Cần bảo tồn và phát huy di tích Địa điểm TNXP Đại đội 913 hy sinh ở huyện Đồng Hỷ
Tiếng bom của đế quốc Mỹ đã lùi xa tròn 50 năm, địa điểm các Thanh niên xung phong Đại đội 913, Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái hy sinh (29/12/1972) ở xóm Ao Sen, xã Quang Trung (nay là xóm Quang Trung, xã Nam Hòa), huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên vẫn còn chưa được nhiều người biết tới.
Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm tại vị trí di tích
Ngày 26/11/1965, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Công văn số 3908/CN chuẩn y cho tỉnh Bắc Thái thành lập Đội Thanh niên xung phong 91 (Đội 91). Ngày 3/2/1966, toàn thể cán bộ, đội viên Đội 91 làm Lễ xuất quân mở đường chiến lược, từ Thác Giềng trên Quốc lộ số 3 đến thị trấn Yến Lạc dài 60 km. Đường được hoàn thành sau 6 tháng 26 ngày thi công, góp phần quan trọng phục vụ dân sinh và quân sự.
Tiếp đó, Đội 91 được giao và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng trận địa phòng không ở xã Thượng Đình, huyện Phú Bình; trận địa tên lửa ở xã Thịnh Đức, huyện Đồng Hỷ (nay là phường Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên); trận địa ra đa, đào hầm, hào phòng không trên đỉnh Đèo Gió, huyện Ngân Sơn. Nhờ có đủ trận địa để cơ động triển khai chiến đấu, mà bộ đội phòng không của Bộ Quốc phòng và Quân khu Việt Bắc đã phối hợp, cùng với quân và dân trong tỉnh bắn rơi hàng chục máy bay phản lực Mĩ trên bầu trời Bắc Thái.
Mặc dù giặc Mỹ leo thang cho máy bay đánh phá Thái Nguyên ngày càng ác liệt nhưng Đội 91 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sửa chữa nhiều công trình bị giặc Mỹ phá hỏng, như: Cầu Gia Bảy, phà Ngọc Lâm, ga Khúc Rồng, ga Hợp Tiến, cầu đường bộ, đường sắt Đa Phúc, cầu số 5 Quốc lộ 3; mở đường qua Đèo Gió, Đèo Cao Bắc, xây dựng trận địa tên lửa tại khu vực Bệnh viện Khu Tự trị Việt Bắc - nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên... và mở mới nhiều tuyến đường tránh trong tỉnh.
Do yêu cầu, ngày 1/2/1966, Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước 91 Bắc Thái thành lập, Đội gồm 614 cán bộ đội viên, trong đó có giáo viên chuyên nghiệp dạy bổ túc văn hóa và cán bộ kĩ thuật giao thông. Đội được biên chế gồm cơ quan Văn phòng và 4 Đại đội trực thuộc là 911, 912, 913, 914.
Những năm 1969 - 1971, Đội TNXP 91 Bắc Thái duy trì khoảng hơn 600 cán bộ đội viên. Tranh thủ những năm tháng hòa bình quý báu, tập trung khắc phục hậu quả, sửa chữa, nâng cấp, làm mới một số tuyến đường trọng yếu, góp phần lưu thông hàng hóa trong tỉnh với tỉnh bạn, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến và sản xuất vật liệu và xây dựng cơ bản. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”, Đội TNXP 91 đã tuyển chọn, động viên hai đợt với hàng trăm cán bộ, đội viên sang quân đội trực tiếp chiến đấu ở chiến trường ba nước Đông Dương.
Ngày 16/4/1972, Mỹ dùng không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai trên qui mô lớn và phong tỏa mìn các cảng và cửa sông hòng làm tê liệt các cơ sở sản xuất, cắt đứt các tuyến đường viện trợ của hậu phương lớn - miền Bắc cho tiền tuyến lớn - miền Nam.
Trước yêu cầu cấp bách trên mặt trận giao thông vận tải, Đội TNXP 91 được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt quốc lộ 3 trên đất Bắc Thái; tuyến quốc lộ 1B lên giáp Lạng Sơn; đường 16A; thi công đường hầm địa đạo núi Cô Kê cho Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính, các ban, ngành của tỉnh có nơi làm việc an toàn, kịp thời lãnh đạo chiến đấu, kinh tế - xã hội.
Giữa năm 1972, Đội 91 được lệnh tuyển quân nhiệm kỳ 3 để bổ sung quân số và thành lập mới Đại đội 915, là đơn vị có đội viên chủ yếu là con em các dân tộc ở hai huyện Chợ Đồn, Chợ Rã.
