Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
20:16 (GMT +7)

Bước chuyển trong thu hút FDI vào khu công nghiệp

VNTN - Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã có 96 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD của nhiều quốc gia. Kết quả này đã góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Những con số biết nói

Tỉnh ta có 6 KCN với tổng diện tích trên 1,4 nghìn ha và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung, gồm KCN Điềm Thụy, Quyết Thắng, Yên Bình, Nam Phổ Yên, Sông Công I và Sông Công II. Trong đó có 5 KCN đã chính thức đi vào hoạt động, với nhiều KCN đạt tỉ lệ lấp đầy cao như KCN Điềm Thụy A (đạt 100%), KCN Yên Bình (đạt 84,9%) và Sông Công I (đạt 61%).

Việc thu hút đầu tư dự án FDI vào các KCN hằng năm đều có sự tăng trưởng, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2013 đến nay. Nếu như trong vòng 11 năm đầu (từ năm 2001 đến năm 2012) dòng vốn FDI đầu tư vào các KCN còn khá “ì ạch” với kết quả chỉ thu hút được 9 dự án FDI vào cuối năm 2012 thì đến hết năm 2013 con số này đã tăng lên 24 dự án FDI. Đáng nói, giai đoạn từ năm 2013 - 2016 được đánh giá là khoảng thời gian “vàng” trong thu hút dự án FDI vào các KCN, bởi số dự án FDI tăng trưởng mỗi năm đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 17 dự án/năm. Tỉ lệ thuận với số dự án FDI tăng là nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào các KCN. Minh chứng là năm 2013 vốn FDI của các doanh nghiệp chỉ đạt 596 triệu USD thì đến nay đã tăng lên 6,8 tỷ USD (đạt 97,2% vốn FDI đăng ký trên toàn tỉnh). Đáng nói, tỷ lệ giải ngân vốn FDI hằng năm đạt trên 90% tổng vốn đầu tư đăng ký.

 

Việc nhanh chóng đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN Điềm Thụy đã giúp Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đón đầu được làn sóng đầu tư FDI từ năm 2013.

Kết quả thu hút FDI vào các KCN nói trên đã cho thấy sự phát triển vượt bậc trong vòng 6 năm gần đây, qua đó góp phần thúc đẩy tình hình tăng trưởng kinh tế-xã hội chung của toàn tỉnh. Tính riêng năm 2018, doanh thu hoạt động sản xuất của các dự án trong KCN đạt gần 29 tỷ USD; hằng năm hoạt động của các KCN đóng góp trên 92% vào giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh, 98% vào tổng kim ngạch xuất khẩu (với 25,34 tỷ USD); nộp ngân sách Nhà nước hơn 6,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 48% tổng thu ngân sách của tỉnh). Bên cạnh đó, các KCN còn giải quyết việc làm cho gần 120.000 người, với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt là lao động nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và các vấn đề an sinh xã hội khác…

Đón đầu làn sóng đầu tư FDI

Để có được kết quả nói trên, theo ông Phan Mạnh Cường, Trưởng ban Quản lý các KCN Thái Nguyên: Thu hút FDI vào các KCN đạt kết quả ấn tượng từ năm 2013 là do thu hút được Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Sau khi Tập đoàn này đầu tư vào KCN Yên Bình đã mang theo một làn sóng đầu tư FDI của trên 100 nhà đầu tư phụ trợ cho Samsung. Vì thế, đây là cơ hội thu hút FDI vào các KCN sau hàng chục năm đầy khó khăn. Tuy nhiên sẽ không dễ dàng nắm bắt được cơ hội này nếu như không biết tận dụng, tranh thủ các điều kiện về cơ chế, chính sách. Do đó, xác định “giải phóng mặt bằng chính là bước đầu tiên để giữ chân doanh nghiệp”, năm 2013, Ban quản lý đã mạnh dạn đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cho phép vận động và sử dụng toàn bộ tiền thuê đất 50 năm của các nhà đầu tư nước ngoài tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ đối với KCN Điềm Thụy A (phần diện tích 180ha). Qua đó đã kịp thời tháo gỡ được khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp để sớm có mặt bằng mời đón các nhà đầu tư phụ trợ cho Samsung.

Tính đến nay, KCN Điềm Thụy A là KCN duy nhất đạt tỉ lệ lấp đầy 100% cũng như chiếm tỉ lệ dự án FDI cao nhất với 62/72 dự án đầu tư. Tiếp tục phát huy cách làm linh hoạt sáng tạo và hiệu quả này, năm vừa qua, Ban quản lý cũng đã huy động nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Sông Công II. Đến nay, dù chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng KCN đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn. Song song với việc chú trọng tìm các giải pháp để đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại các KCN, để có được kết quả tích cực nói trên, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên cũng chú trọng sàng lọc và lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, để tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thân thiện trong mắt các nhà đầu tư, Ban quản lý cũng nỗ lực thực hiện các giải pháp về đơn giản thủ tục hành chính như giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục, xây dựng hệ thống 1 cửa và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 nhằm giúp việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp được nhanh gọn, hiệu quả và thuận tiện. Ban quản lý cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về tình hình đầu tư xây dựng, quản lý lao động, hỗ trợ pháp lý; thường xuyên nắm bắt những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh…

Nói về định hướng thu hút các dự án nói chung vào các KCN, ông Phan Mạnh Cường cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như ưu tiên tập trung nguồn vốn vận động ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN để tạo quỹ đất sạch gắn với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển các KCN gắn với liên kết vùng và liên kết kinh tế, rà soát đưa ra khỏi danh mục KCN không khả thi, đề xuất bổ sung những KCN mới có lợi thế so sánh tốt, tính khả thi cao; đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư gắn với mục tiêu thu hút các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với KCN theo hướng luôn đồng hành, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cả trước, trong và sau khi đầu tư…

Hoàng Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy