Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
11:58 (GMT +7)

Bông hồng ướp băng

Sapa mê hoặc du khách bởi nhiều lẽ. Một phần do được coi là xứ sở của hoa, đặc biệt là loài hồng. Những cụm hồng cổ Sapa có khóm được chào bán cả trăm triệu đồng. Khí hậu thuận hòa dung dưỡng cho chúng phát triển rất ổn định. Một số loại bệnh mà dưới xuôi hay gặp như nấm, nhện đỏ,… ít có điều kiện tung tác, gây hại. Khách du lịch và các nhà nhiếp ảnh bởi thế khi chán với màu vàng hoa cải, thì xuân đến đã có hoa đào, hoa lê và đặc biệt hàng trăm loài hồng quanh năm thay nhau toả sắc để người ta thoả mãn ngắm, rồi đắm mình mộng du trong mùi hương hoa hồng mà mê mải chụp hình. Và không chỉ khi trời đất thuận hoà, những lúc khắc nghiệt nhất, cũng vẫn có thứ khiến cho Sapa trở nên đầy mê hoặc, quyến rũ.

Sáng nay người viết bài này gặp may, khi lướt Facebook chợt thấy bức ảnh của bạn Nguyễn Anh Tuấn, một người mê nhiếp ảnh, đó là một bông hồng ướp ủ trong băng giá. Anh thật khéo, khi chọn một bông hồng trong cả vườn hồng. Cái giọt nước đang nhỏ xuống được ngưng tụ; đóng băng, mới đắt giá làm sao? Giọt băng nước dẫn lối người ta phải nhớ về tích truyện cổ Grimm. Truyện kể về một nàng công chúa vì phạm một lời nguyền, mà đã khiến cả vương quốc đang tưng bừng hoạt động chợt dừng lại và chìm vào giấc ngủ dài đằng đẵng suốt một trăm năm. Nhớ đến loài hồng gai trên đồng nội từng giam hãm người đẹp mà sau đó được mang tên Vergissmeinnicht (tiếng Đức cổ: Xin đừng quên tôi). Bông hồng của Nguyễn Anh Tuấn nặng trĩu rủ xuống, băng giá tinh khiết khiến ta có thể nhìn thấu vào trong, thấy được cả đường vân của những cánh hoa và sắc đỏ của viền mép cánh lọc qua lớp băng mỏng lại chói gắt, tươi đỏ như giọt máu rỉ ra từ tay cô công chúa bị con quay sợi đâm vào…

Bông hồng nhỏ bé trong băng giá, được con mắt tinh tường của người nghệ sĩ phát hiện ra và ghi lại, đã có thể coi như mốc khởi mở cho sự tồn tại vĩnh hằng của một vẻ đẹp tự nhiên. Nó giản dị rủ xuống tựa bóng đèn cũ đốt bằng sợi vonfram tỏa sáng mờ đỏ gắn bên ngoài bức tường đá của ngôi nhà thờ cổ. Nó như nhập nhòe ẩn hiện trong vạt khăn vấn đầu những cô gái vội vã bên mép ruộng bậc thang. Nó nằm ẩn mình dưới bóng ngọn Phan Xi Păng trùm xuống.

Nguyễn Anh Tuấn chụp bông hồng ở thời khắc hiếm hoi, từ một góc nhìn hẹp, nhưng anh đã gửi gắm vào đó cả triết lý sống: Dù cuộc đời có bĩ cực, khó khăn; dù tạo hóa có thật nghiệt ngã, dập vùi - thì đâu đó vẫn còn long lanh vẻ đẹp để ta hy vọng, yêu mến và theo đuổi.

Ai đó bảo cúi đầu là hèn mạt, thì chắc rằng người đó khó sống lành lặn qua tuổi thiếu niên. Cây măng mọc thẳng, nhưng khi trưởng thành nó không ngả ngọn về phía tây, thì cũng sẽ phải nghiêng về một hướng khác. Cây tre thẳng đuỗn thường là tre cộc, thân xốp; giòn nên vô dụng và cả đời nó sẽ không được gió đùa, gió vít ngọn như vẫy mây, vờn nắng. Tấm thân không ngọn thì cũng chẳng còn có thể… đong đưa!

Một thời người ta bảo: con người có thể cải tạo được thiên nhiên, có thể “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Nhưng thời gian đã như là minh chứng để phá đi cái lối suy nghĩ duy ý chí của một thời.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy