Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:41 (GMT +7)

ChatGPT, viết, đọc và những chuyện khác

Thành tựu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) gần đây đã tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt, tác động mạnh mẽ và làm biến đổi gốc rễ các hoạt động của con người từ thực tiễn đến tinh thần, từ lao động thủ công đến trí óc, cả trong sinh hoạt lẫn giải trí (xử lý dữ liệu, tính toán, hậu cần, quân sự, dịch thuật, tư vấn chuyên môn, luật, y tế, giao thông, trò chơi…).

Hình minh hoạ. Nguồn: Internet

Thực tiễn cũng cho thấy, khả năng xử lý dữ liệu nhanh, chính xác và hiệu quả của các sản phẩm AI khiến một lượng lớn nhân công tại một số ngành thất nghiệp. Một trợ lý ảo với khả năng phân tích thông tin trong tích tắc sẽ giúp nhà quản lý giảm thiểu hàng tá nhân sự và các thao tác thống kê, báo cáo với không ít nhiêu khê. Tất nhiên, trong tình huống đặc biệt, khi được thực hiện với mục đích không đúng đắn, AI có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp đối với con người. Trong trường hợp này, định hướng hành vi của AI phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức của nhà khoa học.

Trở lại với vấn đề AI và văn học nghệ thuật. Ít năm trước đây, thật khó có thể tưởng tượng ra, máy tính, người máy có thể viết lời bài hát, kịch bản, truyện ngắn, sáng tác thơ, thậm chí viết tiểu thuyết như hiện nay. Năm 2008, cuốn tiểu thuyết đầu tiên do AI sáng tác được xuất bản tại Nga. Năm 2016, ở Nhật Bản, tại cuộc thi văn chương Hoshi Shinichi lần thứ ba, trong số hơn một nghìn tác phẩm dự thi, có đến 11 tác phẩm có một số cấu phần do máy tính viết, cá biệt, một trong số đó đã lọt qua vòng sơ khảo.

Như thế, trong trường hợp này (khi được rọc phách), ban giám khảo cũng đã không phát hiện ra cuốn tiểu thuyết được viết bằng máy tính. Năm 2021, Nhà xuất bản ParaBooks (Hàn Quốc) thông báo phát hành cuốn tiểu thuyết Thế giới từ đây (The World from Now On) do “nhà văn” Birampung, một phần mềm trí tuệ nhân tạo viết bằng tiếng Anh. ParaBooks khẳng định rằng đây sẽ là cuốn tiểu thuyết do AI viết có “cốt truyện thực sự lay động lòng độc giả”.

Gần đây nhất, sự ra đời của ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) - một AI tạo ra các cuộc trò chuyện tự động và trả lời câu hỏi về các chủ đề, lĩnh vực đa dạng. Điều thú vị là, ngoài tương tác với các chủ đề thông dụng (mà bản thân nó đang làm rất tốt), ChatGPT còn có khả năng sáng tác văn học rất nhanh. Câu hỏi đặt ra ở đây là, cùng với phát thanh viên ảo, ca sĩ ảo, liệu sẽ có “nhà văn ảo” hay không và chúng ta sẽ nhìn nhận, ứng xử với nó thế nào. Khoan hãy nổi nóng hoặc tự ái khẳng quyết “nhà văn ảo” không thể thay thế được “nhà văn thực”, hãy nhìn tương quan giữa AI, ChatGPT với viết và đọc trong một vài chiều kích. Trước hết là công việc của nhà văn.

Tương tác trực tiếp với ChatGPT, chẳng hạn, khi yêu cầu làm thơ, Chatbot này khiến người ta kinh ngạc vì khả năng làm thơ rất nhanh của nó. Hơn thế, với những yêu cầu khác nhau về chủ đề, độ dài ngắn, cấu trúc,… ChatGPT đều có những phương án ứng phó cực nhanh. Mặc dầu hiện tại, lối viết của ChatGPT còn có chỗ ngây ngô song không ít lần nó khiến bạn đọc, thậm chí nhà văn bất ngờ, thán phục, thích thú. Một ngày nào đó, sớm thôi, khi nguồn dữ liệu đầu vào tốt, hoặc phần mềm có sự can dự của những nhà văn hàng đầu, ChatGPT hoàn toàn có thể vượt xa câu chuyện giải trí để viết hay hơn hiện nay rất nhiều, thậm chí điêu luyện về kỹ thuật. Và cứ đà này, phần mềm AI viết văn có thể “đe dọa” nhà văn được hay không?

ChatGPT quá thông minh trong xử lý dữ liệu, tính toán, công thức hóa các hoạt động, có thể triển khai trong tích tắc các bài luận tư duy lô-gic đạt mức xuất sắc. Nhưng câu chuyện sáng tạo nghệ thuật hẳn không giản đơn như vậy. Nghệ thuật là vấn đề tình cảm, tâm hồn con người vươn tới cái cao đẹp, cái mà ai cũng biết, sẽ không có AI nào chạm tới. Máy tính không thay được nhân tính. Sự thông minh không thế chỗ được nhịp đập của trái tim hay lòng trắc ẩn. Việc mô hình hóa lối viết không thay được trực giác nghệ sĩ hay sự lắng nghe những rạn vỡ thầm thì của thời gian... Nếu ai cũng khẳng định như thế, việc viết và đọc trong bối cảnh ấy có gì đáng lo.

Thực tiễn cho thấy, ChatGPT có thể không đe dọa được sinh mệnh nhà văn, song dường như nó đang buộc nhà văn phải đứng trước thách thức rất lớn, bởi những quyền năng riêng của nó.

Thứ nhất, ChatGPT thách thức các “nhà văn hạng hai”, những người viết làng nhàng. Khi phần mềm viết văn được đầu tư, các nhà văn hạng này và những kẻ ít tài nhưng ảo mộng văn chương chắc chắn sẽ thất nghiệp. Thứ hai, AI sẽ vượt qua, chí ít ngang hàng với những nhà văn có lối viết thiên về kỹ thuật (lối viết của ChatGPT hiện nay khá đồng dạng với kiểu viết này), cạn cợt suy tư, thiếu sự lắng đọng của xúc cảm và sự khám phá chiều sâu thân phận con người. Trên ý nghĩa này, trong cả hai trường hợp, AI viết văn, tự nó, đã tạo ra một áp lực rất lớn với nhà văn trên hành trình sáng tạo cái đẹp đích thực. Nếu nhà văn không lao động nghệ thuật nghiêm túc, không có thực tài, việc AI vượt qua là hoàn toàn có thể. Khi ấy, dầu muốn hay không, việc buông bút tất yếu xảy ra. Và thứ ba, có lẽ là điều khủng khiếp nhất, không ai mong muốn, điều vượt ra ngoài câu chuyện người viết, là khi người ta chấp nhận sống trong một thế giới không có trái tim, nhân tính vắng bóng và cũng khi ấy, sự sống sẽ bị hủy diệt.

Bạn đọc hẳn còn nhớ sự kiện, ngày 25/10/2017, người máy Sophia đã được Arab Saudi công nhận là công dân chính thức. Khác với các sản phẩm lập trình thông thường, Sophia biết lắng nghe và trò chuyện, hiểu sâu các câu hỏi và có thể trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên, thậm chí biết hỏi lại người phỏng vấn. Một số người cho rằng, việc công nhận quyền công dân cho người máy Sophia là “sai lầm và ngu ngốc”.

Trở lại câu chuyện nhà văn. Giả sử khi phần mềm AI viết tác phẩm đạt trình độ cao, nếu ẩn danh tham gia các cuộc thi văn chương (để tránh định kiến), cơ hội đạt giải hoàn toàn có thể xảy ra. Ai cũng biết, nhà văn nói bằng tác phẩm. Vậy ta có cho phép “nhà văn AI” nói bằng tác phẩm của mình một cách bình đẳng với “nhà văn thực” hay không? Và khi có nhiều tác phẩm AI, giả thiết là “hay” được xuất bản, liệu “nhà văn AI” có được chấp nhận như một hội viên (cho dù là hội viên danh dự) của Hội Nhà văn hay không? Nói nó viết không như con người, nhưng nếu “nhà văn ảo” này viết hay hơn một số “nhà văn hội viên thực” thì sao? Đến một lúc nào đó, AI có thể tạo sinh những tác phẩm với những phương án viết cực thông minh, không trùng lặp, có biểu cảm, thậm chí có thể chạm vào trái tim, lấy đi nước mắt của bạn đọc thì sao? Xin đừng chủ quan với điều đó.

Cùng với viết, việc đọc văn học trong bối cảnh này hẳn là câu chuyện thú vị và phức tạp không kém. Trước hết, sẽ không thể phủ nhận khả năng tổng hợp kiến thức văn học của các phần mềm trí tuệ nhân tạo. Cũng như trong các lĩnh vực khác, AI có thể không vượt qua con người nói chung, nhưng nó hoàn toàn có thể thông minh hơn gấp bội lần một cá nhân con người. AI, ChatGPT thế hệ kế tiếp sẽ giống như một cuốn từ điển số mà ở đó người ta có thể hỏi bất cứ thông tin gì, có thể thỏa mãn mọi nhu cầu hiểu biết về văn học của bạn đọc, nhất là bạn đọc phổ thông.

AI, ChatGPT không thể thay bạn đọc trải nghiệm đọc văn học và sự bồi đắp tình cảm thẩm mỹ với tất cả các giác quan của một con người. Sự hòa điệu, tình yêu trước cái đẹp. Những chua xót tiếc nuối trước cái bi. Sự ngưỡng mộ, thán phục, tự hào trước cái hùng vĩ, trác tuyệt. Sự cợt cười và nhu cầu tống tiễn cái lệch lạc vào mộ địa. Sự căm ghét, xa lánh cái xấu, cái ác. Nói trên lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế, với hiện tình đọc thê thảm như hiện nay, việc sử dụng ChatGPT để “đọc hộ” hoàn toàn là chuyện nhãn tiền.

Thế là, hậu quả câu chuyện giáo dục thẩm mỹ sẽ diễn ra nhanh thôi. Thay vì trực tiếp đọc, học sinh, sinh viên, thậm chí giáo viên sẽ dùng Chatbot này giải quyết giúp mình. Từ tiểu sử nhà văn, phân tích tác phẩm, viết các bài luận về văn học. Thế là, câu chuyện đạo đức học đường, chuyện lười nhác tiếp tục tiếp diễn, thậm chí thêm phần nhức nhối, chưa kể những dữ liệu văn học không chính xác có thể được sử dụng một cách tùy tiện.

Suy cho cùng, máy móc chỉ có thể hỗ trợ, và có chăng, thay thế cho con người trong một số hoạt động, nhưng không thể thay được con người trong sáng tạo và thưởng thức văn chương đích thực. Về vấn đề thú vị và giàu tính gợi mở này, tại cuộc Tọa đàm “Viết-Đọc trong bối cảnh thời đại số và trí tuệ nhân tạo” tại Trường ĐHSP Hà Nội 2 ngày 30/3/2023, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Hội sẽ phối hợp với nhà trường tổ chức một hội thảo quốc gia về chủ đề này vào mùa xuân năm tới. Chúng tôi cho đây sẽ là một hội thảo thú vị, bởi nó chạm vào câu chuyện mọi người cùng quan tâm: viết, đọc và những câu chuyện khác trong bối cảnh hiện nay.

Máy móc có thể cực thông minh, thậm chí và chắc chắn nó sẽ thông minh hơn gấp nhiều lần số đông chúng ta, nhưng nó mãi mãi không có nhịp đập của trái tim, không có tâm hồn, tình cảm hay lòng trắc ẩn của con người. Chừng nào chúng ta không muốn mặt đất này vô cảm, chừng nào chúng ta còn rung cảm trước những buồn vui của sự sống này, chừng đó chúng ta còn hi vọng vào văn học. Và dầu sao thì cũng phải tin thôi, tin vào nhân tính, như tin vào tiếng vọng động thầm thì của lời cầu kinh bên vực thẳm./.

Phùng Gia Thế

ChatGPT làm thơ theo chủ đề

(Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 thực hiện trực tiếp tại Tọa đàm “Viết - Đọc trong bối cảnh thời đại số và trí tuệ nhân tạo” ngày 30/3/2023)

Đề bài 1:

Trong vai trò một nhà thơ, bạn hãy làm một bài thơ 5 chữ viết cho thiếu nhi về đề tài trăng. Đây là kết quả từ ChatGPT:

Trăng lên trên cao,

Soi sáng đêm tối thẳm.

Ngắm trăng cùng bé yêu,

Trong đêm đầy ấm áp.

Đề bài 2:

Viết thơ kể về người con trai và người con gái yêu nhau nhưng chàng trai qua đời do căn bệnh ung thư và giấu đi để cô gái không đau lòng. Và đây là kết quả:

Hai trái tim đang rung động,

Một người con trai, một con gái xinh đẹp

Yêu nhau từ những giây phút đầu đời

Trong tình yêu họ mãi không rời.

 

Nhưng số phận đã không tốt

Căn bệnh ung thư đã tới

Người con trai biết mình sẽ không qua khỏi

Nhưng không muốn người con gái phải chịu đau thương.

 

Anh giấu căn bệnh đi, giấu cho người yêu không biết

Vì anh không muốn người con gái phải khóc

Anh muốn cô được sống cuộc đời hạnh phúc

Mà không phải lo lắng về anh suốt đời.

 

Những ngày tháng anh ở bên cạnh cô gái

Hai người hạnh phúc, tình yêu đầy đủ

Anh luôn che chở và yêu thương người con gái

Cảm giác hạnh phúc đó anh không bao giờ quên.

 

Nhưng số phận đã định rằng anh sẽ đi xa

Để lại người con gái đau lòng rơi nước mắt

Cô cố gắng quên đi anh, sống tiếp cuộc đời

Nhưng tình yêu anh vẫn mãi đọng lại.

Sau khi nhấn lệnh “viết ngắn hơn đi”, ChatGPT cho phiên bản thứ 2:

Hai trái tim đang rung động

Yêu nhau trong giây phút đầu đời

Nhưng bệnh ung thư đã tới

Anh giấu đi để cô không đau lòng

Anh mãi trong tim cô còn đọng lại

Là kỉ niệm về tình yêu đẹp vô vàn.

Và sau khi nhấn lệnh “ngắn hơn nữa”, lập tức ChatGPT cho phiên bản thứ 3:

                   Yêu nhau, nhưng ung thư đã tới

                   Anh giấu đi để cô không đau lòng

                   Anh mãi trong tim cô đọng lại

                   Là kỉ niệm về tình yêu đẹp.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy