Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
05:27 (GMT +7)

“Cán đích” sớm nhờ sự đồng lòng

VNTN - Năm 2016, Thái Nguyên có thêm 16 xã cán đích nông thôn mới (NTM), vượt 1 xã so với kế hoạch, đưa tổng số xã đã hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM lên 56 xã. Bức tranh nông thôn của tỉnh đang dần được vẽ lại với những gam màu tươi sáng. Ở đó đánh dấu những “cú về đích” trước thời hạn ngoạn mục của một số địa phương, tựa như người thiếu nữ được điểm phấn, tô son lộng lẫy và đầy sức sống.


Về thăm xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên những ngày đầu xuân mới, cảnh sắc làng quê khiến bước chân tôi cứ mê mải từ con đường này đến con đường khác. Nói công cuộc xây dựng NTM ở Đông Cao đã cán đích ngoạn mục quả không có gì là quá. Đầu năm 2016, xã vẫn còn thiếu 4 tiêu chí khó chưa đạt và không nằm trong kế hoạch các xã sẽ về đích trong năm của tỉnh. Nhưng bằng sự năng động, dám chịu trách nhiệm của cán bộ xã, sự đồng lòng, khát khao thay đổi của người dân và quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã, cuối năm 2016 Đông Cao đã hoàn thành tất cả 19/19 tiêu chí NTM với chất lượng được đánh giá cao.

Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, nông dân ở nhiều vùng quê liên tục có những vụ mùa bội thu (Thu hoạch lúa mùa tại xóm Chuối, xã Ký Phú).

Trò chuyện về công cuộc xây dựng NTM ở địa phương, nhất là tại xã Đông Cao, đồng chí Chủ tịch UBND thị xã Bùi Văn Lương tươi rói: Thành công của Đông Cao chủ yếu xuất phát từ sức mạnh nội lực. Đầu năm 2016, Đông Cao không nằm trong danh sách về đích NTM của thị xã. Nhưng một ngày, lãnh đạo Đảng ủy và Ủy ban xã Đông Cao đã lên gặp lãnh đạo thị xã đề nghị cho Đông Cao được về đích trong năm 2016 với một quyết tâm rất cao. Từ đó, chúng tôi cùng nhau phân tích những khó khăn, thuận lợi của địa phương. Trong đó có một yếu tố khiến chúng tôi nghĩ Đông Cao sẽ thành công chính là tinh thần tự giác của người dân. Đó cũng là lý do để thị xã dồn lực hỗ trợ Đông Cao về đích trong năm 2016. Chúng tôi tin rằng nếu tinh thần của Đông Cao được lan tỏa đến các địa phương khác thì công cuộc xây dựng NTM sẽ sớm giành được những kết quả toàn diện.

Đặt chân đến Đông Cao hôm nay, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Không còn đường đất lầy lội, thay vào đó là đường bê tông phẳng phiu, trải dài khắp đường làng, ngõ xóm. Đường bê tông ở Đông Cao cũng không chỉ rộng 3 mét mà có nơi bề mặt đường rộng tới gần 8 mét. Để có được những tuyến đường đó, hàng nghìn mét vuông đất và tường rào được người dân tự nguyện hiến; toàn bộ 7/10 nhà văn hóa xóm do bà con hiến để đất xây dựng. Trong năm 2016, nhân dân xã Đông Cao làm được 14km đường bê tông. Bình quân tuyến đường nào cũng rộng từ 5m trở lên. Đặc biệt có đoạn bề rộng mặt đường lên tới trên 7m. Tản bộ trên con đường làng rộng thênh thanh, ông Nguyễn Đình Thi, xóm Me tự hào: Đường làng tôi đấy. Tết này đi chơi xuân dù mưa hay nắng cũng không ngại nữa. Người dân chúng tôi ai cũng hài lòng. Hài lòng không phải chỉ về con đường làng “đẳng cấp” như thế này mà còn vì mọi công việc chúng tôi đều được thông tin và tham gia ngay từ đầu. Nên tuyệt đối không có chuyện nghi kỵ về chất lượng đường hay tài chính. À mà, không vội mời chị qua thăm nhà văn hóa xóm tôi luôn”. Tôi bị cuốn theo tâm trạng phấn chấn của ông. Nhưng có đặt chân đến nơi, tôi mới hiểu tại sao ông lại tự hào như vậy. Nhà văn hóa xóm Me khang trang, đầy đủ mọi trang thiết bị để phục vụ hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tập thể. Trong khuôn viên nhà văn hóa xóm, hàng chục chiếc ghế đá xếp hàng tăm tắp. Từ cổng dẫn vào, 2 hàng cây xanh mơn mởn. Ông Thi tiếp lời: Tất cả đều là do bà con trong xóm và con cháu đi làm xa dành tặng tập thể. Chủ trương của Đảng, Nhà nước chúng tôi đã thấm. Người dân xóm Me chúng tôi bảo nhau chỉ cần là việc mang lợi cho tập thể, cho sự phát triển chung thì ai cũng sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân.

Người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, khẳng định vai trò chủ thể. Có lẽ đây là thành công lớn nhất ở những xã NTM. Xã Đông Cao đang dần xây dựng được khu vực chăn nuôi và vùng rau tập trung tại các xóm Soi, Trại, Việt Hồng, Việt Lâm... Xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh không chỉ giúp các địa phương đáp ứng tiêu chí đề ra, mà còn giúp người dân mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất manh mún hiện tại. Mô hình chuyên canh chè và cây ăn quả ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ là minh chứng điển hình. Tiên Hội nằm trong lộ trình về đích NTM giai đoạn 2015-2020 song đã hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí ngay trong năm 2015. Kết quả này có được là nhờ địa phương đã tuyên truyền tốt để người dân hiểu họ mới là nhân tố chính và cũng là chủ thể trong xây dựng NTM mới. Những cơ chế hỗ trợ của Nhà nước nhằm kích thích sự tham gia của người dân và mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho bà con.

Đến thăm vùng cây ăn quả tập trung tại 2 xóm Tiên Trường 1, Tiên Trường 2, xã Tiên Hội những ngày cuối năm thật thỏa mắt nhìn. Những vườn bưởi diễn sai lúc lỉu đang vào vụ thu hoạch, hương thoang thoảng lẫn trong gió mang đặc trưng “mùi của Tết”. Là người tiên phong, phá thế độc canh cây lúa ở xóm Tiên Trường 1, ông Trần Văn Quý không chỉ làm giàu với vườn bưởi rộng hơn 1ha của gia đình mà còn đang tích cực giúp đỡ, hỗ trợ và chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật cho những người xung quanh. Ông tâm sự: Trước đây có thể nhiều người sẽ nghĩ phải trồng cây gì mà người khác không trồng thì mới bán được giá cao. Mình có bí quyết phải giấu để hàng nhà mình lúc nào cũng ngon nhất. Nhưng là nông dân của thời đại mới phải nghĩ được rộng và xa hơn. Ví như bưởi diễn nhà tôi ngon thì đã được khách hàng khẳng định từ lâu, nhưng một mình trồng thì khó làm nên thương hiệu của một vùng đất được. Hoặc nếu nhiều người cũng trồng bưởi nhưng chất lượng không đồng đều bán ra thị trường vẫn tên gọi là bưởi Tiên Hội thì sản phẩm nhà tôi cũng bị ảnh hưởng. Bởi vậy, cùng nhau xây dựng được cả vùng bưởi với chất lượng đều ngon thì lo gì không có được thương hiệu. Quan trọng hơn cả là lợi ích cuối cùng vẫn là chính chúng tôi được hưởng, nên giúp được ai về kỹ thuật hay bất cứ điều gì khác tôi đều rất sẵn lòng. Đón nhận múi bưởi căng mọng nước từ đôi bàn tay chai sạm, rắn rỏi của người chủ vườn tôi như thấy được sự trù phú trong tương lai ở mảnh đất này. Bởi những chủ nhân của nó có thể “bắt đất nhả vàng” như gia đình ông Quý.

Từ một vài hộ gia đình trồng bưởi diễn đầu tiên ở xóm Tiên Trường 1, thực hiện chương trình xây dựng NTM  xã Tiên Hội đã quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn quả rộng hàng trăm ha nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. (Mô hình trồng bưởi diễn của gia đình ông Trần Văn Quý cho thu nhập 500 triệu đồng/năm).

Những bài học và thành công ở Đông Cao và Tiên Hội đã phần nào cho thấy, để xây dựng NTM thành công, yếu tố then chốt không phải là có được bao nhiêu nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước. Nội lực của mỗi địa phương, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chính quyền và của mỗi người dân mới là vấn đề cốt lõi. Việc xây dựng đường giao thông nông thôn ở huyện Đại Từ là một ví dụ. Trong khi nhiều nơi gặp khó khăn trong việc đối ứng xi măng thì năm 2016 vừa qua, Đại Từ đã tiếp nhận tới gần 20.000 tấn xi măng để làm gần hơn 100km đường giao thông. Ông Dương Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện lý giải: Có được kết quả này, bên cạnh việc đẩy mạnh vận động, tuyên truyền đến người dân, huyện đã huy động sự vào cuộc tích cực, linh hoạt của các cơ quan chuyên môn nhằm mục đích giảm chi phí trong thi công các tuyến đường so với mặt bằng chung của tỉnh. Cụ thể là, dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật chung, UBND huyện giao nhiệm vụ cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng xây dựng mẫu thiết kế chi tiết các tuyến đường phù hợp điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Phòng Tài chính - Kế hoạch có trách nhiệm thẩm định các tuyến đường. Toàn bộ các khâu này được cơ quan chuyên môn làm miễn phí. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng cơ chế cho phép các địa phương tận dụng nguồn nguyên liệu cát sỏi tại chỗ để làm đường. Trên cơ sở nguyên tắc, việc khai thác cát sỏi không ảnh hưởng đến môi trường và không được sử dụng cát sỏi vào các mục đích khác.

Huyện Phú Lương lại là một điểm sáng trong huy động sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Bà Nguyễn Thị Mai, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Người dân là nhân tố chính và cũng là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Những cơ chế hỗ trợ của Nhà nước chỉ nhằm kích thích sự tham gia của người dân và mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho bà con. Do vậy, giải pháp trọng tâm của huyện là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Trong việc huy động sức dân, phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, công khai minh bạch, tránh huy động quá sức khiến trở thành gánh nặng. Ở cơ sở, chú trọng phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên để quần chúng noi theo. Với cách làm đó, hằng năm, huyện Phú Lương đã huy động được hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động để làm đường bê tông, kênh mương nội đồng và các thiết chế hạ tầng cơ sở khác.

Trung tâm văn hóa xã Ký Phú (Đại Từ) khang trang, to đẹp theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng với tổng kinh phí xây dựng hơn 3 tỉ đồng vừa được đưa vào sử dụng tháng 9 năm 2016, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Với mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nhân dân, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục dành sự quan tâm đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Trọng tâm là thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với Chương trình xây dựng NTM. Nhiều mô hình sản xuất mới, có hàm lượng về khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được ứng dụng và nhân rộng. Đồng chí Trần Trọng Chung, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh thông tin: Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã cải tạo và nâng cấp được trên 660km đường giao thông nông thôn, 47,39km kênh mương thủy lợi, 32 trạm điện, 122 công trình trường lớp học, 7 trạm y tế xã, 25 trụ sở xã; 49 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 298 nhà văn hóa xóm, 11 chợ nông thôn, 105 điểm thu gom rác và nhiều công trình khác. UBND tỉnh cũng đã cân đối, bố trí gần 22 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM và 8.612 tấn xi măng để hỗ trợ các địa phương thực hiện 20 dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã có hợp đồng liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh. Mục tiêu đặt ra là năm 2017 tỉnh ta có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; xây dựng 3 xã “nông thôn mới kiểu mẫu” trở lên...  mọi nguồn lực sẽ được tập trung cho các xã đăng ký về đích năm 2017 và xã đặc biệt khó khăn.

Mùa Xuân này, bức tranh nông thôn đang được vẽ lại. Ở đó có thêm nhiều gam màu sáng thể hiện sự trù phú, sung túc ở mỗi vùng quê và người dân gặt hái những "quả ngọt" suốt mùa

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước