Bức tranh đô thị nhìn từ những dự án nhiều kỳ vọng
VNTN - Có thể nói, chưa năm nào trên địa bàn thành phố Thái Nguyên lại xuất hiện nhiều dự án “khủng” đầu tư vào lĩnh vực phát triển đô thị như năm Bính Thân 2016 vừa qua. Mặc dù dư luận xã hội chưa hết hoài nghi về năng lực nhà đầu tư cũng như khả năng triển khai các dự án nhiều tỷ này, song với những gì chính quyền đang thể hiện, nhà đầu tư cam kết và thực tế hầu hết đã động thổ, khởi công, chúng ta có quyền đặt niềm tin và kỳ vọng vào các dự án này sẽ làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị của Thái Nguyên trong tương lai gần.
1. Được nhắc đến nhiều nhất và cũng được người dân thành phố Thái Nguyên kỳ vọng nhất có lẽ là Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thành đô thị hai bên bờ sông Cầu. Được nhắc đến nhiều bởi dự án này có quy mô nằm ngoài sức tưởng tượng của không ít người. Theo nhà đầu tư, dự án sẽ phát triển đô thị hai bên sông và ôm trọn 19km sông Cầu vào lòng. Trong dự án lớn này có tới 9 tiểu dự án nhưng lại sở hữu các hạng mục vĩ mô có thể chỉnh trị sông Cầu, giúp khả năng chống lũ lụt gần như tuyệt đối. Bên cạnh đó là các hạng mục kết nối đô thị đôi bờ sông thông qua việc xây mới 6 cây cầu cứng và cải tạo nâng cấp cầu Gia Bảy. Dự án còn được ngưỡng mộ bởi ngay trong giai đoạn đầu triển khai, dự kiến sẽ ngốn lượng vốn trên 18 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư và vốn huy động hợp pháp khác là trên 12.600 tỷ đồng. Điều ngạc nhiên hơn cả là phía liên danh nhà đầu tư gồm Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cenco 8) sau khi thống nhất đã đề xuất tăng tổng vốn dự án lên mức gần 28.700 tỷ đồng. Điều đó phần nào cho thấy năng lực thực sự của nhà đầu tư cũng như tầm cỡ của dự án đối với mục tiêu hiện thực hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035.
Xét về lợi ích mà dự án mang lại khi hoàn thành, chắc chắn sẽ khiến bộ mặt đô thị hai bên sông của thành phố Thái Nguyên trở nên rạng rỡ, hiện đại và không kém phần thơ mộng. Theo người đứng đầu UBND tỉnh, ông Vũ Hồng Bắc thì dự án này được xem là trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong tương lai, là điểm nhấn trong quy hoạch thành phố. Nó còn mang ý nghĩa nâng tầm đô thị Thái Nguyên để tương xứng với một địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội. Còn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi về dự lễ khởi công dự án này cũng không khỏi ngạc nhiên về quy mô, tính chất của nó. Phó Thủ tướng khẳng định, đây là dự án đa mục tiêu, là trục phát triển của thành phố về lâu dài. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đây là dự án lớn do nhà đầu tư trong nước đảm nhiệm, tuy có nhiều thuận lợi nhưng cũng cần để tâm đến tầm nhìn dài hạn, tránh triển khai nửa vời. Nếu mục đích chính mà nhà đầu tư thực hiện chỉ là chia lô bán đất nền để thu lợi trước mắt thì coi như dự án thất bại, ý nghĩa to lớn cũng mất luôn.
Dự án này mở ra sẽ không chỉ giúp bộ mặt thành phố Thái Nguyên khang trang mà còn tạo tiền đề phát triển kinh tế đô thị. Nói vậy bởi khi đô thị hiện đại, các vùng kinh tế được gắn kết với nhau sẽ là điều kiện để các thành phần kinh tế giao thương, các loại hình dịch vụ đô thị có đất phát triển. Và thực tế, ngay khi dự án xây dựng đô thị sông Cầu được phê duyệt, một ý tưởng mới đã hình thành, khi trình làng ngay lập tức nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Đó là ý tưởng dịch chuyển trung tâm hành chính của tỉnh kết hợp với xây dựng sân vận động mới sang phía Đông thành phố để phù hợp với hạ tầng đô thị đôi bờ sông Cầu. Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm vừa qua, các đại biểu đã thảo luận rất kỹ và thống nhất thông qua Nghị quyết về lựa chọn địa điểm quy hoạch xây dựng khu liên cơ quan và sân vận động của tỉnh bên phía Đông thành phố.
Đây là ý tưởng thể hiện xu hướng mới, hiện đại, cải cách mạnh trong quản lý hành chính công, điều mà lâu nay vốn là điểm hạn chế của Thái Nguyên. Hiện tại các cơ quan, đoàn thể của tỉnh nằm rải rác mỗi đơn vị một trụ sở, quản lý riêng biệt dẫn đến việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hành chính cũng như quản lý tài sản, công sở, xe cộ còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, gây lãng phí. Ngoài ra, sân vận động hiện tại có quy mô nhỏ (diện tích 3ha, công suất phục vụ khoảng 20.000 chỗ ngồi), thiếu đầu tư, chưa thể đáp ứng nhu cầu xã hội. Trước đây tỉnh đã quy hoạch trung tâm hành chính về phía Tây thành phố Thái Nguyên, tuy nhiên xét về tầm nhìn đô thị thì còn bộc lộ nhiều hạn chế, nên dù thuê đơn vị tư vấn nước ngoài quy hoạch tốn cả triệu USD, nhưng gần 5 năm nay không có nhà đầu tư nào quan tâm triển khai các dự án đô thị. Các nhà chuyên môn cho rằng, khi chuyển trung tâm hành chính sang phía Đông thành phố sẽ có nhiều thuận lợi, có thể vừa tạo động lực phát triển đô thị khu vực trung tâm vừa cân đối phát triển đô thị hai bờ sông Cầu, kết nối không gian kiến trúc cảnh quan đô thị mới và cũ. Với quỹ đất lớn, nhà đầu tư có năng lực, tới đây khu đô thị phía Đông sẽ có điều kiện để xây dựng các công viên vui chơi giải trí ven sông, xây dựng và phát triển các dịch vụ công cộng, tạo ra các khu đô thị mới với chức năng đa dạng, linh hoạt. Địa điểm quy hoạch khu trung tâm hành chính tại xã Đồng Bẩm, khu vực xây dựng sân vận động nằm ở phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên. Dù mới được thông qua phương án lựa chọn địa điểm, nhưng tính khả thi của ý tưởng là rất cao.
2. Một dự án cũng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân thành phố, hứa hẹn sẽ tạo đột phá trong phát triển đô thị phía Tây đó là xây dựng tuyến đường Hồ Núi Cốc, đoạn nối với đường Bắc Sơn. Mặc dù chỉ là dự án thành phần nằm trong Dự án tổng thể xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc, nhưng tuyến đường này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với Khu du lịch mà cả vùng kinh tế lân cận, trong đó có vùng chè đặc sản Tân Cường nổi tiếng. Tuyến đường dài 9,5km trong đó trên 7km có lộ giới 61m, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn gần ½ thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đến Khu du lịch. Ngoài ra, sẽ tạo cơ hội để phát triển đô thị dọc hai bên đường và là điều kiện để hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới cho cả vùng chè Tân Cương và các địa phương giáp ranh. Tại lễ khởi công tuyến đường này mới đây, ngoài các quan khách còn có sự hiện diện, chứng kiến của đông đảo nhân dân sở tại. Điều đó cho thấy sự quan tâm, mong mỏi và kỳ vọng rất nhiều của bà con vào tuyến đường huyết mạch mang trọng trách thay đổi đời sống kinh tế khu vực nông thôn phía Tây thành phố. Đại diện nhà đầu tư, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp Xuân Trường, ông Đỗ Thành Trung đã cam kết với chính quyền và nhân dân rằng, sẽ tập trung mọi nguồn lực để tuyến đường nhanh chóng đưa vào sử dụng. Theo ông Trung, đây là mắt xích đầu tiên, quan trọng của cả dự án, nếu mắt xích này bị kẹt thì chắc chắn dự án sẽ chậm theo.
3. Một công trình khác cũng có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng với thành phố, được người dân mòn mỏi chờ đợi suốt gần 30 năm, nay đã bước đầu thành hiện thực, đó là đường Việt Bắc. Mặc dù mới hoàn thành giai đoạn đầu với chiều dài khoảng 3km đi qua 2 phường là Đồng Quang và Quang Trung, song tuyến đường này đang được giới chuyên môn đánh giá là một trong những tuyến đường nội thị đẹp nhất của thành phố Thái Nguyên. Đẹp bởi là cung đường thẳng nhất, thoáng nhất với một bên là dân cư đô thị, một bên là đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội chạy dọc tạo không gian khoáng đạt cho cả cung đường. Việc nâng cấp tuyến đường này ngoài tạo vẻ đẹp cần thiết cho đô thị còn góp phần giải quyết tình trạng quá tải giao thông của một số tuyến đường nội thị khác, đồng thời giải được bài toán về hiện đại hóa các khu dân cư trong lòng thành phố. Theo ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên thì đây là một trong 5 hạng mục đầu tư giai đoạn I (2015 - 2016) của Dự án "Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Thái Nguyên” bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Hiện nay, tuyến đường này đã hoàn thành đoạn nối từ khu vực Đại học Nông Lâm, phường Quang Trung đến đoạn nối với Quốc lộ 3 cũ phường Đồng Quang. Tuyến đường có tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng được xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mặt, nước thải, hệ thống hào kỹ thuật, hàng rào chắn đường sắt và đường bộ, hệ thống vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông… theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị.
Trong thời gian tiếp theo, giai đoạn II của dự án (2016 - 2020) sẽ tiếp tục được triển khai, trong đó có hạng mục nâng cấp đoạn còn lại của đường Việt Bắc, dài khoảng 6km.
Như vậy, việc gần như cùng lúc trên địa bàn thành phố Thái Nguyên triển khai hàng loạt các dự án khủng về đô thị, trong đó có những nhà đầu tư tên tuổi như Xuân Trường, Phúc Lộc, Cenco 8 đã tạo tiếng vang cần thiết, gây sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một khi đô thị thành phố rộng mở, khang trang, hiện đại, chắc chắn sẽ là điều kiện tốt cho các hoạt động đầu tư bất động sản, xây dựng hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng... Và điều quan trọng hơn cả là làm thay đổi tư duy chính quyền đô thị, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho cư dân đô thị. Theo ông Lương Minh Tường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Lộc, chỉ riêng Dự án đô thị hai bờ sông Cầu khi được triển khai sẽ chấm dứt gần như vĩnh viễn lũ lụt trên sông Cầu đoạn qua thành phố. Không những thế, còn tạo việc làm cho khoảng 1.200 lao động, nộp ngân sách địa phương khoảng 8.500 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu từ tiền đối ứng sử dụng đất khoảng 12.000 tỷ đồng…
Minh Quân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...