Các hội được cởi tấm lòng
VNTN - Những ngày đầu tháng 9 này, trong khi các đại biểu chuyên trách của Quốc hội đang sôi nổi thảo luận về Dự án Luật về hội thì Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng lần đầu tiên tổ chức Hội nghị giao ban với các hội quần chúng. Tham dự hội nghị có đại biểu của các hội chính trị-xã hội-nghề nghiệp, hội xã hội, hội nghề nghiệp (gọi chung là hội quần chúng).
Có lẽ chưa bao giờ hoặc đã rất lâu rồi mới tổ chức được một hội nghị như thế nên đại biểu nào cũng muốn được “cởi tấm lòng”.
Theo Báo cáo về công tác hội quần chúng của Ban Dân vận Tỉnh ủy thì toàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay có 1240 tổ chức hội, với hơn 821000 hội viên, trong đó có 61 hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh, 115 hội hoạt động trong phạm vi cấp huyện, 1064 hội hoạt động trong phạm vi cấp xã; có 13 hội có tính chất đặc thù. Nhìn chung, các hội quần chúng trong tỉnh hoạt động tích cực, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, không ngừng phát triển về tổ chức, đa dạng về lĩnh vực hoạt động, có nhiều đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức hội hoạt động hình thức, hiệu quả chưa cao, đặc biệt là việc chủ động đảm bảo kinh phí, còn trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, một số hội cấp xã thành lập chưa đúng thẩm quyền. Có nhiều nguyên nhân dân đến những tồn tại này, nhưng có hai nguyên nhân cơ bản là hệ thống văn bản pháp luật về công tác hội quần chúng còn nhiều điểm bất cập, chồng chéo, không khả thi và một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, quan tâm, tạo điều kiện thiết thực cho các hội hoạt động.
Đã có hơn 20 ý kiến đề xuất, kiến nghị xung quanh việc đề nghị có cách nhìn thỏa đáng, đúng đắn hơn về các tổ chức hội quần chúng, quan tâm hơn tới điều kiện hoạt động của các tổ chức hội. Đại biểu của Liên hiệp các Hội KH & KT tỏ ý bất bình về việc rút tít của một tờ báo “Các hội mỗi năm tiêu tốn 14 nghìn tỷ đồng” - trích ý kiến phát biểu của một đại biểu Quốc hội. Tại sao chỉ nhìn thấy việc các hội tiêu tiền mà không nhìn thấy các giá trị kinh tế, tinh thần, giá trị xã hội mà các hội đem lại? Nhiều đại biểu đề nghị tỉnh nên có một nhà làm việc chung cho các hội (như nhiều tỉnh đã làm), vì hiện nay rất nhiều trụ sở của các tổ chức hội phải ở nhờ. Hội Khuyến học tỉnh được giao định suất lao động nhưng đi xin thì tỉnh không cho. Hội Hữu nghị Việt Lào xin được hưởng cơ chế hội có tính chất đặc thù. Có hội xin được thành lập chi bộ đảng, nhiều hội không biết sinh hoạt theo khối thi đua nào. Một số tổ chức hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp (Văn học nghệ thuật, Chữ Thập đỏ, Liên minh các HTX) tiếp tục đề nghị có chế độ phụ cấp công vụ đối với các công chức được điều chuyển đến giữ chức vụ chủ chốt tại các cơ quan này theo đúng quy định của Nhà nước (như các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang, Quảng Ninh,… đã thực hiện). Tại sao cùng một văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước mà mỗi tỉnh áp dụng khác nhau?
Đại diện Sở Nội vụ trả lời các kiến nghị, đề xuất, đã viện dẫn các văn bản của Nhà nước về chỉ tiêu, biên chế, chế độ chính sách. Về phụ cấp công vụ, đại diện Sở Nội vụ cho rằng các đồng chí này thuộc diện điều động, chứ không thuộc diện luân chuyển, người thuộc diện luân chuyển mới được hưởng phụ cấp.
Trả lời trực tiếp vấn đề này, ông Phạm Hoàng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận đã nêu rõ: cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã không biết vận dụng văn bản, vì trong khoảng trên dưới 10 năm về trước, trong các Quyết định thuyên chuyển, điều động cán bộ đều ghi là “điều động”, từ “luân chuyển” mới chỉ có trong các Quyết định gần đây. Điều này gây thiệt thòi cho một số anh em, tạo ra sự bất công giữa những người cùng có cùng một khoảng thời gian điều động, cùng làm một nhiệm vụ trong một nước với nhau…
Việc Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức hội nghị giao ban với các hội quần chúng như thế là hết sức cần thiết. Thiết nghĩ, các huyện, các xã cũng nên tổ chức những hội nghị như thế để nghe, để biết, đặc biệt là để “nắm” các tổ chức hội quần chúng, để không như ai kia đã nói: các hội này chỉ biết xin tiền và tiêu tiền.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...