Chiêm nghiệm để gửi vào tác phẩm
(Nhân đọc tập truyện ngắn “Ngày xưa cỏ chóc” của Đào Nguyên Hải, NXB Hồng Đức, 2024)
Tập truyện vừa được xuất bản tháng 4 năm 2024, gồm 21 truyện ngắn. Trong đó, có 8 truyện liên quan đến người lính, 2 truyện về những thanh niên xung phong của Đại đội 915 anh hùng, còn lại là những chuyện xoay quanh cuộc sống gia đình và xã hội. Có thể thấy tập truyện đa đề tài, không gian rộng (sang cả nước bạn Campuchia), nhưng phần lớn đều nằm trong khung cảnh nông thôn; tính cách nhân vật đậm chất nông dân; nhiều chi tiết truyện liên quan đến vùng quê. Đó là một đặc điểm rất riêng của Đào Nguyên Hải trong tập truyện mới này.
Những dư âm dai dẳng của chiến tranh
Điều đầu tiên có thể nhận thấy khi đọc tập truyện là những dư âm dai dẳng của chiến tranh, hậu chiến tranh trong đời sống xã hội đã tác động mạnh mẽ vào suy tư của tác giả. Là một người lính đã từng có những năm tháng chiến đấu trên đất bạn Campuchia, Đào Nguyên Hải chứng kiến, trải nghiệm những nỗi đau, những khát vọng của mỗi con người trước sự mất mát khốc liệt của chiến tranh. Từ những chiêm nghiệm ấy, anh bỗng nhận ra những điều quý giá trong cuộc sống, những động lực để con người vượt qua hy sinh, mất mát. Đó là tình yêu trong sáng, tình cảm đồng đội cùng những ký ức bình dị của quê hương.
Điều này có lẽ lý giải vì sao một nửa số truyện của tác phẩm thuộc đề tài chiến tranh, hậu chiến tranh.
Trước hết, tôi muốn đề cập đến khía cạnh tình yêu trong chiến tranh của tập truyện. Trong 10 truyện ngắn về đề tài chiến tranh, có 4 truyện có bóng dáng của tình yêu lứa đôi. Các truyện đều không đi sâu vào các tình tiết của yêu đương. Yêu đương chỉ như cái cớ để tác giả nói về nỗi đau chiến tranh.
“Dưới ánh trăng” là một tình yêu không biên giới. Một cô gái Campuchia đã yêu anh lính tình nguyện Việt Nam. Một tình yêu trong sáng, chân thật, lo lắng cho nhau đã giúp họ có những khoảng bình yên, quên đi những hiểm nguy luôn hiện hữu quanh mình. Nhưng chiến tranh đã làm họ phải chia lìa.
Truyện “Vị gió” và “Lá thư trong túi áo” cũng là những tình yêu vụng dại dang dở của người lính trẻ. Hai câu chuyện chứa đựng sự khát vọng nhiều hơn là miêu tả những lãng mạn của tình yêu. Tình yêu cũng như một điều linh thiêng để người lính hy vọng ngày trở về. Hai câu chuyện có rất nhiều khoảng lặng. Khoảng lặng của hy vọng mong manh trong giây phút cái chết cận kề. Khoảng lặng của nhói đau vì những khát vọng kia bỗng trở thành tuyệt vọng. Đó là sự thật của chiến tranh.
“Hương hoa dẻ” lại là một truyện mang nỗi buồn của hậu chiến tranh. Anh lính cao xạ và cô dân quân yêu nhau do anh cứu cô khi cô bị ngã xuống hố trên đồi vắng. Do chiến tranh, họ mất liên lạc với nhau rồi mỗi người có một cuộc sống riêng. Cuộc đi tìm lại đồi cây kỷ niệm xưa có nhiều hoa dẻ mọc, lại bất ngờ dẫn bà đúng vào nhà người yêu cũ của mình - người đã trồng cây hoa dẻ trong vườn. Họ đã tìm thấy nhau mà không dám gặp nhau. Bà lẳng lặng ra về. Cái kết ấy của tác giả gieo vào lòng người đọc một tâm trạng buồn. Một tình yêu chung thủy bị chiến tranh ngăn cách.
Khía cạnh thứ hai là nỗi đau hậu chiến tranh. Những nỗi đau ấy còn dai dẳng theo suốt nhiều số phận con người.
“Dưới tán côm xanh”, “Trong ký ức của bà”, “Hai người mẹ” là những truyện nói về nỗi đau của các bà mẹ khi chiến tranh đã đi qua. Nỗi đau không nguôi tháng ngày lại trở thành niềm tin, niềm hy vọng là con mình, đồng đội mình chưa bao giờ mất. Một chi tiết trong truyện “Dưới tán côm xanh” được tác giả khai thác, đó là tâm trạng bà mẹ tưởng lẫn mà không hề lẫn đã nói lên điều đó. Những tiếng kêu, hành động trong lúc mê sảng của người bà là cựu thanh niên xung phong trong truyện “Trong ký ức của bà” cũng là những tác động ký ức đau đớn về đồng đội một thời không dễ nguôi ngoai. Chiến tranh còn gây ra nỗi đau của hai bà mẹ ở hai đất nước khác nhau trong truyện “Hai người mẹ”.
Như vậy, với những truyện về đề tài chiến tranh, Đào Nguyên Hải không đi sâu khai thác những khía cạnh mô tả chiến sự khốc liệt hay khung cảnh tàn phá chiến trường. Anh đi sâu vào khía cạnh của khát vọng và nỗi đau của con người trước chiến tranh. Đó là những tình yêu bị chia lìa. Đó là những khát vọng bình thường của cuộc sống bị chiến tranh tước đoạt. Đó là tâm trạng của những bà mẹ mất con. Nó cũng mang thông điệp về sự quý giá của hòa bình, về một cuộc sống yên bình.
Trong 10 truyện ngắn về đề tài này, tôi thấy hay nhất là truyện “Hoàng Yến Sa Ra”. Truyện hay bởi cái đẹp được phát lộ trong một tình huống của chiến tranh. Cái đẹp được tồn tại từ sự nhạy cảm trong tâm hồn người lính. Một cô gái dẫn đầu nhóm tàn quân Pol Pot đã lọt vào ổ phục kích. Cô đã lọt vào tầm ngắm của nòng súng. Anh lính tình nguyện Việt Nam đang từ từ siết cò. Chỉ trong tích tắc thì cô sẽ không còn trên cuộc đời này. Trong tích tắc ấy, ngón tay siết cò của anh bị khựng lại. Một vẻ đẹp trẻ trung, thánh thiện trước mắt và bao câu hỏi trong đầu đã ngăn ngón tay anh lại. Thời cơ đã mất, đám tàn quân ấy đã mất hút vào rừng. Anh chịu bao chì chiết của đồng đội vì là người chỉ huy không cho nổ súng. Bao năm sau, trong một cuộc thi sắc đẹp sinh viên, anh giật mình nhớ ra khuôn mặt năm xưa ấy. Thì ra, đó là con của cô gái Pol Pot năm xưa. Lúc này anh mới được biết hôm đó cô đang dẫn đám tàn quân nữ ra hàng qua lời kể của người con gái đã giành hoa hậu sinh viên. Đây không thể là sự may mắn. Những rung động của người lính đã đúng. Anh đã nhận ra cái đẹp thiện lương của cô gái trong một hoàn cảnh thật ngặt nghèo. Nếu chỉ biết cầm súng bắn giết, không bao giờ tâm hồn người lính đủ nhạy cảm để nhận ra cái đẹp chân thiện đang ẩn chứa trong cô gái giữa giây phút khốc liệt ấy. Chất nghệ thuật của truyện được tác giả khai thác rất tinh tế từ chi tiết này.
Những vui buồn trong gia đình và xã hội
Đề tài gia đình cũng chiếm một phần ba tập truyện. Ở mảng đề tài này tác giả đã quan sát, khai thác những mâu thuẫn, vui buồn trong mỗi mái ấm gia đình. Có những điều thuộc về lương tâm, đạo lý, đó là truyện “Nụ cười của mẹ”, “Ngọn núi ngày xưa”. Có những điều lại là sự vô tình, vô tâm, như truyện “Ông lão mài dao”. Lại có những điều nói lên sự hy sinh, chịu đựng vì con cái của các bậc sinh thành như “Chuyện không muốn kể”, “Nhớ Tết xưa”, “Mùa khoai sọ”.
Truyện “Nụ cười của mẹ” kể về một nỗi đau, nỗi đau vẫn đâu đó trong mỗi mái nhà. Hiện tượng này không phải ít. Đó là sự đùn đẩy nhau nuôi mẹ. Người con nào cũng có lý do riêng, rất chính đáng. Chỉ có mỗi người mẹ già không có lý do nào cả... Hình ảnh kết truyện là một nụ cười của mẹ. Sao nụ cười tươi mà nước mắt lại chảy tràn. Một sự giằng xé bởi yêu thương và nỗi buồn sâu thẳm. Truyện đánh động lương tâm, đạo làm con của mỗi người. Chủ đề truyện không mới, nhưng có sức nặng bởi sự sáng tạo từ chi tiết câu chuyện.
“Ngọn núi ngày xưa” cũng nói về nỗi đau người mẹ - khi con cái tranh giành nhau của cải. Đào Nguyên Hải đã có một cách giải quyết rất khác khi đưa ra một sự đối nghịch từ câu chuyện cổ tích để người đọc tự nhìn ra thông điệp.
Trong mỗi mái nhà, sự bình yên nhiều khi bị rạn nứt từ những điều vụn vặt. Truyện “Ông lão mài dao” là một sự quan sát rất kỹ điều này của tác giả. Sự hành nghề của ông lão chỉ là cái cớ để tác giả gửi thông điệp: mỗi gia đình hãy biết giữ gìn yên ấm từ những điều rất nhỏ hàng ngày.
“Chuyện không muốn kể”, “Mùa khoai sọ”, “Nhớ Tết xưa” đều là các truyện hướng đến đối tượng trẻ. Truyện thì cảnh tỉnh những cạm bẫy khi ra học chốn thị thành. Truyện thì nhắc về một thời khốn khó, chịu đựng của mẹ cha hy sinh vì con cái… Đây là những chủ đề không mới, nhưng tác giả biết tìm những chi tiết gây nhiều cảm xúc cho người đọc. Mỗi truyện ở mỗi góc cuộc sống, nhưng đều có bóng dáng của bậc sinh thành hy sinh tất cả vì con cái. Nó cũng cảnh tỉnh lối sống thực dụng của một bộ phận lớp trẻ hiện nay, khi quên đi công ơn của cha mẹ mình.
Trong những truyện về đề tài gia đình trên ta thấy nổi rõ một vấn đề, đó là tác giả đang rất quan tâm đến sự yên ấm cho một mái nhà; cố gắng tìm ra những kẽ nứt - do đạo đức xuống cấp, lòng tham, sự đua đòi, vô tâm… - mà các thành viên đã gây nên buồn đau cho nhau. Từ những góc nhìn rất cụ thể, thông điệp các câu chuyện ở mảng này cũng thiết thực với nhiều đối tượng trong một gia đình.
Với 4 truyện về đề tài xã hội, tác giả đã đi vào những góc khuất rất riêng của những đối tượng không bình thường trong xã hội.
“Sếp và con chim sâu” là câu chuyện về ý nghĩa cuộc sống. Những giả tạo, nịnh bợ như một luồng gió độc, nó chỉ ào qua và để lại những đắng cay. Khi hết quyền lực, ông giám đốc mới ngấm nỗi đau đó. Hình ảnh con chim sâu lao đầu vào cửa kính chết vì cái bóng của mình là một ẩn dụ rất sâu cay trong câu chuyện này.
“Tiếng xúc xắc” là truyện đi sâu vào tâm lý của kẻ say cờ bạc. Anh ta đã say tiếng xóc đĩa như âm thanh không thể thiếu hàng ngày, không màng đến cả hạnh phúc riêng của mình. Đây là một lĩnh vực vùng tối của xã hội. Cái khác là anh ta vẫn còn lương tâm tử tế một con người. Thua bạc trắng tay nhưng nhặt được túi tiền vẫn trả lại không nhận một đồng trả ơn. Truyện có cái kết có hậu. Tiếng đàn đang xua dần tiếng xúc xắc và đang hé nở một mối tình hạnh phúc. Ở truyện này, tác giả am hiểu một lĩnh vực rất nhạy cảm và cũng đưa ra một cái nhìn đầy nhân văn và cách giải quyết bất ngờ.
“Tiếng sáo tình yêu” là câu chuyện tình nhưng lại đan xen cả tính xã hội. Một cô gái người Mông chăm mẹ trong viện đang bấn loạn vì không biết xoay đâu ra tiền cho mẹ mổ, lại bỗng xao động khi bất ngờ nghe tiếng sáo. Một dấu hiệu của tình yêu. Tiếng sáo ấy đã lôi chân cô đến trước một sân khấu biểu diễn và gặp chàng trai cùng quê. Cái siết chặt tay nhau lúc chia tay vô tình chiếc nhẫn vàng của chàng trai tuột sang tay cô gái. Một chi tiết có tình, nhưng phi lý ấy đã giải quyết một vấn đề, đó là cô gái có tiền lo cho mẹ, sau đã mang trả nhưng chàng trai đã đi rồi. Phần tiếp câu chuyện lại mở ra một vấn đề khác… Tác giả đã dùng những tình huống bất ngờ làm người đọc xoay chuyển cảm xúc. Cách đổi ngôi kể cũng góp phần làm diễn biến truyện tăng nhiều hiệu quả.
“Tìm vợ”, một câu chuyện pha chút hài hước, mang đến sự thú vị cho người đọc. Từ sự kén chọn vợ quá mức ấy tác giả muốn đưa một thông điệp khác. Cuộc sống có ưu có khuyết, phải biết yếu tố nào là cốt lõi của vấn đề và biết khắc phục những điều vụn vặt để làm được việc lớn. Quá cầu toàn đến mức cực đoan sẽ khó lòng đạt điều mong muốn.
Cả tập truyện chỉ có một truyện về đề tài nông thôn mang chủ đề lập nghiệp. Có lẽ có một sự tâm đắc trong tác giả nên anh mới lấy tên truyện đặt tên cho tập truyện “Ngày xưa cỏ chóc”. Câu chuyện được nối với ký ức ngày xưa của người bà. Cây cỏ chóc đã cứu gia đình bà khỏi nạn đói. Nó đã trở thành loài cây ăn sâu trong tâm trí của bà. Người cháu tên Nguyệt đã hiểu thấu tâm tư bà khi thấy đồng ruộng nay bị bỏ hoang, nên sau khi học xong đại học nông lâm, cô đã quyết định về quê lập nghiệp. Cô đã đem về quê hương một cách làm ăn mới sau nhiều lần thất bại. Cô đã thành lập hợp tác xã liên kết với cả nước ngoài. Việc chọn cây cỏ chóc làm logo cho hợp tác của mình đã nói lên điều tạo nên động lực để cho Nguyệt phấn đấu vươn lên.
***
Qua 21 truyện trong tập sách, những điều rất gần với cuộc sống thường ngày đã được Đào Nguyên Hải kiếm tìm và lý giải - đầy nhân văn và thú vị.
Tác phẩm cho thấy anh vẫn rất nặng lòng với những nỗi đau chiến tranh. Nặng lòng với nỗi buồn trong mỗi con người xung quanh. Anh cũng đi vào các góc khuất rất riêng biệt của cuộc đời để tìm ra các bế tắc trong tâm lý nhân vật, đưa ra cách lý giải và giải quyết vấn đề một cách đầy nhân văn. Tất cả những vấn đề anh nêu ra ấy, không phải để cuộc sống bi lụy vì nỗi đau, nỗi buồn mà hướng cho chúng ta biết phải làm gì, nên làm gì cho có tình người, cho đúng đạo lý, cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Tập truyện đã có nhiều tìm tòi về tứ truyện cũng như những chi tiết khá độc đáo phục vụ ý tưởng. Từ những điều bình thường nhưng qua lăng kính của tác giả đã thành thông điệp sâu sắc. Việc vận dụng các chi tiết huyền ảo có tìm tòi sáng tạo cũng tạo những bước ngoặt cảm xúc cho người đọc.
Tuy vậy, trong tập sách vẫn có nhiều truyện bị lặp lại về mô típ. Nếu đọc tách rời từng truyện sẽ không ảnh hưởng gì, nhưng đọc liền trong tập sách sẽ gây ra một cảm giác lối mòn. Có truyện tuy có sự tìm tòi, nhưng cách giải quyết vấn đề vẫn theo lối mòn, làm người đọc đoán trước được hướng đi câu chuyện, nên không tạo cảm xúc mạnh cho độc giả. Vẫn còn đôi truyện nặng về thông điệp, nhưng tính nghệ thuật còn chưa cao.
Xin chia sẻ cùng quý độc giả đôi điều cảm nhận của tôi - với tư cách người đọc.
Xin được chúc mừng nhà văn Đào Nguyên Hải với tác phẩm mới của mình!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...