Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
04:52 (GMT +7)

Cần những cách làm mới mẻ, gần dân hơn

VNTN - Là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần thực hiện mục tiêu hướng tới Bảo hiểm xã hội toàn dân, công tác tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan trong toàn tỉnh. Kết quả đạt được rất đáng kể, song vẫn còn đó những bất cập cần quan tâm tháo gỡ.

Xác định vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thời gian qua ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tổ chức ký kết phối hợp với 9 đơn vị để thực hiện công tác tuyên truyền chính sách BHXH thường xuyên gồm: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh; Hội Nông dân; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Bưu điện tỉnh. Đồng thời phối hợp với 05 đơn vị thực hiện tuyên truyền thường xuyên và theo đợt kiểm tra: Sở Y tế; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bưu điện tỉnh. Dưới các hình thức tuyên truyền như: qua tài liệu, phương tiện thông tin đại chúng; các hội nghị, hội thảo, tập huấn; tính từ tháng 5/2018 đến tháng 9/2019, BHXH tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức được 117 hội nghị, hội thảo chuyên đề, đối thoại về BHXH, BHYT với 4.800 người tham gia, phát triển tăng mới gần 2.600 người tham gia BHXH tự nguyện.

 

Thông qua hình thức sân khấu hóa, các chính sách BHXH, BHYT được truyền tải sinh động, dễ hiểu.          Ảnh: K.N

Một “điểm sáng” trong công tác tuyên truyền BHXH, BHYT mà cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã làm được trong năm 2019, là đăng cai tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên BHXH, BHYT của BHXH các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, diễn ra những ngày cuối tháng 10/2019 vừa qua. Gần 200 thí sinh đến từ 12 cơ quan BHXH các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, đã đem đến hội thi không chỉ các tiết mục văn nghệ đặc sắc, mà còn là các tiểu phẩm mang đậm chất tuyên truyền, gắn với thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, gắn liền với công tác an sinh xã hội, thể hiện được tình yêu nghề, niềm tự hào của người cán bộ ngành BHXH, mang nhiệm vụ và trọng trách bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn... Nói Hội thi là điểm sáng, bởi đây không chỉ là cơ hội để bồi dưỡng các kỹ năng tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền của ngành, mà còn phổ biến và nhân rộng các hình thức, phương pháp và nội dung tuyên truyền hay, hiệu quả tại các địa phương, đơn vị, qua đó cùng nhau chia sẻ, học tập, làm tốt hơn công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT.

Về phía các đơn vị phối hợp, tính từ năm 2018 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức hơn 20 lớp tập huấn chính sách lao động, chính sách bảo hiểm; kỹ năng hòa giải; tuyên truyền chính sách pháp luật lao động, tiền lương, BHXH; tập huấn chuyên đề “Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất” cho hàng nghìn người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế chủ trì hơn 200 hội nghị truyền thông, phổ biến Luật BHYT, truyền thông BHYT cho người dân tại các huyện thành thị. Các cấp công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức được hơn 3.500 hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho trên 300.000 lượt cán bộ, đoàn viên công đoàn…

Các cơ quan báo chí liên tục cập nhật, giới thiệu nhiều thông tin liên quan đến BHXH, BHYT. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã xây dựng chuyên mục “Giải đáp pháp luật”, “Chính sách và Cuộc sống”, “Sức khỏe và Đời sống”; tuyên truyền tại các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Mông, Dao, Tày… Từ năm 2016 đến nay, Đài phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh thực hiện Chuyên mục “Bảo hiểm xã hội” phát sóng định kỳ hằng tháng trên kênh TN1. Báo Thái Nguyên cùng với BHXH tỉnh ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền về công tác BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời mở các chuyên mục như: “Hỏi - đáp chính sách BHXH, BHYT, BHTN”; phối hợp với Sở Y tế thực hiện trung bình mỗi tuần 1 chuyên mục “Sức khỏe và đời sống” trên báo in và chuyên mục “Sức khỏe cộng đồng” trên báo điện tử. Trong những năm qua, Báo đã đăng tải gần 500 tác phẩm báo chí tuyên truyền về công tác BHYT…

Đánh giá về những kết quả tốt đẹp đã đạt được, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT tại tỉnh Thái Nguyên diễn ra ngày 23/10 vừa qua, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên và các đơn vị liên quan cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, bất cập về mặt chuyên môn tuyên truyền. Thấy rằng còn nhiều điều băn khoăn cần tháo gỡ...

Một trong những vấn đề được quan tâm, là việc chính sách BHXH, BHYT hiện còn có một số nội dung chưa phù hợp, chưa được bổ sung kịp thời, gây khó khăn trong quá trình tuyên truyền, giải thích. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng, hiện nay quyền lợi của đối tượng đóng BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc đang có sự chênh lệch, các chế độ được hưởng của người đóng BHXH tự nguyện ít hơn so với người đóng BHXH bắt buộc. Ông Long cũng đưa ra kiến nghị, nên chăng ngành BHXH Việt Nam cần cân nhắc bổ sung để hai chế độ BHXH này tương đương, như vậy mới có thể khuyến khích người dân tham gia. Bà Nguyễn Thị Vũ Anh, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh cũng mong muốn ngành bảo hiểm cần có kế hoạch phối hợp tuyên truyền sâu và rõ nét hơn về chính sách BHXH tự nguyện, điều này giúp những người làm công tác tuyên truyền ở Đài PT-TH tỉnh được tiếp cận, hiểu rõ, khi đến với nhân dân thì họ cũng chính là những tuyên truyền viên tích cực.

Tích cực trong phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cũng bày tỏ trăn trở về tình trạng người lao động ở các doanh nghiệp tư nhân không tham gia BHXH mà tham gia các loại bảo hiểm thương mại đang diễn ra khá phổ biến. Một phần do các loại hình bảo hiểm thương mại có đội ngũ tiếp cận trực tiếp, tư vấn và giải thích hết sức chu đáo, nhiệt tình, thế nên họ lôi kéo được nhiều khách hàng. Phần khác cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc xây dựng chương trình hành động thực hiện của chúng ta hiện nay chưa thật sự tốt; nhận thức của một số người đứng đầu đơn vị doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế, nên họ chưa thực sự quan tâm, vẫn coi công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT là việc của cơ quan BHXH…

Một trong những điều khó nữa là, kiến thức và khả năng tuyên truyền về BHXH, BHYT của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên BHXH ở cơ sở còn hạn chế. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tham góp, cần quan tâm, đổi mới tuyên truyền bằng hình thức số hóa, đồng thời đẩy mạnh hình thức tuyên truyền lưu động. Đặc biệt, cơ chế chính sách đối với đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền BHXH cơ sở về các mặt như kiến thức, kinh phí… là việc rất đáng quan tâm.

Khẳng định việc duy trì công tác tuyên truyền là cần thiết, đại biểu các đơn vị đều có chung quan điểm, để đạt được hiệu quả thì việc đổi mới về hình thức, biện pháp tuyên truyền BHXH, BHYT vô cùng quan trọng. Trong thời gian tới, ngoài việc biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng những cách làm hay, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thì ngành Bảo hiểm và các cấp ngành liên quan cũng cần phải tự điều chỉnh, đổi mới tương tác, có những hội nghị gần dân hơn, cụ thể theo từng nhóm đối tượng cần khai thác. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, nói chuyện chuyên đề, đối thoại chính sách; hệ thống đài truyền thanh cơ sở, tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn ở địa bàn đông dân cư... Phát huy vai trò của báo cáo viên, cộng tác viên tuyên truyền, trong đó có vai trò quan trọng của các bí thư chi bộ ở cơ sở, trưởng thôn, trưởng xóm, trong công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT...

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy