Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
11:46 (GMT +7)

Chán lắm

VNTN - Chán lắm cô ạ. Lần nào gặp, tôi cũng nghe nó nói câu ấy. Nghe nhiều thành quen, tôi không buồn hỏi thêm nó chán cái gì và vì sao chán như trước nữa.

Nó chuẩn bị bước vào tuổi “toan về già”, tốt nghiệp đại học sư phạm bẩy năm nay rồi. Nó cao khoảng mét rưỡi, răng quặp lại ít cười, da xin xỉn. Nó ngại đi ra ngoài, ngại trò chuyện với người nọ người kia. Tổng số nó có hai người bạn gái, chúng đã có chồng con, thỉnh thoảng chúng mới thu xếp được để ngồi “buôn dưa” với nó. Thời gian trong ngày của nó là ngủ, lướt mạng, ăn và lại…ngủ. Cứ thế, bẩy năm trôi qua.

 

Nhà nó kinh tế chỉ đủ “vắt mũi đút miệng”. Bố nó là nhân viên văn phòng về hưu. Mẹ nó bán hàng lặt vặt tại nhà, mỗi ngày lãi khoảng dăm bẩy chục nghìn. Nhà có bốn anh chị em, nó là út, thấp bé lại hay ốm nên không ai bắt nó làm việc nọ việc kia. Bẩy năm rồi họ để kệ nó chúi ở phòng riêng lướt ngón tay lên màn hình điện thoại.

Tôi hỏi:

- Cháu chờ gì nữa mà không xin việc làm, ở nhà “ăn bám” bố mẹ mãi sao?

- Cháu cũng đi làm mấy chỗ nhưng vất vả mà đồng lương bèo nên cháu bỏ. Chán lắm cô ạ.

Rồi nó kể:

- Cháu xin vào làm tư vấn ở công ty tiếng Anh nhưng họ bảo tiếng Anh của cháu kém quá, cho làm giúp việc văn phòng. Cô tính, cháu đường đường tốt nghiệp đại học mà làm giúp việc á? Cháu “bai” luôn. Năm ngoái cháu được nhận vào làm kế toán đơn vị sản xuất. Họ khoán sản phẩm, mỗi tháng phải đòi được bao nhiêu tiền hàng mới ăn đủ lương. Cháu không đạt, bị trừ lương, cháu cũng bỏ luôn. Chán lắm cô ạ.

- Thế bây giờ cháu định sao? Tôi sốt ruột.

- Cháu chờ bố mẹ cháu xin cho đi dạy học - nó hạ giọng có vẻ bí mật - bố cháu bảo “mối” này tin tưởng lắm. Nhà cháu giao trước cho họ một trăm triệu đồng rồi, khi nào sắp nhận quyết định thì giao tiếp một trăm triệu nữa.

- Những hai trăm triệu? Gia cảnh nhà cháu như thế, lấy đâu ra?

- Đi vay chứ biết làm sao cô. Mẹ cháu vay hết tất cả họ hàng, bạn bè, các anh chị cháu góp mỗi người một ít. Đây là lần thứ ba nhà cháu xin việc qua môi giới rồi. Hai lần trước không được, cũng mất gần trăm triệu “thuốc nước”. Nhưng lần này họ hứa chắc lắm. Tầm cuối năm là cháu đi làm thôi.

 

Tôi không giấu nổi tiếng thở dài:

- Cháu đi làm lương khoảng ba triệu một tháng, lo cho mình chẳng đủ, làm sao giúp bố mẹ trả nợ? Chi bằng đừng mất tiền chạy chọt, cháu chịu khó làm cho công ty tư nhân, dần rồi sẽ quen, lương khá dần lên. Bố mẹ cháu già rồi, còn ốm đau, trông vào đâu?

- Chán quá cô nhỉ - nó cũng thở dài - nhưng bố mẹ cháu bảo, người như cháu phải “bám” cơ quan nhà nước lĩnh lương tháng, chứ “vứt” ra ngoài khó cạnh tranh lắm.

Tôi ngắm lại nó. Ờ mà phải. Dung nhan không bắt mắt, tâm trạng luôn buồn nản, tính cách thụ động lại thêm ngại khó ngại khổ, người như thế doanh nghiệp nào muốn nhận? Cũng tội cho đơn vị nhà nước nào nó đang chuẩn bị vào làm.

 

Tiễn tôi ra cửa, nó nói “chán cô nhỉ” trước khi quay vào đóng sầm cửa lại. Tôi thần người nhìn cánh cửa trước mặt mà nghĩ về các cử nhân, thậm chí thạc sĩ hay tiến sĩ nằm nhà nhan nhản bây giờ. Nhiều người trách xã hội không trọng dụng “nhân tài”, lãng phí “chất xám”; người đổ lỗi cho cơ chế và sự điều hành yếu kém của nhà nước… Nhưng ít người nhìn lại bản thân xem “món hàng” sức lao động của mình có đáng giá không, mà đòi “bán” được với giá cao? Đâu chỉ có tấm bằng là có việc làm. Các doanh nghiệp bây giờ đòi hỏi người lao động phải có hình thể, sức vóc, kỹ năng lắng nghe, khả năng thuyết phục, và hơn hết là người nhiệt tình, dám làm việc khó.

Nhìn lại cánh cửa im ỉm lần nữa, tôi lên xe nổ máy.

Bỗng dưng tôi cũng thấy chán.

 

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước