Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
00:47 (GMT +7)

Cải thiện PCI và DDCI: Những vấn đề đặt ra

Trong những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên có sự biến động theo chiều hướng “tụt hạng”, khi 5 năm gần đây không còn nằm trong top 10 như các năm 2014 - 2016. Làm gì để cải thiện chỉ số này luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ thực tế này, DDCI - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương đã được tỉnh chính thức triển khai từ năm 2021. Vậy, 2 chỉ số này đã và sẽ tác động ra sao đến sự phát triển chung của tỉnh và vì sao, tỉnh lại phải đặt mục tiêu nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về PCI?

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến ngày 15/9, cơ bản các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã tổ chức xong đợt đối thoại với doanh nghiệp lần đầu năm 2022


2 chỉ số đánh giá những gì?

Có 10 chỉ số thành phần để đánh giá chỉ số PCI, còn với DDCI thì con số này là 8 đối với việc đánh giá các sở, ngành và là 9 đối với việc đánh giá các địa phương (trong đó, 8 chỉ số giống với các sở ngành, 1 chỉ số thêm là Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh).

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án PCI thì: Kết quả khảo sát PCI Thái Nguyên năm 2021 cho thấy, các doanh nghiệp (DN) ghi nhận sự ủng hộ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân, khi mà có tới 81,5% doanh nghiệp FDI đánh giá chính quyền tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân, cao thứ 4/22 địa phương tham gia khảo sát FDI. Cùng với đó là những đánh giá tích cực về chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề; chi phí đào tạo và tuyển dụng; môi trường kinh doanh khá bình đẳng; chất lượng thực thi chính sách pháp luật của các sở, ngành và chính quyền cấp huyện khá tốt…

Tuy nhiên, vẫn có nhiều khía cạnh của tỉnh chưa chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn 2017 - 2020 và đứng ở tốp sau trong số 63 địa phương, như: Chi phí thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính; việc xin cấp phép kinh doanh có điều kiện; tiếp cận một số loại thông tin, tài liệu; thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; DN tư nhân phải trả chi phí không chính thức... Theo đó, năm 2021, tổng điểm PCI của tỉnh giảm 1,75 điểm so với năm 2020 (đạt 64,81 điểm). Trong đó, có 3 chỉ số tăng điểm (tăng 0,74 điểm), 7 chỉ số giảm điểm (giảm 1,75 điểm). Riêng chỉ số gia nhập thị trường giảm tới 1,52 điểm. Với kết quả này, Thái Nguyên xếp thứ 28/63 tỉnh, thành (giảm 17 bậc so với năm 2020).

Đối với DDCI, “Mức độ chuyển đổi số” là chỉ số đạt điểm trung bình cao nhất, với 8,66 điểm. Đây cũng là chỉ số thành phần riêng của tỉnh, được xây dựng trên cơ sở phù hợp với bước đi chủ động của tỉnh. Còn “Hỗ trợ DN” là chỉ số đạt điểm thấp nhất, với 8,51 điểm. Đối với khối địa phương, điểm trung bình chung là 84,21 điểm. Trong đó, TP. Sông Công là đơn vị dẫn đầu với 86,3 điểm; thấp nhất là huyện Phú Bình 81,25 điểm. Với các sở, ban, ngành, đơn vị, điểm trung bình chung là 85,97. Ở khối này, Kho bạc Nhà nước tỉnh có điểm số cao nhất với 89,17 điểm; thấp nhất là Sở Xây dựng 77,65 điểm.

Ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên - đơn vị được Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp giao phụ trách thực hiện nội dung liên quan đến công tác triển khai, khảo sát, đánh giá DDCI 2021 của tỉnh, cho biết: Với điểm số này, 11 sở, ban, ngành và 9 huyện, thành, thị được tham gia đánh giá đều được xếp trong thứ hạng “Tốt”. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh các đơn vị được khảo sát đã triển khai thực hiện chỉ đạo của tỉnh cơ bản đầy đủ và thống nhất.

Các dự án đầu tư công, đấu thầu, kêu gọi đầu tư cần làm tốt việc công khai, minh bạch nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi

Quyết liệt cải thiện thứ hạng

Như thành thông lệ, sau khi PCI được công bố, năm nào Ban Chỉ đạo PCI tỉnh cũng đều tổ chức đánh giá, kiểm điểm và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện từng chỉ số thành phần. Tuy nhiên, do còn có những hạn chế trong kiểm tra, giám sát nên tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo vẫn còn diễn ra ở một số nơi.

Từ thực tế này, năm nay, UBND tỉnh đã đồng thời triển khai nhiều giải pháp thiết thực; giao nội dung, nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm tổ chức đối thoại với cộng đồng DN đảm bảo thực chất, hiệu quả, với những quy định rõ ràng, cụ thể. Cùng với đó, đã tổ chức 2 hội nghị để đánh giá, tập huấn nâng cao chỉ số này với sự tham gia của đại diện lãnh đạo VCCI, các Hiệp hội, hội DN tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh. Ngoài ra, tại nhiều cuộc họp quan trọng của tỉnh, đây cũng là nội dung được lãnh đạo tỉnh lưu ý, nhấn mạnh, kiểm đếm.

Về phía các sở, ngành, địa phương, sau khi chỉ số DDCI được công bố, các đơn vị đều đã xây dựng kế hoạch để cải thiện các chỉ số, nhất là những chỉ số thấp điểm. Đồng thời, thực hiện việc đối thoại với DN theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: UBND huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị về cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Đồng thời đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Đối với 2 chỉ số Đại Từ đứng tốp cuối (Mức độ chuyển đổi số và Chi phí thời gian), huyện đã giao cơ quan chuyên môn tham mưu để thành lập Trung tâm điều hành thông minh IOC phục vụ người dân và DN ngay trong năm nay; tiếp tục tăng cường chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công mức độ 3,4. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo rà soát lại thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết các công việc, đặc biệt là đề xuất của nhà đầu tư; tập trung đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch chung; tích cực triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng những dự án đang triển khai...

Còn theo ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Việc Phổ Yên xếp thứ 5/9 huyện, thành phố trong đánh giá DDCI 2021 đặt ra cho địa phương không ít băn khoăn, trăn trở, đặc biệt là 2 chỉ số xếp cuối là Cạnh tranh bình đẳng và Chi phí thời gian. Căn cứ vào kết quả chấm điểm này, thành phố sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể đến từng cấp. Trong đó, chú trọng tổ chức các cuộc đối thoại với DN một cách thường xuyên, hiệu quả hơn.

Thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức được xem là nhân tố quan trọng mang tới sự hài lòng hay không trong thực thi công vụ

Những việc cần làm

Theo lãnh đạo các sở, ngành, địa phương: Việc DDCI được tỉnh tổ chức đánh giá từ năm 2021 sẽ “buộc” các đơn vị, địa phương phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nếu không muốn nằm trong tốp cuối… Hơn nữa, dư địa để tỉnh cải thiện chỉ số PCI còn rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho rằng: Để môi trường sản xuất, kinh doanh của tỉnh ngày càng thuận lợi, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư thì tỉnh cần tổng kết thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là thời gian trả kết quả các dự án đầu tư mà UBND tỉnh trình xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ đạo người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện định kỳ đối thoại với DN, xây dựng chương trình hành động và cam kết với cộng đồng DN về cải thiện từng tiêu chí đánh giá PCI… Đây cũng là mong muốn chung của nhiều DN khi trao đổi với chúng tôi.

Các DN nhỏ, siêu nhỏ luôn cần sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tạo lập môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn thì ngày càng có nhiều bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư sử dụng kết quả PCI như một công cụ đo lường, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của một tỉnh; truyền tải tiếng nói của cộng đồng DN. Chính bởi thế, để nâng cao chỉ số này, Thái Nguyên cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, kêu gọi đầu tư; tạo đất sạch cho DN. Đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại có sự tham gia của cả DN nhỏ, siêu nhỏ. Nâng cao trình độ, thái độ phục vụ người dân, DN của đội ngũ công chức, viên chức; xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện, chuyển tư duy từ cho phép, cấp phép sang tư duy phục vụ; chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang tạo thuận lợi cho DN.

Có thể nói, việc cải thiện chỉ số PCI và DDCI không thể một sớm, một chiều; cũng không thể chỉ thực hiện ở một số sở, ngành, địa phương mà cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Nhưng rõ ràng đây là việc chúng ta hoàn toàn có thể làm được bởi trước đó, từ những năm 2014 - 2016, Thái Nguyên đều nằm trong 10 tỉnh dẫn đầu PCI cả nước.

Khi chúng ta cải thiện được các chỉ số này đồng nghĩa với việc sẽ thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, thúc đẩy KT - XH của tỉnh phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

10 chỉ số đánh giá PCI, bao gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; chính sách hỗ trợ DN; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý.

Còn các chỉ số đánh giá DDCI gồm: (1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, (2) Chi phí thời gian, (3) Chi phí không chính thức, (4) Cạnh tranh bình đẳng, (5) Hỗ trợ DN, (6) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, (7) Vai trò người đứng đầu, (8) Mức độ chuyển đổi số, (9) Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy