Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
22:21 (GMT +7)

Chất lượng luật không tốt, “nút thắt”trách nhiệm ở đâu?

VNTN - "Quỹ thời gian của Chính phủ cho các dự án luật ít quá, một buổi chiều mà  3-4 luật thì không thể nào có chất lượng được, trong khi quỹ thời gian các đồng chí đi dự mít tinh, hội nghị rất nhiều", Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét.

 

Trong phiên họp thứ 27 bắt đầu từ tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một buổi sáng để cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Thông tin từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sau gần 5 năm thực hiện nghị quyết 718 của Quốc hội, Chính phủ đã trình ban hành được 54/75 dự án luật, pháp lệnh được giao. Còn 17 dự án (chiếm 22,6%) chưa đưa vào chương trình, trong đó so với thời hạn dự kiến có 2 dự án quá hạn 4 năm, 2 dự án quá hạn 3 năm, 9 dự án quá hạn 2 năm.

Đáng chú ý là trong số 9 dự án quá hạn hai năm và cũng chưa rõ tiến độ hoàn thành có hai dự án luật liên quan đến quyền công dân đã được Hiến định: Luật Về hội và Luật Biểu tình.

Ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực song các vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra không ít những hạn chế được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong công tác xây dựng luật. Như, năm 2017 phát hiện 5.600 văn bản của các bộ, ngành, địa phương trái pháp luật, trong đó có trái nội dung, trái thẩm quyền, trái trình tự, thủ tục ban hành. Rồi, báo cáo tác động sơ sài, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động cũng khá nhiều dự án hình thức. Hay, đưa vào chương trình cũng dễ mà rút ra cũng dễ...

Đặc biệt, lo ngại được nhấn đi nhấn lại là hệ thống pháp luật thiếu ổn đinh, thay đổi liên tục. Mà, một trong những "nút thắt" nằm ở sự chuẩn bị của cơ quan trình hầu hết các dự án luật, là Chính phủ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (đại biểu đoàn Thái Nguyên) thì những chuyển biến tích cực từ phía Chính phủ là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, coi công tác xây dựng thể chế là công tác trọng tâm, tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề, dành nhiều thời gian trong các phiên họp thường kỳ để thảo luận về công tác hoàn thiện thể chế.

Nhưng, dường như có tâm lý là các bộ, ngành khi làm việc gì đó đụng đến luật thấy vướng là đề nghị sửa luật ngay và Chính phủ dễ dàng đồng ý với các đề xuất sửa luật đó.

Càng ban hành nhiều luật, càng sửa thì càng phải sửa nhiều. Đây là vấn đề phải khắc phục được trong thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhận xét.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng quỹ thời gian của Chính phủ cho các dự án luật ít quá, một buổi chiều mà thảo luận  3-4 luật thì không thể nào có chất lượng được. "Trong khi quỹ thời gian các đồng chí đi dự mít tinh, hội nghị rất nhiều, dành cho luật thì ngắn quá, không đủ thời gian để các thành viên Chính phủ tham gia", ông Phúc nhấn mạnh.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp.

Lấy ngay ví dụ Luật Giáo dục (sửa đổi) còn vô số vấn đề ngổn ngang nên không thể thông qua theo quy trình hai kỳ họp như dự kiến ban đầu, ông Phúc phân tích: Chính phủ cơ bản đồng ý, đồng thuận cao, nhưng sang Thường vụ Quốc hội thì nhiều ý kiến như thế. Đây không phải do nghiên cứu không kỹ mà do quỹ thời gian để cho thành viên Chính phủ tham gia dự án luật này ngắn quá.

Đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội là Chính phủ dành quỹ thời gian thỏa đáng để các dự án luật có chất lượng tốt hơn.

Tôi đã từng ở Chính phủ rồi tôi biết quỹ thời gian dành cho làm luật của Chính phủ chưa tương xứng với nhiệm vụ quy định theo luật", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên tiếng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, luật quy định Chính phủ là cơ quan trình chính sách, hành pháp mới biết trong thực tiễn điều hành, quản lý của mình cái nào cần có chính sách để quản lý, phải sửa cái nào, phải xây dựng cái nào. Song, thời gian Chính phủ dành cho việc chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, thảo luận các dự thảo luật là chưa nhiều, gần như chỉ có bộ chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp là làm nhiều nhất.

Nhắc lại sự bề bộn của Luật Phòng chống tham nhũng, một dự luật do Chính phủ trình, Chủ tịch nói: Tôi đã hỏi ngay tại đây rằng Chính phủ đã tổ chức bao nhiêu phiên họp để bàn và bàn như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang bàn, hay chỉ giao khoán cho Thanh tra Chính phủ, tích vào phiếu đồng ý hay không đồng ý rồi trình qua đây. Cuối cùng chỉ có cơ quan thanh tra, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chính vừa soạn thảo, trình thẩm định. Tôi không dám nói chắc nhưng tôi nghĩ Chính phủ chưa bao giờ dành những phiên họp như Thường vụ Quốc hội đã dành quỹ thời gian bàn Luật Phòng, chống tham nhũng".

Cũng nhìn nhận nguyên nhân của những hạn chế, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đề cập một "nút thắt" khác.

Ông Học nói, trong báo cáo của Chính phủ nêu là một trong những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, luật là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm. Và trong báo cáo của từng năm, điểm yếu này vẫn còn nhắc lại, tức là ngay từ khâu xây dựng pháp luật thì kỷ luật, kỷ cương không chấp hành tốt.

"Một vấn đề đặt ra là Thường vụ Quốc hội có nhiều nghị quyết nói rất nghiêm là phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có liên quan đến các dự án luật, nhưng lâu nay mình đã làm được việc này chưa. Tôi thấy nhiều dự án luật chất lượng không tốt, nhưng bây giờ xem xét trách nhiệm của các Bộ trưởng có liên quan như thế nào thì chưa được chú trọng. Tôi nghĩ nếu chúng ta siết chặt cái này thì tình hình sẽ tốt hơn", ông Học góp ý.

Vẫn về kỷ cương ông Học đề cập kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp vừa rồi cho thấy cán bộ, lãnh đạo, chính quyền ở các địa phương không gương mẫu trong việc chấp hành luật pháp, nhất là Luật Tố tụng hành chính. Luật quy định chủ tịch hoặc phó chủ tịch phải có trách nhiệm tham gia đối thoại trong các vụ án hành chính, có trách nhiệm đến tòa để tham gia tố tụng hành chính, nhưng nhiều địa phương không chấp hành, bản án hành chính khi có hiệu lực pháp luật không chịu thi hành.

Nếu cấp chính quyền, người đứng đầu cấp chính quyền mà không gương mẫu, tôn trọng luật pháp thì chúng ta đòi hỏi người dân tôn trọng luật pháp như thế nào, thượng tôn pháp luật ra sao?, ông Học phát biểu.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy