Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:29 (GMT +7)

Chỉ tình thương ở lại

Tháng 11 năm nay với tôi nhiều khác lạ. Bởi trong những ngày cả nước hướng về đội ngũ Nhà giáo bằng hoa và lời chúc tụng, tôi lại chứng kiến sự “lớn lên” từng ngày của những phòng học đặc biệt. Mỗi viên gạch xây lên công trình này là hơi thở ấm, là sợi tình thương đan quyện mà dệt nên cái “tổ” ấp iu những em bé nghèo. Ấy là món quà thiết thực gửi đến thầy và trò Thái Nguyên nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.


Cuộc điện thoại bất ngờ từ Hà Nội

Cách nay tròn một năm, tôi nhận được cuộc gọi từ nhà báo Hoàng Anh Sướng: “Chị à, Quỹ Tâm Hiểu Thương chúng em muốn đầu tư công trình cho trường học nào đó đang khó khăn của Thái Nguyên, chị tìm giúp em một địa chỉ nhé?”. Tôi nhận lời ngay nhưng không khỏi băn khoăn: Làm cách nào để tìm ra trường khó khăn nhất? Mình như “ếch ngồi đáy giếng”, nhỡ ra…

Tôi biết Hoàng Anh Sướng với tư cách người viết sách. Làm việc tại Báo Tuổi trẻ Thủ đô, anh nghiên cứu sâu về Phật pháp và có nhiều bài viết về lĩnh vực này. Trải nghiệm của bản thân kết hợp với giọng văn nhuần nhuyễn giàu tình cảm khiến những bài báo của Hoàng Anh Sướng có lượng bạn đọc khổng lồ. Anh cũng xuất bản nhiều tập sách: Bùa ngải xứ Mường; Tiếng vọng của những linh hồn; Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu; Thoát bệnh hiểm nghèo bằng nhịn ăn và thực dưỡng… Những tập sách đó bằng nhiều cách lần lượt ngự trên giá sách của tôi. Lần ấy về Hà Nội, tôi ghé vào Hiên trà Trường Xuân (số 13, Ngô Tất Tố), nơi Sướng vừa kinh doanh vừa truyền bá văn hóa trà Việt. Lần gặp đầu mà như thân quen từ kiếp trước, chúng tôi trò chuyện không dứt bên ấm trà sen do chính tay Sướng tẩm ướp.

Là đời thứ sáu kế thừa thương hiệu trà Trường Xuân và Hiên trà trăm tuổi, Hoàng Anh Sướng đã đi khắp các vùng chè trong nước và thế giới để hiểu về chất đất, khí hậu, thẩm thấu vô vàn huyền thoại nơi cây chè sinh ra. Hiên trà của anh có hơn 40 loại trà “vừa miệng” mọi lứa tuổi. Hơn hẳn cha ông mình, Hoàng Anh Sướng mang trà Việt ra thế giới và đón hàng trăm đoàn khách quốc tế đến Việt Nam nghe anh nói về văn hóa trà. Tâm niệm “Dĩ trà hội hữu” (mượn hương trà để hội tụ bạn bè) của cha ông được Hoàng Anh Sướng đón nhận và phát huy rất tốt.

Mắt thấy bao vùng chè kỳ vĩ, lưỡi nếm bao vị trà hảo hạng, nhưng Hoàng Anh Sướng dành tình cảm đặc biệt cho trà Thái Nguyên. Anh đã ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) hàng tháng trời, đến từng nhà xem và nếm trà; anh cũng viết hàng chục bài báo về nguồn gốc cây chè Tân Cương và ông tổ làng chè. Sướng nói với tôi: Những dịp tiếp khách quan trọng em đều dùng trà mộc tôm nõn Thái Nguyên. Trước khi biểu diễn cách pha trà, em đều nói về trà Thái và vùng đất ấm áp tình người mà lúc còn sống bố em rất thích lui tới.

