Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
19:39 (GMT +7)

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018: Dấu hiệu chững lại ở tốp đầu

VNTN - Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực như giảm “tham nhũng vặt”, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Tuy nhiên PCI 2018 cũng cho thấy nhiều điểm đáng lo ngại, chẳng hạn như các tỉnh dẫn đầu năm nay không có nhiều biến chuyển, với chỉ số PCI tương đương hay thậm chí giảm nhẹ so với năm ngoái.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính ở các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. PCI 2018 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào sáng 28/3 vừa qua.

Điểm nổi bật trong PCI 2018 là hiện tượng “tham nhũng vặt” - chi phí bôi trơn quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép (dẫn theo thuật ngữ được sử dụng trong báo cáo) - giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên vẫn có đến 54,8% doanh nghiệp nói rằng họ phải trả loại chi phí không chính thức này. Cũng theo báo cáo, “tham nhũng lớn” - chi phí đẩy nhanh các thủ tục đất đai - có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng vẫn có đến 30,8% doanh nghiệp có chi trả.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao giấy chứng nhận và kỷ niệm chương cho các tỉnh xếp hạng cao trong bảng xếp hạng PCI 2018. Ảnh: Dự án PCI.

PCI 2018 cũng cho thấy môi trường kinh doanh bình đẳng hơn so với năm ngoái. Số doanh nghiệp cho rằng “Việc tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp” giảm từ 41,2% năm 2017 xuống còn 32,4% năm 2018.

Tuy nhiên về sự bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, lại có đến 55% cho rằng “Ưu đãi doanh nghiệp lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho bản thân doanh nghiệp”. “Các chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến nhóm doanh nghiệp nhỏ, bằng các chương trình thiết thực như hỗ trợ tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, đối tác”, theo ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc dự án PCI. “Nhóm này là tương lai của nền kinh tế Việt Nam và đang gặp khó khăn”.

Báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Năm nay, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI với 70,36/100 điểm, tuy nhiên PCI tỉnh này giảm nhẹ so với mức 70,69 điểm năm 2017. Nhìn chung các tỉnh, thành phố thuộc top 10 đều có PCI 2018 tương đương với 2017 và không có nhiều biến chuyển. Theo các tác giả báo cáo, “sự chững lại của nhóm tỉnh đứng đầu PCI là dấu hiệu đáng lo ngại”.

“Các địa phương đã thực hiện thành công các cải cách tương đối dễ, chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, v.v… nhưng những nhóm cải cách lớn hơn, liên quan đến đất đai, phối hợp các sở ban ngành, thì hiện nay đang gặp khó khăn”, ông Đậu Anh Tuấn giải thích về sự chững lại của nhóm tỉnh đứng đầu PCI trong vài năm trở lại đây. “Liệu [có phải] khuôn khổ thể chế, trần thể chế đang bó buộc họ, chưa tạo thuận lợi cho họ đột phá, sáng kiến mạnh mẽ hơn? Đây là một câu hỏi quan trọng”, ông Tuấn nói thêm.

Hoàng Nam

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy