Chiếc mâm xoay
VNTN - Từ dạo nhà hàng “đóng” cỗ 8, cỗ 10 (8 đến 10 người ăn ngồi một mâm, thay vì mâm 6 người thường thấy) cũng là lúc cái mâm xoay ra đời.
Gia đình ít nhà dùng bàn ăn xoay, dù có đông người. Nhưng ở các nhà hàng, khách sạn lớn, bàn ăn xoay khá thông dụng. Ngồi ăn bàn xoay có nhiều cái tiện: chỉ cần xoay nhẹ là thức ăn “chạy” đến trước mặt, người ăn không phải vươn tay với sang phía bên kia chiếc bàn ăn rộng “mênh mông” gắp thức ăn như trước. Do công dụng tự phục vụ cao như vậy nên người ăn không bị người khác gắp thức ăn bỏ vào bát mình. Sự ân cần, chu đáo của người gắp thì ghi nhận, nhưng cái sự mất vệ sinh và ép người ta ăn thứ họ không thích thì tôi không thể chấp nhận.
Ăn bàn xoay là kiểu ăn mới nên nhiều người chưa quen, lại ít chịu quan sát nên nhiều khi gây cảnh “khóc dở mếu dở” trong bữa ăn.
Lần ấy, tôi dự tiệc cưới hoành tráng ở một nhà hàng sang trọng. Mâm tôi có 10 người, gồm thanh niên, người trung tuổi, người cao tuổi. Sau khi cụng ly chào nhau, cậu thanh niên xoay mâm “véo” một cái, cho đĩa thịt gà dừng ở chỗ mình, gắp miếng thịt bỏ vào bát. Cái mâm tiếp tục quay “véo” do một cô trung tuổi mạnh tay, khiến miếng măng trên tay bác cao tuổi rớt ra ngoài. Có vẻ không vui, bác cao tuổi trệu trạo đôi ba miếng rồi đứng dậy về trước. Còn lại 9 người, cậu thanh niên hình như bận việc nên “thi công” khá nhanh, cậu liên tục xoay mâm “véo véo” khiến đổ ly rượu, thành mâm va chạm vào bát nước chấm, thìa đũa của người xung quanh.
Trường hợp xoay mâm mạnh như chơi trò “chiếc nón kỳ diệu” như trên không nhiều. Tôi chứng kiến nhiều hơn cảnh “ghê rợn” khi đi ăn cỗ mâm xoay.
Một lần vào mâm sau mọi người, vừa cầm đũa lên thì cái mâm xoay từ từ đến chỗ tôi. Trời hỡi, một đống vỏ tôm, xương gà, xương lợn, giấy lau mồm ai đó “nhằn” ra lù lù hiện đến trước mặt tôi. Thì ra ai đó trong mâm quen cách ăn truyền thống, không nghĩ rằng các thứ mình nhè ra sẽ chu du đến trước mặt mọi người. Tiếc rằng, người đó không tinh ý nhận ngay ra điều đó để gạt xuống chỗ của mình. Chịu không thấu, cuối cùng tôi đành dọn đống rác đó đi để cả mâm ăn uống được ngon lành.
Kết cấu chiếc mâm xoay gồm 2 phần. Phần bàn cố định để bày bát, đũa, dĩa, cốc/ly/chén cho mỗi suất ăn. Phần mâm (thường bằng kính) xoay được là để thức ăn chung. Nhà hàng thường bày món đựng trong bát cao ở giữa mâm, các món đựng đĩa thấp ở rìa mâm, đĩa con đựng chanh, ớt… xen kẽ. Như vậy, không gian riêng của mình chỉ có khoảnh bàn cố định trước mặt. Bạn nên để nước/rượu; thức ăn thừa; giấy lau mồm; tăm… ở khu vực của mình. Tuyệt đối không đặt những thứ của riêng mình lên phần không gian chung (mâm xoay). Kể cả khi để ở không gian riêng, bạn cũng nên để kín đáo, đẹp mắt, vì người ngồi ngay bên cạnh nhìn thấy sẽ bất tiện. Khi xoay bàn để gắp thức ăn cần chú ý đến những người quanh mâm. Nếu lúc đó có người đang gắp thì nên chờ người đó gắp xong hẵng xoay bàn. Khi xoay nên xoay chậm rãi, nhẹ nhàng để không làm đổ hoặc bắn thức ăn ra ngoài.
Đúng là “học ăn, học nói, học gói, học mở”, các cụ dạy chả sai điều gì. Ngay cả việc ăn, đã làm quen từ khi sinh ra, đến lúc bạc đầu vẫn cứ lạ lẫm, lập cập, phải học mới biết. Nhưng chỉ cần bạn để tâm quan sát, nhạy cảm với xung quanh một chút bạn sẽ trở thành người lịch sự trong giây lát.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...