Trong nhà Hoàng Anh Sướng treo tấm ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân mời trà Vua Akihito và Hoàng hậu Michico (Nhật Bản) năm 2017, Hoàng Anh Sướng là người pha và dâng trà khách quý. Đó là kỷ niệm đẹp của anh gắn với trà Thái Nguyên. Anh tâm sự: Văn hóa thưởng trà của người Nhật đã ở đỉnh cao, đó cũng là áp lực cho người mời trà như em. Buổi mời trà chỉ diễn ra 30 phút nhưng em đã chuẩn bị rất công phu, từ trang phục, trà cụ và đặc biệt là nguyên liệu trà. Em đã chọn trà tôm nõn Tân Cương cho tiệc trà quan trọng ấy. Chị biết không, khi em rót trà ra chén, mùi hương cốm non dậy lên ngào ngạt khiến những người có mặt ở khán phòng xuýt xoa. Vua và Hoàng hậu Nhật Bản cùng các quan khách đã uống cạn những chén trà em mời với vẻ thích thú. Kết thúc buổi tiệc trà, Vua và Hoàng hậu tiến về phía bàn trà, nói với em “trà ngon quá” cùng nụ cười tươi mát. Chén trà nhỏ mà bắc cả một nhịp cầu yêu thương, hòa bình, gắn kết giữa hai quốc gia. Điều đó có lẽ chỉ trà mới làm được, chị nhỉ?

Đi theo đạo Phật, Hoàng Anh Sướng được ban pháp danh Tâm Hiểu Thương. Sướng nói cho tôi hiểu về pháp danh này: “Hai báu vật của đạo Phật là Hiểu biết và Thương yêu. Có hiểu thì mới có thương, em luôn tâm niệm điều này và thực hành sống an trú từng giây phút, trân quý từng người mình gặp trong đời”. Cũng từ ý nghĩa đó mà gần 10 năm trước, Hoàng Anh Sướng cùng một số người bạn sáng lập Quỹ Tâm Hiểu Thương để biến tình thương thành sự giúp đỡ cụ thể.

Khó kể hết những cảnh đời éo le đã được Quỹ trợ giúp. Tôi đã nhìn thấy giọt nước mắt lăn trên gương mặt khắc khổ của nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn khi nhận món quà từ Quỹ; tôi đã thấy ánh mắt rạng ngời của người dân vùng lũ khi được Quỹ tặng những chiếc thuyền cứu sinh… Đặc biệt là những công trình lớp học chắc chắn, những khu vui chơi an toàn Quỹ mang đến cho trẻ em vùng cao. Và bây giờ, đồng tiền tình nghĩa lại mang niềm vui đến cho học sinh nghèo của xã Động Đạt huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên.

Chắt chiu từng sợi yêu thương

Trở lại đề nghị của Hoàng Anh Sướng, tôi quyết định tìm đến “sự trợ giúp”. Người tôi cậy nhờ là một bạn đang công tác tại Hội đồng nhân dân tỉnh. Thật may, tôi đã chọn đúng người. Sẵn lòng đồng hành làm việc thiện, anh và một số người bạn Thái Nguyên cùng Quỹ Tâm Hiểu Thương đã kết nối, khảo sát nhiều điểm trường và cuối cùng chọn điểm trường của Trường Tiểu học Dương Tự Minh để tài trợ.

Đứng trước hai cột xi măng chơ vơ ven đường, tôi không thể nghĩ đó là cổng vào điểm Trường Tiểu học Dương Tự Minh (ở xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt). Đi sâu vào vườn cây um tùm, tôi thấy 3 phòng học cũ nát, nơi học tập của 53 em nhỏ người dân tộc thiểu số. Nhà thơ Trần Đăng Khoa (người đồng sáng lập Quỹ Tâm Hiểu Thương) rưng rưng nói: “Nhìn những vết nứt, lún trong các phòng học mà lo cho tính mạng của thầy cô giáo và học sinh nếu ngồi học ở đây. Vì thế Quỹ quyết định phải làm ngay cho các em nơi học an toàn, chắc chắn”.

Cổng vào điểm trường Dương Tự Minh trước khi được Quỹ đầu tư xây dựng

Đáng ra, các em đã có trường mới từ nhiều tháng trước, nhưng vì dịch Covid, chương trình khởi công liên tục bị hoãn. Ngày 26/10/2021, dịch bệnh vừa lắng xuống, Quỹ Tâm Hiểu Thương khẩn trương tiến hành động thổ xây lớp học.

Mấy hôm trước ngày khởi công, Hoàng Anh Sướng gọi điện báo tin vui: “Công ty Cách âm cách nhiệt Phương Nam (TP. Hồ Chí Mình) tự nguyện đồng hành cùng Quỹ. Đây có lẽ là những phòng học đầu tiên ở Thái Nguyên được sử dụng nguyên liệu cách âm cách nhiệt chống cháy và gần gũi với thiên nhiên”. Rồi Sướng tính toán rành rẽ: Quỹ dự trù kinh phí hơn 1 tỉ đồng xây 2 phòng học (mỗi phòng 42m2); một phòng thư viện 21m2; một phòng nghỉ cho giáo viên 25m2; trang bị toàn bộ bàn ghế mới; đổ bê tông sân trường 350m2, làm khu vui chơi có cầu trượt, bập bênh, đu quay; xây dựng cổng trường mới…

Theo dõi trang facebook của Hoàng Anh Sướng nhiều năm nay, tôi thấy đồng tiền quyên góp được quỹ trân quý lắm. Ai góp bao nhiêu, dù ít hay nhiều đều được Sướng liệt kê công khai, cảm ơn cụ thể, trang trọng. Khi đầu tư vào bất cứ dự án nào, Ban quản lý Quỹ đều khảo giá, mặc cả “sát ván” để mua được hàng tốt nhất lại rẻ nhất. Ngay như công trình điểm trường Dương Tự Minh lần này, người của Quỹ đã “cò kè” giảm được 120 triệu đồng so với giá bên thi công đưa ra ban đầu. Phát biểu tại lễ động thổ, Hoàng Anh Sướng bày tỏ: Những đồng tiền mà Quỹ Tâm Hiểu Thương mang lên đây xây trường là gom góp của hàng ngàn tấm lòng thơm thảo từ khắp mọi miền, trong đó có không ít người nghèo. Dịch bệnh Covid khiến thu nhập của các doanh nghiệp giảm sút, đời sống nhiều người gặp khó khăn. Vậy mà họ vẫn chắt chiu từng chục ngàn, từng trăm ngàn để ủng hộ cho Quỹ. Ngôi trường mà chúng ta sắp xây đây là biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, của biết bao nhiêu tình thương hội tụ. Vì thế, nó ý nghĩa lắm, nhân văn lắm.

Đêm nhạc gây quỹ nhiều cảm xúc

Một trong những hoạt động tạo nguồn thu cho Quỹ là tổ chức đêm nhạc thiện nguyện. Người hát, đàn, người phụ trách âm thanh, ánh sáng, phục vụ… đều không được trả công, nhưng họ vẫn “cháy hết mình”. Thật cảm động chuyện Hoàng Anh Sướng mang cả bức tượng Phật anh quý như bảo vật ra bán đấu giá gây quỹ. Người mua trân trọng nhận rồi mang tặng lại chủ cũ, bởi “bức tượng này ở bên anh sẽ mang phúc khí cho nhiều người hơn”. Thật cảm động chuyện họa sĩ Hoàng A Sáng luôn đồng hành cùng Quỹ bằng cách tặng những bức tranh đậm chất thiền. Trạng thái tĩnh lặng, an nhiên từ tranh của anh khiến nhiều người bỏ số tiền lớn ra đấu giá, giúp Quỹ có thêm nguồn lực làm việc thiện.

Ca sĩ Thái Thùy Linh tham gia đêm nhạc thiện nguyện, tối 17/4 tại Hà Nội

Nói chuyện với tôi chớp nhoáng hôm động thổ xây lớp học, Hoàng Anh Sướng bảo: Giá thành đội lên so với tính toán ban đầu nên ngoài đêm nhạc “Hoa cỏ mùa xuân” tổ chức ngày 17/4 tại Hà Nội, Quỹ sẽ tổ chức đêm nhạc nữa vào tối 30/10 tại TP. Thái Nguyên để quyên góp thêm. Chị mời bạn bè đến yểm trợ năng lượng cho em nhé!!!

Thái Nguyên mấy ngày liền mưa tầm tã, lại rét nữa, tôi lo đêm nhạc vắng người, lo Sướng sẽ chơi vơi trên sân khấu phòng trà Meelouge (64 Hoàng Văn Thụ). Nhưng không, người Thái Nguyên đã vượt mưa rét đến với Quỹ Tâm Hiểu Thương. Tôi nhìn thấy nhiều gương mặt quen ngồi quanh mình: Họ là người bán hàng ngoài chợ, người về hưu, nội trợ, công chức… Tất cả như được bọc trong bầu không khí sẻ chia, thiện nguyện, cùng phiêu trong tiếng hát tiếng đàn, lời tâm sự chắt từ trái tim. Khán phòng sôi động hơn ở “màn” đấu giá tranh, đấu giá sách. Bức tranh “Bài ca cánh đồng” của họa sĩ Hoàng A Sáng được anh Nguyễn Sơn (Hà Nội) mua ở đêm nhạc trước, nay tặng lại chương trình để nhân lên tình thương, được một khán giả là học sinh cũ của Trường Tiểu học Dương Tự Minh mua với giá 22 triệu đồng. Sang phần đấu giá bộ sách của Hoàng Anh Sướng, tôi nghe thấy vợ chồng cháu Khương Ánh (ngồi cạnh tôi) chụm đầu “chốt” giá 5 triệu (giá khởi điểm 1 triệu đồng), nhưng rồi tiu nghỉu vì đã có người nhanh tay trả 10 rồi 15 triệu đồng.

Thế rồi, khán phòng lặng phắc khi ông Đinh Huy Chiến, một Phật tử thuần thành, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công (Thái Nguyên), giơ tay xin phát biểu. Ông nói: Tôi muốn được anh Sướng tặng cho tôi bộ sách này, tôi rất trân trọng các ấn phẩm của anh bởi ở đó chứa đựng giá trị tinh thần, trí tuệ suốt mấy chục năm anh cầm bút. Là người con của Phú Lương, tôi xin được tặng toàn bộ số tiền Quỹ còn thiếu để xây công trình điểm trường; tôi cũng tặng toàn bộ trang phục cho 53 học sinh, tặng bữa ăn trưa và trang bị 1 bếp ăn cho thầy và trò ở đó…

Quá bất ngờ và xúc động, Hoàng Anh Sướng đứng lặng trên sân khấu, khán phòng trào lên từng tràng pháo tay tán thưởng. Trong tôi dấy lên niềm tự hào: “Người Thái Nguyên tôi đó, hào phóng và nồng ấm như thế đó”. Kết quả của đêm nhạc quyên góp ngoài sức tưởng tượng của Sướng. Anh viết những dòng reo vui trên trang facebook của mình: “Đây là một trong những đêm nhạc thành công nhất của Quỹ Tâm Hiểu Thương. Cả khán phòng như một đại gia đình tràn ngập yêu thương. Quỹ đã đủ tiền xây lớp học cho các cháu ở điểm trường Dương Tự Minh!”.

Ông Đinh Huy Chiến tại đêm nhạc thiện nguyện, tối 30/10 tại Thái Nguyên

Khối tình thương ấm mãi

Khi tôi viết bài này thì tại xóm Đồng Niêng, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Bắc Ninh (trụ sở tại phường Quán Triều, TP. Thái Nguyên) đang gấp rút thi công. Anh Trần Hồng Hải, Giám đốc Công ty nói với tôi: Chúng tôi thi công công trình này trong một tâm thế rất khác. Không chỉ đảm bảo về chất lượng, chúng tôi cam kết sẽ về trước kế hoạch ít nhất từ 5 đến 10 ngày.

Cô giáo Hà Thị Liễu, hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Tự Minh gửi cho tôi những bức ảnh ghi lại tiến độ công trình. Hơn ai hết, các cô và những phụ huynh có con em học ở đây là người mong ngóng nhất. Chẳng bao lâu nữa, trong khu vườn rợp bóng mát này, các em bé mặc đồng phục mới ngồi học trong lớp mới, đọc sách trong thư viện mới, chơi đùa trên sân trường xinh đẹp. Chỉ mường tượng đến đấy tôi đã thấy lòng rộn vui như nghe tiếng hót của loài chim én.

Trở về Hà Nội, Hoàng Anh Sướng và Quỹ Tâm Hiểu Thương lại bắt đầu cho dự định mới. Họ để lại Thái Nguyên không chỉ là công trình lớp học, mà là khối tình thương còn ấm mãi.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước