Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
17:49 (GMT +7)

BOT, độc quyền và chiến tranh bạc cắc

VNTN - Suốt nhiều ngày qua, rất đông xe khách, xe tải khi lưu thông qua Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang, tài xế đã cố tình sử dụng tiền lẻ có mệnh giá rất nhỏ để trả tiền phí. Việc kiểm đếm mất quá nhiều thời gian, khiến giao thông qua trạm liên tục bị ùn ứ nghiêm trọng và kéo dài. Tình hình có thể bị biến tướng nghiêm trọng thành một “cuộc chiến bạc cắc” gây mất an ninh trật tự, làm tê liệt giao thông khu vực.  Hệ lụy của nó có thể phá vỡ một hình thức hợp đồng kinh tế quan trọng của đất nước trong giai đoạn phát triển.

1. Bạc cắc là cách nói của người miền Nam (kể luôn cả người Cai Lậy, Tiền Giang) để chỉ tiền lẻ, số tiền nhỏ, không đáng kể nhưng vẫn có giá trị lưu thông hợp pháp. “Chiến tranh bạc cắc”, “cuộc chiến bạc cắc” có nguồn gốc sâu xa từ nửa sau thế kỷ XIX, khi đồng bạc bị cắt nhỏ nhằm trả lại tiền thừa khi không có đơn vị tiền nhỏ hơn đang được lưu thông.

Vào thời các Chúa Nguyễn, giao thương giữa xứ Đàng Trong với phương Tây đã diễn ra khá nhộn nhịp. Thương nhân Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã lần lượt giới thiệu và tìm cách lưu hành đồng tiền của họ vào Việt Nam. Vì các loại tiền này đều được đúc bằng bạc nguyên chất, trùng với bản vị tiền Việt (ngân bản vị) nên hầu như chúng đều được người Đàng Trong chấp nhận không mấy khó khăn.

Tuy nhiên, đồng bạc phương Tây chỉ chủ yếu được dùng trong thanh toán buôn bán lớn. Trong đời sống hàng ngày, người dân vẫn dùng tiền đồng, tiền kẽm bản xứ, có giá trị rất nhỏ. Theo nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Anh Huy, một nhà sưu tầm tiền cổ, thì từ năm Cảnh Hưng thứ 2 (năm1741), chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban bố một đạo dụ quy định 1 đồng bạc Pháp tròn có tỉ lệ ăn 1,3 quan (780 đồng kẽm) và 1 đồng bạc vuông Mexico ăn 1 quan 2 tiền 48 đồng (768 đồng kẽm).

Qua sàng lọc thanh toán tự nhiên, đồng bạc Mexicana được sử dụng phổ biến hơn cả. Đây không phải là đồng tiền riêng của bất kỳ nước nào, nhưng do trọng lượng chuẩn, mỗi đồng nặng 0,72 lạng bạc, hàm lượng tinh chất bạc bảo đảm nên nó được chấp nhận ở hầu như tất cả các hải khẩu có quan hệ giao thương quốc tế nhộn nhịp, từ Trung Hoa, Hồng Công, Singapore, Xiêm La đến Đàng Trong. Đồng bạc Mexicana còn được xem như một thứ đơn vị để tính toán.

Theo ghi nhận và mô tả của nhà sưu tầm nghiên cứu tiền cổ Nguyễn Anh Huy, đồng Mexicana phổ biến một có in nổi hình con ó biển. Người miền Nam nôm na gọi biến nó thành... con cò và cho ra đời tên gọi “đồng bạc con cò”! Người miền Bắc lại có vẻ chú ý nhiều hơn đến hình đốm lửa như cánh hoa nở bung ở mặt thứ hai của đồng tiền để gọi nó là “đồng bạc trắng hoa xòe”. Đối với người Việt bình dân, sở hữu chỉ dăm ba đồng con cò, hoặc đồng bạc trắng hoa xòe coi như đã là có cả một gia tài.

Sau khi hạ thành Gia Định, ngày 10/4/1862, Tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha, Thiếu tướng Bonard đã ký quyết định cho phép hợp pháp hóa việc lưu hành đồng Mexicana trong những vùng lãnh thổ mà Pháp đã chiếm. Khái niệm “đồng bạc”, “tiền bạc” bắt đầu phổ biến trong giai đoạn này, bên cạnh quan, tiền và tiền đồng, tức loại tiền “thông bảo” bản địa đã phổ biến và thông dụng từ trước đó.

Trong chi dùng hàng ngày, dùng tiền đồng, tiền kẽm bản xứ, mệnh giá rất thấp, đối với người Pháp là quá bất tiện. Mỗi đồng Mexicana đổi được 780 đồng tiền kẽm, tính ra nặng hàng kilôgam. Mỗi lần đi chợ mua thức ăn cho lính, nếu sử dụng tiền kẽm, người Pháp ớ xứ Đàng Trong phải chở theo cả xe bò tiền! Đồng bạc Mexicana có giá trị lớn càng trở nên được yêu thích, vì sự tiện dụng.

Nguy cơ cũng chính từ đó mà nảy sinh. Chiếm xong Nam Kỳ, Pháp đã ban hành nhiều đạo luật nhằm kiểm soát chặt làn sóng nhập cư và sự thao túng thương nghiệp của người Hoa. Xem đây là một sự độc quyền, người Hoa ở Chợ Lớn nảy ra “sáng kiến” đục chính giữa đồng bạc con cò một cái lỗ tròn (để dễ luồn dây vào xâu như tiền phương Đông) để trả đũa. Việc này khiến trọng lượng bạc của đồng Mexicana bị hao hụt, khiến nó bị mất giá.

Nhằm phản ứng, tại khu vực Chợ Lớn, người Hoa chỉ chấp nhận tiền đã đục lỗ, cương quyết không bán hàng cho người Pháp, nếu trả bằng tiền còn nguyên chưa đục. Nền thương mại bản địa nằm trọn trong tay người Hoa nên bất đắc dĩ, người Pháp phải sang tận Hồng Công mua - với giá rất đắt - tiền đã đục lỗ (gọi là chop dollar - tiền dấu) để về cung cấp cho việc giao dịch, mua bán hậu cần của lính đồn trú vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Các khách hàng nơi khác, ngoại trừ Hồng Công và Sài Gòn, chỉ nhận tiền nguyên không bị đục lỗ (gọi là clean dollar - tiền sạch). Để giao thương, người Pháp lại phải sang Hồng Công mua tiền sạch với giá cao hơn 50%! Hễ thu được đồng tiền sạch nào thương nhân người Hoa lại cho nó biến mất ngay đồng ấy và gửi chúng về Hồng Công để chờ bán lại cho người Pháp, khiến giá trị của đồng bạc sạch cứ thế bị đội lên mãi.

“Chiến tranh bạc cắc” diễn ra sau, cũng  do chính người Pháp khơi mào trước. Mệnh giá của đồng Mexicana quá lớn nên rất khó khăn cho việc giao dịch cá nhân nhỏ lẻ. Người Pháp nảy ra sáng kiến cắt đồng bạc thành 4 phần bằng nhau. Khi mua bán, nó chỉ có giá trị 25 xu, nhưng khi quy đổi thì đồng góc tư hay đồng nguyên vẹn cũng phải được xem là 1 đồng.

Người Hoa phản đòn, “chơi” thêm cú nữa, không cắt 4 mà cắt 5 đồng bạc để dùng trong vùng Sài Gòn. Vậy là trong giao dịch dân sự, vô tình người Pháp đã phải trả 1 quan tiền cho một món hàng chỉ 20 xu nhưng vẫn phải cắn răng mà chịu. Cũng từ đây khái niệm “bạc cắc” hay “cắc bạc”, có lẽ đọc chệch từ chữ “bạc (bị) cắt” ra đời để chỉ... tiền lẻ, tiền có mệnh giá nhỏ!

Ngày 23/6/1863, thủy sư Đô đốc La Grandiere, Thống đốc Nam Kỳ phải ra sắc lệnh thừa nhận: “Việc làm này (đục lỗ và cắt nhỏ tiền) gây nhiều khó khăn cho nền thương mại ở Sài Gòn, làm thương tổn một cách nghiêm trọng đến ngân quỹ”. Viên Thống đốc cũng thừa nhận “đồng bạc có đánh dấu bao giờ cũng kém giá trị hơn đồng bạc không đánh dấu”.

Để chống lại năm 1864, người Pháp đã cho đưa sang lưu hành tại Nam Kỳ một lượng lớn các loại tiền 5 frăng, 1 frăng và cả đồng tiền centime mệnh giá nhỏ. Người Hoa rất sẵn lòng nhận tiền frăng, nhưng thu được đồng nào, họ giấu ngay đồng ấy, sau đó tuồn chúng về Hồng Công …nấu chảy để lấy bạc.

Chẳng bao lâu, lượng tiền mang từ Pháp sang đã bốc hơi sạch sẽ, chẳng còn lại đồng nào. Người Pháp tiếp tục phải quay lại với vòng quay điên đảo của chop dollar - cleandollar và tiếp tục chịu thiệt hại.

Năm 1879, 5 năm sau khi áp đạt được ách đô hộ lên toàn cõi Việt Nam, Ngân hàng Đông Dương đã cho đúc loại tiền Piastre de Commerce  Cochinchine FranCaise (Nam Kỳ thuộc Pháp) theo ngân bản vị, có hình bà đầm, biểu tượng của nền cộng hòa Pháp, thường gọi là “bạc đầm xòe” thay thế và loại trừ việc lưu hành đồng bạc Mexiacana. Đến lúc đó người Pháp mới chấm dứt được nạn đầu cơ tiền, chấm dứt cuộc “chiến tranh bạc cắc”.

2. Nhìn thô sơ, phương thức BOT (Build - Operate  Transfer, tức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) là kiểu đầu tư kinh doanh bỏ tiền chẵn lấy rất nhiều tiền lẻ. Đây là một hình thức hợp đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở giữa nhà nước với một đơn vị kinh tế nào đó. Nhà đầu tư bỏ ra một nguồn vốn lớn để thực hiện công trình, sau đó thu hồi lại (cả vốn lẫn lãi) từ từ, từng ngày từng giờ một bằng cách thu những khoản tiền nhỏ lẻ từ người dân sử dụng công trình hạ tầng chi trả. Điều bình thường này đã trở nên hết sức bất thường và đáng lo ngại.

Nguyên nhân: trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt ngay trên quốc lộ 1, huyết mạch giao thông từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây, thay vì đặt ở khu vực đường tránh mới đầu tư xây dựng và khai thác. Đoạn đường tránh này dài 12 km. Khi thi công nó, chủ đầu tư cũng đã đồng thời bỏ ra thêm một khoản 300 tỷ chỉ để tráng lại mặt đường cho 26,5 km quốc lộ 1, tuyến lưu thông vốn có.

Về nguyên tắc, BOT phải là công trình hoàn toàn làm mới, không được đầu tư trên cơ sở hạ tầng giao thông vốn có. Đoạn 26,5 km quốc lộ 1 là đường vốn có, người dân sử dụng nó đã đóng phí duy tu bảo dưỡng, phí đường bộ theo quy định nên có quyền sử dụng nó mà không phải chịu thêm bất kỳ một loại phí nào khác. Việc sửa chữa, nâng cấp nó, nhà nước chịu trách nhiệm, không thể được tính gộp vào BOT. Việc đặt Trạm thu phí BOT trên quốc lộ là bất hợp lý. Phần đường BOT 12 km được đầu tư để cho người dân có thêm lựa chọn, không thể đưa ra như lý do để buộc người dân đi đường cũ hay đi đường mới đều phải trả tiền cho nhà đầu tư, tạo ra một sự độc quyền, sai luật. Trạm thu phí BOT do đó chỉ có thể hợp lý khi được đặt trên đoạn đường tránh. Chỉ những ai chọn lựa sử dụng đoạn đường tránh mới phải trả phí. Đặt trạm trên quốc lộ 1, người dân bị móc túi, chiếm đoạt thêm một khoản phí không hợp lý, trong khi họ không sử dụng BOT.

Như vậy, “cuộc chiến tiền lẻ” đang xảy ra, người khơi mào không phải là người dân. Nó là một hình thức phản đối, phản ứng, làm khó… khi người dân bí bách do bị cơ chế độc quyền o ép. Người gây ra chính là nhà đầu tư BOT Cai Lậy.

Không thể đổ lỗi cho việc người dân phản ứng bằng tiền lẻ là phá hoại hay gây mất an ninh trật tự. Ngay cả việc cho tiền vào chai nhựa hay bịch nylon cũng không trái pháp luật, bởi đây là giao dịch dân sự, không thể áp dụng chế tài hình sự để can thiệp.

Do tài xế liên tục dùng tiền lẻ mua vé qua trạm đã khiến cho BOT Cai Lậy bị ùn tắc xe kéo dài

Sự kiện  Trạm thu phí Cai Lậy đã chỉ ra dấu hiệu một hình thức đầu tư kinh tế đang bị lợi ích nhóm tha hóa, tạo ra cơ chế độc quyền lũng đoạn, móc túi và làm khó dân để nhà đầu tư hưởng lợi. Không thể lấy lý do giúp nhà đầu tư thu hồi vốn để tiếp tục đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1, buộc người dân phải mất tiền cho cái mà họ không sử dụng. Hợp lý nhất là loại phần chi phí nâng cấp sửa chữa 26,5 km ra khỏi BOT, dời trạm thu phí BOT về phần đường tránh 12 km. Khoản 300 tỷ, nhà nước nên tính toán, cân đối và sử dụng ngân sách hoàn trả, giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư khi đưa sự việc trở lại sự đúng đắn, hợp lý và hợp luật.

Dùng quyền lực nhà nước can thiệp để bảo đảm việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư sẽ là tiền đề đẻ ra cái gọi là lợi ích nhóm, tư bản thân hữu, phá hoại đất nước. Đây là điều Đảng, Nhà nước ta phủ nhận và luôn cương quyết chống lại. Nên nhớ, nếu việc di dời BOT vào đường tránh có khiến việc thu hồi vốn của nhà đầu tư gặp khó thì đó cũng chính họ phải chịu trách nhiệm. Nhà đầu tư phải tính toán kỹ khả năng này trước khi tham gia BOT. Đã là kinh doanh đầu tư minh bạch thì lời ăn lỗ chịu, không thể trông chờ hay tác động để có sự can thiệp nhà nước, đẩy thiệt hại về phía nhân dân.

Nguyễn Hồng Lam

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy