Chắp cánh tâm hồn thơ
“Chắp cánh tâm hồn thơ” là chủ đề chương trình Ngày thơ năm 2024 do Hội Văn học nghệ thuật thành phố Thái Nguyên tổ chức sáng 22/2, tại Trung tâm chính trị thành phố.
Đại diện lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Ban Tuyên giáo Thành ủy; đại biểu một số cơ quan, đơn vị, một số sở ban ngành; đông đảo hội viên Hội VHNT thành phố, các tác giả, người yêu thơ tại các Câu lạc bộ thơ thuộc các xã, phường trên địa bàn đã tới tham dự.
Ngày thơ diễn ra với 24 bài thơ, được chính các tác giả trình bày. Đổi mới và đi sâu vào nghệ thuật thơ ca, sau mỗi tiết mục đọc, ngâm thơ là lời bình thơ của nhà thơ, tiến sĩ văn học Nguyễn Đức Hạnh. Ông đã đưa ra những cảm nhận tinh tế, khái quát những điểm hay, điểm hạn chế của bài thơ, từ đó khơi gợi thêm những nhận thức từ phía tác giả và người thưởng thức.
Hòa trong tiếng guitar sâu lắng của nhạc sĩ Phạm Đình Chiến, các tiết mục đọc, ngâm thơ, bình thơ, biểu diễn văn nghệ đan xen nhịp nhàng, bay bổng.
Đa dạng về chủ đề, các nhà thơ mang tới chương trình những bài thơ về tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống; ca ngợi mảnh đất con người Thái Nguyên đang từng ngày thay đổi; ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước đổi mới…
Phát huy giá trị và thành tựu thơ ca của những năm trước, Ngày Thơ thực sự là một ngày hội của những người yêu thơ thành phố để tôn vinh thơ ca. Không chỉ là một hoạt động thường niên, Ngày Thơ năm nay có sự thay đổi - ít chú trọng vào hình thức mà tập trung sâu vào nội dung. Chương trình như một buổi sinh hoạt thi ca ấm cúng, qua đó các thi sĩ và người yêu thơ nhận diện rõ hơn về giá trị đích thực của thi ca, của sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật.
Về điều này họa sĩ Hoàng Báu, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố cho biết: Nói về thơ, cái quan trọng nhất của một thi sĩ là đi tìm được giọng nói của chính mình. Trong giọng nói đó là văn hóa, làng xóm, số phận, là cốt cách của chính tác giả. Sự đổi mới, sự sáng tạo là kết quả của quá trình dấn thân, nhập cuộc, tích lũy, hun đúc, một tiến trình cọ xát dữ dội… Sáng tạo nghệ thuật giống như sáng tạo cuộc sống, cần có yếu tố thẩm mỹ, tính chân thực cao, có khả năng tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người đọc. Thơ ca sẽ ra sao nếu tác phẩm này là bản sao của tác phẩm khác; nếu mỗi người nghệ sĩ đều bằng lòng với những điều có sẵn; câu chữ mòn sáo, lời thơ đơn điệu, quen nhàm?…
Chương trình thơ năm nay không chỉ là một hoạt động văn hóa tinh thần ý nghĩa, mà còn khẳng định sự sáng tạo, tìm tòi, đổi mới, của các thi sĩ trên con đường khám phá cái đẹp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật thành phố Thái Nguyên.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...