Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:58 (GMT +7)

Chiếc kẹo và uy tín

VNTN- Ngày nghỉ, tôi rủ cô bạn thân đi uốn tóc, mát - xa mặt. Trên đường về, tôi kéo nó vào siêu thị “tớ mua mấy thứ”. Nó lắc đầu quầy quậy “tôi ghét siêu thị này, cạch không bao giờ vào, cậu cũng đừng vào”. “Sao vậy, thái độ phục vụ không tốt hay hàng kém chất lượng?”. “Không phải, mà vì bọn nó hay trả lại tiền lẻ cho khách bằng… kẹo”.

Tưởng gì, chuyện ý tôi cũng thường gặp khi đi mua hàng ở siêu thị. Thường là, số tiền phải trả lại có số lẻ 500 đồng thì nhân viên thu ngân đưa cho khách một… chiếc kẹo. Nhiều lần tôi bảo “thôi, không cần trả lại” từ chối chiếc kẹo rồi nhanh chóng quên đi.

Nhưng bạn tôi không cho đó là chuyện nhỏ. Bạn bức xúc: “Tôi không thích kẹo, hơn nữa lại là loại kẹo rẻ tiền”. Để chứng minh, bạn tôi lôi trong túi ra một chiếc kẹo “Quê hương”, trên vỏ in chùm nho tím, một quả cam… màu sắc lòe loẹt. Dưới chữ “Quê hương” có dòng chữ “kẹo mềm hương trái cây”. Bạn tôi bóc vỏ kẹo ra, bên trong là mẩu bột màu xanh, mềm oặt, ngọt khé và lạo xạo. “Rõ ràng đây là loại kẹo rẻ tiền nhưng được họ bán với giá cao bằng cách trả cho khách thay tiền lẻ, họ thu siêu lợi nhuận từ trò này”, bạn tôi phân tích. “Thôi mà, có 500 đồng, không mua nổi mấy cọng hành”, tôi xoa dịu. Nó cười buồn: “Nói như cậu thì mọi chuyện phi lí của xã hội đều phải chấp nhận ư? Một ngày họ bán được bao nhiêu gói kẹo giá cao bằng cách này? Liệu người nhận có ăn những chiếc kẹo này hay vứt đi? Đã là quan hệ mua bán thì phải sòng phẳng. Siêu thị phải có trách nhiệm chuẩn bị tiền đủ các mệnh giá để trả lại cho khách, nhỏ mấy cũng phải trả. Điều đó không chỉ là tôn trọng khách mà còn thể hiện phong cách làm ăn đàng hoàng. Mình không biết việc trả kẹo thay tiền ấy là “sáng kiến” của nhân viên thu ngân hay của lãnh đạo siêu thị? Nhưng bất kể vì lý do gì thì đó cũng là trò “kinh doanh bẩn”, siêu thị đó “mất điểm” trong mắt mình”.

Đúng là “tham miếng bỏ mâm”, tôi thầm trách cái cách làm ăn “khôn lỏi” của siêu thị nọ, lại chợt nhớ đến một chị bạn bán hàng khô ở chợ. Hôm ấy, tôi rỗi rãi nên ngồi chuyện phiếm cả buổi với chị. Thấy chị bán hàng cho khách cứ bốc thêm cho “tươi tỉnh”, trả tiền thừa thì thường chịu phần thiệt, tôi vui mồm hỏi: Chị buôn bán thế thì lãi vào đâu? Chị cười tươi tắn: Chịu thiệt một tí nhưng chị đông khách, lấy nhiều bù ít mình vẫn có lãi em ạ.

Quả như chị nói, chị bán hàng luôn tay, ai cũng vui khi được chị bốc thêm cho củ hành khô, nhánh gừng tươi hay quả ớt chín. Các cụ có câu “bớt bát mát mặt”, cái cách kinh doanh của chị quả là khôn ngoan.

Về ngẫm lại câu chuyện trả tiền thừa bằng kẹo, tôi nghĩ bạn tôi có lý khi tẩy chay siêu thị đã làm bạn khó chịu. Tôi lại thấy mình đáng trách. Ở thời buổi hàng hóa tràn ngập này, người tiêu dùng có quyền được lựa chọn nơi mua tử tế. Nếu như ai cũng dễ dãi như tôi thì cái “sai” tiếp tục tồn tại và một lúc nào đó sẽ thành cái “đúng”.

Tôi nghĩ: Nếu lần tới đi mua hàng ở siêu thị mà trả lại tiền lẻ bằng kẹo, tôi sẽ kiên quyết từ chối. Nếu chuyện ấy lặp lại, tôi sẽ không mua hàng ở siêu thị đó nữa

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước