Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
06:32 (GMT +7)

Chị Tư Thanh của tôi

VNTN - Vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Hồ Chí Minh. Lúc rảnh, chạy qua cư xá 218 Nguyễn Đình Chiểu quận 3 thăm mấy người đồng nghiệp, đồng môn, tôi nghĩ: biết đâu đấy, chị Tư Thanh quý mến của tôi vẫn ở đó thì sao? Mới có 40 năm thôi mà… Câu chuyện của tôi về Chị Tư Thanh nó nhỏ nhoi thôi nhưng với tôi, không quên được. Đầu tháng 5/1980, sau 3 ngày ngồi tàu hỏa từ Hà Nội, chúng tôi, những phóng viên trẻ đồ đạc lỉnh kỉnh, lếch thếch xuống tàu tại ga Bình Triệu. Công bằng mà nói: Tàu chạy chậm tuy chờ đợi ê chề, nóng nực, nhưng bù lại chúng tôi được ngắm cảnh đất nước hùng vĩ, tươi đẹp, tất cả chỉ được học, đọc qua sách báo. Phải nói đất nước mình tươi đẹp, giàu sản vật thật. Lên xe của cơ quan ra đón, về đến số nhà 218 đường Nguyễn Đình Chiểu đã 1 giờ sáng. Tòa nhà 8 tầng nơi cơ quan Thông tấn xã Việt Nam dùng làm chung cư cho cán bộ, phóng viên do thiếu điện nên cắt thang máy, phải leo bộ. Với tôi, sinh viên quê núi rừng Việt Bắc, vừa ra trường, được phân công công tác, lại được vào thành phố Hồ Chí Minh nên háo hức, ngỡ ngàng lắm, chỉ mong trời sáng để nhìn, ngắm thành phố cho thỏa... Trời sáng dần, có tiếng rao của một phụ nữ trung niên từ dưới đường vọng lên “Ai khoai mỳ; Ai khoai mỳ!... (Ai mua sắn luộc không!). Trời đất, tiếng rao của người phụ nữ Nam bộ, nó khắc khoải, nó xa xăm, nghe day dứt lạ kỳ… Tôi xuống tầng trệt và ra đường. Đường phố vắng xe cộ và mát mẻ. Một phụ nữ trên, dưới 30 tuổi, vận bộ đồ bà ba đen, mái tóc dài tới đầu gối, rất hợp với vóc dáng thanh thanh ngồi sau hộp đựng thuốc lá, kẹo, bánh mỳ. Nhìn thấy tôi, chị cất tiếng: - Chào chú ký giả! Chú mới vô? - Vâng! Mà sao chị biết tôi là ký giả? - Thì chú đi ra từ đó (Tòa nhà 218 Nguyễn Đình Chiểu quận 3, nơi ở của các phóng viên TTXVN, Báo Tuổi Trẻ). Chú lấy thuốc Hoa Mai, Vàm Cỏ hay Sa-mít? - Dạ chị cho gói Vàm Cỏ. Tôi thưa. Tôi châm thuốc, thứ thuốc lá rẻ tiền, không đầu lọc, nặng lắm, nhưng hơi thuốc ấy vẫn giúp tôi lấy lại cảm giác khoan khoái, lâng lâng khó tả… - Có phải ngoài Bắc cực lắm phải không chú? Mấy năm nay giải phóng mà trong ni cũng cực theo chú hề. Ai lại người đi ăn bo bo của heo vậy chú? Thịt heo cả tháng mới được 350 gram thì ăn sao? Tôi giận nóng hết cả mặt. Ai đời một bà (về sau thân nhau tôi mới biết chị là thứ tư, tên Thanh) bán thuốc vỉa hè cũng dám chê chế độ phân phối XHCN? Chị ta dường như không để ý đến thái độ của tôi. - Mà chú ơi, chúng tôi mười năm mấy (chị không nói là mười mấy năm) chịu cực để mong giải phóng, thống nhất đất nước, giải phóng rồi lại cực hơn là sao chú? Sao mấy ổng không để dân mần ăn như cũ, có nền, có nếp rồi, có phải hơn không chú? Chị ấy lại hỏi tiếp, dồn dập, mộc mạc, chân chất. Còn tôi, một phóng viên, cán bộ trẻ, chưa va chạm, chưa hiểu về cuộc sống lao động nơi đây, thậm chí chưa hiểu về tâm tư của những người từng phải làm cho một chế độ nay thất trận… nên không biết trả lời ra sao cho phải. Nghĩ một lát, tôi bảo: - Đất nước mấy chục năm chiến tranh, hao tổn tiền của lại chưa có thời gian phục hồi nên nghèo chị ạ. Tại chiến tranh giặc dã cả. Ta cố gắng khắc phục khó khăn ít năm… Chị Thanh không nói thêm gì nữa.

Nhà chị Tư Thanh tuy chỉ độ vài chục mét vuông, trong con hẻm cách chỗ chúng tôi không xa, nhưng chưa phải gia đình khó khăn, nghèo túng như mặt bằng cư dân hồi đó. Sau giải phóng, dân sống rìa kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè trên các chòi làm bằng cây đước, sú, vẹt lợp lá dừa, tôn tạm bợ, phía dưới nước kênh đen ngòm hôi thối; hay ven sông Sài Gòn cũng thế, mới cực khổ trăm bề. Mới giải phóng được vài năm, chính quyền buộc phải có những chính sách mới mà người dân không vui vẻ chấp nhận. Chẳng hạn việc đi kinh tế mới, được một thời gian, không trụ được lại kéo về sống vạ vật nơi Thành phố xinh đẹp này... Nạn vượt biên, vượt biển sang Mỹ và các nước tư bản mới thực sự nhức nhối. Bao xương máu mới giành được độc lập, thống nhất, nay chính quyền không giữ được dân bỏ xứ ra đi, thật xót xa… Chị Thanh nhiệt tình mời nên tôi ghé thăm vào một sáng Chủ nhật. Chồng chị tên Tuân, một sĩ quan cấp thấp chế độ Sài Gòn ta đã đưa ra miền Bắc cải tạo, trở về làm thợ sửa chữa điện lạnh để kiếm sống... Chị Thanh có 2 con gái tên Nguyệt và Mai, đều đang học phổ thông. Anh chị Thanh ban đầu dè dặt trong câu chuyện, mãi sau cũng nhờ: - Quen chú là ký giả lại chân thành, anh chị nhờ chú nói lời khuyên giùm. - Có chuyện gì vậy chị? Anh nhìn chị rồi bảo: - Anh định theo bạn bè sang Mỹ mần ăn, thuận lợi về rước 2 cháu và chị sang bển. Ở trong nước giờ cực quá chú à! Mà có ở lại gia đình tui cũng thuộc diện đi kinh tế mới mãi Lâm Đồng, tui cũng không chịu nổi… Tôi hơi bất ngờ với gia đình chị nhưng không lạ với miền Nam trong những năm tháng đó. Nghĩ một lát tôi nói: Theo em thì cực ráng chịu thêm, anh chị yên tâm, đất nước sẽ đổi mới, dân sẽ dễ chịu trong làm ăn, sinh sống; kể cả việc anh chị luôn mong làm ăn nền nếp, sòng phẳng với người Mỹ thì cũng có lúc cơ hội đến. Dân tộc ta vị tha, đều nhìn về tương lai mà… Chị Thanh mếu máo rằng chị yêu thành phố xinh đẹp này. Cả đời mơ ước, giờ chị là công dân, chồng con chị là công dân thành phố rồi, chị không đi đâu cả. Chị bám trụ làm ăn nuôi dạy con cái… *** Tôi đi công tác hai tháng về, ra ngã tư có thùng thuốc vỉa hè mà không thấy chị, liền sang nhà tìm. Người ra tiếp tôi không phải anh chị, cháu Nguyệt hay Mai mà là người bà con của anh Tuân, lên ở trông nhà giúp. Chị đưa cho tôi mẩu giấy: Gửi chú Minh ký giả. Anh chị và các cháu quyết định đi kinh tế mới ở Đạ Tẻh Lâm Đồng theo vận động của phường và góp ý của chú. Đi cực lắm đấy song là được mần ăn trên đất nước độc lập của mình. Chú mạnh giỏi nghen! Chị Tư. Đọc xong tôi mừng khôn tả. Bởi đã có bao người vượt biên làm mồi cho cá ngoài khơi xa hay bỏ xác nơi đất khách quê người… Anh chị Tư nghe tôi, đã không chọn con đường ấy. Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có làm tập phim tài liệu về 34 chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, có cụ Tô Văn Cắm, một trong 34 chiến sĩ quê Cao Bằng đang sống với con tại thị trấn thuộc huyện Đạ Tẻh tỉnh Lâm Đồng. Phỏng vấn cụ Cắm xong tôi bỏ cả ngày đi dò hỏi gia đình chị Tư Thanh. Kết quả là không thấy. Chỉ có một thông tin là: Đồng bào thành phố Hồ Chí Minh đi kinh tế mới trên này làm ăn khá giả, giàu có. Cao nguyên được như bây giờ có công lao của đồng bào kinh tế mới… Lần này tôi trở lại con hẻm có ngôi nhà nhỏ mang số 45 bis, một phụ nữ ngoài bốn mươi vui vẻ mời nước. Chị bảo, chị tên Mai, giảng viên Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Ba má chị tên Tuân, Thanh, ngoài tám mươi đã về với ông bà, tổ tiên trên Đạ Tẻh. Mai bảo với tôi, ba mẹ cháu rất hài lòng với cuộc sống những năm tháng đã qua.

TP Hồ Chí Minh, tháng 2-2020

HỮU MINH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy