Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
08:26 (GMT +7)

Bức họa giàu tình gắn kết

VNTN - Năm 1931, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ Chơi ô ăn quan có khuôn khổ 63cm x 85cm, là bức tranh lụa đầu tiên của ông. Diễn tả một trò chơi dân gian của trẻ em dân tộc Kinh có tính chất chiến thuật, thường dành cho hai hoặc ba người chơi và có thể sử dụng các vật liệu đa dạng, dễ kiếm. Tác phẩm đã trở thành một trong những mẫu mực của hội họa Việt Nam hiện đại. Trên nền lụa, tác giả diễn tả bốn em bé đang chơi ô ăn quan được chia làm hai nhóm. Bố cục theo lối đăng đối lệch (bên ba nhân vật, bên một nhân vật) tạo cho bức tranh vẻ hấp dẫn, sinh động. Cả ba nhân vật đều hướng mắt nhìn theo bàn tay dải quân của nhân vật thứ tư, tạo cảm giác gắn kết tình cảm. Gam màu nâu, hình họa chắc chắn trên nền nâu sáng tạo hòa sắc nền nã. Hoạ sĩ có sự quan sát tinh tế, khéo tạo ra sự thay đổi sắc độ, chỗ sắc nét, chỗ mềm mại, khiến người xem cảm giác sự cân bằng, uyển chuyển của nhân vật. Cách điểm nhãn tinh xảo làm toát lên nét giản dị, duyên dáng của khuôn mặt các bé gái, phù hợp với trang phục nâu sồng chân quê.

Tranh Nguyễn Phan Chánh thường mảng hình đơn giản, không gian chỉ gợi không tả. Có lẽ ông phần nào chịu ảnh hưởng lối bố cục của tranh dân gian Việt Nam. Những khoảng trống của nền tranh luôn để nhường chỗ cho những chữ tượng hình hay triện son, coi đây như một phần của bố cục bức tranh. Ông vốn là người giỏi chữ Hán - một loại chữ giàu chất thơ họa và mang chỉ dấu của tâm hồn Á Đông. Hầu hết các tranh ông vẽ đều có đề thơ, nó đã góp phần làm bức tranh thêm chặt chẽ, sinh động. Đây cũng là thói quen đặc biệt, rất độc đáo của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh so với các họa sĩ khác. Nhờ nó mà vô hình chung việc sao chép tranh của Nguyễn Phan Chánh đã được hạn chế nhiều. Các bài thơ đề trên tranh, đôi khi là ý tưởng của bức họa, nhưng cũng có khi chỉ là phút tơ lòng của tác giả về một vấn đề mới nảy sinh sau khi hình ảnh chính khá hoàn thiện. Bức Chơi ô ăn quan cũng có một bài thơ chữ Hán, đã được dịch như sau: “Đương ngây thơ chưa quen gì mùi son phấn/ Chỉ biết đua nhau đuổi bướm tranh hoa/ Nhưng lại choán được màu xuân hơn nơi lầu son gác tía/ Mà không học thói làm mây làm mưa trên núi Dương Đài...”.

Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984), quê gốc Thạch Hà, Hà Tĩnh, ông học khóa I (1925 - 1930) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Lê Văn Đệ... (họ đều là những tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam). Thời kỳ đó, trào lưu hâm mộ chất liệu sơn dầu và bút pháp mảng miếng của phương Tây đang cực thịnh, hiếm người có bản lĩnh để thoát khỏi tư tưởng đó. Nhưng Nguyễn Phan Chánh, trong số ít người có khả năng vận dụng thủ pháp tạo hình phương Tây kết hợp khả năng tiết chế cảm xúc phương Đông, tạo phong cách hội họa cho riêng mình. Với phong cách biểu cảm, tranh lụa của ông đã cách tân nền hội họa Việt Nam.Ông đã để lại kho tàng khoảng gần hai trăm tác phẩm hoàn chỉnh, trong đó có đến một phần ba được lưu giữ tại viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Gia Khánh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy