Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
12:32 (GMT +7)

Chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công: Căn bệnh trầm kha cần có giải pháp mạnh

VNTN - 56% là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh tính đến hết tháng 9. Trong khi đó, tỷ lệ này của cả nước là 49,14%. Với kết quả này, Thái Nguyên nằm trong nhóm 25 tỉnh dẫn đầu có tỷ lệ giải ngân cao và so với cùng kỳ cao hơn 4%. Tuy nhiên, xung quanh việc giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn hiện còn nhiều điều cần bàn. Và theo nhiều chuyên gia kinh tế, tỉnh cần phải có những giải pháp thực sự mạnh tay thì việc chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công vốn được xem là căn bệnh trầm kha mới có chuyển biến, từ đó tạo ra cú hích cho những năm tiếp theo.

Năm 2019, kế hoạch vốn (KHV) đầu tư công của tỉnh ta là 3.861 tỷ đồng, thì tính đến hết tháng 9, giải ngân được 2.147 tỷ đồng. Trong đó, dự án Trung ương quản lý lũy kế số thanh toán đạt 52/152 tỷ đồng; dự án địa phương quản lý đạt 2.095/3.709 tỷ đồng. Tổng số dự án được giao KHV để thực hiện trong năm 2019 là 3.138 công trình (từ cấp xã đến cấp tỉnh làm chủ đầu tư). Đáng chú ý có 146 dự án tỷ lệ giải ngân thấp (chiếm 29,4% tổng KHV), với số thanh toán chỉ đạt 175/1.135 tỷ đồng, bằng 15% KHV.

 

Phần lớn các dự án giao thông đều triển khai chậm so với kế hoạch khiến việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng chậm theo. Trong ảnh: Dự án Cải tạo, nâng cấp đường vào Trường Tiểu học Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) có thời gian thi công 300 ngày, đến nay cũng đã chậm so với hợp tiến độ thi công theo hợp đồng, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.

Trong số này có 35 dự án chuyển tiếp có kế hoạch vốn năm 2019 nhưng chưa giải ngân thanh toán, với số KHV là hơn 99 tỷ đồng (ngân sách tỉnh có 8 dự án, còn lại là ngân sách cấp huyện), đơn cử như các dự án: Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn tỉnh Thái Nguyên (vốn WB), KHV 30 tỷ đồng; Quảng trường Võ Nguyên Giáp, T.P Thái Nguyên KHV hơn 7,6 tỷ đồng; Bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng khuôn viên phía trước khu di tích lịch sử quốc gia 27/7, huyện Đại Từ, KHV 7 tỷ đồng. 34 dự án khởi công mới trong năm 2019 chưa gửi hồ sơ pháp lý lần đầu đến Kho bạc Nhà nước, với KHV 199 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 8 dự án, còn lại là ngân sách cấp huyện). Bao gồm các dự án: Phát triển tổng hợp đô thị động lực T.P Thái Nguyên KHV 40,5 tỷ đồng; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trung tâm phía nam, T.P Thái Nguyên KHV gần 19 tỷ đồng; Nhà làm việc trung tâm hành chính công và nhà hội trường UBND T.P Thái Nguyên KHV 15 tỷ đồng. 49 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, với số giải ngân được 38/384 tỷ đồng (đạt 10% KHV), đơn cử như Dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê Chã, T.X Phổ Yên (đoạn ứng cứu đến K3+100); Dự án kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. 28 dự án tỷ lệ giải ngân từ 30 đến dưới 50% KHV, với số giải ngân 136/406 tỷ đồng (đạt 34% KHV).

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm chậm tiến độ hoàn thành các dự án, công trình và tốc độ tăng trưởng kinh tế... Bởi theo tính toán, trung bình mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ thu hút thêm 5 đồng vốn từ xã hội. Nếu giải ngân vốn đầu tư công chậm, tức là ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn vốn khác, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đồng thời cũng làm phát sinh chi phí quản lý vốn, kéo dài thời gian đưa dự án vào sử dụng, làm mất cơ hội khai thác. Còn theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nhờ đó sẽ tạo động lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho hai năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh.

Phân tích nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm được giải ngân vốn đầu tư công, theo các ông: Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ và đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư: Những tháng đầu năm, các chủ đầu tư tập trung chủ yếu cho thanh toán các công trình đã quyết toán, công trình hoàn thành và công trình chuyển tiếp; còn các dự án mới sau khi được phân giao vốn mới bắt đầu thực hiện thủ tục đầu tư nên cần thời gian để có khối lượng nghiệm thu đủ điều kiện mới được giải ngân, đó là chưa kể đến công tác giải phóng mặt bằng ở không ít dự án gặp nhiều khó khăn; một số nhà thầu có tâm lý tập trung thi công, dồn khối lượng hoàn thành để nghiệm thu thanh toán 1 lần vào những tháng cuối năm nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính phát sinh. Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành liên quan trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục... cũng chưa thực sự quyết liệt; một số chương trình, dự án không có khả năng thực hiện. Trong khi đó, nhiều dự án đã giải ngân hết KHV năm 2019 và vốn trung hạn mà vẫn chưa thể hoàn thành, đang rất cần được tỉnh quan tâm, có giải pháp.

Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp rà soát cụ thể và kiên quyết điều chuyển vốn đã giao năm 2019 đối với địa phương, đơn vị nào chưa phân bổ chi tiết KHV để bổ sung cho các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung KHV năm 2019; đối với các dự án, công trình đã có khối lượng xây dựng cơ bản nhưng chưa giải ngân kế hoạch năm 2019 và các dự án khởi công mới năm 2019 chưa tổ chức đấu thầu, thực hiện điều chuyển vốn đã giao năm 2019 sang dự án công trình khác đã có khối lượng, có tỷ lệ giải ngân cao, đủ điều kiện để giải ngân hết KHV được bổ sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh... Đồng thời, xem xét, kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của năm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong việc triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công… để giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch được giao, qua đó tạo nguồn lực cho tăng trưởng chung của tỉnh.

Trọng Hiệp

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy