Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:42 (GMT +7)

Bụng no nhờ bò béo

VNTN - Bốn phía đều có núi, núi như vòng tay của mẹ thiên nhiên ôm gọn hơn 50 nóc nhà của xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Một làng quê bình lặng được bao bọc bởi khung cảnh núi rừng hùng vĩ. Và yên bình hơn rất nhiều vì những người Mông, chủ nhân của vùng đất có nếp sống chân chất, hồn hậu, gặp là mến đã biết tìm cho mình một hướng đi mang lại cuộc sống no ấm.

Hầu hết các hộ người Mông trong lũng núi này đều đầu tư nuôi nhốt trâu, bò. Hộ khó khăn, thiếu vốn, nhân công ít, nuôi 1 con. Hộ kinh tế khá giả, có vốn, có lao động dôi dư nuôi 10 con. Ông Lầu Văn Vừ, 70 tuổi, người Mông đầu tiên trong vùng nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo nói chậm rãi: Nhà tôi hết nghèo đói cũng nhờ vào con trâu, bò. Tôi nghiệm thấy việc nuôi nhốt vỗ béo con trâu, bò cho tiền nhanh, mà trong nhà trẻ nhỏ, người già cũng có thể tham gia, nên vận động bà con cùng làm, coi đó như việc lên nương trồng bắp lấy lương thực... Nhờ ông Vừ hướng dẫn, sau nhiều mùa cây rừng thay lá, các hộ người Mông xóm Phú Thọ đều thành thạo với công việc trồng cỏ, cắt cỏ vỗ béo trâu, bò. Nhiều người chỉ cần nghe tiếng con vật cọ sừng vào gióng chuồng là biết chúng thèm muối, đói cỏ, khát nước hay muốn ăn dặm thêm cám ngô.

Ngoài chăn nuôi trâu bò, đồng bào Mông ở xóm Phú Thọ còn sản xuất chè theo quy trình VietGAP.

Ở xóm Phú Thọ, nhiều người bảo ông Vừ mang trong bụng cả một rừng kiến thức về chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Vì ông là người cao tuổi, biết nhiều chữ; đồng thời là người có công dẫn dắt bà con người Mông trên miền đá tai mèo Hà Quảng (Cao Bằng) hạ sơn về đây lập nghiệp. Ông kể: Ngày còn trẻ, được bố mẹ cho đi học bổ túc văn hóa hết lớp 4. Tôi đi học vào buổi tối, từ nhà đến lớp học mất hơn 7 cây số đường núi. Nhờ có chữ, tôi được tham gia làm công tác đoàn thanh niên ở xã, rồi được cấp trên tin tưởng, nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Thỉnh Thôn - nơi tôi sinh ra.

Sau 10 năm làm “công bộc của dân”, năm 1996, ông xin nghỉ hẳn để đưa gia đình về vùng đất này lập nghiệp. Hành trình hạ sơn của ông và gia đình đầy gian nan, cực nhọc. Ông đã bán hết toàn bộ gia sản ở quê nhà, song số tiền lận lưng vừa đủ để mua được khoảng 10.000m2 đất nương, ruộng và một ngôi nhà cũ. Cuộc sống nơi ở mới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhất là vốn đầu tư cho phát triển sản xuất. Đành “giật gấu vá vai”, vay mượn tiền người thân mua giống cây lương thực, phân bón để tra hạt bắp, cấy lúa lo cái ăn trước mắt. Đêm nằm nghĩ nhiều, ngủ không ra giấc, ông mong ước có được chút tiền vốn để đầu tư mua thêm gia súc, gia cầm, tận dụng lương thực rơi vãi và thời gian nhàn rỗi mỗi ngày để có thêm thu nhập. Đang băn khoăn vì ước mơ khó tới, thì cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tới nhà, hướng dẫn, giúp ông làm thủ tục vay vốn ưu đãi. Ông nhớ lại: Đã hơn 20 năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in, năm đó tôi được vay 1,5 triệu đồng. Tôi dành số tiền này mua được 1 con trâu, 2 con lợn. Nhờ đất đai rộng rãi, rừng tốt, cỏ nhiều nên trâu nhanh béo, lợn nhanh lớn, cứ 1 con trâu tôi nuôi vỗ 3 tháng là béo đẹp, được bán. Nên sau 1 năm, không những trả hết nợ Ngân hàng, tôi còn có vốn đầu tư tiếp cho việc mua trâu, bò về nuôi nhốt vỗ béo.

Trước năm 2000, xóm Phú Thọ được ví là vùng đất xa khuất của huyện Phú Lương. Bởi núi ôm bọc, đường đất khó đi, đời sống kinh tế của người dân động đâu thiếu đó, con trẻ học hành dang dở vì xa trường, bụng chưa được ăn no. Vì thế nhiều người dân, chủ yếu là người miền xuôi lên lập nghiệp từ hàng chục năm trước đây, lấn bấn mãi rồi cũng tìm cách chuyển nhà ra trung tâm xã, hoặc chuyển hẳn về xuôi. Dù nhớ nương, tiếc ruộng, nhưng việc làm lúa, làm ngô có giá trị ngày công không cao so với việc đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, nên nhiều gia đình chấp nhận bán lại ruộng đất để có thêm vốn liếng làm ăn. Hầu hết những người muốn bán đất đều tìm tới ông Vừ nhờ cậy. Ông Vừ không ngần ngại, sốt sắng thúc vợ mổ gà, nấu cơm nếp gói vào lá chuối làm đồ ăn để ngược đường về Hà Quảng, bảo anh em họ mạc bán trâu, bò, dồn tiền về lũng núi này mua lại đất. Tin lời ông, nhiều hộ người Mông dắt díu theo về cùng tạo lập cuộc sống mới, cùng mưu sinh bằng việc dọn bãi trồng bắp, trồng rừng, phát triển thêm cây chè, động viên nhau làm chuồng trại chắc chắn để nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo cải thiện cuộc sống.

Với người Mông, việc mua trâu, bò về làm chuồng nuôi nhốt, vỗ béo không phải là nghề mới, mà đã có từ nhiều đời nay. Ví như nhà ông Lý Văn Thành, từ bé ông đã được bố mẹ giao nhiệm vụ cắt cỏ chăn bò. Bố ông cũng kể chuyện đi cắt cỏ chăn bò. Đến bây giờ con trai ông cũng đi cắt cỏ mang về cho trâu, bò ăn. Cứ lớp trước làm như thế nào thì lớp sau làm thế ấy. Con trâu, bò trở nên thân thuộc, gần gũi, gắn bó với cuộc sống của bao nếp nhà. Với những bậc cao niên, bụng chứa đầy kinh nghiệm thì chỉ cần nhìn bước đi của con vật là biết được về sức; nhìn cách nhai cỏ, nghe tiếng thở là biết con vật bị bệnh gì, có thể chữa trị, nuôi lớn, vỗ béo. Ông Thành nói rủ rỉ như tiếng rừng: Người Mông chúng tôi cứ đi mua trâu, bò về chăm nuôi, lâu ngày thì nên thợ chứ chẳng có bí kíp gì. Chỉ khác ở chỗ là ngày trước đây, các cụ nuôi trâu, bò chủ yếu để sinh sản, đông đàn, khi có việc mới giết mổ, ít khi bán. Nhiều người còn dắt bò ra chợ phiên để khoe với bạn về con bò nung núc béo. Dân trong vùng nhìn đàn bò là biết tiềm lực kinh tế của gia chủ. Nhà nhiều trâu, bò thể hiện được sự giàu có, nhưng đó chỉ là một khối tài sản di động không sinh lời và luôn lo sợ bị dịch bệnh.

Ông Lý Văn Thành (bên phải), trao đổi cùng bà con kinh nghiệm chăn nuôi vỗ béo trâu bò.

Trong phát triển chăn nuôi đàn gia súc, ông Thành và những nông dân người Mông Phú Thọ hôm nay là thế hệ mới. Họ vượt qua cách làm truyền thống, từ chăn nuôi gia súc thả rông sang nuôi nhốt, trồng cỏ cho ăn. Họ không khoe con trâu, bò gắn bó với gia đình nhiều năm, mà quan trọng là con trâu, bò ấy mang lại cho mình bao nhiều tiền lãi. Cơ chế thị trường đã theo bước chân tư thương len lỏi về bản người Mông xa khuất, rồi sự va đập của cuộc sống đã tác động tích cực vào tư duy làm kinh tế của đồng bào. Bà con đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tức là đi mua trâu, bò về vỗ béo. Trong lúc dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình, ông Lý Văn Sinh cho biết: Chúng tôi đến các vùng lân cận như Định Hóa, Đồng Hỷ và sang tỉnh Bắc Kạn tìm mua bê, nghé hoặc trâu, bò gầy, giá từ 15 đến 20 triệu đồng 1 con. Sau khi mua, dong về nuôi cách ly một thời gian mới cho nhập chuồng, tránh lây lan dịch bệnh. Thời gian nuôi nhốt từ 3 đến 9 tháng được xuất bán, trung bình 1 con có lãi từ 20 đến 25 triệu đồng, có con được lãi nhiều hơn.

Việc mua, bán trung thực dần tạo cho các hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở thẻo núi này một môi trường giao thương thuận lợi. Giữa người mua, người bán tự tìm đến nhau, cùng định giá, nhất trí thì đập bàn tay vào nhau, cười sảng khoái, trả tiền, hể hả dắt trâu, bò về… Không ai nhớ mình đã bao nhiêu lần đi mua cũng như bao nhiêu lần bán trâu, bò. Chỉ biết trong chuồng lúc nào cũng có trâu, bò. Ví như nhà ông Vừ, ông Thành, ông Sinh thường xuyên duy trì đàn gia súc 7 đến 8 con, có lúc lên đến 10 con trâu, bò. Để chủ động về nguồn thức ăn cho chăn nuôi, hầu hết các hộ đều dành đất trồng cỏ, những khu đất cằn bên mé rừng, đất bên lề đường trục xóm đều được tận dụng trồng cỏ Voi, cỏ VA 06, cỏ Ruzi... Ông Thành cho biết: Các loại cỏ này không kén đất, đặt xuống là ngoi mầm, lá tốt, trâu, bò thích ăn. Ngoài cỏ trồng, những hộ chăn nuôi nhiều còn lấy thêm các loại cây, lá ở rừng về làm thức ăn cho trâu, bò.

Chăn nuôi trâu, bò theo cách nhốt chuồng, vỗ béo vừa tạo được thêm việc làm tại chỗ, tăng thu nhập và bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên công việc đòi hỏi người chăn nuôi cần có kiến thức, kinh nghiệm để phòng tránh các loại dịch bệnh. Do vậy, khi địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, các hộ đều tích cực tham gia. Nhiều người chưa nói thành thạo tiếng phổ thông cũng đăng ký tham gia, vừa nghe cán bộ khuyến nông truyền đạt, vừa nhờ người dịch lại bằng tiếng Mông. Ông Vừ nói như một xác nhận: Được tập huấn, chúng tôi thấy tự tin hơn rất nhiều khi đầu tư vốn vào chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Vì qua đó chúng tôi biết cách phòng, chống một số loại dịch bệnh thường gặp trên đàn gia súc, như: lở mồm long móng; nhiệt thán; ngộ độc thức ăn; tiêu chảy; xoắn khuẩn… Nhờ thế trên đàn vật nuôi của các hộ trong xóm, con nào cũng mau lớn, chóng béo và bán được giá cao.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo, ông Lý Văn Bình cho biết: Toàn bộ gia sản của gia đình là đàn trâu, bò được nhốt trong chuồng. Lo lắm, nhất là vào ngày trời đông nhức giá, cỏ trồng lên chậm, nhà nào cũng phải đi núi lấy thêm cỏ, lá làm thức ăn cho vật nuôi. Cùng với đó là việc che chắn gió mùa Đông Bắc, gom củi đốt lửa sưởi ấm và cho trâu, bò ăn thêm cám ngô. Chuyện chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, ông Sùng Văn Lý, một trong những hộ có mô hình chăn nuôi thường xuyên gần 10 trâu, bò vỗ béo của xóm chia sẻ: Tôi làm mô hình này nhiều năm, kinh nghiệm có, song để chăn nuôi đạt hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro, tôi vận dụng triệt để những tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi do cán bộ khuyến nông huyện truyền đạt, như việc ủ chua thức ăn, ủ rơm với urê, cách làm mềm thân cây ngô cho trâu bò ăn và cả việc dùng bao tải làm áo ấm cho trâu, bò khi trời rét đậm, rét hại. Các hộ chăn nuôi trâu, bò ở Phú Thọ đều làm như vậy. Nên trâu, bò chúng tôi nuôi, vỗ béo không bị đổ ngã vì thời tiết khắc nghiệt. Và không bị dịch bệnh gây ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

Lũng núi Phú Thọ vẫn núi ôm, mây ấp, nhưng từ 5 năm gần đây, Nhà nước đã chẻ núi làm đường bê tông vào xóm. Con đường ra huyện như gần hơn, đồng bào cũng thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều tư thương vào thu mua trâu, bò béo của đồng bào đã ví von: Ở lũng núi này, những người Mông không chỉ giỏi đi rừng, mà đã rất năng động, giỏi làm kinh tế. Còn đồng bào người Mông nói mộc mạc hơn: Chăm con trâu, bò nhanh béo, cũng giống việc mình đi làm nương lấy bắp ngô. Bụng mình được no cũng nhờ nuôi con trâu, bò béo tốt. Rồi nó… nuôi lại mình.

PHẠM NGỌC CHUẨN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước