
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - 55 xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Bắc đã bền bỉ, miệt mài trên suốt hành trình dạy người. Đó là việc rèn giũa, trao truyền cho lớp trẻ nguồn tài nguyên vô giá của đất nước. Tài nguyên ấy là những nét đẹp văn hóa tinh hoa độc đáo mang đậm hồn cốt của một dân tộc. Và trên suốt hành trình ấy, đã có hơn 10.000 học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp, tỏa về những miền quê làm nhiệm vụ của người chiến sĩ văn hóa trên mặt trận tư tưởng. Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba. Được Thủ tướng Chính phủ; Bộ Lao động - TBXH; UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua…
Đã có bao thế hệ cán bộ, giáo viên suốt một đời gắn bó, tạo dựng, cống hiến để ươm trồng những mầm xanh mang nét đẹp văn hóa vùng Việt Bắc. Từ nền tảng Trường Sơ cấp VHNT Khu Tự trị Việt Bắc, ngày 11/11/1965, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc kí Quyết định thành lập Trường Trung học VHNT Việt Bắc. Mới đó đã mấy mươi năm, sẽ rất ngắn ngủi với dòng thời gian vô tận, nhưng sẽ là cả một quãng thời gian dài đi qua đời người. Lớp tiền bối của ngày lập Trường phần nhiều đã về với thế giới người hiền. Bậc thầy còn lại như họa sĩ Lê Như Hạnh; họa sĩ Nguyễn Văn Chính; Nhạc sĩ Vũ Ngọc Thanh… đều ngấp nghé tuổi chín mươi.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng (đứng giữa) và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Thái đến thăm và làm việc với Nhà trường năm 1985. Ảnh tư liệu lịch sử Nhà trường.
Chân chậm, mắt mờ nhưng nhắc lại chuyện những ngày Trường mới mở, các cụ đều như chợt tỉnh: À… phải rồi… Hồi bấy giờ giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhiều đợt bom bất thần giội xuống các khu vực như ở cầu Gia Bảy; Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn; phường Gia Sàng… Tại địa điểm sơ tán xã Khe Mo (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái), năm học 1965 - 1966, năm học đầu tiên của Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Khu Tự trị Việt Bắc bắt đầu trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại đang diễn ra ác liệt. Năm học này, Nhà trường đã tuyển sinh được 96 học sinh; trong đó có 66 học sinh bậc Trung cấp chuyên nghiệp và 30 học sinh hệ Bồi dưỡng. Nhà vách đất, mái lợp lá. Bom rơi, các khu nhà rung lên bần bật, kêu lắc rắc.
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1965 đến năm 1972, Trường đã chuyển qua nhiều địa điểm sơ tán khác nhau. Việc di chuyển tới nhiều địa điểm đã gây khó khăn cho thầy, trò về công sức cũng như thời gian xây dựng trường lớp và cơ sở vật chất. Tuy vậy, chính từ trong khó khăn, cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường đã thể hiện rõ những phẩm chất tốt đẹp: Đoàn kết, vượt khó khăn, quyết tâm và cần cù lao động để phục vụ mục tiêu cao nhất là đảm bảo đào tạo đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ phục vụ cho công cuộc xây dựng đời sống mới, mang ánh sáng văn hóa của Đảng đến những nơi gian khổ, khó khăn nhất mà Tổ quốc cần. Nhà giáo Lê Như Hạnh nhớ lại: Năm 1976, sau khi Khu Tự trị Việt Bắc giải thể, Trường được chuyển giao về Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trường đóng tại thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tiếp tục làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ VHNT như: nhạc; họa; múa; văn hóa quần chúng; sân khấu; thư viện… Để thuận lợi cho công tác tuyển sinh và tham gia phục vụ sự kiện lớn của tỉnh, năm 1991 UBND tỉnh Bắc Thái tạo thuận lợi cho Trường chuyển địa điểm về trung tâm T.P Thái Nguyên, tại tổ 11, phường Đồng Quang ngày nay.
Chau chuốt từng nét vẽ (lớp Họa K 27)
Còn nhà giáo Vũ Ngọc Thanh kể: Bấy giờ ăn chưa no, mặc chưa lành song tình nghĩa thầy - trò gắn bó, gần gụi. Tất cả hướng đến mục đích chung là đào tạo, tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực VHNT. Bất chấp gian khổ, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên bám trường, bám lớp, đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn để mỗi năm Nhà trường cống hiến cho xã hội hàng trăm “chiến sĩ cách mạng” trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Bằng chất lượng đào tạo, những học trò từ mái trường VHNT Việt Bắc làm lan tỏa danh thơm, tạo ấn tượng đẹp trong lòng cán bộ, nhân dân, và nhờ vậy Trường được các cấp, ngành, các tỉnh trong khu vực đánh giá cao. Để nâng tầm, đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, năm 2005 Bộ Giáo dục - Đào tạo chính thức ban hành Quyết định số 3985/QĐ-BGD&ĐT nâng cấp Trường Trung học VHNT Việt Bắc thành Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc.
Trọng trách đặt lên vai đội ngũ cán bộ, giáo viên của Nhà trường cũng nặng nề hơn. Nhất là từ năm 2016 đến nay, Nhà trường được Chính phủ giao quyền quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Lao động - TBXH. Và được Bộ cấp Giấy phép hoạt động ở 26 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp. Gồm: 12 ngành, nghề trình độ cao đẳng; 14 ngành, nghề trình độ trung cấp. Với 4 ngành, nghề trọng điểm: Thanh nhạc, Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống và Biểu diễn nhạc cụ phương tây; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao 2 ngành, nghề đào tạo tài năng: Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian, dân tộc và Biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Nhà giáo Ưu tú Đỗ Quang Đại, Hiệu Trưởng Nhà trường cho biết: Khi mới thành lập (11/1965), bộ máy của Trường vẻn vẹn hơn 10 cán bộ, giáo viên chuyển từ Trường Sơ cấp Văn hóa nghệ thuật lên. Dù “mỗi bước đi” của Nhà trường đều gặp không ít khó khăn, nhưng từng cán bộ, giáo viên biết đặt lợi ích chung lên cái tôi riêng, cùng nỗ lực phấn đấu đưa Nhà trường phát triển tương xứng với tiềm năng; xứng đáng với niềm tin Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Miệt mài luyện tập (Lớp Múa K 25) Ảnh: Đồng Đăng
Để phục vụ tốt công tác giảng dạy, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng giáo trình đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tổ chức sưu tầm những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc như những làn điệu dân ca, đàn tính, hát then, múa dân gian dân tộc, trang trí thổ cẩm... đồng thời tham gia các hoạt động thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống thông qua hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn. Trong 5 năm gần đây, Nhà trường đã nghiệm thu 10 giáo trình, trong đó có 2 giáo trình cấp Bộ, gồm Múa dân gian dân tộc Lô Lô và Đàn, hát Then; 45 tài liệu tham khảo; 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; 26 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; 5 sáng kiến kinh nghiệm và nhiều tác phẩm ca, múa, nhạc, hội họa.
Thạc sĩ Hoàng Thiện Thực, Phó Trưởng Khoa Múa và Sân Khấu cho biết: Cùng thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, giảng viên của Trường còn tham gia dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật mang tầm quốc gia, tạo điều kiện cho HSSV thực hành biểu diễn. Đặc biệt là Ban Biểu diễn của Nhà trường đã ký kết hợp đồng biểu diễn với một số các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), tạo cho HSSV có môi trường trải nghiệm, thể hiện tài năng... Rồi từ cái nôi VHNT Việt Bắc, đã có nhiều học trò trở thành những nghệ sĩ chân chính, đi khắp mọi miền Tổ quốc để thỏa trí khám phá và hiến dâng niềm đam mê riêng mình.
Vinh dự lắm chứ, bởi các anh, chị - đội ngũ cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ đào tạo, rèn, dạy nên bao người “chiến sĩ văn hóa” trên mặt trận tư tưởng, nhất là ở giai đoạn đất nước “mới” hội nhập sâu vào các nền kinh tế, văn hóa thế giới. Bởi lẽ ấy, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường không chỉ là người thầy về VHNT, mà còn là người dìu dắt, đưa những học trò của mình đi đúng định hướng của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước. Góp phần cùng đất nước hội nhập nhưng không bị “hòa tan”; không làm biến dạng văn hóa Việt, mà gìn giữ được nét văn hóa tinh túy Việt. Hơn thế nữa là việc mang nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, của đất nước giới thiệu đến bạn bè năm châu.
Nhiều HSSV của Trường đã tỏa sáng ngay khi còn đang theo học. Điển hình tại Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo VHNT toàn quốc năm 2017”, đoạt 3 Huy chương Vàng; 2 Huy chương Bạc; 1 Huy chương Đồng. Tại Triển lãm Mỹ thuật các cơ sở đào tạo VHNT toàn quốc năm 2018, 2020, đoạt 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 1 giải Ba. Tại Hội diễn văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019 (AVET 2019), giành 2 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba. Rồi Sèn Hoàng Mỹ Lam, cao đẳng Thanh nhạc K5 đoạt giải Nhất Sao Mai năm 2017; Nông Thị Trang, lớp trung cấp Thanh nhạc K33 đoạt giải Ba Toàn quân năm 2019... Rất tự hào vì các thế hệ học sinh của Nhà trường đã trưởng thành và có nhiều cống hiến cho xã hội. 3 Nghệ sĩ Nhân dân: Hoàng Cúc, Triệu Thủy Tiên và Hoàng Thu Hương, hơn 30 Nghệ sĩ ưu tú là cựu học sinh của Trường. Và nhiều cựu học sinh khác đã, đang là lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật của Trung ương và địa phương, như: nhạc sĩ Nông Quốc Bình - Chủ tịch Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam; nhạc sĩ Trần Viết Sòi - nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cao Bằng; họa sĩ Mai Hùng - nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang; họa sỹ Phan Hùng - nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT.
Một thú vị là giữa Nhà trường và Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên dường như có một mối lương duyên thâm sâu. Bởi trên hành trình xây dựng, phát triển giữa 2 đơn vị luôn có sự gắn bó sâu nặng, tạo cho nhau có động lực phát triển. Đặc biệt từ 10 năm gần đây, Nhà trường là nguồn cung cấp cán bộ lãnh đạo cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Trước đây là Nghệ sĩ Ưu tú - Nhà giáo Ưu tú Ngô Đình Thành, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường. Và bây giờ là nhạc sĩ - Nhà giáo Ưu tú Đỗ Quang Đại, Hiệu trưởng Nhà trường, kiêm Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Với quan niệm, Hội là một môi trường tốt, tạo thuận lợi cho những “hạt giống” VHNT nảy nở tài năng, vì thế trong suốt nhiều năm qua, giữa Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Nhà trường luôn có mối giao kết, tạo thêm sân chơi ý nghĩa cho cán bộ, giáo viên và các em HSSV. Đã có nhiều các hoạt động VHNT, như triển lãm tranh, biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc... do 2 đơn vị phối hợp tổ chức. Và trên dòng chảy thời gian, giữa Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Nhà trường đã không ngừng gắn bó, cùng gầy dựng môi trường học tập, thực hành lành mạnh, để cùng góp sức cống hiến cho đất nước những tài năng ở tương lai.
Trên sân trường, gặp bao nụ cười tươi tắn học trò và thoảng thơm hương ngọc lan hòa với những thanh âm riêng có của một môi trường nghệ thuật. Nhà giáo Ưu tú Đỗ Quang Đại nói với tôi như tâm sự: Trong dòng chảy của thời gian bất tận, Nhà trường đã có một trường đoạn mang đầy cung bậc, trải biến cùng thăng trầm đất nước. Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, giáo viên của Trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nguyện “cháy hết mình” để rèn, dạy, khơi mở tài năng từ những tâm hồn có năng khiếu nghệ thuật. Tự hào với truyền thống của mình, đội ngũ cán bộ, giáo viên chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng Nhà trường với mục tiêu Chiến lược của những năm tiếp theo là đến năm 2025 trở thành trung tâm đào tạo VHNT và du lịch trọng điểm của khu vực Đông Bắc. Để đạt được điều đó, chúng tôi đã quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ: “Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục - Đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.
55 năm nhìn lại, với đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, có kỹ năng, có tri thức, cùng hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao, chắc chắn Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc sẽ đạt được mục tiêu của mình.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...