Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
23:47 (GMT +7)

Cải cách hành chính: những kết quả và tồn tại

VNTN - Cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong những năm qua, cùng với các địa phương trên cả nước, Thái Nguyên đã quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần phải tiếp tục giải quyết.

Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung cải cách hành chính với 5 nội dung: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tài chính công; và Hiện đại hóa hành chính.

1. Không thể không ghi nhận rằng, cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện; thời gian giải quyết thủ tục hành chính từng bước được rút ngắn, bảo đảm công khai, minh bạch; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng được nâng cao. Tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính các cấp được sắp xếp, kiện toàn đảm bảo đúng quy định, hợp lý và phát huy hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc dần được cải thiện. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành được quan tâm.

Xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Chương trình cải cách hành chính đến năm 2020, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, thời gian qua, nhiệm vụ này đã được chính quyền các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt. Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động ban hành, công bố các thủ tục hành chính thay thế toàn bộ các thủ tục đã ban hành trước đây, đảm bảo hợp pháp, thống nhất, đơn giản, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước. Đến hết tháng 9/2018, tổng số thủ tục hành chính được công bố đang có hiệu lực áp dụng trên địa bàn tỉnh là 1.821 đã hủy bỏ, bãi bỏ hoặc thay thế 1.367 thủ tục; ban hành mới hoặc ban hành thay thế 1.523 thủ tục. Các thủ tục hành chính của tỉnh cơ bản đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia, đăng tải lên Cổng dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, niêm yết công khai tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp và sổ hướng dẫn thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị.

Việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tính đến ngày 31/12/2017, đã có 19/20 sở, ban, ngành; 9/9 huyện, thành phố, thị xã và 180/180 xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong đó, 9 huyện, thành phố, thị xã triển khai phần mềm điện tử và 103 xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên, các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai và thị xã Phổ Yên triển khai áp dụng phần mềm một cửa, có liên thông số liệu giải quyết với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Công tác tổ chức, sắp xếp, hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được thực hiện thống nhất, đúng tinh thần chỉ đạo. Tính đến 31/12/2017, 100% các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp đã hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực cho từng vị trí việc làm theo quy định, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 20/20 cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng xong đề án sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bên trong, đang trình thẩm định hoặc xin ý kiến bộ, ngành trung ương; thực hiện sáp nhập, giải thể, tổ chức lại...

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc hiện đại hóa nền hành chính có tác động tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước theo yêu cầu khung kiến trúc chính quyền điện tử đã được phê duyệt. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 910 đơn vị kết nối trao đổi văn bản điện tử qua trục liên thông nội bộ; 100% các cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện liên thông trao đổi văn bản điện tử tích hợp chữ ký số, tổng số văn bản phát hành dưới dạng điện tử của các sở, ban, ngành đạt 81%, cấp huyện đạt 92,7%; 100% các cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên có trang thông tin điện tử, cung cấp tất cả các dịch vụ công mức độ 2, bước đầu triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tiếp nhận hoặc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thực hiện chương trình giám sát về lĩnh vực này và đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể: “Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh thực hiện còn chậm, một số nội dung chưa đạt yêu cầu theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, nhất là nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính. (6/9/24 nhiệm vụ đề án yêu cầu hoàn thành chậm nhất năm 2016 và 6/7/24 nhiệm vụ đề án yêu cầu hoàn thành chậm nhất năm 2017 chưa triển khai hoặc chưa được bố trí kinh phí để thực hiện; các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử triển khai chậm do chưa được quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện)”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VNTN về lí do chưa được bố trí kinh phí để thực hiện như báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế nêu, tại cuộc Họp báo chuẩn bị cho Kì họp thứ 8, HĐND tỉnh, ông Trần Dương Thịnh, Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Là do tỉnh chưa bố trí được nguồn kinh phí. Hơn nữa, do việc phân cấp quản lí nguồn ngân sách, có một số hạng mục đã được tỉnh giao cho huyện chủ động cân đối và bố trí”. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết: Sở Nội vụ - cơ quan tham mưu với tỉnh cũng đang cố gắng trong nửa đầu năm 2019 sẽ giải quyết xong vấn đề đầu tư liên quan đến các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: Tỉnh đã quyết tâm thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công và đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính.

Báo cáo giám sát của Ban Pháp chế cũng chỉ ra những hạn chế khác, như: Vẫn còn một số thủ tục hành chính được ban hành quyết định công bố chậm hoặc chưa ban hành trong khi các cơ quan trung ương đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ như một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tư pháp; Một số đơn vị chưa công khai đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính, địa chỉ tiếp nhận và phản ánh kiến nghị tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; niêm yết công khai các thủ tục hành chính chưa khoa học, đã hết hiệu lực; việc cập nhật dữ liệu về thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đôi khi chưa kịp thời, một số thủ tục hành chính được công khai chưa được chuẩn hóa, còn trùng lặp hoặc đã được hủy bỏ, thay thế nhưng chưa được rà soát để loại bỏ, bổ sung; Vẫn còn tình trạng hồ sơ hành chính giải quyết quá hạn, tập trung vào lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, Đầu tư, Tư pháp, Nội vụ, Văn hóa. Việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hiệu quả chưa cao...; Chưa thực hiện thông báo về trễ hẹn hoặc gửi văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân do quá hạn giải quyết thủ tục hành chính; Chưa triển khai thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ sự nghiệp y tế và giáo dục...

Nguyên nhân của những hạn chế trên cũng được nêu rõ, trong đó đáng chú ý là những nguyên nhân chủ quan: Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa thực sự nghiêm túc; Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp của cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa đồng đều; Một số đơn vị đã quan tâm đến công tác kiểm tra cải cách hành chính nhưng chưa thường xuyên; Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của Văn phòng một cửa liên thông cấp tỉnh chưa được quan tâm; Nguồn kinh phí bố trí triển khai thực hiện cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là kinh phí đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện các dự án triển khai kiến trúc chính quyền điện tử; hỗ trợ trang, thiết bị phục vụ tiếp nhận trả kết quả; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ xây dựng phòng làm việc một cửa cấp xã...

 

Huệ Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy