Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
09:12 (GMT +7)

Bông hoa thép

Vừa gặp, Hằng đã say sưa kể cho tôi nghe một câu chuyện mà theo Hằng giãi bày, đó chính là lí do khiến cô chọn nghề công an.

… Phiên chợ Đại Từ ngày cuối năm. Người bán con gà, gánh củi, cân chè để lo sắm cho cái tết thêm phần tươm tất.

Đứng ngay gần cổng chợ là một cặp vợ chồng đã luống tuổi và chắc ở xa đến, trên càng xe cải tiến treo lủng lẳng nắm cơm. Trời tháng Chạp khá lạnh mà trên trán hai người lấm tấm mồ hôi. Lúc ấy, không hiểu sao, cô bé Hằng có một điều ước là có ai đó đến mua hết số củi kia cho hai bác. Mong ước ấy thế mà thành sự thật. Chỉ một lát sau, có người đến mua hết. Bác trai vui vẻ cho số tiền vào túi áo đằng trước.

Từ xa có hai thanh niên đi tới, một người bỗng đá vào cái càng xe cải tiến làm nắm cơm văng ra. Hai bác vội lao đến đỡ nắm cơm thì người thanh niên kia áp đến thò tay vào túi áo bác nhanh như chớp móc lấy số tiền vừa bán củi. Với phản xạ tự nhiên Hằng hét lên: “Móc…”… Tiếng “túi” chưa kịp phát ra thì một bàn tay bịt chặt lấy miệng Hằng. Ngước nhìn lên thì ra tên vừa đá vào cái càng xe cải tiến lúc nẫy. Tay hắn bịt chặt miệng Hằng, mắt trợn trừng hăm dọa. Nhưng may sao, một thanh niên ở gần đấy nhìn thấy lao đến tóm lấy tay hắn. Thằng cướp dùng tay còn lại rút con dao nhọn đâm thẳng vào người, buộc anh thanh niên phải buông ra. Hắn vừa định quay đầu bỏ chạy thì bỗng huỵch! Tên cướp ngã sấp. Một chú công an xuất hiện. Bằng một động tác rất nhanh gọn tay tên cướp đã bị bẻ ngược ra sau lưng. Sau khi còng tay tên cướp vào hàng rào chợ, chú công an lấy lại số tiền đưa cho hai vợ chồng bác bán củi. Lúc này cả hai mới như bừng tỉnh, cầm tay chú công an cám ơn rối rít. Bác gái hai hàng nước mắt chảy dài nghẹn ngào nói:

- Cám ơn… cám ơn chú công an! Không có chú thì hôm nay vợ chồng tôi chẳng còn biết xoay sở thế nào. Con gái tôi bị bệnh máu trắng đang nằm viện. Cố bán xe củi thêm thắt vào để truyền máu cho cháu, may ra cháu được về ăn Tết cùng gia đình.

Được chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc, được nghe những lời cám ơn chân tình và ánh mắt vô cùng ấm áp của vợ chồng bác bán củi cùng bao ánh mắt thán phục của mọi người ở chợ, Hằng thấy chú công an bỗng to lớn sừng sững trước tên trộm dúm dó bẩn thỉu…

- Sau sự việc xảy ra hôm ấy, cháu quyết định nộp hồ sơ thi vào trường trung cấp an ninh 1 ở Sóc Sơn Hà Nội, mặc dù trước đó cháu chỉ mê môn Văn. Tháng 8 năm 2002 ra trường cháu được điều về công an huyện Đại Từ nhận nhiệm vụ tại Đội Cảnh sát điều tra Tội phạm ma túy.

Hằng hướng mặt ra cửa sổ như để đón những làn hương bưởi từ ngoài bay vào, cô tiếp:

- Cháu thích mùi hoa bưởi từ ngày còn bé. Mà hoa bưởi còn là một kỷ niệm trong đời công tác của cháu nữa đấy.

Nhoẻn cười, Hằng lại hồn nhiên: Hồi đó cháu mới ra trường. Đội Điều tra Tội phạm ma túy lúc ấy do chú Đáng làm đội trưởng. Lần ấy chú Đáng dẫn mấy anh em chúng cháu đi theo dõi một vụ nghi tổ chức sử dụng ma túy. Cháu được phân công mai phục một hướng. Hướng ấy lại đúng vào vườn bưởi đang mùa nở hoa. Ngồi phục mà cứ ngây ngất với mùi hương. Dưới ánh trăng mờ mờ cháu tìm những chùm đang hé nở hái đầy hai túi quần. Quá nửa đêm thì rút quân, về đến phòng vừa ngồi xuống ghế bỗng chú Đáng đứng bật dậy nhìn một lượt rồi chỉ vào hai túi quần cháu quát:

- Cái gì đây?

