Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
13:56 (GMT +7)

BOT “nóng” từ cuộc sống đến nghị trường

VNTN - Quốc hội khóa 14 đã qua tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ tư. Và từ phiên khai mạc cho đến các cuộc thảo luận tại tổ, tại hội trường tới cả các cuộc phỏng vấn bên lề, BOT đều "nóng".

BOT - tên gọi tắt của các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, vốn đã rất nổi tiếng một thời gian dài trước kỳ họp này của Quốc hội. Khi mà nhiều dự án vấp phải sự phản ứng gay gắt của dân, khi mà mới kiểm toán 22 dự án, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị đã giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỷ đồng. Đồng thời, phát hiện có 06/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng, trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Rồi, toàn quốc có 31/87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm 70 km....

Từ phiên khai mạc kỳ họp thứ tư của Quốc hội, bức xúc của cử tri

về BOT đã được phản ánh.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, báo cáo tập hợp ý kiến cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội nêu rõ, nhân dân bức xúc về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập, khoảng cách đặt trạm thu phí quá dày, mức phí cao, gây bất bình trong nhân dân. Báo cáo cũng điểm danh một số trạm thu phí mà việc quản lý chưa chặt chẽ, gây lãng phí và thất thoát, trong đó có cả trạm Bờ Đậu (Thái Nguyên), cùng các trạm Bến Thủy (Nghệ An), Sông Rác (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang)...

Ngay sau đó, cũng trong phiên khai mạc, báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu quan điểm cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án BOT giao thông. Vì thời gian qua dư luận xã hội bày tỏ sự không hài lòng về một số khâu trong triển khai dự án như chỉ định thầu, các nhà đầu tư chưa bảo đảm năng lực, chất lượng một số công trình kém, mức giá dịch vụ, thời gian thu phí và việc đặt các trạm thu phí BOT chưa hợp lý tại các tuyến quốc lộ.

Sáng hôm sau, những bức xúc từ cuộc sống tại nhiều dự án BOT tiếp tục được đặt lên bàn nghị sự của nhiều tổ đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng nói BOT là kênh huy động nguồn lực xã hội rất quan trọng, các nước cũng làm BOT. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Vượng, điều rất đáng lưu ý cách làm sao cho hiệu quả. Và "quan trọng là ngăn chặn được tình trạng lợi dụng BOT để làm không đúng, tay không bắt giặc".

Cũng liên quan đến BOT, điểm nhấn ngay từ đầu kỳ họp là sau giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về BOT.

Tại đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư hướng dẫn việc thu phí chưa hợp lý.

Cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chịu trách nhiệm về những hạn chế, vi phạm của dự án do địa phương quyết định đầu tư và việc chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong việc lựa chọn dự án, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí, bảo đảm an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng chậm... Các nhà đầu tư chịu trách nhiệm về những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án không đúng quy định của pháp luật.

Cũng tại đây, những ràng buộc pháp lý đã được đưa ra. Đó là, các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ được áp dụng cho các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu.

Với nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn yêu cầu Chính phủ chỉ đạo từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.

Những ràng buộc pháp lý này, theo tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể - một trong hai thành viên Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn chiều 26/10 - là rất quan trọng.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết giai đoạn tới Bộ sẽ tham mưu nâng cấp nghị định thành pháp lệnh và thành luật về PPP (hình thức đối tác công - tư) thì lúc đó thực hiện các dự án BOT giao thông sẽ theo khuôn khổ chặt chẽ hơn. Từng là Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, không xa lạ gì với công việc của ngành này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận: "Tôi nghĩ có làm thì cũng có đúng có sai, tuy nhiên cái tâm của những đồng chí trong ngành là vì lợi ích chung chứ không vì lợi ích nhóm, không vì tư túi. Cá nhân nào có vấn đề thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý, còn vì cái chung nếu không làm BOT thì không thể tạo đột phá về hạ tầng. BOT là chủ trương đúng, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện chặt chẽ hơn, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp".

Nhận nhiệm vụ với thời gian mới được tính bằng phút, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đối diện ngay với những "chất vấn" về BOT từ báo chí, điều đó đủ nói lên sức "nóng" của vấn đề. Điều đó cũng lý giải vì sao khi được hỏi về kỳ vọng với hai thành viên Chính phủ mới, trong đó có người đứng đầu ngành Giao thông, các vị đại biểu Quốc hội đều gửi gắm hy vọng "người mới" sẽ có những quyết sách đủ mạnh để giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến BOT, đáp ứng yêu cầu của nhân dân

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy