Buồn trên mắt mẹ
Căn hộ tập thể kiểu nhà ống gần bảy mươi mét vuông có đầy đủ công năng từ phòng khách, ngủ, bếp, vệ sinh. Nhà bà Tân ở 4 mẹ con bà cháu, nhưng thấy chật chội quá thể. Thỉnh thoảng con trai tôi lại đòi lên chơi với bạn cùng lớp, là cháu gái lớn bà Tân.
Nói thật là nhìn căn nhà bừa bộn, tôi thấy ái ngại. Bàn ghế, giường tủ, đồ chơi, chăn gối, giày dép, nôi, võng bày la liệt ở phòng khách. Đồ dùng sinh hoạt tiện đâu để đó, quần áo nhiều không có tủ cất chất thành đống từ góc phòng khách, trải dài qua lối đi hai phòng ngủ xuống tới tận bếp, bừa phứa tới nỗi phải nhìn thật kỹ mới thấy cái bếp ga. Nhà ở thì thế, khỏi phải nói cũng biết khu bếp núc, tắm giặt và vệ sinh khiếp đảm cỡ nào. Nhà có con nhỏ mà không giữ vệ sinh sạch sẽ, thành ra bọn trẻ cứ thay phiên nhau ốm suốt. Bao lần cháu bệnh là bấy nhiêu lần bà Tân rã rời mệt mỏi. Thấy tôi tới, vừa lúc ngơi việc từ bếp đi lên, bà thở hắt ra bảo:
- Giờ này còn chưa được miếng gì vào bụng cháu ạ!
- Ôi, gần trưa rồi bác ơi. Bác gộp ăn sáng với ăn trưa thế này thì cô Vy giàu mấy hồi - tôi trêu bà.
- Từ sáng tới giờ đã ngơi tay tí nào đâu. Nay mẹ nó muốn ăn lẩu, sáng đi chợ mua ê hề đồ nên bác phải chế biến kẻo để lâu ươn hết. Làm mẹ của hai đứa trẻ rồi mà nó vô tư không để đâu cho hết.
- Quần áo nhà mấy người mà sao nhiều khiếp vậy bác?
- Toàn đồ cũ anh em họ hàng cho mấy đứa nhỏ đấy, mà bận quá không thu gấp được.
“Mẹ nó”, là cái Vy, con gái bà Tân. Chồng Vy là bộ đội, đơn vị công tác xa hơn trăm cây số, tháng về được vài ngày rồi lại biền biệt. Sinh con gái đầu xong, Vy quyết tâm không đẻ thêm nữa vì không có người phụ đỡ. Nhà chồng cách đây chừng 20 phút chạy xe, nhưng Vy sống với nhà chồng không hợp, mẹ chồng nàng dâu hục hặc suốt nên khi cô sinh bà cũng chỉ chạy qua ngó cái rồi về, chăm nom bập bõm được chăng hay chớ.
Khi ấy bà Tân còn ở quê, khác tỉnh xa xôi, chồng lại đang tai biến nằm liệt, nên cũng chẳng tới lui chăm con chăm cháu được. Quyết tâm là thế, nhưng rồi cái “lộc trời cho” lại tới khi đứa lớn được hơn 2 tuổi. Vy chán nản muốn bỏ thai, bà Tân vì không muốn con gái làm cái việc “tội chết” nên hứa đại, nói cứ đẻ đi bà sẽ chăm nuôi. Vy bầu được mấy tháng thì bố mất, cậu em trai cờ bạc nợ nần đầm đìa, bà Tân bấm bụng bán đất bán nhà trả nợ cho con, rồi dọn đến ở luôn với Vy.
- Từ ngày bán đất bán nhà, bác thành osin cao cấp của con gái luôn cháu ạ. Bà Tân than thở.
- …?
- Mỗi sáng nó chỉ biết mỗi việc đi chợ, rồi cắp đứa lớn đưa đi lớp. Tối 7, 8 giờ về có cơm canh dọn sẵn, ăn xong cũng chẳng đụng tay dọn dẹp. Con ốm đêm hôm quấy khóc nó cũng cứ lăn ra ngủ không thèm dậy dỗ dành, chăm sóc. Cả ngày tôi lu bù với 2 đứa nhỏ, nào ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, giặt giũ, cả trăm việc đều vào tay hết. Lắm lúc mệt quá chả muốn ăn gì nữa. Nhiều hôm tối muộn nó ăn xong ngồi bấm điện thoại, tôi lo cho các cháu ngủ xong mới ra ăn, nó còn ngạc nhiên hỏi mẹ chưa ăn à. Nghe có chán không cơ chứ!?
- Chị ấy đi làm chắc cũng áp lực nhiều. Bác làm được nhiêu thì làm, phải ăn uống đầy đủ đặng giữ sức khoẻ. Mình phải khoẻ rồi lo cho ai mới lo bác ạ. - tôi động viên.
- Mấy nay cái dạ dày lại dở chứng, ăn vào là nhợn ói, đau tức chẳng ngủ được. Nói nó đưa tiền đi khám, nó thảy cho được hai trăm nghìn, bảo có bảo hiểm rồi chừng đó là đủ. Bác sợ không đủ tiền vì nhỡ đâu thuốc men phải mua ngoài tốn kém. May quá, lúc giặt đồ thì vớ được thêm hai trăm nữa nó bỏ quên trong túi quần, nên mới dám đi khám lấy thuốc cháu ạ.
Nghe bà Tân kể mà thấy xót xa. Vy làm trong công ty may mặc, chồng bộ đội, lương thưởng hai vợ chồng cũng tầm hai lăm triệu mỗi tháng, nào đến nỗi thiếu thốn. Nhưng đúng là Vy vô tư quá thành vô tâm. Đồng ý là đi làm về mệt, nhưng cô dường như chẳng hiểu và thương xót gì cho mẹ mình. Cô bận và mệt tới nỗi không thể gấp gọn mươi bộ quần áo mỗi ngày, hay phụ mẹ rửa mấy cái bát? Không giúp mẹ thì chớ, cứ cách vài ba hôm Vy lại muốn ăn món này món kia, mà món nào cũng phải chuẩn bị, chế biến cầu kỳ. Cô cứ mua rồi quăng đó để bà Tân lọ mọ cả vài tiếng đồng hồ chưa xong. Chưa kể, bà còn phải chế biến, nấu nướng đồ ăn cho 2 đứa nhỏ theo ý của Vy. Bà Tân bận tối mắt, nên ăn uống rất thất thường, người lúc nào cũng chực đổ bệnh.
Ngày cuối tuần mà thấy nhà bà Tân im ắng quá, tôi đưa con dạo chơi ghé qua xem sao. Nhìn qua cửa sổ, thấy bà nằm dài ở chiếc giường kê góc phòng khách, gương mặt xanh rớt vô cùng mệt mỏi, tôi gọi với vào hỏi:
- Bác đau ở đâu à, sao trông mệt quá?
- Bác thấy choáng và hụt hơi, chân tay bủn rủn lắm.
- Bác ăn gì chưa? Cô Vy và mấy đứa nhỏ đâu cả?
- Cuối tuần nào mẹ con nó cũng rồng rắn về nhà nội, bác được giải phóng vài ngày cháu ạ. Cảm ơn cháu, bác nằm nghỉ lúc là ổn thôi.
Bà Tân nói như tự an ủi bản thân, chứ những lúc mệt mỏi như thế mà một mình thì cô đơn, buồn tủi lắm. Tôi về nhà pha ly sữa ấm và nấu bát bún thịt bằm cà chua đơn giản mang lên, động viên bà ăn. Chẳng biết vì cảm động nghĩa cử của tôi, hay xót xa cho phận mình mà bà vừa ăn vừa chảy nước mắt.
Vy vô tư không để tâm chuyện mẹ mình vất vả, đau ốm, hay cô cho rằng việc bà phục vụ cô và các cháu là nghĩa vụ, là việc đương nhiên phải làm? Nói dại, lỡ một ngày bà Tân có bề gì mà không thể phụ giúp được, không biết lúc ấy Vy sẽ đối xử với bà thế nào, lo toan cuộc sống ra sao. Cha mẹ già là cây cao bóng cả toả mát bao nỗi thương yêu, ấm áp, vậy mà…, sao nỡ để buồn lên mắt mẹ, rồi lúc mất đi tiếc nuối còn có ích gì!?
Mai Đình
2 đã tặng
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...