Mười hai ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác trên miền Bắc. Tại xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tối ngày 24 tháng 12, bom đạn Mỹ đã giết hại 60 cán bộ, đội viên TNXP và làm bị thương 7 TNXP thuộc Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái khi đang thực hiện nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự, trong đó Đại đội 915 có 59 đồng chí hy sinh cùng Đội phó Đội TNXP 91 Bắc Thái Nguyễn Thế Cường.
Trước ngày 29/12/1972, máy bay Mỹ đã nhiều lần bay trinh sát trên tuyến đường 16A và khu vực xung quanh nơi Đại đội 913 trú quân. Nhận được thông báo của cấp trên dự báo trong ngày 29/12/1972 máy bay B52 của giặc Mỹ có thể ném bom rải thảm khu vực Trại Cau - Ao Sen, Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Quang Trung (nay là xã Nam Hòa) đã ra lệnh cho nhân dân và các đơn vị đóng ở khu vực cấp tốc sơ tán để bảo toàn lực lượng.
Dấu tích một hố bom còn sót lại. Ảnh: Phan Thái
Sáng ngày 29/12/1972, nhà bếp Đại đội 913 hết lương thực, cán bộ đội viên tạm lót dạ bằng khoai lang luộc nhưng vẫn hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Vào khoảng 9h15 phút ngày 29/12/1972, trong khi Đại đội 913 đang sửa chữa mặt đường 16A đoạn chạy qua xóm Ao Sen (nay là xóm Quang Trung) xã Quang Trung (nay là xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) thì máy bay F111 cánh cụp cánh xòe của giặc Mỹ bay thấp đánh lén, ném bom vào đội hình Đại đội 913, phá hỏng đoạn đường hơn 200 m, làm hy sinh 4 cản bộ và đội viên là: Đồng chí Nông Thị Đầm, sinh năm 1953, quê xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, đồng chí Trần Thị Công, sinh năm 1956, quê xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, đồng chí Nguyễn Thị Đặng, sinh năm 1952, quê xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, đồng chí Lý Thị Hồng, quê xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. 9 đội viên bị thương được nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Khu Tự trị Việt Bắc (sơ tán tại Chùa Hang), gồm các đồng chí: Hoàng Thị Sâm quê xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, Đỗ Thị Hợp, quê huyện Định Hóa, Nguyễn Thị Thanh, quê huyện Định Hóa, Đỗ Thị Lịch, quê xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Nguyễn Thị Tính quê xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Đặng Thị Luyến quê huyện Võ Nhai, Lương Thị Xếp quê huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, Nông Văn Vang, quê huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn và Hoàng Thị Phận quê tỉnh Bắc Kạn. Đồng chí Hoàng Thị Phận do bị thương quá nặng, nên đã hy sinh tại Bệnh viện.
Sự đóng góp của quân và dân Thái Nguyên - trong đó có phần đóng góp quan trọng của Lực lượng Thanh niên xung phong Đội 91, cùng với “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Hà Nội đã đánh bại âm mưu phong tỏa các cảng biển toàn miền Bắc của đế quốc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải. Giới cầm quyền Mỹ buộc phải kí kết chính thức Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Nơi 5 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Đại đội 913 hy sinh, hiện nay thuộc đất của Phân kho 21 (Quân khu I) thuộc xóm Quang Trung, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống Thanh niên xung phong (15/7), ngày kỷ niệm cán bộ, đội viên, Đại đội TNXP 913 – Đội 91 hy sinh (29/12), Hội Cựu Thanh niên xung phong của tỉnh Thái Nguyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chương trình về nguồn cho các hội viên. Thông qua đó, ý thức của các hội viên và nhân dân địa phương về việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích được nâng cao. Từ địa điểm này kết nối với di tích Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh tại xóm Xuân Quang (nay là tổ 14), phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên trở thành tuyến tham quan du lịch liên hoàn về truyền thống lịch sử vẻ vang của Thanh niên xung phong tỉnh Thái Nguyên.
Các cơ quan liên quan làm việc tại Phân kho K21 ngày 29/10/2019
Địa điểm di tích không những là đối tượng trực quan giáo dục truyền thống cho các thế hệ mà còn giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về truyền thống anh hùng của Thanh niên xung phong tỉnh Thái Nguyên trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang phối hợp để hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận Di tích đối với Địa điểm các Thanh niên xung phong Đại đội 913, Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái hy sinh (29/12/1972) ở xóm Ao Sen, xã Quang Trung (nay là xóm Quang Trung, xã Nam Hòa), huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Nguyễn Đình Hưng (tổng hợp từ các nguồn tài liệu)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...