Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
18:53 (GMT +7)

Chất vấn, khi Bộ trưởng “né” trách nhiệm người đứng đầu

VNTN - Vượt ra ngoài câu chuyện về quy định gây sóng gió trong dư luận về xử phạt học sinh sinh viên bán dâm, phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ còn đặt ra vấn đề văn hoá nhận trách nhiệm của người đứng đầu. 


Khi Quốc hội đang họp kỳ thứ sáu cũng là lúc Bộ Giáo dục và đào tạo công bố dự thảo thông tư về quy chế với sinh viên cao đẳng, đại học ngành sư phạm có nội dung “hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 thì bị đuổi học” .

Dư luận phản ứng gay gắt, đại biểu Quốc hội cũng không chờ đến khi chất vấn mới thể hiện quan điểm.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 30/10, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng dù là dự thảo nhưng rõ ràng là không nên vì đã đến khâu đưa ra công bố trên website của Bộ thì đáng ra phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, tương đối hoàn thiện rồi, ít nhất là không để có sự mâu thuẫn với những văn bản quy phạm pháp luật khác, những quy định đã có trước đó.

Đại biểu Phạm Tất Thắng cũng bình luân, với hành vi “hoạt động mại dâm” thì theo quy định là đến lần thứ 4, sinh viên vi phạm mới bị đuổi học, các lần vi phạm trước có các hình thức xử lý khác và mỗi lần kỷ luật đưa ra như thế đều phải công khai, như vậy sẽ dẫn đến vấn đề vi phạm quyền con người vì pháp luật hiện hành không quy định người có hành vi mua bán dâm bị phát hiện sẽ bị công khai, nhất là trong môi trường trường học.

Cũng chiều 30/10, không phải tại hành lang mà ở hội trường, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt vấn đề: dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ Giáo dục và đào tạo đang cho lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm. Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, đó là truyền thụ nhân cách. Và nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay.

Nữ đại biểu Phú Yên đề nghị "Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay".

Có thời gian chuẩn bị khá dài khi đến tận sáng hôm sau (31/10) mới phải hồi âm, nhưng câu trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo không nhận được sự đồng tình của người chất vấn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, quy định trong các thông tư là rất nhiều, Bộ đang rà soát từ nhiều năm gần đây thì thấy có quy định về vấn đề xử lý sinh viên bán dâm. Theo Bộ trưởng thì nội dung này được quy định từ 2007, đến đầu năm 2016 lại có thông tư, qua rà soát thì nội dung này phải bỏ. Cá nhân người soạn thảo nội dung nói trên được Bộ trưởng khẳng định là năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém. Khi nhận được thông tin Bộ trưởng đã xử lý ngay và quan điểm là không cẩn đưa nội dung đó vào thông tư nữa vì đây là phạm vi xã hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng dừng lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từ vị trí điều hành đề nghị Bộ trưởng rút kinh nghiệm, vì vấn đề đang dự thảo đã đưa rộng rãi trên mạng xã hội. Nhấn mạnh rằng quy định nào phản cảm gây bức xúc xã hội phải sửa ngay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng chú ý chỉ đạo khắc phục trong nội bộ ngành, đồng thời cũng đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng đừng bàn thêm về quy định xử phạt học sinh sinh viên bán dâm nữa.

Ngay lập tức, đại biểu Phạm Minh Hiền giơ biển tranh luận. Nữ đại biểu nói là đại biểu Quốc hội nhưng bà còn là phụ huynh học sinh và bản thân thấy rất lo ngại về năng lượng tiêu cực mà Bộ Giáo dục và đào tạo mang đến cho xã hội.

Vị đại biểu Phú Yên cũng nhắc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là trong câu hỏi bà đã chất vấn về vai trò người đứng đầu nhưng khi trả lời thì Bộ trưởng không nhận trách nhiệm là lại chuyển cho cá nhân khác.

Mà theo đại biểu thì chỉ khi nào Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nhận trách nhiệm người đứng đầu và thấy năng lực của bộ máy hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục. "Tôi mong Bộ trưởng nhìn thẳng không tránh né để có giải pháp, đại biểu Hiền" phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từ vị trí điều hành cũng nhắc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rút kinh nghiệm, khi trả lời đại biểu Hiền đổ cho cán bộ thiếu năng lực của ngành chứ chưa thấy trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ trưởng rút kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội nhấn thêm bốn chữ.

"Tôi xin nhận trách nhiệm", đó là cụm từ xuất hiện khá nhiều trong các phiên chất vấn trực tiếp của Quốc hội. Kỳ họp này, tần suất xuất hiện của 5 chữ đó ít hơn, dù không ít lần các đại biểu "xoáy" thẳng vào trách nhiệm người đứng đầu.

Nhưng, như các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất nhiều lần đã nhấn mạnh, chất vấn để làm rõ trách nhiệm, nhận trách nhiệm là quan trọng, song quan trọng hơn là khắc phục hạn chế, yếu kém thế nào để không lặp lại cứ rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai, như đại biểu Hiền nhận xét về Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Trúc Bạch


0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy