Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao
VNTN - Thời gian qua, thông tin về người dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo... bị lợi dụng hay bị hack tấn công để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra khá phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng, mặc dù cơ quan chức năng liên tục đưa ra những cảnh báo. Mới đây, trên địa bàn tỉnh, lại thêm một kiểu tấn công khác thông qua tin nhắn iMessage mà nguyên nhân được cho là do người sử dụng thiết bị di động của Apple bị lộ tính năng bảo mật. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động, cần sự nâng cao cảnh giác của tất cả mọi người.
Theo Thiếu tá Dương Trung Kiên, Phó đội trưởng phụ trách Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an T.P Thái Nguyên: Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, khi phần lớn mọi người đều sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet và mạng xã hội, thì vấn đề bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo cũng vì thế mà gia tăng. Nếu như năm 2017, Công an thành phố chỉ tiếp nhận đơn trình báo có liên quan đến nội dung này là 4 trường hợp thì năm 2018 là 18 trường hợp. Và trong 7 tháng đầu năm 2019 đã là 22 trường hợp.
Qua tìm hiểu, được biết trên thực tế, số trường hợp bị lừa đảo nhiều hơn con số mà lực lượng chức năng đã tiếp nhận rất nhiều. Nguyên nhân do, khi đã bị lừa, khả năng tìm thấy đối tượng cũng như số tài sản đã mất rất thấp. Vì thế, nhiều người cho rằng có báo cũng không lấy lại được gì nên đành ngậm ngùi cho qua.
Chị Nguyễn Thị Trang, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên chia sẻ: Tôi có sử dụng một tài khoản Zalo trên mạng xã hội với số điện thoại mà tôi vẫn thường dùng. Mới đây, tôi có nhận được một số cuộc điện thoại từ nhiều số lạ thông báo rằng Zalo của tôi đang bị virut. Nếu không xử lý thì 6 tháng sau sẽ bị khóa. Vì thế, tôi đã đồng ý để họ xử lý và họ cho lại tôi một mã số. Sau đó, Zalo tự khởi động lại. Tuy nhiên, khi tôi đăng nhập lại thì không vào được nữa. Trong lúc này, các số điện thoại khác trong danh bạ Zalo của tôi nhận được tin nhắn nhờ chuyển cho tôi 5 triệu đồng để xử lý công việc. Có 3 người tưởng thật nên đã chuyển vào tài khoản mà từ Zalo của tôi gửi đến với số tổng số tiền 15 triệu đồng. Một số người cảnh giác đã gọi điện cho tôi để xác nhận thì lúc đó, tôi mới biết Zalo của mình bị hack. Tôi đã làm đơn báo công an, nhưng tôi cũng hiểu rất khó để tìm ra được thủ phạm.
Mới đây nhất là ngày 30-7, chị Nguyễn Thị Lan, ở phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên khi đang nhắn tin với chị gái tên Quỳnh qua iMessage (dịch vụ tin nhắn miễn phí giữa các điện thoại Iphone) để nói chuyện về công việc gia đình thì sau tin nhắn chào nhau để đi làm thì bên chị Quỳnh bỗng nhắn lại: “À, có chuyển khoản được không, chuyển hộ 4,5tr tối đưa tiền mặt cho”. Không chút nghi ngờ, chị Lan đồng ý chuyển nhưng vì không đủ nên bảo chỉ có thể chuyển được 3 triệu. Phía chị Quỳnh nhắn lại số tài khoản của người cần chuyển và sau đó, khoảng 20 phút chị Lan đã chuyển tiền cho chị Quỳnh, sau đó nhắn lại thông báo cho chị Quỳnh việc chuyển tiền đã thành công. Về phía chị Quỳnh, sau khi nhắn tin chào chị Lan đi làm thì liền cất điện thoại vào túi rồi đi tới cơ quan. Sau đó, thấy tin nhắn đã chuyển tiền thành công gửi đến của chị Lan thì mới lập tức gọi lại. Xem lại toàn bộ phần tin nhắn trong điện thoại thì đúng là toàn bộ cuộc hội thoại giữa hai chị em có việc nhờ yêu cầu chuyển tiền. Sau khi nhờ sự hỗ trợ từ phía ngân hàng mà chị Lan sử dụng để chuyển tiền mới biết số tài khoản mà chị gửi đến đã rút toàn bộ và tên đăng ký của chủ tài khoản nhận tiền có hộ khẩu ở Hải Phòng.
Không chỉ chị Lan được nhờ, cũng trong khoảng thời gian này, chị Nga là chị gái đầu của chị Lan và chị Quỳnh cũng nhận được tin nhắn nhờ chuyển tiền qua iMessage của chị Quỳnh, nhưng do chị Nga đang bận nên chưa kịp chuyển. Kiểm tra lại toàn bộ dữ liệu của điện thoại, chị Lan phát hiện phần danh bạ điện thoại có nhiều tên lạ mà chị không hề quen biết. Chị Lan chia sẻ: Cách đây hơn 1 tháng, tôi mang điện thoại đi sửa. Do chủ quan và không nghĩ nhiều về tính bảo mật nên tôi đã để lại 1 ngày và cung cấp cho người sửa cả password và icloud của máy. Chị Lan cho rằng đó có thể là nguyên nhân khiến máy chị bị hack. Nhưng chị cũng không thể hiểu, hack tấn công bằng cách nào.
Trao đổi về vấn đề này với một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi được giải thích, nhiều khả năng, khi mang điện thoại đi sửa, do người sửa biết được các thông tin bảo mật của điện thoại nên đã tự tạo nhóm với những người mà chị Lan thường liên hệ, nhất là với những người có mối quan hệ làm ăn hoặc chị em trong gia đình để khi có cơ hội, họ sẽ thực hiện việc chèn nội dung tin nhắn qua internet với nội dung nhờ chuyển tiền mà không hề bị phát hiện. Sở dĩ họ biết tạo nhóm giữa những người có quan hệ với nhau là vì họ có thể tra cứu tất cả các thông tin của người chủ chiếc điện thoại, từ lịch sử tin nhắn, video, trên zalo, facebook, hình ảnh, những người hay trò chuyện và về nội dung gì… Họ còn biết cách xưng hô với từng số điện thoại có trong danh bạ, để khi nhắn tin không bị nghi ngờ. Trong trường hợp này, khả năng bị hack tấn công là ít xảy ra.
Còn rất nhiều kiểu lừa đảo khác đã và đang bị các đối tượng tội phạm công nghệ cao lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng điện thoại, mạng xã hội. Vì thế, mỗi người cần phải tự tìm hiểu và nâng cao hơn ý thức cảnh giác. Phải tuyệt đối giữ gìn các bảo mật thông tin cá nhân để tránh những rủi ro, thiệt hại không đáng có có thể xảy đến với mình và người thân.
Nguyễn Chi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...