Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:40 (GMT +7)

Cảm hứng từ tranh Đông Hồ trong thiết kế đương đại

VNTN - Tranh dân gian Đông Hồ được biết đến bởi vẻ đẹp mộc mạc cùng thông điệp giản dị và sự gần gũi với đời sống của người Việt Nam. Niềm yêu thích tranh dân gian Đông Hồ vẫn được giữ vẹn nguyên qua nhiều thế hệ. Nếu như trước đây, dòng tranh này được sản xuất để phục vụ thú chơi tranh ngày Tết của người dân thì ngày nay, những họa tiết, nhân vật quen thuộc trong tranh đã được ứng dụng rộng rãi trong nghệ thuật, thiết kế... và trở thành một dấu hiệu đặc trưng cho văn hóa dân tộc. Nhiều nhà thiết kế đã tận dụng vẻ đẹp truyền thống của tranh Đông Hồ, khéo léo kết hợp với những hình ảnh hiện đại để tạo ra những sản phẩm sáng tạo mang bản sắc Việt Nam. Điều này đã chứng minh cho sức sống mãnh liệt của tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống hiện đại nhưng không thể tránh được những hạn chế trong việc ứng dụng thể loại tranh truyền thống này.

Dự án Đương đại hóa tranh Đông Hồ của Cà phê Highland

Đôi nét về tranh Đông Hồ

Tranh dân gian Đông Hồ có nguồn gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh (Hà Bắc cũ) và đã trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển. Các bức tranh với những đề tài gần gũi với đời sống người dân Bắc Bộ và màu sắc tươi sáng, thường được dùng để trang trí nhà cửa trong dịp Tết. Trong những giai đoạn cực thịnh của dòng tranh này, tranh được sản xuất với số lượng rất lớn. Tuy nhiên, theo thời gian, thú chơi tranh không còn phố biển nữa, nghề làm tranh truyền thống cũng dần bị mai một. Hiện nay tranh Đông Hồ vẫn được sản xuất nhưng không phải sản phẩm nào cũng giữ được nét tinh tế như tranh truyền thống. Chỉ còn lại một số người tâm huyết với nghề như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người lưu giữ và phục chế các bản khắc cổ truyền, nhằm tạo ra các tác phẩm giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp xưa cũ. Trước thực trạng này, đã có nhiều biện pháp nhằm phát huy giá trị của tranh Đông Hồ. Trong đó, nhiều nghệ sĩ đã sáng tạo những sản phẩm thiết kế của riêng mình lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ. Nhiều dự án được ra đời đã thể hiện sức hút đối với truyền thông và truyền cảm hứng đối với thế hệ trẻ.

Những thiết kế với cảm hứng từ tranh Đông Hồ

Trước đây, các sản phẩm ứng dụng từ tranh dân gian Đông Hồ đã xuất hiện nhưng tính thẩm mỹ chưa cao cũng như không có nhiều yếu tố sáng tạo. Trong những năm trở lại đây, một số dự án đã được đầu tư nghiên cứu, trau dồi nhằm tạo ra những sản phẩm mang đậm nét truyền thống nhưng vẫn hiện đại, phù hợp với thị hiếu đương thời. Đầu năm 2018, Cà phê Highland đã phát động dự án Đương đại hóa tranh Đông Hồ với sự cộng tác của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng ba họa sĩ trẻ: Phạm Quang Phúc, Nguyễn Thị Phương Trinh và Phạm Rồng. Kết quả của dự án là bộ tranh gồm 13 tác phẩm mô phỏng những bức tranh kinh điển của làng tranh Đông Hồ với các nhân vật và sinh hoạt hiện đại. Hoạt động này được thực hiện trong thời gian dài, bao gồm những chuyến thăm quan, thực tế của các họa sĩ tới làng tranh Đông Hồ, học hỏi kỹ thuật làm tranh từ chính các nghệ nhân. Sự hài hước trong sáng tạo hình ảnh, các nhân vật mới mẻ đã tạo ra cảm giác vui tươi, thú vị cho người xem. Chẳng hạn như tác phẩm “Khỏe vui đấu vật” lấy cảm hứng từ bức tranh “Đấu vật” truyền thống. Tác giả Phạm Quang Phúc đã giữ lại bố cục chính của tác phẩm, thêm vào những điểm nhấn của thời đại như các vận động viên mặc trang phục đấu vật hiện đại, xuất hiện các nữ hoạt náo viên và các nhân vật trong vai trò khán giả như con lợn âm dương, con gà trong “Gà đàn”. Một ví dụ khác là tác phẩm “Thả tim se duyên” của họa sĩ Nguyễn Thị Phương Trinh. Các nhân vật trong tranh “Bà Nguyệt se duyên” được thay thế bởi đôi nam nữ với trang phục in hình Cầu Rồng (Đà Nẵng) được kết nối với nhau qua những biểu tượng quen thuộc của mạng xã hội.