Cháu giật bắn mình lắp bắp:

- Ho…a…hoa…bưởi ạ!

Thế là một trận lôi đình trút xuống. Cô đi phục tội phạm hay cô đi hẹn hò? Cô có biết chỉ một phút lơ là mất cảnh giác là làm hại đến bản thân mình và đồng đội không?... Hồn phách cháu bay hết lên mây chú ạ. Sợ không tả nổi.

Tôi bật cười, hỏi:

- Sau lần ăn mắng ấy còn bị thêm lần nào nữa không?

- Mắng thì không nhưng nhắc nhở dạy bảo thì nhiều lắm ạ! Chú Đáng là đồng đội, là người chú và là người thầy của cháu. Lúc về nhận nhiệm vụ ở đội, cháu là cô bé mới hơn hai mươi tuổi. Ngoài tình đồng chí đồng đội, anh em chú cháu còn gắn bó với nhau như một gia đình.

Hằng bồi hồi kể tiếp:

- Cháu nhớ một lần được phân công theo dõi một đối tượng nghiện ma túy. Khi đến gặp đối tượng thì bà mẹ không hợp tác mà còn có biểu hiện chống đối. Cháu vẫn kiên trì khuyên bảo vì đối tượng ấy trước là một thanh niên không hề hư hỏng. Nhưng rồi qua rất nhiều lần phân tích nhưng chưa có kết quả. Mấy chiến sĩ trẻ đi cùng cháu bảo: Sao chị phải vất vả thế. Cứ lập hồ sơ bắt béng nó là xong. Cháu bảo bắt thì dễ nhưng làm cho người ta hiểu ra vấn đề, tự nguyện từ bỏ thì mới cai được.

Vậy mà sau nhiều lần giúp đỡ khuyên bảo nhưng vẫn không thu được kết quả, cậu ta không những không cai được mà còn mắc thêm tội buôn bán ma túy nên cuối cùng đành phải hoàn thành hồ sơ và bắt tạm giam. Lúc bắt cậu ta, bà mẹ chống đối quyết liệt, lăn xả vào công an và còn dọa sẽ trả thù nếu mang con bà ấy đi. Cũng là một người mẹ, cháu hiểu tấm lòng người mẹ thế nào, nhưng tình thương ấy đã đặt nhầm chỗ. Trong khi tạm giam, cháu vẫn tiếp tục thuyết phục và có một điều mà ngay lúc ấy cháu không sao hiểu được vì sau đó ít lâu cậu ta tỏ ra rất ăn năn hối hận, buồn bã nói với cháu: Chị ơi! Với em bây giờ mọi thứ đã quá muộn rồi. Em biết em không thể cai được, những ngày trước chị đã vất vả vì em, em xin lỗi chị. Bây giờ em chỉ thương mẹ em thôi. Em nhờ chị thỉnh thoảng sang động viên bà giúp em. Chiều hôm ấy cậu ta xin được gặp mẹ. Sáng hôm sau mọi người bàng hoàng: cậu ấy đã tự tử chết.

Sau cái chết của cậu ta, anh em rất lo bà mẹ sẽ có hành động trả thù cháu.

Hằng ngước nhìn qua khung cửa sổ với ánh mắt buồn bã, nói:

- Cháu lặng lẽ chờ đợi. Thế rồi sáng hôm ấy đang ngồi trong phòng làm việc thì một cậu chiến sĩ trẻ chạy vào, báo:

- Chị….Chị….ơi… bà ta đến rồi. Chị có cần mấy đứa em bắt bà ta luôn không?

- Sao lại bắt? Đây là việc của chị.

Bà cụ xiêu vẹo bước vào, đôi mắt trũng sâu, buồn u uất, khác hẳn với sự lồng lộn ngày trước. Bà ngồi lặng một lúc lâu mới ngẩng lên nghẹn ngào:

- Hôm nay cô đến để xin lỗi cháu vì trước đây đã làm nhiều điều không phải.

Hằng sửng sốt không tin vào tai mình, nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay bà:

- Không sao đâu cô, cháu cũng là người mẹ cháu hiểu.

Bà khẽ gật rồi nói tiếp bằng một giọng u buồn:

- Chiều hôm cô nói chuyện với em, nó nhắc nhiều đến cháu. Nó xin lỗi và cảm ơn cháu những ngày đã vất vả vì nó. Lúc cô về nó nắm chặt tay nói: Mẹ ơi con làm mẹ khổ nhiều rồi, giờ con hứa sẽ không làm mẹ khổ nữa. Mẹ hứa với con là phải sống khỏe và vui vẻ. Nghe nó nói cô mừng lắm. Ai ngờ đấy lại là những lời trăng trối. Lặng đi hồi lâu bà bỗng ngẩng lên: Nó nhận ra điều hay lẽ phải nhưng đã quá muộn. Nhưng dù sao những suy nghĩ tốt đẹp của nó lúc ra đi ấy đã làm cô thấy được an ủi và yên lòng. Vậy là cô có thể sống thanh thản lúc cuối đời.

Hằng quay sang tôi:

- Đó là một kí ức không bao giờ có thể phai mờ của cháu chú ạ. Sau buổi gặp mặt ấy cháu không sao quên được cái bóng gầy tiều tụy cùng ánh mắt u buồn nhưng đã tan đi nỗi tuyệt vọng của bà. Người cháu cứ bừng lên sự uất ức, nghẹn ngào khi nghĩ đến bọn buôn bán ma túy, kẻ đã gieo rắc cái chết. Với bọn này cháu không bao giờ nương tay. Hằng nói với tôi trong nỗi uất hận.

Đợi cho cảm xúc lắng xuống tôi hỏi:

- Ngày làm trong đội cảnh sát điều tra tội phạm ma túy cháu có hay phải xuống xã không?

- Cháu đi liên tục xuống các xã. Buồn cười nhất là cái ngày trinh sát ở xóm 4 xã Hà Thượng. Xóm này phức tạp lắm. Cháu với anh Cường Trưởng công an xã lăn lộn suốt. Anh em đi với nhau nhiều, anh ấy bảo: Đi với cô nhiều thế này họ lại đồn linh tinh đến tai vợ anh mệt đấy. Cháu bảo: Nếu vợ anh có hỏi thì anh bảo: Ôi! Mấy đứa con gái điều tra ma túy thành đàn ông hết rồi, lo gì.

Sau mấy năm làm bên ma túy cháu lại chuyển sang cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế. Làm ở đâu cũng có cái hay và cái khó chú ạ. Cái trận bắt mấy đối tượng buôn pháo nổ ở chợ Cù Vân, chúng cháu nắm được các đối tượng rồi nhưng chưa biết chúng giấu pháo ở đâu. Anh em bàn nhau để cháu đóng giả người mua pháo. Khi đến hỏi muốn mua pháo với khối lượng lớn chúng nó có vẻ nghi ngờ, nhưng cháu diễn một hồi, chúng tin sái cổ. Chúng thì thầm với nhau rồi quay ra bảo đi theo chúng. Tưởng ra đâu đó góc chợ ai ngờ chúng đưa cháu vào một cái ngõ rất sâu đằng sau chợ. Bọn nó có bốn thằng mà cháu có một mình. Vì sự việc xảy ra ngoài dự đoán nên anh em không theo kịp. Đi thêm một quãng nữa chúng để lại một thằng đứng đợi cùng cháu. Ba thằng kia đi vào một cái nhà gần đó vác ra ba bao hàng. Chúng bảo xem hàng đi rồi thanh toán. Cháu vừa giả xem hàng vừa nghĩ cách dụ được chúng ra ngoài để đồng đội hỗ trợ. Xem xong, cháu ngẩng lên ra vẻ yếu liễu đào tơ: Em chân yếu tay mềm vác làm sao được ba bao hàng. Hơn nữa đây là địa phận của các anh nhỡ có bọn nào nó xì đểu thì chết em à. Các anh mang ra chợ cho em em thanh toán tiền. Chuyến này ngon, anh em mình còn làm ăn dài dài mà. Đúng là giọng con buôn. Nghe lọt tai bốn tên vác hàng đi theo cháu. Ra đến chợ thì anh em ập đến bắt gọn cả bọn cùng tang vật. Bị còng tay rồi mà cả bốn thằng vẫn ngơ ngác. Cháu vỗ vỗ vào vai một tên bảo: Chuyến này làm ăn không ngon rồi. Cả bốn cụp mặt.

Hằng cười nói với tôi:

- Cảnh sát điều tra nó thế đấy chú ạ! Không liều thì sao có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Hai chú cháu tôi đang cười vui vẻ thì phía ngoài có người tìm gặp Hằng. Thượng úy Ninh Văn Nghiêm bước vào ngại ngùng nhìn tôi:

- Khổ thế đấy chú ạ! Nhiều bà con đến làm việc với công an cứ đòi gặp đích danh đồng chí Hằng. Xin phép chú để đồng chí Hằng ra làm việc một lát.

Nghiêm nán lại tiếp tôi, tâm sự:

- Chú ạ, ngành chúng cháu phải có được sự tin tưởng của quần chúng nhân dân thì mọi việc mới dễ dàng thuận lợi. Công an xã chúng cháu có năm anh em. Chị Hằng lớn tuổi nhất, chị rất nhiệt tình trong công việc, luôn vui vẻ dìu dắt các đồng chí trẻ không chỉ là nghiệp vụ mà cả về cách sống, cách giao tiếp với dân. Nhiều cặp vợ chồng trẻ cơm không lành canh chẳng ngọt, chồng ham rượu chè cờ bạc cũng đến nhờ chị Hằng khuyên bảo, cứ như chị ấy là trưởng ban hòa giải của Hội Phụ nữ ấy. Rồi gia đình có con vướng vào nghiện hút, thường thì tránh xa công an, đằng này cũng đến nhờ chị Hằng. Làm công an cơ sở là vậy đấy chú ạ. Có khi vợ đẻ khó cũng cầu cứu đến công an xã.

Tôi và Nghiêm đang vui vẻ thì Hằng quay lại.

Nghiêm vội đứng dậy:

- Thôi, nhường nhân vật chính, chị Hằng làm việc tiếp với chú.

Hằng khẽ thở dài:

- Nghĩ cũng tội chú ạ! Bà vừa nãy gặp cháu có mỗi đứa con gái hiền lành nhưng lấy phải thằng chồng rượu chè cờ bạc lại còn đánh vợ. Cô ấy muốn cháu đến khuyên giải. Thôi, chú cháu mình nói tiếp.

Tôi vội hỏi:

- Cháu nhiệt tình công tác và lập nhiều thành tích như thế chắc được khen thưởng nhiều lắm?

- Vâng! Nhưng với cháu phần thưởng lớn nhất chính là có được sự tin tưởng và yêu mến của nhân dân. Nhiều lúc nghĩ thấy buồn vì công an chúng cháu hay bị nhiều người ghét lắm.

- Cháu nghĩ thế là không đúng. Phần lớn người dân yêu mến công an. Họ thấu hiểu sự gian lao vất vả và nguy hiểm của các chiến sĩ, tuy nhiên cũng có những cá nhân đã tự bôi bẩn lên chính quân phục của mình làm ảnh hưởng đến hình ảnh người công an nói chung.

- Cháu cám ơn chú!

Tôi cười hỏi Hằng:

- Là một nữ công an cháu có gặp khó khăn gì trong công việc và sinh hoạt không?

- Nói không thì không đúng nhưng phải vượt qua thôi chú ạ! Cháu lúc nào cũng nhớ lời mẹ dặn: Là công an nhưng con không bao giờ được quên mình là một người mẹ, người vợ, đừng đánh mất sự dịu dàng mềm mại của người con gái. Một lần cách đây không lâu bất ngờ gặp một đối tượng đang bán ma túy, phát hiện thấy cháu nó ném vội tép ma túy xuống đất nhưng chưa kịp chạy, cháu vội ném xe máy nhảy đến bẻ ngược tay nó ra sau, dí người xuống đất bắt tự nhặt tép ma túy lên rồi còng tay. Sự việc xảy ra nhiều người chứng kiến. Chiều đi làm về, vừa đến chỗ ban sáng bắt đối tượng cháu bỗng nghe tiếng gọi:

- Hằng... Hằng ơi! Hằng ơi!

Có một chú từ trong nhà chạy ra, tay cầm quả bưởi nhìn cháu cười bảo:

- Cầm quả bưởi về cho đám trẻ. Gớm, sáng nay chú không nghĩ mày là con gái. Biết là chú ấy khen, nhưng cháu thấy thoảng buồn. Hôm ấy về nhà, tắm giặt xong cháu chọn bộ váy đẹp nhất, mát nhất rồi đứng trước gương xoay bên này xoay bên kia ngắm mình trong gương xem mình có còn là con gái không? Chú thấy cháu có buồn cười không?

Nghe Hằng thổ lộ một cách chân thành và hồn nhiên, tôi thấy vui vui. Thì ra dù có quyết liệt đến bao nhiêu vì nghề nghiệp nhưng chừng như thẳm sâu trong tâm hồn mỗi nữ chiến sĩ công an đều khát khao một vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại nữ tính mà tạo hóa đã ban cho họ. Tôi vội nói:

- Cháu đừng băn khoăn về chuyện đó. Tất cả những việc cháu làm đều là vì sự bình an cho xã hội. Pháp luật cũng có vẻ đẹp của nó chứ, cũng như các nữ công an các cháu cũng có những vẻ đẹp riêng. Chú nghĩ, cháu là một bông hoa thép.

Hằng cười rất tươi:

- Chú đúng là nhà văn. Bông hoa thép! Có thể cháu chưa xứng đáng với danh hiệu ấy, nhưng đó chính là mục tiêu mà các nữ chiến sĩ công an chúng cháu phải phấn đấu đấy ạ.

Hằng tiễn tôi đến tận cổng ủy ban xã.

Mùi hương hoa bưởi hình như vẫn theo tôi suốt dọc đường dài.

Ký. Đào Nguyên Hải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy