Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:43 (GMT +7)

Cậy

VNTN - Hồi học tiểu học, tôi ngồi cạnh một cô bạn rất khó chịu. Cô ta không làm bài tập, nói chuyện riêng trong giờ và luôn trốn lao động. Các bạn cùng lớp tôi bảo nhau: Nó cậy mẹ nó là hiệu trưởng nên chẳng sợ ai. Quả nhiên đúng, các thầy cô giáo xếp nó vào diện “nhạy cảm” nên dù học hành lớt phớt, thái độ nhâng nháo nhưng cuối năm nó vẫn chĩnh chệ nhận thưởng học sinh giỏi, học bạ phê hạnh kiểm tốt.

Tâm lý “cậy” xuất hiện từ lúc bé như học sinh tiểu học, ở người lớn, cái sự “cậy” càng nhan nhản.

Người giàu thì cậy mình giàu, tưởng mang đồng tiền mua được cả thiên hạ. Người có bố mẹ, người thân làm chức này chức kia thì mang họ ra khoe để lên mặt, gây thanh thế, dọa nạt người này, người nọ.

Ảnh minh họa

Người có bạn bè “sang” thì bắt quàng lấy, nhận bố nuôi, anh nuôi, chị nuôi... rồi năng lui tới, quan hệ thân tình, cậy cái uy của họ “tỏa” sang mình cho dễ bề làm ăn.

Thậm chí, người có “bồ” quyền uy cũng chẳng ngại thân phận “mèo mả gà đồng” đáng ra hổ thẹn phải giấu nhẹm đi, lại lên mặt cậy uy của “bồ”, cư xử oai vệ đáng ghét với mọi người.

Người có chức có quyền thật thì thôi rồi, họ cậy quyền, cậy chức mà vơ vét, dọa dẫm, điều hành, cho mình cái quyền được ăn trên ngồi trốc.

Nói như vậy, nhưng ở đời không ít người chức cao quyền trọng lại không hề cậy.

Trong cuộc đời mình, tôi từng được tiếp xúc với không ít người có quyền và có tiền, nhưng họ vô cùng dung dị gần gũi. Mới tuần trước đây thôi, trên chuyến xe khách về Hà Nội, tôi ngồi cùng ghế với một phụ nữ trung tuổi. Bà không trang điểm, vận quần áo giản dị. Trong suốt hành trình, bà liên tục trả lời các cuộc điện thoại. Bà nói nhỏ nhẹ lắm, thái độ rất thanh thản, giọng nói ấm, cử chỉ khoan thai khiến tôi nghĩ bà nhất định phải là người sang trọng. Khi bà xuống rồi, tôi hỏi cậu lái xe, cậu cười bảo, đó là cô X, thứ trưởng, khách quen của cháu. Cô ý lần nào về nhà cũng đón xe cháu.

Rõ ràng bà X không cậy chức mà bắt tài xế cơ quan đưa xe về tận nhà cho xênh xang mát mặt với láng giềng. Nhưng cái khí chất, thần thái của con người có chiều sâu hiểu biết và văn hóa đã tỏa ra sự sang trọng, sức thu phục người đối diện. Với những con người như thế, họ chẳng cần phải cậy vào ai, cậy vào những thứ ngoài thân như chức, như quyền để oai với đời.

Ngẫm cho cùng, khi đã phải cậy, nghĩa là anh phải nương, nhờ, ỷ vào ai đó để có thể vững được, đồng nghĩa anh đang yếu về thực lực, kiến thức hoặc đạo đức.

Trở lại câu chuyện cô bạn học cùng hồi nhỏ với tôi, bẵng đi vài chục năm, hôm vừa rồi tôi vô tình gặp bạn ở siêu thị, nó tông tốc kể: “Cấp một mình còn cậy được mẹ là hiệu trưởng, lên cấp hai chả cậy được ai, học hành lết bết quá, cố mãi mới xong được lớp 7, thế là tớ nghỉ luôn, đi làm công nhân. Giá như mình không cậy mẹ mà cố gắng học hành ngay từ đầu, biết đâu sẽ khác…”.

Còn những người cậy khác mà tôi biết, điểm lại chặng đường cuộc đời họ, tôi tá hỏa phát hiện ra điểm chung này: Khi những người họ cậy không còn tác dụng nữa, thì họ thường nhanh chóng quay lưng để tìm người khác hữu ích cho họ hơn. Đúng là “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi…”. Ngày xưa Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có câu thơ như vậy ngẫm ra vẫn thật thấm thía.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước