Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
01:22 (GMT +7)

Bước chuyển mình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

VNTN- Với vị trí đặc thù và sự đa dạng văn hóa của 51 dân tộc anh em, Thái Nguyên luôn xác định vai trò quan trọng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bước chuyển mình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đường bê tông đã "vươn" tới các xóm vùng núi, khó khăn trên địa bàn tỉnh

Những năm qua, nhờ các chính sách đầu tư đồng bộ, vùng DTTS và miền núi tại Thái Nguyên đã đạt được những chuyển biến mạnh mẽ, diện mạo nông thôn không ngừng thay đổi theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng sống của đồng bào DTTS.

Những con đường bê tông rộng rãi nối liền các bản làng vùng sâu, vùng xa là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 98% xóm được cứng hóa đường nội xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và sinh hoạt. Hệ thống điện lưới quốc gia phủ khắp, với 100% các xóm có điện, thắp sáng hy vọng về cuộc sống đủ đầy hơn. Song song với đó, hơn 96% hộ gia đình vùng DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Giáo dục tại vùng DTTS cũng đạt nhiều bước tiến vượt bậc. Mạng lưới trường lớp các cấp học được củng cố và phân bố hợp lý, trong khi cơ sở vật chất giáo dục ngày càng được kiên cố hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học đạt 92,19%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 87,61%. 6/6 trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để con em đồng bào DTTS học tập và phát triển.

Đồng thời, Thái Nguyên đang hướng tới mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và cải thiện thu nhập cho người dân vùng DTTS. Để thực hiện điều này, tỉnh tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp và cộng đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là động lực thúc đẩy kinh tế vùng DTTS, với tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình từ 2 - 3% mỗi năm. Trong hơn 3 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ gần 3.700 hộ dân phát triển sản xuất thông qua các mô hình kinh tế giá trị cao, như chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất nông sản đặc sản như chè và lúa chất lượng cao.

Bước chuyển mình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhờ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, Chị Lựu trồng cỏ làm thức ăn cho bò mà không mất nhiều công chăn thả

Câu chuyện của gia đình chị Dương Thị Lựu và anh Thân Công Sáu ở xóm Phú Dương, xã Dương Thành là một minh chứng tiêu biểu. Nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo do mắc bệnh hiểm nghèo, vợ chồng chị Lựu đã được hỗ trợ bò sinh sản, mở ra cơ hội mới để thoát nghèo.

Chị Lựu xúc động chia sẻ: “Do mắc bệnh lâu năm nên cả hai vợ chồng tôi không làm được việc nặng, ruộng canh tác lại ít, nên quanh năm thiếu trước hụt sau. Nhờ tham gia tập huấn và được cấp bò giống, chúng tôi nhen lên hy vọng thoát nghèo. Con bò đã to gấp đôi và sắp đẻ bê. Chúng tôi sẽ chăm sóc thật tốt để tạo thêm nguồn thu nhập bền vững cho gia đình”.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành và mỗi địa phương. Trong những năm qua, Thái Nguyên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp chính quyền đã tích hợp chính sách, huy động nguồn lực đầu tư, ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỉnh đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề bức thiết như xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên rừng, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và thực hiện bình đẳng giới…

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai 122 mô hình, dự án hỗ trợ kinh tế với tổng kinh phí 43.151 triệu đồng, mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào DTTS.

Bước chuyển mình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tại nhiều xóm miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống đã xuất hiện các mô phát triển hình kinh tế cho thu nhập cao. Cùng với đó sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng giúp đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

Song song với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động trên 8.660 tỷ đồng để cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng. Những con đường rộng rãi hơn, cánh đồng xanh mướt hơn và các ngôi trường khang trang đã cho thấy sự đổi thay tích cực ở những khu vực vốn còn nhiều khó khăn này.

Tính đến năm 2023, Thái Nguyên có 129/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 94,16%. Trong số này, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, trong đó có nhiều xã vùng DTTS.

Những thành tựu đạt được tại vùng DTTS và miền núi không chỉ thể hiện sự đầu tư đúng hướng mà còn cho thấy ý chí vươn lên của đồng bào nơi đây. Các con đường mới, những mái trường khang trang và đời sống người dân không ngừng được cải thiện đã khẳng định hiệu quả của các chính sách đồng bộ, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho những vùng đất giàu bản sắc này.

Bình Yên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy