Câu chuyện của nhà nhiếp ảnh
Tình cờ tôi được đọc được một bài viết trên trang Faceebook của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa, kèm theo bài là một bức tranh của họa sĩ Fyodor Reshetnikov vẽ năm 1952 và bức ảnh không rõ tác giả.
Bức họa và bức ảnh đều toát lên một chủ đề nói về nỗi buồn, nỗi cô đơn của một cậu bé bị điểm hai, một cậu bé không được giấy khen giữa một rừng giấy khen của cả lớp đang giơ cao một cách đầy tự hào, mãn nguyện. Bức ảnh là ở Việt Nam. Nhìn bức họa và bức ảnh, tôi giật mình. Chỉ vài giây đồng hồ sau đó, trong tôi bỗng có sự phản tỉnh dữ dội và bất ngờ. Và tôi quyết định kể lại chuyện này như một sự sám hối.
Nhiều năm nay, gia đình tôi có thói quen thưởng tiền cho các cháu học ở các lớp tiểu học mỗi khi nhận được kết quả học tập cuối năm. Cháu nào đạt giỏi được thưởng hai trăm nghìn, đạt tiên tiến một trăm năm mươi nghìn, chỉ lên lớp bình thường một trăm nghìn. Lâu nay, việc đó được tiến hành khá trôi chảy. Tất nhiên mỗi lần nhận thưởng có đứa cười, đứa tự hào và có lẽ có cả những nỗi buồn ngầm (người lớn khó nhận ra, hoặc nhận ra cũng coi là chuyện thường tình, thậm chí cho đó là nỗi buồn cần thiết). Thực ra cũng có đôi lần vợ tôi bảo: “Hay ta cứ thưởng cho các cháu đồng đều. Như thế cũng là sự động viên rồi. Đừng để cho đứa nào phải buồn”. Nghe vợ nói, tôi luôn giải thích, rằng phải như vậy mới có sự thi đua, rằng sự chênh lệch về phần thưởng là để tạo ra sự vươn lên trong học tập. Tôi luôn cho mình là đúng.
Nhìn vào bức họa và bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa đưa lên Faceebook quả là tôi đã thảng thốt về sự lầm lẫn của mình. Hai gương mặt tràn đầy một nỗi buồn bơ vơ, cô độc của hai tâm hồn thơ trẻ đã làm tôi bừng tỉnh.
Vốn là một giáo viên được đào tạo từ mái trường sư phạm, có khá đầy đủ kiến thức về chuyên môn và ít nhiều am hiểu về tâm lí giáo dục, tôi hằng tự hào về cách khuyến học trong gia đình của mình. Vậy mà chỉ trong chốc lát, từ một tấm ảnh, cũng có thể nói là một tác phẩm nghệ thuật, tôi bỗng nhận ra mình đã hoàn toàn lầm lẫn, lầm lẫn một cách nghiêm trọng.
Có lẽ cũng còn một nguyên nhân là trong hơn mười năm dạy học, tôi luôn được/ bị tắm mình trong những cuộc thi đua như thác lũ trong các nhà trường phổ thông thời bấy giờ. Thầy và trò luôn sống trong một khí thế thi đua/ ganh đua khốc liệt. Trong không khí náo nhiệt ấy, quả là chúng ta đã bỏ quên những gương mặt u tối, vô tình làm tổn thương bao tâm hồn thơ bé.
Vốn nghe nói Phần Lan xa xôi là một nước có tiếng vang trong nền giáo dục hiện đại, tôi vội lên mạng tra cứu. Tình cờ đọc được một câu chuyện rất lí thú. Một đoàn các nhà giáo dục Trung Quốc sang một trường tiểu học của Phần Lan để học hỏi. Trước khi đi, để tạo không khí thân thiện và để chứng tỏ sự quan tâm đến học trò nước bạn, đoàn có mua một con gấu bông rất đẹp với ý định sẽ tặng một em học sinh xuất sắc nhất trường. Khi nghe đề nghị nói trên của đoàn, ông hiệu trưởng trường tiểu học Phần Lan nhẹ nhàng nói: “Thưa các anh, trường chúng tôi không có em học sinh nào xếp thứ nhất và cũng không có em học sinh nào xếp cuối cùng. Tất cả học sinh của chúng tôi đều cắp sách đến trường như đến với thiên đường của tuổi thơ. Tất cả đều bình đẳng, không thi đua, không xếp thứ hạng, cũng không có chấm điểm”. Quả là bất ngờ và chí lí.
Hiện tôi không thật rõ nền giáo dục hiện nay ở nước ta ra sao, nhưng các bệnh thành tích trong nhà trường như báo chí vẫn đưa tin để phê phán thì tôi nghĩ nó có một nguyên nhân sâu xa từ thời tôi còn làm trong ngành giáo dục với một tinh thần thi đua hơi thái quá.
Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ ngây thơ và có lẽ là không tưởng: Ước gì các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và đặc biệt là các nhà quản lí từ sở đến bộ… cũng giống như tôi khi nhìn vào bức ảnh đã có một sự phản tỉnh nghiêm túc. Và cũng đồng điệu với lời nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa trong bài viết: “Xem một bức ảnh, mà khiến người ta phải nhìn rộng ra tính nhân văn ở các “phong trào” khen thưởng của ngành giáo dục và cả xã hội Việt Nam hôm nay. Lợi ích nằm ở đâu, nếu như để tổn thương chỉ một tâm hồn thơ trẻ?”
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...