn vị sản xuất đã hình thành các đơn vị tự vệ có biên chế từ đại đội đến trung đoàn. Cấp chỉ huy đều do lãnh đạo đơn vị đảm nhiệm, cán bộ tự vệ làm tham mưu…, thu hút hơn 60% công nhân viên chức tham gia vào các binh chủng thông tin, bộ binh, pháo binh, vận tải, công binh, hậu cần, quân y… Trong đó một nửa là tự vệ chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới từ ngày 17 tháng 2 năm 1979, lực lượng cán bộ chiến sỹ nguyên là cán bộ công nhân gang thép làm nhiệm vụ trên hai hướng tuyến:

Tại mặt trận Lạng Sơn: Nhận lệnh của Quân khu I và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Thái, đêm 16 rạng ngày 17/2/1979 Tiểu đoàn 15 Gang thép được tăng cường quân số lên 450 người bí mật khẩn trương hành quân lên Lạng Sơn chiếm lĩnh trận địa, nhận nhiệm vụ chặn đánh quân xâm lược ở mũi chủ yếu, không cho chúng tấn công theo hướng quốc lộ 1B về cầu Khánh Khê. 4 đại đội của tiểu đoàn triển khai đội hình theo thế chân kiềng. Đại đội 1 đóng trên điểm 500 Là Ma. Đại đội 2 trên cao điểm 455. Đại đội 3 chốt giữ cao điểm 607B. Đại đội 4 hỏa lực án ngữ trên cao điểm 400, bản Tình Trè, Long Hoi. Dưới làn đạn pháo trút xuống trận địa, các chiến sỹ ta vẫn kiên cường bám trụ đẩy lui các cuộc tiến công của địch, có ngày 11, 12 cuộc tấn công điên cuồng nhưng đều bị bẻ gãy. Đại đội 2 bị địch đánh thẳng vào trận địa, đại đội trưởng Nguyễn Kim Trọng chỉ huy chiến sỹ chiến đấu giành giật với địch từng mét chiến hào. Đồng chí Nguyễn Văn Cúc, Chính trị viên, Bí thư chi bộ dù bị thương vẫn bám trận địa, bình tĩnh động viên bộ đội chiến đấu. Tiểu đội tiền tiêu do Vi Văn Thắng làm tiểu đội trưởng thuộc đại đội 1 khi trận chiến đang diễn ra ác liệt trên cao điểm với trung đội sơn cước thì hết đạn, cả tiểu đội đã dùng súng lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch, giữ trận địa đến lúc cả tiểu đội hy sinh…

Khi nhận lệnh cơ động về phía nam cầu Khánh Khê, tiểu đoàn được sự phối hợp của các đơn vị bạn đã lập cứ điểm chốt giữ không cho địch vượt cầu Khánh Khê, sông Kỳ Cùng. Tại đây, các cuộc giao tranh diễn ra ác liệt, xác quân bành trướng nằm ngổn ngang, máu đỏ sông Kỳ Cùng.

Tại mặt trận Cao Bằng: Khi quân xâm lược tràn qua tuyến biên giới, chấp hành mệnh lệnh số 200/QĐ/TL ngày 22/2/1979 của Bộ Tư lệnh Quân khu I, công ty đã phối hợp với các đơn vị thi công xây dựng khôi phục khu gang thép động viên 449 cán bộ, chiến sỹ thành lập Tiểu đoàn Chi Lăng. Tiểu đoàn hầu hết là bộ đội chống Mỹ chuyển ngành về làm việc tại xí nghiệp xây lắp II và các nhà máy, xưởng mỏ. Đồng chí Trần Anh Vân, nguyên quyền Bí thư Đoàn Thanh niên Gang thép khóa II được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng. Không cần thời gian huấn luyện, những người thợ mặc quân phục, nhận vũ khí và hành quân nhận nhiệm vụ bảo vệ tuyến quốc lộ 34 và phòng thủ chặn bước tiến quân của địch tại khu vực Bảo Lạc, Nguyên Bình, trong đó có mỏ thiếc Tĩnh Túc - đơn vị thành viên của Bộ Cơ khí - Luyện kim.

Vừa chiếm lĩnh trận địa, pháo binh Trung Quốc đã trút xuống đội hình phòng ngự, chốt giữ của tiểu đoàn và tổ chức tấn công làm nhiều cán bộ chiến sỹ thương vong. Với bản lĩnh, ý chí đã được tôi luyện, thử thách qua chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn Chi Lăng đã chiến đấu kiên cường, giữ vững trận địa.

Trước sức tấn công của quân xâm lược và những tổn thất của Tiểu đoàn Chi Lăng, theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh mặt trận, Sư đoàn tự vệ Gang thép đã tổ chức Tiểu đoàn Gang thép cấp tốc hành quân lên biên giới. Tiểu đoàn do ông Bạch Mai Huy, Phó Ban Quân sự công ty làm tiểu đoàn trưởng. Đồng chí Nguyễn Minh, Phó Tổng giám đốc công ty, Sư đoàn trưởng Sư đoàn tự vệ Gang thép trực tiếp chỉ huy chiếm lĩnh trận địa. Do yêu cầu nhiệm vụ, cả tiểu đoàn nhận ngay vũ khí tại kho, lên xe vừa lau dầu mỡ, vừa ôn luyện thao tác vào lắp đạn vào các băng tiểu liên AK để sẵn sàng chiến đâu. Tiểu đoàn chia làm hai cánh quân: Một bộ phận phối hợp với Tiểu đoàn Chi Lăng phòng thủ khu vực Nguyên Bình và quanh mỏ thiếc Tĩnh Túc, một bộ phận phòng ngự phía nam cầu Tài Hồ Sìn đã bị đánh sập để chặn đường tiến quân của đối phương. Trong đội hình những người thợ tình nguyện ấy, có cả các cô gái làm nhiệm vụ quân y, hậu cần, thông tin…

Cũng tại mặt trận Cao Bằng, Tiểu đoàn tự vệ mỏ mănggan Trà Lĩnh thuộc biên chế của Sư đoàn tự vệ Gang thép đã cùng cán bộ, công nhân Đoàn địa chất và một đơn vị quân đội của Trung đoàn 677 kiên cường bám trụ chiến đấu. Bố trí các tiểu đội tự vệ lợi dụng địa hình địa vật thọc sâu tập kích phía sau phân tán lực lượng địch. Tại đèo Kênh Nàng, tự vệ mỏ phục kích dùng cối 60 bắn tiêu diệt một số tên giặc và xe cơ giới. Tại bản Pò Phước, bản Trang địch tấn công vào chốt của tự vệ mỏ do đồng chí Nghiêm Xuân Nhiên, Phó Bí thư Đảng ủy mỏ phụ trách, cán bộ chiến sỹ tự vệ mỏ đã dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch cho đến khi hết đạn. Đồng chí Nghiêm Xuân Nhiên và một số tự vệ mỏ đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Sơn, học sinh lớp hầm lò, sau khi bắn 11 viên đạn cối 60 trúng đội hình xe cơ giới Trung Quốc đã hy sinh ngay bên cạnh khẩu súng hết đạn của mình…

Lúc mỏ bị bao vây, trên 500 người trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đang sơ tán tập trung tại hang Gả. Các chiến sỹ tự vệ mỏ phối hợp cùng bộ đội và dân quân địa phương biến khu vực hang Gả thành trận địa chiến đấu bảo vệ nhân dân. 5 đợt tấn công ác liệt vào khu vực hang đều bị bẻ gãy, hơn 300 lính Trung Quốc bị tiêu diệt.

Tại mặt trận hậu phương: Đề phòng đối phương đưa máy bay ném bom và đổ bộ tập kích bằng đường không, công ty bố trí tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly (gồm các đơn vị Nhà máy cơ khí, Luyện gang, Cốc hóa, Vận tải đường sắt) cùng các đại đội bộ binh thực hiện trực chiến nghiêm ngặt theo phương án phòng thủ tác chiến của Quân khu 1 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái…

Khi quân xâm lược rút về nước, tháng 4/1979 theo yêu cầu của cấp trên, Trung đoàn tự vệ công binh mang tên Quyết Thắng gồm 1.500 cán bộ chiến sỹ lên đường xây dựng phòng tuyến biên giới phía Bắc. 10 km chiến hào trên các sườn núi tỉnh Lạng Sơn đã được những người thợ gang thép thi công với nhiều hầm hào công sự kiên cố, đáp ứng đủ điều kiện cho các lực lượng vũ trang tác chiến chặn bước kẻ xâm lăng.

Màu đất đỏ biên cương lại một lần nữa sáng lên như màu lửa thép.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Trần Văn Chén, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn 15 Gang thép, hiện sinh sống tại phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên không nén nổi xúc động: “Trên điểm chốt đối mặt với kẻ thù, những người lính chỉ có một suy nghĩ duy nhất là bằng mọi giá phải giữ vững trận địa. Nếu chúng tràn qua, đất nước sẽ không còn. Đạn pháo địch cày xới từng gốc cây ngọn cỏ, đồng đội bên cạnh liên tiếp ngã xuống, nhưng không một ai dao động, tỏ ra hèn nhát. Nhiều đồng chí bị thương vẫn nghiến răng xiết cò súng. Đặc biệt, tiểu đội của đồng chí Vi Văn Thắng đã chiến đấu đến người cuối cùng. Xác các anh nằm chồng lên xác giặc. Khi lực lượng chi viện tấn công chiếm lại chốt, đồng đội bàng hoàng thấy thi thể các anh bị xé nát bởi hàng chục vết đạn, nhiều xác giặc còn nguyên vết lê găm…

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, hàng trăm cán bộ chiến sỹ, nguyên là những người thợ gang thép đã anh dũng hy sinh. Gần nửa thế kỷ trôi qua, những người còn sống luôn mong muốn đồng đội mình ngã xuống không ai bị lãng quên, không điều gì có thể bị quên lãng. Trong sâu thẳm miền ký ức, nỗi đau về những hy sinh mất mát dường như chưa hề nguôi ngoai. Sự tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của họ không chỉ là chiến công, mà còn để lại nhiều bài học cho các thế hệ.

Năm tháng đã lùi xa, nhưng chương sử truyền thống và tâm trí của các thế hệ cán bộ công nhân gang thép mãi khắc ghi sự cống hiến hy sinh của những người thợ cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược, góp phần bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đội quân bạt núi san đồi xây dựng Khu gang thép, đã mang tinh thần thép kịp thời có mặt chi viện cho tuyến đầu. Chiến hào biên giới không chỉ sáng lên màu của đất đai, mà còn là màu ánh lửa tường thành thép từ những người thợ cầm súng trút bão lửa chặn đứng cuộc tấn công xâm lược của kẻ xâm lăng.

Cuộc chiến diễn ra ác liệt trong thời gian ngắn. Cả nước đã tập trung cao độ huy động sức người sức của để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, trên toàn tuyến biên giới, nhiều cuộc xung đột vũ trang với cường độ và phạm vi hạn chế tiếp tục kéo dài suốt gần 10 năm mới chấm dứt. Sau năm 1979, nhường vị trí tiền tiêu cho các binh đoàn chủ lực, những cán bộ công nhân cầm súng lại trở về với việc làm thường nhật bên xưởng máy, công trình và lòng moong khai thác. Những đóng góp và cống hiến hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã được Tổ quốc ghi nhận, nhưng một số đơn vị còn chưa đề cập, hoặc ít nhắc tới trong các dịp kỷ niệm, làm nhiều người không khỏi suy tư.

Gặp gỡ các cựu chiến binh và những người lính mặc áo thợ, tôi càng thêm cảm phục bản lĩnh, ý chí của các thế hệ cha anh trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược. Không ai tình nguyện cống hiến xương máu lại đòi hỏi được vinh danh, nhưng nhắc nhớ một sự kiện bi hùng của dân tộc, cũng là một việc làm cần thiết để trân trọng lịch sử truyền thống.

Hy vọng sức mạnh được tạo dựng từ phẩm chất của mỗi người thắp lên màu lửa thép trên chiến hào năm ấy, sẽ sáng mãi hôm nay và mai sau.

Bút ký. Phan Thái

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước