Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
11:33 (GMT +7)

Chất bi hùng trong “Giặc đốt làng tôi”

VNTN - Tình quân dân là một trong những đề tài được nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam quan tâm khai thác, đặc biệt là các họa sĩ trong thời kháng chiến. “Giặc đốt làng tôi” được danh họa Nguyễn Sáng sáng tác đầu năm 1954 tại tỉnh Tuyên Quang. Bức tranh thể hiện khoảnh khắc gặp gỡ giữa đoàn quân tham gia chiến dịch với những người dân chạy giặc, dù một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đã lột tả được toàn bộ hiện thực cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc.

Bức tranh vẽ cận cảnh, nhân vật được tạo thành hai tuyến ngược chiều nhau. Đoàn quân tiến về phía trước - nơi có tiếng kêu cứu của đồng bào trong vùng đang bị giặc càn phá, cướp bóc. Từ già đến trẻ nét mặt ai cũng buồn bã khi phải từ bỏ làng quê, khoác khăn áo ra đi tìm nơi lánh nạn; bé trai thì ngơ ngác núp sau anh bộ đội, người phụ nữ Thái địu đứa con trên lưng đang chỉ tay về phía xa, kể tội ác của quân giặc. Người chiến sĩ lắng nghe tin báo, khuôn mặt căng thẳng, bàn tay đặt trên báng súng dường như xiết chặt hơn. Chú ngựa như cũng hiểu được tình hình, nó có vẻ muốn chồm lên hành động. Với bút pháp chân thực, nét bút xao xác, xúc động, gam màu chủ đạo xanh chàm trầm hùng, họa sĩ khéo gợi ánh sáng ven hừng sáng trên khuôn mặt anh bộ đội và áo khăn cô gái người dân tộc Thái, tạo điểm nhấn tập trung chú ý của người xem.

Bố cục tranh chặt chẽ, các nhân vật dù chuyển động theo hai hướng đối lập, song lại như hòa quyện vào nhau. Khoảng đặc dồn dập với những mảng hình chen chúc tương phản với khoảng trống có chủ ý được sắp xếp hết sức khéo léo, đủ để người xem cảm nhận được thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ.

Với thủ pháp dùng hình để gợi ý, sự lấp ló của chiếc mũ gài lá ngụy trang, đoàn quân đi thành hàng, giúp người xem cảm nhận được họ đang tiếp bước, nhanh nhảu hơn, mạnh mẽ hơn. Mảng trọng tâm được họa sĩ diễn tả rất tinh tế, nhân vật chính ở cận cảnh được biểu cảm sâu sắc trên nét mặt. Những nhân vật ở phía sau liền sát nhau, chỉ thấp thoáng những dáng người khái quát, đặc biệt bàn tay mờ ảo - chân dung thứ hai của từng nhân vật…, hình như tất cả đều toát lên nỗi căm hờn sâu sắc. Dẫu toàn cảnh đang diễn tả sự khốc liệt, nhưng họa sĩ đã khéo léo thể hiện nhân vật đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ đôi mắt đen tròn vẫn đang được chở che trên lưng mẹ. Phía xa là không gian núi rừng trùng điệp, nơi đang diễn ra chiến dịch trường kỳ đầy gian khổ. Đây có lẽ là một biểu tượng của tương lai, sự tin tưởng và hy vọng một ngày mai tươi sáng.

Đã hơn 60 năm, dẫu thời gian có làm bức tranh xuống màu nhưng tính chất bi hùng của nó vẫn còn mãi hừng sáng trên gương mặt người lính năm xưa. Năm 1996 hoạ sĩ Nguyễn Sáng đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho tác phẩm “Giặc đốt làng tôi”. Bức sơn dầu này có kích thước 80x130cm, hiện nay đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Gia Khánh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy