Cần lắm những nguồn vốn sẻ chia
VNTN - Trong những năm qua, Thái Nguyên được biết đến là một trong những tỉnh có bước phát triển nhanh về kinh tế, qua đó đã có nhiều việc làm thiết thực để chung tay giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách, mà một trong số đó là việc huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc trích một phần vốn, ngân sách để chuyển sang (NHCSXH) thực hiện việc cho vay. Tính đến nay, trong tổng nguồn vốn 3.200 tỷ đồng mà NHCSXH tỉnh đang quản lý, có trên 74 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và doanh nghiệp chuyển sang.
Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, mặc dù số tiền ngân sách tỉnh và các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn chuyển sang NHCSXH để thực hiện việc cho vay chỉ chiếm 2,3% tổng nguồn vốn mà Chi nhánh đang quản lý nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa. Nó cho thấy sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp đối với hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có đất bị thu hồi phục vụ dự án, qua đó tăng thêm nguồn vốn để giúp hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi.
Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình anh Phan Văn Phong, xóm Quyết Tiến, xã Tân Kim (Phú Bình) đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt và đến nay đã thoát nghèo. Tuy nhiên, anh Phong vẫn mong muốn sẽ tiếp tục được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để tiếp tục phát triển kinh tế của gia đình.
Ông Trần Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Marphavet, T.X Phổ Yên, chia sẻ: Hưởng ứng sự vận động của chính quyền địa phương và NHCSXH, năm 2016, Tập đoàn đã chuyển 200 triệu đồng sang NHCSXH thị xã để thực hiện cho vay giải quyết việc làm đối với những gia đình có đất bị thu hồi. Cá nhân tôi luôn cho rằng, Marphavet có được như ngày hôm nay nhờ một phần đáng kể sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương và người dân. Ngoài ra, qua tìm hiểu chúng tôi cũng được biết, những năm qua, NHCSXH nói chung, NHCSXH T.X Phổ Yên nói riêng luôn hoạt động hiệu quả, thực hiện cho vay đúng đối tượng, quản lý nguồn vốn sát sao, giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, yên tâm khi chuyển một phần nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng để thực hiện cho vay. Tôi hy vọng, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp chung tay ủng hộ việc làm này.
Được biết, trong tổng số 74,1 tỷ đồng vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH, có 11,15 tỷ đồng vốn của DN; số còn lại từ ngân sách tỉnh và các huyện, thành, thị. Riêng năm 2018, nguồn vốn địa phương được giao là 15 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 5 tỷ, còn lại là 9 huyện, thành, thị. Tính đến hết quý I, toàn tỉnh đã chuyển được 9,3 tỷ đồng cho NHCSXH, số còn lại sẽ được các địa phương chuyển trong thời gian tới.
Trước đó, theo tinh thần Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tháng 2-2016, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã trích một phần ngân sách và động viên các doanh nghiệp trên địa bàn chuyển nguồn vốn sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị mỗi huyện, thành, thị mỗi năm dành từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng tiền ngân sách chuyển sang NHCSXH cùng cấp. Đối với DN có sử dụng đất nông nghiệp, dành một phần vốn để hỗ trợ cho nông dân bị thu hồi đất có vốn vay, nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định đời sống.
Có thể thấy, những kết quả bước đầu trong việc hưởng ứng “lời kêu gọi” của tỉnh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp. Trong số này phải kể đến Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo đã dành số tiền lên tới 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với số lượng trên 5.700 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, thì con số gần 20 doanh nghiệp đã chuyển tiền sang NHCSXH để cho vay còn rất khiêm tốn và cũng mới có doanh nghiệp đóng trên 3 địa phương là T.X Phổ Yên, huyện Đại Từ và huyện Võ Nhai là thực hiện. Trong khi đó, theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh vẫn còn 9% hộ nghèo, tương ứng với gần 29 nghìn hộ và gần 9% hộ cận nghèo.
Về cơ bản, mới chỉ có hộ nghèo là cơ bản được đáp ứng đủ nguồn vốn, còn đối với hộ cận nghèo và mới thoát nghèo thì tỷ lệ hộ được tiếp cận chưa cao, vì tổng dư nợ cho vay đối với chương trình cận nghèo hiện mới đạt 600 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo được 190 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, sau 4 năm liên tiếp không được bố trí nguồn vốn, đến năm 2018 này mới được bổ sung thêm 10 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ của Chương trình đạt trên 100 tỷ đồng, trong khi đó nhu cầu đối với chương trình này rất lớn, theo ước tính cần khoảng 1.000 tỷ đồng mới cơ bản đáp ứng đứợc nhu cầu. Ngoài ra, vốn chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn cũng mới chỉ được 446 tỷ đồng, trong khi toàn tỉnh có tới 99 xã vùng khó khăn... Thực tế này rất cần sự tiếp tục chung tay của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Phan Văn Phong, xóm Quyết Tiến, xã Tân Kim, huyện Phú Bình chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm. Muốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt nhưng không có vốn. May mà được tổ tiết kiệm và vay vốn của xã bình xét cho vay vốn hộ nghèo của NHCSXH nên tôi mới có điều kiện để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nên tôi đã thoát nghèo. Dù vậy, việc thoát nghèo địa bàn nông thộn cũng chẳng lấy gì làm chắc chắn, bởi chỉ cấn một trận ốm đau, thì chuyện tái nghèo sẽ rất xảy ra. Vì thế, việc tiếp tục được tạo điều kiện về nguồn vốn vay sau khi đã thoát nghèo (chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo) của Đảng, Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, song trên thực tế, không phải gia đình nào cũng được tiếp cận mặc dù thuộc diện đối tượng và có nhu cấu vay, do nguỗn vốn còn hạn chế. Vì thế, nhiều gia đình phải vay của tư nhân với lãi suất caọ. Điều này làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tễ cũng như thoát nghèo bền vững của người dân.
Thực tế cho thấy, tín dụng chính sách những năm qua đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cũng như trong quá trình xây dựng nông thôn mới, làm chuyển biến rõ nét đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo. Qua đó, góp phần quan trọng cùng tỉnh hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho nhiều chương trình hiện vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế, để giúp những hộ đối tượng có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Vì thế, trong thời gian tới, rất cần sự tiếp tục quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, cũng như dành thêm nguồn vốn để chuyển sang NHCSXH, qua đó giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo một cách bền vững.
Nguyễn Chi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...