Tired City là một công ty sản xuất các mặt hàng ứng dụng như áo phông, túi xách, đồ dùng... in thiết kế mang hơi hướng truyền thống của các nghệ sĩ trẻ. Năm 2018, Tired City đã kết hợp với họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam cùng dự án Vẽ lại tranh dân gian để tạo ra những sản phẩm mang đậm nét dân tộc. Nguyễn Xuân Lam đã có thời gian nghiên cứu tranh dân gian, trong đó có những bức tranh Đông Hồ được anh vẽ lại nét bằng bút chì và hoàn thiện công đoạn đổ màu bằng phần mềm máy tính. Năm 2019, Tired City tiếp tục khai thác tiềm năng của tranh Đông Hồ với dự án Kỷ Hợi được thực hiện bởi họa sĩ Bùi Tâm. Hình ảnh con lợn âm dương cùng với các họa tiết mây, đồng tiền trong tạo hình truyền thống được in trên các sản phẩm áo phông. Tác phẩm “Gà Trống hoa hồng” cũng trở thành đề tài cho sản phẩm ra mắt vào dịp Tết Đinh Dậu (2017) của nhãn hiệu thiết kế Bratus. Thay vì kỹ thuật in trên giấy dó, các nhà thiết kế đã dùng phương pháp cắt dán giấy thủ công kết hợp với tạo khối 3D để tạo ra phiên bản mới cho bức tranh Đông Hồ. Cảm hứng từ tranh Đông Hồ còn được thể hiện trên các thiết kế bao bì của một số nhãn hàng. Nhãn hiệu quà tặng truyền thống The Bloom với dự án Trung thu xưa đã mang những hình ảnh đậm chất tranh dân gian lên vỏ hộp bánh trung thu để gợi lên cảm giác về ngày lễ truyền thống ngày xưa.

Có thể thấy, tranh dân gian Đông Hồ là nguồn tài nguyên dồi dào để các nhà thiết kế khai thác và ứng dụng trong đa dạng các sản phẩm thương mại. Bằng các phương thức khác nhau: tái hiện nguyên bản, mô phỏng, biến tấu hoặc học tập phong cách, kỹ thuật... các nghệ sĩ đã truyền những sức sống mới, đậm chất đương đại cho dòng tranh truyền thống của dân tộc.

Hiệu quả và hạn chế

Việc ứng dụng họa tiết tranh Đông Hồ trong thiết kế sản phẩm thương mại đã mang lại những hiệu quả rõ rệt cả về thẩm mỹ cũng như tác động tới việc gìn giữ, phát huy dòng tranh này. Trước hết, tranh Đông Hồ gắn liền với người Việt Nam bởi những hình tượng dung dị, nội dung gần gũi và những quan niệm nhân sinh truyền thống. Do đó, khi tái hiện các họa tiết này trong thiết kế sản phẩm, những ý nghĩa quan trọng này phần nào cũng được truyền tải, khiến cho sản phẩm gây được ấn tượng và thu hút người mua hơn. Thêm vào đó, do tạo hình tranh Đông Hồ tương đối đơn giản, dễ mô phỏng nên có thể dễ dàng ứng dụng vào nhiều dạng thiết kế, phù hợp với đông đảo đối tượng khách hàng. Các chủ đề được thể hiện trong tranh còn rất phong phú, hình tượng trong tranh chúc tụng là những em bé đáng yêu, những con vật ngộ nghĩnh phù hợp với thiết kế cho trẻ em, trong khi các đề tài tranh sinh hoạt hay lịch sử có thể ứng dụng trong sản phẩm dành cho người lớn. Hơn nữa, việc khai thác tranh Đông Hồ trong các thiết kế còn góp phần quảng bá văn hóa Việt với quốc tế.

 

Tranh Bà Triệu cưỡi voi của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam. Nguồn Tired City

Mặc dù có những hiệu quả kể trên nhưng việc ứng dụng tranh Đông Hồ vào các thiết kế hiện đại vẫn tồn tại một số hạn chế. Một số dự án khi ra mắt đã gây ra tranh cãi khi tinh thần hiện đại thậm chí lấn át giá trị truyền thống. Dự án Đương đại hóa tranh Đông Hồ gây ra hai luồng ý kiến rõ rệt. Bên cạnh những khán giả thích thú với sự mới mẻ của bộ tranh, nhiều người cho rằng những hình ảnh quá đương đại khiến người xem không còn thấy hồn cốt của tranh dân gian trong đó. Bên cạnh đó là những hạn chế về giá trị thẩm mỹ. Tranh Đông Hồ có tạo hình ước lệ, giản đơn nhưng là sự chắt lọc về hình ảnh, mang tính biểu tượng. Thậm chí những bản khắc mới lược bỏ các dòng chữ Hán cũng làm tác phẩm mất đi ít nhiều giá trị nội dung. Trong khi đó, nhiều nhà thiết kế dường như không chú trọng việc tìm hiểu những ý nghĩa này và khai thác các bức tranh dựa trên hiệu quả trang trí thuần túy. Các con vật biểu tượng trở thành những họa tiết đơn thuần và được kết hợp tùy tiện, bất chấp nguyên tắc. Việc sử dụng các chất liệu mới để tái hiện tranh Đông Hồ như các phần mềm đồ họa khiến cho hình thức của các bức tranh này hoàn toàn thay đổi. Chất liệu mới làm mất đi ít nhiều chất giản dị, mộc mạc vốn có của tranh dân gian. Lấy ví dụ từ bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam, mặc dù mỗi bức tranh đều đạt được hiệu quả thị giác nhất định nhưng việc đưa vào phong cách cá nhân rõ rệt của nghệ sĩ khiến cho khán giả không thể phân biệt nguyên gốc của tác phẩm lấy từ dòng tranh nào. Có thể nói các hạn chế kể trên là không thể tránh khỏi trong quá trình đương đại hóa một loại hình truyền thống. Tuy nhiên việc gìn giữ giá trị nguyên bản, kết hợp sao cho hài hòa với cái mới là điều vô cùng quan trọng.

***

Tranh dân gian Đông Hồ đã gắn bó với đời sống con người Việt Nam qua nhiều thế hệ và có thể coi như một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Trong khi đó, việc đưa di sản truyền thống vào đời sống đương đại là một nhiệm vụ cần thiết để giữ gìn các giá trị này trong mục tiêu phát triển. Điều này không chỉ khiến cho di sản không bị lãng quên mà còn củng cố vững chắc cho nền văn hóa truyền thống. Việc khai thác tranh Đông Hồ trong các thiết kế sản phẩm thương mại hiện đại cũng mang những ý nghĩa to lớn này. Đó là gạch nối giữa thẩm mỹ truyền thống và văn hóa đương đại, góp phần bảo tồn, gìn giữ dòng tranh dân gian này cũng như giới thiệu một nét văn hóa cổ truyền với công chúng trong nước và thế giới.

TRẦN HOÀNG NGÂN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy